Indonesia cảnh báo Miến về vấn đề người Rohingya (RFA, 10/02/2017)
Người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine của Myanmar. AFP photo
Myanmar cần thực hiện những bước quan trọng để vãn hồi hòa bình tại bang Rakhine. Đây là kêu gọi của bộ trưởng ngoại giao Indonesia đưa ra hôm nay với cảnh báo biện pháp mạnh tay đối với thiểu số sắc tộc Rohingya tại bang Rakhine có thể dẫn đến bất ổn cho cả khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu của ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia như vừa nêu được đưa ra khi vị này đang công du Singapore. Bà này cho biết Jakarta chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình an ninh và nhân quyền ở bang Rakhine của Myanmar.
Thảm cảnh của người Rohingya theo đạo Hồi bị cho là dân nhập cư lậu và không được cấp quyền công dân tại đất nước đa số theo Phật giáo Miến Điện gây phẩn nộ cho nghiều người tại các nước có đa số theo Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á. Indonesia là quốc gia có số tín đồ đạo Hồi đông nhất thế giới.
Hằng trăm người sắc tộc Rohingya bị cho đã chết trong chiến dịch truy quét các thành phần dân quân tại bang Rakhine do lực lượng an ninh Myanmar tiến hành sau khi có cáo buộc số này tấn công vào các chốt biên phòng.
Tính đến nay có chừng 70 ngàn người Rohingya phải chạy lánh nạn sang Bangladesh với lý do bị hãm hiếp, tra tấn, sát hại và nhà cửa bị đốt phá.
******************
Miến Điện : Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính quyền bảo vệ quyền lợi người dân (RFI, 10/02/2017)
Dân làng Miến Điện phản đối dự án của công ty khai thác mỏ Trung Quốc Wanbao, tại Letpadaung (ảnh chụp hồi tháng Ba 2015) @amnesty international
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vào hôm nay, 10/02/2017, kêu gọi chính quyền Miến Điện ngưng hoạt động mỏ đồng Letpadaung và xử lý đúng đắn các đề án đầu tư lớn, đồng thời kêu gọi các nước ngoài có trách nhiệm bảo đảm sao cho các công ty của họ không vi phạm nhân quyền ở Miến Điện.
Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế nêu bật tình trạng lạm dụng, bất chấp quyền lợi người dân ở vùng khai thác mỏ đồng Letpadaung, như việc chiếm đất, môi trường phá hủy, người dân bị cưỡng bức.
Theo Ân Xá Quốc Tế, chính quyền nên mở điều tra, ngưng các hoạt động ở mỏ đồng cho đến khi quyền người dân và môi trường được tôn trọng thích đáng.
Có khoảng 141 gia đình sẽ bị trục xuất do việc mỏ đồng sẽ mở rộng ra 2.000 mẫu, nhưng lại không có kế hoạch tái định cư cho cư dân, cho dù tập đoàn Trung Quốc Wanbao Mining khai thác mỏ đồng, tuyên bố là đã tham khảo ý kiến.
Tác giả báo cáo chỉ trích tập đoàn Trung Quốc không hề quan tâm đến quyền lợi của người dân tại chỗ.
Một nhà sư tên Nanda Sa Ra, trả lời báo Irrawaddy cho biết từ khi đề án được thực hiện, cả tập đoàn Trung Quốc lẫn chính quyền Miện Điện đã không quan tâm đến hậu quả về mặt sức khỏe người dân, không khí ô nhiễm, bụi mù v.v…
Ân Xá Quốc Tế yêu cầu chính quyền phải quan tâm vấn đề sức khỏe, tôn trọng quyền của người dân muốn ở trên đất cha ông của họ và đền bù đích đáng cho những người bị trưng dụng nhà cửa.
Người dân trong vùng đã liên tục biểu tình phản đối việc tập đoàn Trung Quốc khai thác mỏ đồng và chính quyền đã thẳng tay đàn áp, như hai vụ vào năm 2012 và 2014, được ghi lại trong báo cáo.
Nhưng từ khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền, những vụ phản đối đã giảm thiểu, người dân Letpadaung mong đợi vấn đề được xử lý thỏa đáng.
Mai Vân
************************
Philippines : Cháu một người thân của tổng thống Duterte bán ma túy (RFI, 10/02/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ngày 02/02/2017. REUTERS/Lean Daval Jr
Cơ quan phòng chống ma túy Philippines vào hôm nay, 10/02/2017, thông báo là cháu trai của một cố vấn thân cận của tổng thống Rodrigo Duterte đã bị bắt quả tang bán ma túy ở Davao, nơi ông Duterte từng làm thị trưởng.
John Paul Dureza, cháu trai của cố vấn chính trị và nhà thương thuyết hòa bình của tổng thống Philippines, Jesus Dureza, đã bị bắt vào hôm qua, 09/02, ngay khi đang bán 15g ma túy "shabu" tức methamphetamine cho một khách hàng. Có điều người này là nhân viên cơ quan chống ma túy – PDEA giả dạng.
Theo Reuters, cố vấn Jesus Dureza là bạn thân thiết của ông Duterte. Tổng thống Philippines cho là vụ việc làm ông bối rối, nhưng ông cũng đã khen cơ qua PDEA làm việc vô tư và không thiên vị những người thân cận với ông.
Theo một viên chức PDEA, John Paul Dureza đã bị theo dõi từ lâu, sẽ bị truy tố về tội sở hữu ma túy và súng ống.
Vụ bắt giữ diễn ra vài tuần sau một vụ tai tiếng lớn, theo đó một số thành phần bất hảo trong lực lượng chống ma túy Philippines lại can dự vào việc bắt cóc và sát hại một doanh nhân Hàn Quốc, ngay trong trụ sở ngành cảnh sát quốc gia.
Tổng thống Philippines đã phản ứng bằng cách giao chiến dịch bài trừ ma túy cho cơ quan PDEA phụ trách, đồng thời chuyển số 200 cảnh sát đang bị điều tra nội bộ đến vùng Basilan, miền nam Philippines, để tham gia các chiến dịch chống Hồi giáo cực đoan.
Mai Vân