Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/04/2018

Phong cách người Trung Quốc trong quan hệ quốc tế

Tổng hợp

Gián điệp Trung Quốc tham gia ăn cắp công nghệ Hoa Kỳ (RFA, 12/04/2018)

Trung Quốc đang tham gia vào vụ trộm cắp quy mô lớn các nghiên cứu và công nghệ của Hoa Kỳ ở các trường đại học bằng cách sử dụng gián điệp, sinh viên và các nhà nghiên cứu để thu thập thông tin.

tq1

Ảnh minh họa. Screen capture of AFP video

Đây là nội dung được các chuyên gia trình bày trước Quốc hội trong phiên điều trần hôm thứ Tư, 11 tháng 4 và được tờ The Washington Free Beacon loan tin một ngày sau đó.

Theo báo The Washington Free Beacon, một cựu viên chức phản gián đã tiết lộ việc quản lý của Tổng thống Barack Obama khi còn đương chức đã làm suy yếu các nỗ lực chống gián điệp nước ngoài của Hoa Kỳ bằng cách ngăn cản những chương trình chống gián điệp cấp quốc gia.

Bà Michelle Van Cleave, cựu giám sát tình báo phản gián, cho biết chương trình chống lại gián điệp nước ngoài bị hạn chế trong thời gian điều hành Tổng thống George W. Bush từ năm 2004 và vẫn tiếp tục bị giới hạn dưới thời tổng thống Obama.

Một số chuyên gia về trí tuệ và an ninh đã xác nhận trong phiên điều trần rằng Trung Quốc là mối đe dọa đáng kể nhất đối với hành vi trộm cắp công nghệ từ những nghiên cứu mà Hoa Kỳ chi khoảng 510 tỷ đô la hàng năm.

Bắc Kinh sử dụng các nhân viên bí mật, các công ty bình phong, và liên doanh nghiên cứu trong chương trình trộm cắp. Các điệp viên công nghệ của Trung Quốc đã phát triển các danh sách cụ thể về công nghệ cần đánh cắp, trong đó tập trung vào công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ liên quan đến trí thông minh nhân tạo, robot và các công nghệ khác.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng dùng những một số trong 350.000 sinh viên Trung Quốc đang du học tại Mỹ cho công tác tình báo.

Trung Quốc cũng đang thâm nhập vào các trường đại học Hoa Kỳ bằng cách tài trợ cho các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa được gọi là viện Khổng Tử đang được sử dụng để che giấu tội phạm công nghệ. Khoảng 100 viện nghiên cứu đang hoạt động tại các trường đại học Hoa Kỳ và sử dụng kinh phí của Bắc Kinh như là một phần của nỗ lực "quyền lực mềm" ở Hoa Kỳ.

**********************

IMF lo ngại các nước lọt bẫy nợ Trung Quốc (RFI, 12/04/2018)

Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), bà Christine Lagarde hôm nay 12/04/2018 tại Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ tài chính, và chiếc bẫy nợ nần được giăng ra, vào lúc các dự án hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc không ngừng tăng lên.

tq2

Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) Christine Lagarde phát biểu tại Diễn đàn Bát Ngao (Boao) ở Bắc Kinh, 12/04/2018. Reuters/Martin Pollard

Bà Lagarde phát biểu tại Diễn đàn Bát Ngao (Boao) về "Con đường tơ lụa mới", kế hoạch đại quy mô do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2013 nhằm xây dựng cầu đường, các tuyến xe lửa và khu công nghiệp trên khắp Châu Á, đến cửa ngõ Châu Âu và tận Châu Phi.

Nếu sáng kiến này liên quan đến 70 quốc gia và được cho là cùng đầu tư, nhưng trên thực tế hầu hết là do các định chế nhà nước Trung Quốc cho vay, và theo phương Tây đây là một cách nhằm tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Bà Christine Lagarde công nhận "Con đường tơ lụa mới" đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng trên thế giới, nhưng lại "có thể làm tăng đáng kể số nợ của các nước liên quan, hạn chế các khoản chi tiêu khác, nhất là đối với các nước có tỉ lệ nợ công cao". Chẳng hạn Sri Lanka sau khi vay số nợ lớn từ Trung Quốc để cải thiện một cảng nước sâu, rốt cuộc đã phải nhượng lại quyền kiểm soát cho Bắc Kinh.

Tổng giám đốc IMF khuyến cáo các nước chấp nhận tham gia "Con đường tơ lụa mới" không nên coi đây là "bữa ăn miễn phí". Bà kêu gọi chỉ tiến hành "ở những nơi cần thiết" -hàm ý có những công trình mang lại lợi ích chính trị hơn là kinh tế - và nêu ra nguy cơ tham nhũng ở những dự án lớn.

Trước những chỉ trích về "Con đường tơ lụa mới", chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Ba 9/4 đã biện bạch "đó không phải là kế hoạch Marshall hay âm mưu của Trung Quốc".

Thụy My

*********************

Indonesia hủy trái cây nhập lậu từ Trung Quốc (RFA, 12/04/2018)

Indonesia cho tiêu hủy lượng trái cây nhập khẩu trái phép từ Trung Quốc trị giá hơn 500 ngàn USD. 
Mạng Thời Báo Jakarta ngày 12 tháng tư loan tin Bộ Thương mại Indonesia đã tiêu hủy 7 container gồm táo và cam nhập khẩu bất hợp pháp từ Trung Quốc trị giá 7 tỷ rupiad tương đương hơn 500 ngàn USD.

tq3

Trái cây nhập lậu của Trung Quốc bị tiêu hủy tại Indonesia Jakartapost

Theo ông Aeri Anggrijono, Giám đốc Thanh tra thương mại của Bộ Thương mại Indonesia, số trái cây này đã nhập khẩu trái phép vào Indonesia hai tuần trước qua Cảng Belawan và Sân bay Quốc tế Kualanamu, cũng như ở phía Bắc đảo Sumatra.

Ông này cho biết Indonesia buộc phải tiêu hủy các loại trái cây nói trên vì chúng được nhập khẩu vào Indonesia mà không có bất cứ một loại giấy phép nào và vi phạm Quy chế số 16/2018 của Bộ Thương mại Indonesia.

Bộ Thương mại Indonesia cũng đã thu hồi giấy phép nhập khẩu của PT SAT, doanh nghiệp đã nhập trái phép số trái cây trên vì đã không thể đưa ra bất kỳ chứng từ hợp pháp nào trong quá trình nhập khẩu trái cây từ Trung Quốc.

Ông Aeri cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Indonesia sẽ trừng phạt bất cứ doanh nghiệp nào không tuân thủ các quy định về nhập khẩu nhằm bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa nội địa.

Quay lại trang chủ
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)