Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/05/2018

Quan hệ với Trung Quốc : Bắc Triều Tiên và Đài Loan nêu gương cho Việt Nam

Tổng hợp

Kim Jong-un sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình lần hai (RFI, 08/05/2018)

Báo chí Trung Quốc hôm nay 08/05/2018 xác nhận thông tin ông Kim Jong-un đã gặp chủ tịch Tập Cận Bình tại một thành phố gần biên giới hai nước. Đây là chuyến viếng thăm lần thứ hai trong vòng không đầy một tháng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trước cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa ông Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump.

bachan1

Một phi cơ Bắc Triều Tiên tại sân bay thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh chụp của Kyodo.

Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV chiếu cảnh hai nhà lãnh đạo đi bên nhau trong một công viên gần bờ biển thuộc thành phố Đại Liên (Dalian) và sau đó cùng ngồi vào bàn thảo luận. Còn Tân Hoa Xã nói rằng ông Kim và ông Tập đã gặp gỡ trong hai ngày thứ Hai 7/5 và thứ Ba 8/5.

Trước đó hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết nhân vật số một Bắc Triều Tiên đã đến thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc nằm gần biên giới hai nước, cách thủ đô Bình Nhưỡng vài trăm cây số. Theo nguồn tin này, Kim Jong-un gặp Tập Cận Bình để chuẩn bị cho cuộc họp với tổng thống Mỹ.

Đài truyền hình Nhật NHK chiếu các hình ảnh một đoàn xe chính phủ chạy qua thành phố Đại Liên, và sân bay với hai phi cơ Bắc Triều Tiên đang đậu, trong đó có một chiếc giống như loại máy bay được Kim Jong-un sử dụng. Hình ảnh cả hai phi cơ này được quay hôm nay, trong lúc cất cánh từ Đại Liên.

Cuối tháng Ba vừa qua, ông Kim Jong-un trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức vào năm 2011, đã đến Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình. Chuyến đi Bắc Kinh bằng xe lửa được giữ bí mật cho đến khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên quay về nước.

Trung Quốc và Bắc Triều Tiên dù là đồng minh cộng sản trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhưng quan hệ những năm gần đây trở nên lạnh giá, khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trừng phạt của quốc tế vì chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng. Sau khi Bắc Triều Tiên tỏ ra hòa hoãn với việc tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc hồi đầu năm, và cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều được tổ chức cuối tháng Tư, Bắc Kinh lo sợ bị đứng ngoài lề.

Ngay sau khi phía Trung Quốc loan báo về cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm nay ông sẽ nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc về vấn đề thương mại và Bắc Triều Tiên, vào lúc 8 giờ rưỡi sáng (12 giờ 30 GMT).

Thụy My

********************

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un gặp chủ tịch họ Tập (RFA, 08/05/2018)

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong tuần này có cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

bachan2

Hình chụp hôm 3/5/2018 do truyền thông Băc Hàn (KCNA) cung cấp hôm 4/5/2018 : Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un (trái) bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong cuộc gặp tại một địa điểm không nêu rõ cụ thể ở Bắc Hàn - AFP

Truyền thông cả hai nước Bắc Hàn và Trung Quốc loan tin này vào ngày 8 tháng 5. Đây là lần thứ hai diễn ra cuộc gặp giữa hai lãnh tụ Tập Cận Bình và Kim Jong-un trong vòng hai tháng qua.

Cuộc gặp diễn ra tại thành phố Đại Liên của Trung Quốc vào khi căng thẳng tại Bán Đảo Triều Tiên về chương trình vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng giảm nhiệt trước cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng sẽ diễn ra trong tháng 5.

Tin cho biết trong cuộc gặp vào ngày thứ hai 7 tháng 5, lãnh tụ trẻ Kim Jong-un của Bắc Hàn bày tỏ hy vọng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng các bên sẽ có những biện pháp tương thích nhằm giải trừ hạt nhân và duy trì hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên.

Tân Hoa Xã dẫn lời lãnh tụ Kim Jong-un là do các bên liên quan từ bỏ chính sách thù địch cũng như đe dọa an ninh đối với Bình Nhưỡng, nên Bắc Hàn không còn nhu cầu nguyên tử và việc giải trừ hạt nhân có thể được thực hiện. Bản thân ông Kim hài lòng khi thấy mối quan hệ Trung Quốc- Bắc Hàn đạt đến mức cao và Bình Nhưỡng sẽ hợp tác với Bắc Kinh một cách tích cực hơn khi tình hình tại Bán Đảo Triều Tiên thay đổi.

Lãnh tụ Kim Jong-un còn nói với chủ tịch Tập Cận Bình là cuộc đối thoại giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ có thể giúp xây dựng niềm tin. Phía chủ tịch họ Tập thì cho biết ủng hộ đối với chuyển hướng chiến lược sang phát triển kinh tế của Bắc Hàn.

Truyền thông Hoa Lục loan đi những hình ảnh lãnh tụ Kim Jong-un tươi cười tại cuộc gặp ngoài trời với chủ tịch Tập Cận Bình.

********************

Báo Hàn Quốc : Singapore sẽ đón thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ? (RFI, 07/05/2018)

Báo chí Hàn Quốc ngày 07/05/2018 đồng loạt đưa tin : Hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un có rất nhiều khả năng diễn ra tại Singapore vào trung tuần tháng Sáu. Thông tin này được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ, cuối tuần qua, đã nói ngắn gọn rằng hai bên đã thống nhất được thời gian và địa điểm cuộc họp, nhưng không cho biết chi tiết.

bachan3

Đảo quốc Singapore đang được đồn đoán sẽ là nơi diễn ra thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un. Roslan RAHMAN / AFP

Nhật báo đầu tiên công bố tin về địa điểm Singapore là tờ Chosun Ilbo, trích dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết là chính cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã tiết lộ rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên sẽ diễn ra "vào giữa tháng Sáu tới đây".

Theo Chosun Ilbo, khả năng Singapore được chọn làm nơi họp đã "gia tăng" đáng kể sau khi tổng thống Mỹ quyết định tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng vào cuối tháng Năm này.

Cuối tuần qua, ông Bolton đã gặp đồng nhiệm Hàn Quốc Chung Eui Yong tại Washington để thảo luận về các địa điểm tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn Quốc và Mỹ-Bắc Triều Tiên.

Trước báo Chosun Ilbo, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cuối tuần qua cũng đưa tin về việc Singapore củng cố tư thế là địa điểm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim.

Thông tin về khả năng Singapore được chọn xuất hiện trong bối cảnh bản thân tổng thống Mỹ từng cho rằng Bàn Môn Điếm, nơi diễn ra thượng đỉnh liên Triều, cũng là một địa điểm thích hợp đối với ông để tổ chức cuộc gặp giữa ông và lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, Mông Cổ hay Thụy Sĩ cũng từng được gợi lên.

Để chuẩn bị cho các hội nghị sắp tới, đài phát thanh Hàn Quốc KBS hôm nay cho biết là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, ông Lee Do-hoon sẽ sang Mỹ trong tuần này để trao đổi với phía Hoa Kỳ về các thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều ngày 27/04 vừa qua.

Trong cuộc tiếp xúc với bà Susan Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, hai bên cũng sẽ thảo luận nhiều hồ sơ khác như vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, việc phía Bắc Triều Tiên đề nghị được bảo đảm an ninh, và vấn đề Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.

Trọng Nghĩa

*****************

Đài Loan tố cáo WHO chịu thua áp lực của Trung Quốc RFI, 08/05/2018)

Đài Loan hôm 08/05/2018 tố cáo Tổ chức Y tế Thế giới (OMS, WHO) đã lùi bước trước áp lực của Trung Quốc, sau khi không được mời tham dự cuộc họp toàn thể thường niên của tổ chức này.

bachan4

Người biểu tình ủng hộ Đài Loan bên ngoài trụ sở của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Genève, 22/05/2017. Fabrice COFFRINI / AFP

Hội nghị tổ chức từ ngày 21 đến 26/5 tại Genève đã hết thời hạn đăng ký từ hôm qua, trong khi Đài Bắc vẫn chưa nhận được thư mời. Năm ngoái, Đài Loan lần đầu tiên đã phải vắng mặt, sau tám năm liên tiếp dự hội nghị WHO với tư cách quan sát viên kể từ 2009.

Hội đồng phụ trách các vấn đề Hoa lục của Đài Loan tuyên bố : "Chúng tôi cho rằng WHO là một tổ chức phi chính trị, có mục đích tìm kiếm các tiêu chuẩn y tế cao nhất cho nhân loại, chứ không phải chỉ nhằm phục vụ ý đồ chính trị của Bắc Kinh".

Bộ ngoại giao Đài Loan "tỏ ý tiếc" là Đài Bắc không được mời, trong khi theo hiến chương WHO thì Đài Loan có quyền tham dự tất cả mọi hoạt động một cách bình đẳng. Thông cáo của bộ này nêu rõ : "Sức khỏe là một quyền cơ bản của con người, một giá trị phổ quát, độc lập với chủng tộc, tín ngưỡng, niềm tin chính trị, tình hình kinh tế xã hội".

WHO chưa trả lời câu hỏi của AFP về việc Đài Loan bị bỏ ngoài lề.

Hôm qua phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Đài Loan được dự hội nghị từ 2009 đến 2016 vì chính phủ Đài Bắc thời kỳ đó chấp nhận nguyên tắc "chỉ có một nước Trung Hoa", còn đương kim tổng thống Thái Anh Văn lại từ chối.

Được biết chính phủ cũ của Đài Loan coi thỏa thuận này là phương tiện để tạo điều kiện cho các trao đổi với Hoa lục, nhưng đối với Bắc Kinh thì đó là sự thừa nhận Đài Loan thuộc "nước Trung Hoa".

Không chỉ có thế, Bắc Kinh còn gây áp lực buộc các công ty hàng không phải ghi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc thay vì quốc gia. Thứ Bảy tuần trước Nhà Trắng tố cáo hành động này mang tính "độc đoán một cách vô nghĩa".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)