Biển Đông : Tàu sân bay Mỹ phô trương uy lực trên đường đến Manila (RFI, 11/04/2018)
Theo kế hoạch dự trù, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt cùng hải đội tác chiến hộ tống đã tiến vào Biển Đông và đang trên đường đi đến cảng Manila tại Philippines vào hôm nay, 11/04/2018. Điểm đáng chú ý là đội chiến hạm Mỹ tiến vào Biển Đông đúng vào lúc Hải Quân Trung Quốc cũng có mặt đông đảo trong khu vực tham gia một cuộc tập trận rầm rộ.
Tiêm kích Mỹ luyện tập cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hiện diện tại Biển Đông, ngày 10/04/2018 Reuters
Theo các nhà báo được mời đi theo tàu sân bay, lực lượng Mỹ vẫn diễn tập bình thường như để phô trương uy lực, bất chấp sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đấy.
Trong một bản tin đánh đi vào hôm nay, hãng tin Anh Reuters đã ghi nhận một hình ảnh diễn tập bình thường trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt, với khoảng 20 chiến đấu cơ F-18 nối tiếp nhau cất cánh và hạ cánh trên tàu theo nhịp độ 20 phút một chiếc. Reuters không ngần ngại xem đây là một động thái phô trương uy lực quân sự cực kỳ chuẩn xác và hiệu quả.
Hãng tin Mỹ AP cũng ghi nhận "động thái phô trương sức mạnh quân sự mới nhất của Mỹ" trên Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh xây dựng xong một chuỗi đảo nhân tạo, bên trên có các cơ sở quân sự để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong vùng. AP nêu bật lực lượng hùng hậu trên tàu sân bay hạt nhân Theodore Roosevelt, với 65 chiến đấu cơ siêu âm F18, máy bay trinh sát và trực thăng.
Và như để quảng bá uy lực hùng hậu của mình, Hải Quân Hoa Kỳ đã mời một nhóm tướng lãnh và quan chức Philippines đi theo tàu cùng với một số nhà báo.
Sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đoàn tàu Mỹ đã được chuẩn đô đốc Steve Koehler, hạm trưởng chiếc Theodore Roosevelt, xác nhận : "Chúng tôi đã thấy tàu Trung Quốc ở xung quanh chúng tôi… Họ là một trong những nước có tàu chiến hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, chúng tôi không ghi nhận điều gì bất thường, tất cả các tàu (Trung Quốc) mà chúng tôi gặp mặt đều hành xử rất chuyên nghiệp».
Hải đội tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông vài ngày sau khi Trung Quốc tiến hành một cuộc diễn tập không quân và hải quân có quy mô rầm rộ khác thường, được giới quan sát cho là nhằm mục tiêu phô trương uy lực ngày càng lớn của Hải Quân.
Theo chuẩn đô đốc Koehler, việc hải đội tác chiến Mỹ đi qua Biển Đông lần này không có gì mới, hoàn toàn nằm trong kế hoạch để thể hiện quyền tự do hàng hải, chứ không phải là phản ứng trước sự kiện Trung Quốc tập trận. Vị chỉ huy Mỹ khẳng định : "Sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ trùng với thời điểm Trung Quốc tập trận ở Biển Đông chỉ là sự tình cờ".
Và hạm trưởng chiếc Theodore Roosevelt nhấn mạnh trở lại : "Tất cả các chiến dịch hải quân mà chúng tôi tiến hành ở Biển Đông và toàn bộ các vùng biển khác đều tuân thủ luật pháp quốc tế và đó cũng chính là điều mà chúng tôi muốn các nước công nhận".
Trọng Nghĩa
***************
Đàm phán phi hạt nhân hóa : Bắc Triều Tiên tìm kiếm hỗ trợ của Nga (RFI, 11/04/2018)
Đang công du Nga, hôm qua, 10/04/2018, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho đã hội đàm với đồng nhiệm Serguei Lavrov. Đây là quan chức cao cấp nhất của Bắc Triều Tiên đến Moskva những năm gần đây.
Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho (T) và đồng nhiệm Nga Sergueï Lavrov tại Moskva ngày 10/04/2018. Reuters/Sergei Karpukhin
Chính quyền Kim Jong-un tìm kiếm sự hậu thuẫn của Nga trước các cuộc đối thoại thượng đỉnh với Seoul và Washington. Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế có các bảo đảm chắc chắn về an ninh đối với chế độ Bình Nhưỡng, trong quá trình "phi hạt nhân hóa".
Thông tín viên Etienne Bouche tường trình từ Moskva :
"Chuyến đi Nga của một nhân vật quan trọng trong chính quyền Bắc Triều Tiên đương nhiên thu hút sự chú ý đặc biệt. Chuyến công du lần trước là vào tháng 9/2017, trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Cuộc hội kiến hôm thứ Ba diễn ra trong khung cảnh hoàn toàn khác : Hai miền Triều Tiên đã xích lại gần nhau một cách biểu tượng trong thời gian Thế Vận Hội mùa đông. Ngoại trưởng Nga Lavrov hoan nghênh "tình hình đang được bình thường hóa dần dần".
Kết thúc cuộc hội kiến, lãnh đạo ngoại giao Nga phát biểu một mình trước báo giới. Ông Lavrov khẳng định tiến trình phi hạt nhân hóa chỉ có thể diễn ra, nếu Bình Nhưỡng được bảo đảm về an ninh. Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh : "Trong bối cảnh phi hạt nhân hóa, các lợi ích chính đáng về an ninh của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên dĩ nhiên phải là chủ đề của đàm phán, cần phải có các bảo đảm rất nghiêm túc. Các bảo đảm này phải chắc chắn như bê-tông cốt thép".
Theo ông Lavrov, mục tiêu đặt ra là đạt được "một thỏa thuận đa phương" về an ninh tại Đông Á. Sau chuyến công du lịch sử tại Bắc Kinh, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp tổng thống Hàn Quốc vào cuối tháng này tại khu phi quân sự, đường ranh phân cắt hai miền Nam Bắc. Sau đó vài tuần là cuộc gặp dự kiến với tổng thống Mỹ".
Quốc hội Bắc Triều Tiên họp, Seoul theo dõi sát
Ngày hôm nay, 11/04, Quốc hội Bắc Triều Tiên khai mạc kỳ họp thường niên duy nhất trong năm. Theo hãng tin Yonhap, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết theo dõi sát kỳ họp này để xem Quốc hội miền Bắc kỳ này có công bố các định hướng chính trị mới hay không, hai tuần trước thượng đỉnh Moon-Kim. Trong những năm vừa qua, kỳ họp Quốc hội thường là dịp để chính quyền Bình Nhưỡng thông báo lập trường về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân quân sự của quốc gia này.
Trọng Thành
********************
Phái viên cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc đến Bắc Triều Tiên (RFI, 11/04/2018)
Theo tin từ Tân Hoa Xã, ông Tống Đào, trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc dẫn đầu một đoàn nghệ thuật sang Bình Nhưỡng vào thứ Sáu 13/04/2018 để tham gia lễ hội mừng sinh nhật ông Kim Nhật Thành, theo lời mời của Bình Nhưỡng.
Người dân Bắc Triều Tiên thành kính trước tượng của hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, Bình Nhưỡng, ngày 11/10/2015. Reuters/Damir Sagolj
Lễ hội được biết đến dưới tên gọi Liên Hoan Nghệ Thuật Hữu Nghị Mùa Xuân tháng Tư, được tổ chức tại Bình Nhưỡng để mừng sinh nhật của ông Kim Nhật Thành vào ngày 15/04. Nghệ sĩ Bắc Triều Tiên biểu diễn cùng với nghệ sĩ nước ngoài, và năm nay Festival dự kiến kéo dài một tuần với các tiết mục ca, vũ, biểu diễn nhào lộn v.v… Trung Quốc luôn luôn cử nghệ sĩ của mình đến tham gia từ năm 1986 đến nay, ngoại trừ năm 2016.
Điều được chú ý là người dẫn đầu đoàn nghệ sĩ Trung Quốc lần này lại là một quan chức rất cao cấp, ông Tống Đào, trưởng ban đối ngoại trung ương và ông đến Bình Nhưỡng sau chuyến đi Bắc Kinh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo AFP, ông Tống Đào đã từng đến Bắc Triều Tiên vào năm ngoái để thông báo về Đại Hội Đảng tháng 10 ở Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cho biết là chuyến đi của ông Tống Đào "là một hoạt động giao lưu văn hóa quan trọng, tiếp theo sau sự đồng thuận mà lãnh đạo hai quốc gia đã đạt được".
Phía Hàn Quốc cũng theo dõi sự kiện. Phát ngôn viên bộ Thống Nhất, ông Baik Tae-hyun, cho là chuyến đi của ông Tống Đào và đoàn nghệ thuật Trung Quốc nằm trong nỗ lực thắt chặt quan hệ Trung-Triều sau cuộc gặp thượng đỉnh Tập-Kim, và ông cũng chờ xem Bắc Kinh có sẽ đón đoàn nghệ thuật của Bắc Triều Tiên qua trình diễn hay không. tháng 12/2015, đoàn Bắc Triều Tiên đã không được đến Bắc Kinh.
Mai Vân