Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/02/2017

Biển Đông : trò chơi mèo vờn chuột trên không

tổng hợp

Máy bay Mỹ, Trung Quốc áp sát nhau ở Biển Đông  (RFA, 10/02/2017)

biendong2

Máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc KJ-200. AFP photo

Một máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc và một máy bay tuần tra của hải quân Mỹ trong tuần này có vụ bay sát nhau ở Biển Đông ở cự ly được nói là ‘đối mặt không an toàn’. Đây là một sự cố đầu tiên giữa hai phía vào thời của tân tổng thống Donald Trump.

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hôm nay loan báo tin này. Theo tin cho biết thì vụ việc xảy ra hôm thứ tư. Hãng tin Reuter nói rõ chiếc KJ-200 của Trung Quốc và chiếc P-3C của Hoa Kỳ bay sát nhau ở cự ly trong phạm vi 305 mét trên bầu trời gần khu vực bãi cạn Scaborough. Vùng trời nơi hai chiếc máy bay được nói bay ở cự ly sát nhau như thế được Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ khẳng định thuộc không phận quốc tế.

Theo phát ngôn nhân Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Robert Shuford, thì khi xảy ra sự vụ, chiếc P-3C của Hoa Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ thường lê và hoạt động theo đúng luật pháp quốc tế. Ông này nói thêm phía Bộ Quốc Phòng và Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ luôn quan ngại về những vụ va chạm với lực lượng quân sự Trung Quốc.

Hãng thông tấn AP cho biết có fax đến Bộ Quốc Phòng Trung Quốc để hỏi về vụ việc mà Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ loan đi hôm nay ; thế nhưng AP chưa nhận được trả lời.

Tuy nhiên trên trang chủ tờ Toàn cầu Thời báo của Trung Quốc có trích dẫn của một quan chức quân đội Hoa Lục ẩn danh nói rằng viên phi công của chiếc máy bay cảnh báo sớm của nước này đã phản ứng một cách hợp pháp và chuyên nghiệp.

Vị quan chức ẩn danh này nói thêm là phía Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa hai quốc gia và quân đội hai nước trong toàn cục, có những biện pháp cụ thể và loại bỏ mọi nguyên nhân căn bản các sự cố giữa đôi bên trên biển cũng như trên không.

Một số vụ việc từng đôi lần xảy ra tại khu vực Biển Đông nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ ; mặc dù Bắc Kinh luôn nói tôn trọng quyền tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này và phản đối hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ; đặc biệt công tác thu thập thông tin tình báo do máy bay Mỹ thực hiện gần vùng biển phía nam tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đây là nơi có một số căn Bắc Kinh cho đặt một số căn cứ quân sự.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc có ký hai thỏa thuận nhằm phòng ngừa những vụ đối đầu có thể đưa đến khủng hoảng quốc tế như vụ hồi tháng tư năm 2000 khiến một phi công Hoa Lục tử nạn và phía Trung Quốc bắt giữ 24 thành viên trên chiếc máy bay trinh sát của Mỹ trong vòng 10 ngày.

Vào năm ngoái có 2 vụ đối mặt giữa máy bay Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

***********************

Máy bay Mỹ và Trung Quốc đối mặt nhau "không an toàn" ở Biển Đông (RFI, 10/02/2017)

biendong1

Máy bay KJ-200 của Không quân Trung Quốc trên bầu trời ngoại ô Bắc Kinh, ngày 02/07/2015 - REUTERS/Jason Lee

Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Mỹ, hôm nay, 10/02/2017, thông báo là trong tuần, máy bay của Trung Quốc và Mỹ đã bay sát nhau một cách "không an toàn" trên không phận Biển Đông. Đây là sự cố đầu tiên dưới thời chính quyền Donald Trump.

Phát ngôn viên Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương, Robert Shuford, được AFP trích dẫn, cho biết, sự cố xẩy ra hôm thứ Tư, 08/02/2017, trên không phận quốc tế vùng Biển Đông, khi một chiếc máy bay Trung Quốc KJ-200 và máy bay trinh thám của Hải quân Mỹ P-3C bay đối mặt nhau và khoảng cánh giữa hai máy bay là "không an toàn", thuật ngữ được chỉ là bay quá gần nhau. Tuy nhiên, đại diện quân đội Mỹ không cho biết rõ chi tiết về sự cố này.

Theo ông Shuford, chiếc máy bay trinh thám của Mỹ hoạt động theo như thông lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bộ Quốc Phòng Mỹ và Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương "luôn luôn quan ngại về những hành động không an toàn" từ phía quân đội Trung Quốc.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức. Nhưng trang mạng của Hoàn Cầu Thời Báo, thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, thì trích dẫn một quan chức xin ẩn danh, nhận định rằng viên phi công Trung Quốc đã hành xử "đúng pháp luật và chuyên nghiệp", và bày tỏ hy vọng quân đội hai nước hợp tác với nhau để tránh tái diễn những sự cố tương tự.

Trung Quốc đưa ra những đòi hỏi chủ quyền và lãnh thổ đối với gần như toàn bộ Biển Đông, và nơi đây thường xuyên xẩy ra các sự cố đối đầu, "không an toàn", giữa tàu bè và máy bay của Trung Quốc và Mỹ.

Bắc Kinh tuyên bố tôn trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng phản đối, cản trở các hoạt động quân sự của Mỹ ở trong vùng, đặc biệt là các phi vụ trinh thám của không quân Hoa Kỳ gần vùng phía nam đảo Hải Nam, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Trung Quốc.

RFI tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 800 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)