Tập Cận Bình bất ngờ ra Biển Đông thị sát cuộc duyệt binh hải quân (RFI, 13/04/2018)
Trong một động thái nặng ý nghĩa biểu tượng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/04/2018 đã bất ngờ đến Hải Nam, lên tàu ở ngoài Biển Đông để thị sát một cuộc duyệt binh của hải quân Trung Quốc, được báo chí nước này ca tụng là rầm rộ nhất trong lịch sử đất nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát cuộc duyệt binh hải quân trên Biển Đông ngày 12/04/2018.Li Gang/Xinhua via Reuters
AFP trích dẫn một tờ báo quân đội Trung Quốc, cho biết cuộc duyệt binh huy động hơn 10 ngàn quân, cùng với 48 chiến hạm và tàu ngầm, 76 chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Một cuộc duyệt binh hải quân được mô tả là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, quy tụ hầu hết các chiến hạm và máy bay tiên tiến nhất.
Đài truyền hình Nhà Nước Trung Quốc CCTV đã phát đi đoạn video cho thấy hình ảnh ông Tập Cận Bình trên một chiếc khu trục hạm Trường Sa (Changsha) đi đến một địa điểm không được xác định ngoài Biển Đông, và chứng kiến cảnh hạm đội Trung Quốc diễu hành trên biển. Chủ tịch Trung Quốc cũng đã theo dõi cảnh chiến đấu J-15 cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Phát biểu nhân dịp này, ông Tập Cận Bình cho rằng đối với với quân đội Trung Quốc, nhiệm vụ xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Giới quan sát ghi nhận ý nghĩa biểu tượng của việc ông Tập Cận Bình đích thân ra Biển Đông để cùng với hải quân nước này phô trương thanh thế.
Nhật báo Hồng Kông ngày 12/04 trích dẫn nhận định của Tống Trung Bình, một cựu sĩ quan lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc :
"Cuộc duyệt binh gần Tam Á trên Biển Đông cũng thể hiện quyết tâm của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trong vùng tranh chấp và năng của hải quân Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích dọc theo tuyến Một Vành Đai Một Con Đường".
Việc hải quân Trung Quốc rầm rộ phô trương lực lượng diễn ra cùng lúc với việc hải quân Mỹ cũng không ngần ngại thị uy trên Biển Đông, với việc đưa hải đội tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông, tập trận với hải quân Singapore, sau đó tiếp tục tập trận trên đường đến cảng Manila của Philippines, trước sự chứng kiến của quan chức Philippines và nhà báo được mời lên tàu.
Một số quan chức Mỹ đã ghi nhận với hãng tin Pháp AFP rằng tính ra, khu vực tập trận của hải quân Mỹ và Trung Quốc chỉ cách vài trăm cây số.
Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, gạt bỏ tất cả những tuyên bố chủ quyền của 4 nước láng giềng Đông Nam Á và của Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan cũng lên tàu thị sát một cuộc tập trận của Đài Loan
Một yếu tố đáng chú ý khác là ông Tập Cận Bình ra Biển Đông thị sát cuộc duyệt binh của hải quân Trung Quốc ngay sau khi nước này thông báo kế hoạch tổ chức một ngày tập trận bắn đạn thật (18/04/2018) ngay tại eo biển hẹp ngăn cách lục địa với Đài Loan, một hành động có thể làm tăng căng thẳng với đảo này.
Động thái hù dọa của Trung Quốc đã bị chính quyền Đài Loan đáp trả một cách cứng rắn.
Đúng một hôm sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra Biển Đông tham dự của duyệt binh của hải quân Trung Quốc, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào hôm nay, 13/04/2018 cũng lên chiến hạm Cơ Long, ra thị sát một cuộc tập trận của hải quân Đài Loan.
Giới quan sát ghi nhận đây là lần đầu tiên mà hải quân Đài Loan tiến hành từ ngày bà Thái Anh Văn nhậm chức tổng thống vào tháng 5 năm 2016.
Dĩ nhiên là Đài Bắc cũng thận trọng, không khiêu khích Bắc Kinh quá mức. Cuộc tập trận của hải quân Đài Loan được tổ chức ở phía đông hòn đảo, chứ không phải bên bờ tây, đối diện với lục địa. Mặt khác, cuộc tập trận cũng không bắn đạn thật.
Khi được hỏi là phải chăng chuyến thị sát của bà là nhằm đáp trả hành động thị uy của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Thái Anh Văn cho rằng báo chí không nên "thổi phồng" sự kiện, và chuyến thị sát của bà nằm trong cả một kế hoạch dài hạn.
Trọng Nghĩa
*****************
Tổng thống Đài Loan kiểm tra hải quân nhằm đối phó với các cuộc tập trận của Trung Quốc (RFA, 13/04/2018)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đi thị sát hoạt động diễn tập của quân đội Đài Loan. Hãng tin AP loan tin này hôm 13/4.
Tổng thống Thái Anh Văn, người thứ hai từ trái sang, kiểm tra tàu khu trục Kidd trong cuộc tập trận hải quân tại cảng Tô Áo ở Đài Loan vào hôm thứ sáu, ngày 13 tháng 4, Năm 2018. AP
Bà Thái Anh Văn đã lên một tàu khu trục neo tại cảng Tô Áo trong tình huống mô phỏng cảnh quân đội Đài Loan phá vòng vây phong toả hòn đảo tự trị này.
Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, Washington có nghĩa vụ phải can thiệp trước những đe dọa đối với Đài Loan. Hoa Kỳ hiện là nhà cung cấp chính vũ khí cho quân đội đảo quốc Đài Loan.
Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo luật mới thông qua của Hoa Kỳ cho phép diễn ra nhiều hơn các cuộc tiếp xúc chính phủ cấp cao giữa Hoa Kỳ với Đài Loan, và cho rằng điều đó vi phạm cam kết của Hoa Kỳ trong việc cắt đứt các trao đổi ngoại giao với Đài Loan kể từ năm 1979, khi mà Washington chuyển quan hệ ngoại giao chính thức từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
Một thỏa thuận cung cấp công nghệ sản xuất tàu ngầm cho Đài Loan và cuộc gặp giũa Đài Loan với cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã khiến cho các nhà hoạt động chống Mỹ tại Trung Quốc càng có lý do để tố cáo Mỹ đã vi phạm những cam kết nói trên.
*******************
Tập Cận Bình : Vành đai và Con đường không phải là âm mưu của Trung Quốc (VOA, 12/04/2018)
Kế hoạch chính sách đối ngoại mang dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xây dựng một "Con đường Tơ lụa" mới, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và các liên kết thương mại giữa Trung Quốc và khu vực Âu-Á, không phải là "âm mưu của Trung Quốc", ông Tập nói ngày thứ Tư, theo truyền thông nhà nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2018 ở Bác Ngao, tỉnh Hải Nam ở miền nam Trung Quốc, ngày 10 tháng 4, 2018.
Kế hoạch Vành đai và Con đường của ông Tập, được công bố vào năm 2013, nhắm mục tiêu củng cố một mạng lưới rộng lớn những liên kết đường bộ và đường biển với các khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi.
Tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 năm ngoái, ông Tập đã cam kết 126 tỉ đôla dành cho kế hoạch này, nhưng đã không vượt qua được sự ngờ vực của các thủ đô phương Tây. Các quan chức ở đó nghi ngờ điều mà Trung Quốc tuyên bố là mong muốn lan tỏa sự thịnh vượng ở khu vực này thật ra là một nỗ lực nhằm khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường không phải là một âm mưu của Trung Quốc, như một số người trong cộng đồng quốc tế đã nói", ông Tập phát biểu tại một hội nghị hàng năm của Diễn đàn Châu Á Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.
"Đây không phải là Kế hoạch Marshall hậu Thế chiến thứ hai, mà cũng không phải là một âm mưu của Trung Quốc, mà phải gọi là 'dương mưu' (ý nói một kế hoạch minh bạch), ông được Tân Hoa Xã dẫn lời phát biểu.
Trung Quốc nói rằng các dự án dọc theo các tuyến đường của Vành đai và Con đường sẽ được mở ra để tất cả các nước đầu tư, kể cả các nước thuộc bên thứ ba, nhưng một số chính phủ phương Tây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại các thỏa thuận này sẽ ưu ái đại đa số công ty Trung Quốc.
Trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng 1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Vành đai và Con đường không thể "một chiều".
Trong bài phát biểu khai mạc tại diễn đàn hôm thứ Ba, ông Tập nói rằng các thỏa thuận Vành đai và Con đường đã đạt được trong năm năm qua với hơn 80 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
"Trung Quốc sẽ không chơi trò chơi địa chính trị vì những mục tiêu ích kỉ, sẽ không lập ra một câu lạc bộ đẳng cấp cao, và sẽ không áp đặt các thỏa thuận thương mại với nước khác từ trên xuống", ông nói.