Liêu Ninh lên gần Đài Loan bắn đạn thật để làm gì ? (BBC, 16/04/2018)
Sau khi bắn đạn thật ngoài khơi Bác Ngao và Tam Á, tàu Liêu Ninh sẽ lặp lại cuộc diễn tập trong eo biển Đài Loan để cảnh báo bà Thái Anh Văn.
Chủ tịch Tập đích thân lên tàu Liêu Ninh thị sát và khích lệ quân đội Trung Quốc trong cuộc diễn tập lớn chưa từng có ở Biển Đông
Cuộc diễn tập bắn đạn thật trong ngày thứ Tư 18/04 cách đảo Quemou của Đài Loan chỉ 45 km sẽ diễn ra khi Tổng thống Thái Anh Văn đi thăm Châu Phi.
Nhưng hoạt động của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cho thấy sự 'băn khoăn' của ông Tập Cận Bình về hai vấn đề : tranh chấp Biển Đông và Eo biển Đài Loan.
Nó cũng thể hiện khả năng thực tế vào thời điểm này của Trung Quốc khi họ muốn thể hiện sức mạnh.
Chuyến vào Biển Đông của tàu Liêu Ninh, từ Hạm đội phía Bắc của Trung Quốc, cùng gần 40 tàu chiến hồi cuối tháng Ba khiến giới quan sát đặt câu hỏi đâu là trọng tâm các hoạt động phô trương sức mạnh này của ông Tập Cận Bình.
Có vẻ như ông Tập muốn nhấn mạnh uy thế của Trung Quốc về quân sự ở vùng biển tranh chấp.
Nhưng ngay lập tức, Đài Loan lại trở thành một ưu tiên lớn hơn.
Theo trang South China Morning Post, ban đầu Trung Quốc dự kiến để tàu Liêu Ninh tập trận ba ngày ngoài khơi Tam Á, đảo Hải Nam.
Vẫn theo nguồn tin nay thì đợt bắn đạn thật của tàu Liêu Ninh nằm xa vùng biển tranh chấp với các nước Đông Nam Á, và chỉ ở quanh đảo Hải Nam.
Sau đó, họ đột nhiên tuyên bố rút xuống hai ngày, để có thời gian cho tàu Liêu Ninh đi lên phía Bắc, tới eo biển Đài Loan.
Lãnh đạo đua nhau lên tàu
Tuyên bố để Liêu Ninh thực hiện cuộc bắn đạn thật gần Đài Loan cũng chỉ được công bố vài giờ sau khi hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện trên khoang chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc để thị sát.
Tàu Liêu Ninh trong một lần diễn tập hồi tháng 12/2016. Từ đầu 2017, Trung Quốc đã nhiều lần cho chiến hạm và không quân bay vòng quanh đảo Đài Loan hiện do chính quyền Dân Tiến Đảng kiểm soát
Thời điểm tuyên bố cũng trùng hợp với tin của Đài Loan nói rằng từ 17/04, Tổng thống Thái Anh Văn sẽ công du ngoại quốc.
Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Thái Anh Văn cũng đến thăm một căn cứ hải quân của Đài Loan, lên một khu trục hạm và tuyên bố đảo quốc hoàn toàn tự tin trước mọi đe doạ từ Bắc Kinh.
Theo Reuteurs, bà Thái Văn Anh lên tàu khu trục và chứng kiến diễn tập bắn đạn thật.
Ông Alexander Huang Chieh-cheng, từ ĐH Tam Khang, Đài Loan được SCMP trích lời nói thời điểm cuộc diễn tập ngoài khơi Phúc Kiến vào giữa tuần này của Trung Quốc là có tính toán.
Ông Tập muốn gửi ra thông điệp rằng Trung Quốc sẵn sàng bằng mọi giá ngăn xu thế độc lập ở Đài Loan và cảnh báo Hoa Kỳ 'dùng lá bài Đài Loan'.
Từ đầu 2017, Trung Quốc đã nhiều lần cho chiến hạm và không quân bay vòng quanh đảo Đài Loan hiện do chính quyền Dân Tiến Đảng kiểm soát.
Trung Quốc cũng theo dõi kỹ các động thái của Washington sau khi có tin tân cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, thuộc phái diều hâu, có thể sẽ thăm Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan trong nay mai.
Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là chuyến thăm cao cấp nhất của quan chức đang tại chức trong chính quyền Mỹ đến Đài Loan từ nhiều thập niên, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong quan hệ Washington-Bắc Kinh-Đài Bắc.
Nhưng cũng có nguồn tin được SCMP trích dẫn nói cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc tuần này còn để thể hiện sự ủng hộ với Nga đang có nguy cơ đối mặt với cuộc đối đầu với Mỹ về Syria.
Được biết mới tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa, đã thăm Moscow để bàn về các mối quan hệ chiến lược giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Nga.
Mang hàm thượng tướng, ông Ngụy còn là Ủy viên Quốc vụ, chức vụ chỉ dưới phó thủ tướng trong hệ thống của Trung Quốc hiện nay.
Riêng về Syria, truyền thông phương Tây cuối tuần qua cho hay dù lên án Mỹ, các tướng lĩnh Nga hài lòng là đợt oanh kích của phương Tây đã không làm đẩy lên căng thẳng với Nga và quân Nga ở Syria không thiệt hại gì về người.
******************
Trung Quốc tăng cường tập trận gần đảo Hải Nam (VOA, 12/04/2018)
Trung Quốc tiến hành thêm một đợt diễn tập hải quân gần đảo Hải Nam trong khi một hàng không mẫu hạm Mỹ đi qua Biển Đông, theo truyền thông nhà nước.
Các cuộc diễn tập bắt đầu ngay sau Diễn đàn Châu Á Bác Ngao hôm 11/4 và dự kiến sẽ kéo dài ba ngày ngoài khơi bờ biển phía nam của đảo Hải Nam, Hoàn Cầu Thời Báo loan tin.
Bản tin nói nhà chức trách hàng hải Trung Quốc xác nhận vùng biển quanh bờ biển phía nam của đảo Hải Nam được chỉ định là khu vực cấm qua lại, và trước cuộc diễn tập, tàu bè bị hạn chế tiếp cận vùng biển này.
Gần địa điểm diễn tập là Tam Á, một thành phố cảng ở Hải Nam có thể tiếp đón tới hai tàu sân bay, theo truyền thông Trung Quốc.
Đợt tập trận thứ nhất được tiến hành từ thứ Năm tuần trước cho đến thứ Tư tuần này.
Một phân tích về hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai 43 tàu hải quân, trong đó có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết.
Không quân Trung Quốc cũng đã điều các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tiên tiến gia nhập các cuộc tuần tra tác chiến chung, theo Nine News của Úc.
Bắc Kinh có thể đang theo dõi chuyển động của Mỹ ở Biển Đông trong khi nhóm hàng không mẫu hạm Roosevelt của Hải quân Mỹ di chuyển qua vùng biển này.
Hạm đội vừa kể, bao gồm một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân và 65 máy bay phản lực F-18 siêu thanh, máy bay do thám và máy bay trực thăng, hướng tới Manila hôm 10/4.
**********************
Trung Quốc tập trận sát Đài Loan sau khi diễn tập ở Biển Đông (RFI, 12/04/2018)
Trong một động thái hù dọa Đài Loan rõ nét, Trung Quốc hôm nay, 12/04/2018 loan báo quyết định tập trận bắn đắn thật tại vùng eo biển Đài Loan. Cũng vào hôm nay, Bắc Kinh cho biết là đã kết thúc sớm một cuộc tập trận mở ra từ hôm qua, 11/04, trên vùng Biển Đông vốn được cho là sẽ kéo dài ba ngày.
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Bột Hải. Ảnh ngày 07/08/2017. Reuters
Trong một bản thông báo, cơ quan an toàn hàng hải tỉnh Phúc Kiến cho biết là một cuộc tập trận kéo dài một ngày có bắn đạn thật sẽ mở ra vào thứ Tư tới đây (18/04) tại eo biển Đài Loan. Gần như cùng một lúc, cơ quan an toàn hàng hải tỉnh đảo Hải Nam cũng loan báo rằng Hải Quân Trung Quốc đã kết thúc sớm hơn một cuộc tập trận trên Biển Đông, lẽ ra còn kéo dài đến ngày mai.
Theo hãng tin Mỹ AP, trong cả hai trường hợp, phía Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, trong lúc Bộ quốc phòng Trung Quốc không trả lời ngay câu hỏi.
Tuy nhiên, theo AP, cuộc tập trận bắn đạn sát eo biển Đài Loan được tung ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng có phản ứng gay gắt hơn trước các động thái hỗ trợ Đài Bắc của chính quyền Donald Trump, từ việc ban hành luật mới về quan hệ với Đài Loan, cho phép các liên lạc cấp cao với chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn, cho đến các quyết định bán thêm vũ khí và chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm cho Đài Bắc.
Hôm qua, một phát ngôn viên của cơ quan Trung Quốc đặc trách quan hệ với Đài Loan đã tái khẳng định rằng "mọi mưu toan sử dụng lá bài Đài Loan đều vô ích", và Bắc Kinh "không ngần ngại trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi" của mình.
Theo ghi nhận của AP, việc Trung Quốc vừa kết thúc một cuộc tập trận khác trên Biển Đông, ngoài khơi đảo Hải Nam, cũng nhằm phô trương uy lực và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ các lợi ích hàng hải và các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông.
Cuộc tập trận kết thúc sớm này được cho là không nằm trong kế hoạch, và là một phản ứng thị uy, sau khi Mỹ cho hải đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đi ngang Biển Đông, và phô trương thanh thế trước sự chứng kiến của các nhà báo, và cả các tàu Trung Quốc bám theo đội tàu Mỹ.
Trọng Nghĩa
*****************
Hải quân Mỹ sẽ triển khai máy bay trinh thám Triton ở Thái Bình Dương (VOA, 12/04/2018)
Hải quân Mỹ sẽ đưa vào khai thác sử dụng hai máy bay trinh sát, tuần thám và giám sát không người lái hiện đại MQ-4C Triton do tập đoàn Northrop Grumman chế tạo, được thiết kế để phát hiện chiến hạm đối phương và các đối tượng khác trên Thái Bình Dương vào mùa hè năm nay.
Máy bay trinh thám không người lái MQ-4C Triton
Trang Breaking Defense dẫn lời Đại úy Hải quân Dan Mackin, giám đốc chương trình, hôm 9/4 cho biết hai máy bay này sẽ được sử dụng ở đảo Guam, và hai chiếc nữa sẽ được triển khai cũng tại đảo Guam trước năm 2021.
Theo trang Stars and Stripes, máy bay Triton được thiết kế đặc biệt để có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường biển khắc nghiệt, trong mọi điều kiện thời tiết, thực hiện các nhiệm vụ trên độ cao lớn và quảng thời gian dài.
Chiếc MQ-4C Triton nặng 16 tấn, có sải cánh 40 m, tốc độ bay 575 km/h, được phát triển cho hải quân Mỹ, sử dụng cho nhiều nhiệm vụ quan trọng bao gồm tuần tra giám sát hàng hải, tình báo thông tin, tìm kiếm cứu hộ, trạm chuyển tiếp thông tin liên lạc.
*********************
Tàu chiến Hải quân Hoàng gia Úc thăm Việt Nam (RFA, 12/04/2018)
Ba tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Úc là HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success sẽ đến Sài Gòn thực hiện chuyến thăm Việt Nam từ ngày 19 đến 22/4, 2018.
Tàu chiến Hải quân Úc HMAS tại cảng Sydney, Australia. AFP
Đại sứ quán Australia tại Hà Nội ra thông báo trên vào ngày 12 tháng 4. Cụ thể sẽ có 73 sĩ quan và 569 thủy thủ tham gia chuyến thăm này.
Các chỉ huy trưởng và thủy thủ đoàn sẽ gặp các sĩ quan và thủy thủ của Hải quân Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia vào nhiều hoạt động, bao gồm thi đấu thể thao, chia sẻ kinh nghiệm, và hoạt động thiện nguyện tại Trung Tâm Bảo Trợ Trẻ Em Tàn Tật Thị Nghè.
Đây là lần thứ hai kể từ năm 2001, Australia đưa tàu chiến đến thăm Việt Nam.
Chuyến thăm lần này của các tàu chiến Australia được cho biết cũng nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và một tháng ký kết Quan hệ Đối Tác Chiến Lược kể từ chuyến thăm Úc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng ba vừa qua.
Cũng tin về quan hệ Australia- Việt Nam, vào ngày 11/4/2018, hai phía kỷ niệm quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp.
Nhân dịp này, ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là một phần quan trọng trong quan hệ của hai quốc gia trong suốt 45 năm qua.
Hợp tác nghiên cứu nông nghiệp giữa hai nước được điều phối bởi Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) từ năm 1993 đến nay. Trong 25 năm qua, chính phủ Úc đã đầu tư 100 triệu Úc kim, tương đương 1.700 tỉ đồng cho 170 dự án nghiên cứu ở Việt Nam.