Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/04/2018

Điểm báo Pháp - Mưu toan chính trị của chính quyền quân sự Thái Lan

RFI tiếng Việt

Thời trang cổ : Mưu toan chính trị của chính quyền quân sự Thái Lan

Tại Thái Lan, trang phục cổ Xiêm La đang lên ngôi. Hàng trăm ngàn người dân khắp nơi trong cả nước khoác lên người bộ trang phục của thế kỷ XVII-XIX. Đó là hiệu ứng đặc biệt của một bộ phim dài tập được chiếu trên truyền hình trong thời gian qua. Ngay cả tập đoàn quân sự cầm quyền tại Thái Lan cũng hưởng ứng trào lưu thời trang cổ này.

thai1

Thiếu nữ Thái trong trang phục cổ truyền thống trong một lễ hội Songkran tại Bangkok đón năm mới theo truyền thống Thái Lan, ngày 13/04/2018. Reuters/Jorge Silva

Vậy những bộ trang phục cổ khiến cả các quan chức chính phủ quân sự cũng phải mê mẩn, trông chúng như thế nào ? Thông tín viên RFI Arnaud Dubus giới thiệu : 

"Đó là những bộ trang phục hoàng tộc Xiêm La thế kỷ XVII-XIX. Quần thường ngắn, ống bồng, với các họa tiết trang trí. Áo làm bằng chất liệu ren và lụa. Trang phục của phụ nữ đôi khi có kèm theo một chiếc khăn lụa vắt qua một bên vai. Tại một số chợ, người bán hàng cũng mặc trang phục này. Kể các ca sĩ nhạc rap cũng mặc trang phục này lên sân khấu biểu diễn".

Về nguồn gốc trào lưu thời trang cổ, thông tín viên RFI Arnaud Dubus giải thích : 

"Trào lưu này có nguồn gốc từ một bộ phim lịch sử dài tập nói về triều đại vua Narai hồi cuối thế kỷ XVII. Bộ phim thành công vang dội. Rất nhiều người Thái sau đó bắt đầu mặc trang phục theo kiểu của thời kỳ đó, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần khi họ đi thăm các di tích lịch sử, chẳng hạn hoàng thành cổ Ayuthaya. Cứ sau mỗi tuần, trào lưu lại phát triển thêm, tới mức các bộ trưởng trong chính phủ quân sự cũng mặc trang phục đó đi họp. Nhiều lễ hội với trang phục cổ thời vua Narai dự kiến được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền Thái Lan, diễn ra trong vài ngày nữa".

Nhưng ẩn sâu phía sau trào lưu thời trang này là những trăn trở về bản sắc và cả những mưu toan chính trị của tập đoàn quân sự cầm quyền. Thông tín viên RFI Arnaud Dubus giải thích tiếp : 

"Tôi nghĩ rằng điều này ứng với một giai đoạn mà đất nước Thái Lan đang đi tìm bản sắc. Sau 70 năm trị vì đất nước, vua Bhumibol từ trần hồi cuối năm 2016, để lại một sự hẫng hụt lớn. Tương lai dường như trở nên bất định. Cũng trong bối cảnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị mà đất nước này sa lầy vào từ hơn 10 năm nay đã khiến một bộ phận trong giới tinh hoa xã hội chán nản trước nền dân chủ.

Và người ta luyến tiếc thời quân chủ chuyên chế hùng mạnh. Và sự luyến tiếc này cũng phần nào được chế độ quân sự quân sự khuyến khích. Các cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 02/2019, tập đoàn quân sự cầm quyền đang cố gắng khai thác sự luyến tiếc quá khứ vì những mục đích chính trị. Họ muốn thể hiện rằng chính phủ quân sự là bảo đảm để tôn ti trật tự trong xã hội sẽ không bị lay chuyển".

Người Khmer tại Mỹ bị trục xuất về Cam Bốt : Tương lai bất định

43 người Cam Bốt tị nạn tại Mỹ hôm 05/04/2018 đã bị chính quyền Mỹ trục xuất về Phnom Penh. Những người này vốn được gọi là "Khméricain" - người Khmer Mỹ. Theo ước tính, có khoảng 200 người Khméricain đã từng chịu án tù vì trọng tội hay chỉ vì các tội vặt, bị trục xuất về Cam Bốt trong năm nay. Đa phần trong số họ đã trốn chạy khỏi Cam Bốt dưới thời Khmer đỏ và trong giai đoạn nội chiến. Thậm chí một số người còn hầu như chưa từng sống tại Cam Bốt. Từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez giải thích :

"Steven trông rất mệt mỏi, cũng giống như 42 người khác trở về Cam Bốt từ Mỹ. Sau 5 năm bị giam trong tù, người đàn ông từng sống 30 năm tại Mỹ, đã không thể thông báo cho gia đình là ông ấy phải ra đi. Steven nói : "Tôi đã không kịp nói chuyện với họ. Họ không biết hiện giờ tôi đang ở đâu. Chính quyền Mỹ đã trục xuất tôi về Cam Bốt... Tôi vừa mua điện thoại … Có thể tôi sẽ gọi cho họ".

Ngoài những người bị trục xuất lần này, 600 người Cam Bốt khác có tì vết trong lý lịch tư pháp cũng đã bị Mỹ trục xuất từ năm 2002 tới nay. Cho dù họ pham tội gì đi chăng nữa, cho dù họ mới bị xử án hay bị kết án cách đây cả 10 năm, họ đều bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trở lại.

Thường thì ông Bill Herod của tổ chức phi chính phủ KVAO là người thông báo lệnh trục xuất cho họ. Tổ chức phi chính phủ này đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi để họ tái hòa nhập xã hội tại Cam Bốt. Bill Herod cho biết : "Chúng tôi nghĩ rằng có thêm khoảng 150 người Khmer Mỹ bị trục xuất trong năm nay. Chính quyền Mỹ thắt chặt chính sách nhập cư. Chúng tôi nghĩ rằng số người Khmer Mỹ bị trục xuất tăng là có liên quan tới chính sách nhập cư hà khắc nói trên".

Nhiều tổ chức hy mong muốn thỏa thuận giữa Cam Bốt và Hoa Kỳ sẽ được thương lượng lại. Trong số các tổ chức đó, có "một love Cambodia", tổ chức do người Khmer Mỹ sáng lập. Tuy nhiên, Bobby Horn và Jimmy Hiem giải thích họ cần xác định lại phạm vi hành động. Bobby giải thích : "Vì chúng tôi không thể ngăn cản các vụ trục xuất, chúng tôi tập trung vào việc trợ giúp cộng đồng người Khmer Mỹ". Jimmy tiếp lời : "Chính vì thế mà chúng tôi có mặt tại đây, để nói với họ rằng : Tôi biết điều gì đã xảy ra với bạn. Hãy tới nói với tôi".

1 love Cambodia và KVAO từ nay phải sắp xếp để đón tiếp và hỗ trợ những người Khmer Mỹ bị trục xuất để họ xây dựng lại từ đầu cuộc sống ở Cam Bốt".

Miến Điện : Facebook thúc đẩy lòng hận thù nhắm vào người Rohingya

Trong tuần qua, ông chủ Facebook đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ tai tiếng để lọt thông tin của người dùng mạng xã hội vào tay công ty Cambridge Analytica. Facebook cũng bị tố cáo làm lan tỏa lòng thù hận nhắm vào cộng đồng Hồi Giáo thiểu số Rohingya tại Miến Điện, mà theo Liên Hiệp Quốc họ là nạn nhân của nạn "thanh lọc sắc tộc".

Trả lời cho câu hỏi ở Miến Điện người ta chỉ trích Facebook vì những điều gì ? Thông tín viên RFI Elisa Hunt tại Rangoun giải thích : 

"Facebook bị trách là thiếu hiệu quả trong việc giám sát các đăng tải trên mạng. Chẳng hạn, hồi tháng 09 năm ngoái, tin giả về việc sắp xảy ra các vụ tấn công giữa Phật tử và người Hồi Giáo đã được loan báo rộng rãi. Các thông điệp sai lệch trên đã được thông báo rất sớm cho Facebook, nhưng phải sau 4 ngày chúng mới bị gỡ bỏ. Mà theo ước tính, trong vòng 48 tiếng, một đăng tải có thể được chia sẻ tới 30.000 lần tới hơn 100 triệu người. Facebook còn bị trách cứ là chủ yếu dựa vào thông báo của người dùng và các tổ chức xã hội dân sự, nhất là vì công ty này không có văn phòng ở Miến Điện. Những người phụ trách đều ở nước ngoài, và thiếu hiểu biết về tình hình đất nước này".

Mặc dù không có văn phòng tại Miến Điện, nhưng mạng xã hội Facebook lại được sử dùng rất nhiều tại đất nước Đông Nam Á này. Thông tín viên RFI Elisa Hunt cho biết cụ thể : 

"Có khoảng 27 triệu người Miến Điện sử dụng Facebook trên tổng số 54 triệu dân. Người ta nói rằng tại Miến Điện, Facebook chính là mạng internet. Ứng dụng Facebook được cài đặt sẵn trong mọi chiếc điện thoại. Đó là kênh giao tiếp được ưu tiên, kể cả của chính phủ và quân đội. Hồi tháng 03, tổng thống cũng thông báo từ chức quan Facebook. Đối với nhiều người Miến Điện, Facebook là nguồn tin duy nhất của họ".

Marc Zukerberg, ông chủ tập đoàn Facebook, trong buổi điều trần trước Thượng Viện Mỹ đã hứa ngăn chặn các đăng tải, thông điệp gây hận thù trong vòng 24 giờ. Marc Zukerberg cũng thông báo tuyển khoảng một chục người Miến Điện để nhanh chóng xác định các thông điệp thù hận cần gỡ bỏ nhưng theo nhiều tổ chức dân sự Miến Điện, số nhân viên này là quá ít, nhất là vì tại nước này, ngoài ngôn ngữ phổ thông, nhiều người còn dùng ngôn ngữ riêng tùy theo sắc tộc.

Anh Quốc : Tình trạng đâm chém tăng đột biến ở Luân Đôn

Từ đầu năm nay, thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc bỗng nhiên xảy ra vài chục vụ giết người bằng cách đâm chém ngã gục ngay trên đường phố, thậm chí có vụ dùng súng, khiến người dân vô cùng lo ngại trước hiện tượng chưa từng có trong suốt cả chục năm qua : 55 người đã thiệt mạng, trong đó có 11 thanh thiếu niên. Nạn đâm chém đã tăng 30% chỉ trong vòng một năm. Số vụ nạn nhân dưới 16 tuổi cũng tăng vọt tới 63% sau 5 năm. Tính trong tháng 02-03/2018, số vụ giết người ở Luân Đôn đã cao hơn so với ở New York, Mỹ.

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải cho biết thêm chi tiết :

"Suốt đêm 11 rạng sáng 12/04/2018, 200 cảnh sát tham gia lục soát và bắt giữ tại cả chục địa điểm khác nhau quanh Luân Đôn, thu được ma túy loại A và cả một khẩu súng Skorpion cùng đạn dược. Đây là hành động mới nhất của chính quyền trước tình trạng các vụ giết người bằng dao trên đường phố tăng bất ngờ, tính ra chỉ mới từ đầu năm tới giờ đã lấy đi trên 50 mạng sống, mà đa số là thanh thiếu niên.

Lãnh đạo cảnh sát thủ đô Cressida Dick đã mở màn chiến dịch bằng việc đi tuần tra ở khu Hackney, nơi một cậu bé 18 tuổi mới bị đâm chết, và nói với báo chí về mối liên hệ giữa tỷ lệ tội phạm trên đường phố gia tăng và sự phát triển của các băng nhóm mua bán ma túy tuyển mộ trẻ em làm thành viên.

Trong những ngày qua, chính phủ Anh bị chỉ trích nặng nề khi một báo cáo của bộ trưởng nội vụ Amber Rudd bị tiết lộ ghi nhận lực lượng cảnh sát Anh bị cắt giảm 5% trong thời gian qua, và thiếu ngân sách để đối phó với các loại hình tội phạm có tổ chức.

Cuộc bắt giữ lần này do lực lượng chuyên chống tội phạm có tổ chức Trident thực hiện, sau 6 tháng điều tra và chuẩn bị.Thực hiện các vụ bắt giữ ở khu vực giàu có đông khách du lịch ở phía tây Luân Đôn là Earl's Court và Fulham, một chỉ huy cảnh sát tin rằng chiến dịch này là một đòn mạnh vào băng đảng đã định hình. Ông Driss Hayoukane giải thích rằng họ vừa phá được một đường dây mua bán ma túy đã âm thầm hoạt động khá lâu và kiếm được rất nhiều tiền đủ để các thành viên mua xe sang trọng và đi nghỉ ở những nơi giàu có như Dubai.

Nhìn rộng ra thì xu hướng là các chủ hàng rút khỏi đường phố và tuyển mộ thanh thiếu niên vào đi giao hàng, bản thân chỉ thu tiền, cho nên có rất nhiều trẻ em tham gia trong các vụ đâm chém ghê rợn mà camera an ninh quay được, liên tục đăng tải trên trang nhất các báo.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách giải thích của sở cảnh sát, còn trên báo chí có ý kiến nhìn vào sự ảnh hưởng của dòng nhạc drill với lời lẽ mạnh và nhắc tới việc đâm chém trên mạng xã hội. Bộ trưởng nội vụ thì cho rằng trách nhiệm thuộc về thị trưởng Sadiq Khan chậm phản ứng, cũng như hiệu quả của một lực lượng cảnh sát đặc biệt 300 nhân viên do ông lập ra từ năm 2016 để đối phó với các loại tội phạm hình sự sử dụng dao ở Luân Đôn. 

Thùy Dương

Quay lại trang chủ
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)