Phối hợp để ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản phi pháp (RFA, 18/04/2018)
Malaysia khẳng định cần có sự hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển các nước trong khu vực để thực thi luật pháp trên Biển Đông.
Ông Zulkifili Abu Bakar, người đứng đầu Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) nói chuyện với truyền thông tại Trụ sở Hàng hải Malaysia tại Putrajaya. Ảnh chụp ngày 21 tháng 8 năm 2017. AFP
Đây là tuyên bố của Đô đốc Zulkifili Abu Bakar, người đứng đầu Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) nói với truyền thông Kuala Lumpur vào ngày 17 tháng 4 và được Thông Tấn xã Việt Nam loan đi một ngày sau đó.
Đô đốc Zulkifili cho biết số tàu cá vi phạm lãnh hải Malaysia trong năm 2017 là nhiều nhất. Nhưng kể từ đầu năm 2018 trở đi thì con số đã giảm, trong đó việc hợp tác từ phía MMEA và Cảnh sát Biển Việt Nam cũng góp phần cho những cải thiện này.
Ông Zulkifili cũng cho biết đã thảo luận với lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam để đưa ra những biện pháp giải quyết kịp thời khi có vi phạm xảy ra.
Ngoài Việt Nam, Cơ quan thực thi hàng hải Malaysia cũng hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản để đào tạo năng lực cho nhân viên của MMEA.
*******************
Bà Rịa - Vũng Tàu ra kế hoạch cho ngư dân (RFA, 18/04/2018)
Vào năm 2020, tàu cá và ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ không còn vi phạm lãnh hải nước ngoài và đánh bắt trái phép làm ảnh hưởng đến ngành thủy sản địa phương.
Ảnh minh họa : Ngư dân Việt vi phạm lãnh hải bị bắt giữ tại Thái Lan. AFP
Đây là chỉ tiêu mà Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra và được truyền thông trong nước loan đi ngày 18 tháng 4.
Theo thông báo của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì trong năm qua, có hơn 70 tàu cá Vũng Tàu cùng với 528 thuyền viên bị phía Indonesia và Malaysia bắt giữ với cáo buộc đánh bắt thủy sản tại ngư trường của hai nước này. Trong đó, huyện Long Điền có số tàu cá bị bắt giữ nhiều nhất.
Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết các ban ngành vẫn thường xuyên tuyên truyền pháp luật cho các ngư dân, nhưng tình hình không khá hơn mà ngày càng diễn biến phức tạp.
Do đó, trong cuộc họp diễn ra ngày 9 tháng 4, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định sẽ bắt tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ lắp thiết bị định vị vệ tinh và mở thiết bị 24/24 để giữ liên lạc với Trạm bờ, từ đó cơ quan chức năng có thể giám sát hành trình các tàu cá. Nếu tàu cá nào cố tình tắt thiết bị sẽ phạt nặng.
Dự án này được cho biết sẽ hoàn thành vào đầu tháng 1 năm 2019.
******************
Việt Nam, Indonesia cam kết giải quyết nạn đánh cá lậu (RFI, 17/04/2018)
Theo hãng tin AP, Việt Nam và Indonesia đã cam kết sẽ cùng nhau giải quyết các vụ vi phạm về đánh cá ở vùng Biển Đông, vào lúc Hà Nội và Jakarta đang cố thúc đẩy trao đổi mậu dịch song phương.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (P) và đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi, sau lễ ký văn kiện hợp tác, tại Hà Nội ngày 17/04/2018. Reuters
Tuyên bố với các phóng viên ở Hà Nội ngày 17/04/2018 sau khi gặp đồng nhiệm Việt Nam, ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết hai nước sẽ củng cố quan hệ đối tác, đặc biệt là hợp tác trên vấn đề đánh cá và các vấn đề khác trên biển.
Kể từ năm 2014, Jakarta phá hủy, đánh chìm hàng trăm tàu đánh cá của nước ngoài, chủ yếu là của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan, đã xâm phạm lãnh hải của Indonesia.
Nhà chức trách Indonesia vừa thông báo là từ tháng 01/2018, đã bắt giữ thêm 26 tàu đánh cá bị cho là hoạt động trái phép trong vùng biển của nước này. Trong đó có 3 tàu của Việt Nam.
Theo lời ngoại trưởng Phạm Bình Minh, hai bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế để giải quyết các vụ vi phạm về đánh cá, theo đúng luật pháp của hai nước. Ông Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ cố gắng nâng cao nhận thức của ngư dân nước mình để họ không xâm phạm ngư trường của những nước láng giềng.
Thanh Phương
*********************
Việt Nam-Indonesia cam kết giải quyết vấn đề đánh bắt trên Biển Đông (VOA, 17/04/2018)
Việt Nam và Indonesia vừa cam kết thống nhất giải quyết nhanh các vướng mắc nảy sinh ảnh hưởng đến hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt các vấn đề liên quan đến việc vi phạm đánh bắt trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân và tàu cá.
Theo hãng tin AP, bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia đã có chuyến thăm Việt Nam hôm 17/4 và gặp người đồng cấp Việt Nam Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Hà Nội.
Trang thông tin của Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam và Indonesia nhất trí việc xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong bảo vệ ngư dân, tài cá, chống tội phạm trên biển, xử lý ngư dân, tàu cá của nước này vi phạm vùng biển của nước kia phù hợp với luật pháp của mỗi nước trên tinh thần nhân đạo và quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Theo AP, từ năm 2014 cho đến nay, Indonesia đã phá hủy hàng trăm tàu cá, hầu hết là từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan vì vi phạm các vùng biển của họ. Chính quyền của Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo đã có một quan điểm cứng rắn đối với việc đánh cá bất hợp pháp, một phần là muốn cho các nước láng giềng nhận biết rằng Indonesia có thể kiểm soát được 17.000 hòn đảo rộng lớn của họ.
Ngoài ra, theo truyền thông Việt Nam, hai bên cũng đã trao đổi về các biện pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không và giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế.
******************
Việt Nam và Indonesia cam kết giải quyết nạn vi phạm đánh cá (RFA, 17/04/2018)
Việt Nam và Indonesia hôm 17 tháng 4 cho biết hai nước sẽ làm việc cùng nhau để giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản trộm ở khu vực biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (trái) và Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) bắt tay tại cuộc gặp song phương ở Hà Nội hôm 17/4/2018 - AFP
Phát biểu với báo chí tại cuộc họp báo ở Hà Nội, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết hai nước sẽ tăng cường quan hệ đối tác và phối hợp đặc biệt trong các vấn đề dánh bắt cá và các vấn đề khác trên biển. Bà cũng nói hai bên đã đồng ý làm việc cùng nhau để hoàn tất việc đánh dấu phân chia khu vực đặc quyền kinh tế trên biển giữa hai nước vì quyền lợi của ngư dân và đảm bảo an ninh hai nước.
Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết hai phía đã đồng ý thiết lập một cơ chế để giải quyết tình trạng đánh cá trộm dựa trên luật pháp của cả hai nước. Ông cho biết phía Việt Nam sẽ tăng cường cung cấp thông tin cho ngư dân để tránh vi phạm vùng nước của nước khác.
Hiện Indonesia và Việt Nam vẫn còn một vùng chồng lấn gần quần đảo Natuna của Indonesia ở phía Đông Nam Biển Đông. Hai nước đã qua nhiều vòng đàm phán từ hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được việc phân chia vùng chồng lấn này.
Từ năm 2014, Indonesia đã tiến hành phá hủy hàng trăm tàu cá nước ngoài, phần nhiều là từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan với cáo buộc rằng các tàu cá này đã đánh bắt cá trộm trong vùng nước của Indonesia.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Indonesia đã đưa ra xét xử 2 ngư dân Việt Nam vì cáo buộc đánh cá trộm, tuy nhiên các ngư dân này khẳng định họ bị bắt giữ khi đang đánh bắt cá trong vùng nước của Việt Nam.
Bộ trưởng ngoại giao Indonesia và người đồng nhiệm Việt Nam đồng chủ trì kỳ họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác song phương cấp Bộ trưởng ngoại giao hai nước.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam Indonesia. Về hợp tác chính trị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, tại cuộc họp lần này, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp trên các kênh, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao.
Kim ngạch thương mại hai chiều đặt mức 6,5 tỷ đô la trong năm ngoái, tăng 16% so với năm trước đó.
Hai bên cam kết sẽ tăng kim ngạch song phương lên thêm 10 tỷ đô la trong những năm tới.
Phái đoàn EU sang Việt Nam thị sát vấn đề đánh cá bất hợp pháp
Liên quan đến vấn đề đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (viết tắt theo tiếng Anh là IUU), vào tháng 5 tới đây một đoàn công tác của Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ sang Việt Nam với mục đích được nói là để kiểm tra tình hình triển khai chống khai thác IUU.
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, chuyến công tác còn có tính chất quan trọng là nhằm cân nhắc rút thẻ vàng mà EU tuyên phạt đối với ngành thủy sản Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái.
Tổng vụ các Vấn đề biển và thủy sản của Ủy Ban Châu Âu sẽ làm việc với các cơ quan liên quan Việt Nam về vấn đề IUU. Trong đó một đoàn kỹ thuật đến Việt Nam trước từ ngày 14 đến 15 tháng 5 và sau đó là đoàn cấp cao do lãnh đạo của Tổng vụ các Vấn đề biển và thủy sản dự kiến sang trong ngày 24 hay 25 tháng 5.
Báo cáo đánh giá sau chuyến làm việc được nhận định sẽ là cơ sở quan trọng để EU cân nhắc đi đến quyết định tiếp theo cho phía Việt Nam : hoặc sẽ rút ‘thẻ vàng’, giữ ‘thẻ vàng’ hay cả nâng lên ‘thẻ đỏ’ nếu thực tế không được cải thiện đối với nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.