Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

06/06/2018

Biển Đông : Bộ Tứ ra tay ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh

RFI tiếng Việt

Mỹ cho B-52 bay sát đảo nhân tạo xây dựng trái phép của TQ ở biển đông (CaliToday, 06/06/2018)

Hoa Kỳ thực hiện hành động mới nhất ở biển Đông là cho hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay sát với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho xây cất một cách trái phép ở Biển Đông, khiến không khí căng thẳng càng gia tăng.

botu1

Hoa kỳ không chịu ngồi yên khi thấy Trung Quốc bành trướng biển đông. Photo Credit : AP

Theo CNN thì Ngũ Giác Đài loan báo các phi cơ này đang trong một nhiệm vụ huấn luyện, đã cất cánh từ đảo Guam và bay ngay trên quần đảo Trường Sa hôm qua.

Hãng tin Reuters cho hay hai phi cơ này đã thách thức rêu rao của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc, vốn cứ khẳng định là bất cứ tàu hay phi cơ quân sự ngoại quốc nào cũng không ngăn cản được quyết tâm bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ" của Trung Quốc.

Vụ bay trong bầu trời Biển Đông là hành động mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy Washington cũng không ngần ngại quyết tâm thi hành quyền tự do hải hành trong khu vực, vốn có nhiều tiềm năng hải sản, dầu mỏ và cũng là con đường huyết mạch cho nhiều tàu bè buôn bán của thế giới qua lại hàng năm.

Trong tháng 5, Bắc Kinh cũng cho các máy bay ném bom có khả năng chở theo vũ khí nguyên tử H-6K đáp xuống lần đầu tiên ở đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa, một hành động làm lo lắng nhiều nước trong khu vực. Theo giới chỉ huy Không Quân Trung Quốc, đây cũng là những chuyến bay ‘thực tập’

Trung Quốc còn trắng trợn nói các máy bay ném bom này nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho "chiến cuộc Biển Đông". Quả thật, trong đợt thao diễn này, các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã nhào lộn bắn hỏa tiễn vào các mụ ctiêu giả định trên biển.

Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cảnh cáo Hoa Kỳ, sau khi hai máy bay B-52 bay xong, là ‘phải tránh những hành động không kiểm soát như thế, vì như thế rất nguy hiểm’ và tố cáo Hoa Kỳ muốn ‘quân sự hóa’ Biển Đông.

Đào Nguyên (theo Newsweek)

***************************

Bắc Kinh có thể đã tháo gỡ các hỏa tiễn tại vùng Biển Đông (CaliToday, 06/06/2018)

Bắc Kinh có thể đã tháo gỡ các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tại một trong những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông ngay cả khi họ cáo buộc Hoa Kỳ gửi những "vũ khí tấn công" đến khu vực.

botu2

Bắc Kinh có thể đã tháo gỡ các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tại một trong những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông - Photo CNN

Việc thiết lập một số hệ thống hỏa tiễn đạn đạo trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong tháng 5 đã châm ngòi cho một cuộc nổi dậy giận dữ từ Washington về việc "quân sự hóa" của Bắc Kinh. Hầu hết trong vùng tranh chấp này Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Sau đó một pháo đài bay B-52 đã bay qua trên quần đảo Trường Sa trong tuần này, mà Hoa Kỳ cho biết là một phần của "chương trình huấn luyện thường lệ".

Phân tích mới từ cơ quan tình báo Do Thái, Israel Image Sat International (ISI) cho thấy các hệ thống hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc có thể đã bị loại bỏ hoặc dời đi.

Hôm thứ Tư, Bắc Kinh cho biết Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, quân sự hóa khu vực.

"Tôi hy vọng Mỹ có thể giải thích cho tất cả mọi người : Không phải là quân sự hóa khi Mỹ gửi vũ khí tấn công như pháo đài bay B-52 tới Biển Đông ? Có phải B-52 qua đó vì "tự do hàng hải và tự do không phận ? Nếu một quốc gia nào biểu dương vũ lực và nhúng vào chuyện chung quanh gần lãnh thổ của một nước khác thì quốc gia đó có hay không nên nâng cao sự đề phòng và phát triển khả năng phòng thủ của họ ?" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết tại một cuộc họp báo thường xuyên.

"Trung Quốc sẽ không bị đe dọa bởi bất kỳ phi cơ hay chiến hạm nào. Chúng tôi sẽ cương quyết hơn trong quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh cũng như duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông".

Hình ảnh vệ tinh trước đây cho thấy một số dàn phóng hỏa tiễn và một hệ thống radar trên bờ đảo tranh chấp Woody trong chuỗi đảo Hoàng Sa, được bao phủ bởi lưới ngụy trang.

Những trang bị đó đã biến mất theo những gì ISI nói có thể quyết định của Bắc Kinh loại bỏ, hoặc di chuyển đến một địa điểm khác trong vùng tranh chấp Biển Đông.

"Mặt khác, sự kiện này có thể là một cuộc thao dợt thường xuyên", tình báo ISI cho biết. "Nếu vậy, trong vài ngày tới, chúng ta có thể quan sát sự thiết lập các trang bị quân sự đó trong cùng một khu vực".

Các nhà phân tích khác đồng ý có thể là do các hỏa tiễn đạn đạo không phù hợp với việc vị trí vì có thể dễ bị hư hại do nước mặn, và do đó có thể đang được thay thế hoặc sửa chữa.

Trong những tháng gần đây, các viên chức Mỹ đã nói rằng quân đội Trung Quốc đã thiết lập các hỏa tiễn chống chiến hạm, hệ thống hỏa tiễn địa đối không và các thiết bị làm nhiễu điện tử đến các đặc điểm tranh chấp trong khu vực đảo Trường Sa của Biển Đông.

Trung Quốc cũng vừa hạ cánh một chiếc máy bay ném bom H-6K có khả năng hạt nhân trên đảo Woody lần đầu tiên.

Sau khi Mỹ phản đối việc thiết lập các hỏa tiễn đạn đạo trên Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc tuyên bố đó là "các cơ sở quốc phòng cần thiết", và nhắc lại "chủ quyền không thể tranh cãi" của Bắc Kinh trên lãnh thổ này.

Đáp lại, Hoa Kỳ đã loại Trung Quốc khỏi một cuộc tập trận hàng hải lớn vào hàng quốc tế ở Thái Bình Dương liên quan đến hơn 20 quốc gia, theo những gì một nhà phân tích nói "những ngày nhân nhượng đã chấm dứt".

"Cho dù Trung Quốc có tuyên bố gì đi nữa, việc đặt các hệ thống vũ khí này cho thấy chúng sẽ trực tiếp dùng vào mục đích sử dụng quân sự đe dọa và cưỡng chế", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh tại Singapore tuần này.

"Đừng nhầm lẫn : Hoa Kỳ đang hiện diện tại Ấn Độ-Thái Bình Dương và sẽ ở lại lâu dài. Đây là sự ưu tiên của chúng tôi", Ông Mattis nói

Các đại biểu khác đến hội họp các vấn đề quốc phòng trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và những nỗ lực phá bỏ "trật tự theo luật lệ" của họ.

Ngọc Thạch (theo CNN)

*********************

Nhật chặn máy bay Trung Quốc do thám lúc Đài Loan tập trận (RFI, 06/06/2018)

Không quân Nhật Bản đã ngăn chặn một chiếc phi cơ do thám Trung Quốc bay sát không phận Đài Loan trong ngày khởi động cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang) hôm thứ Hai. Tờ Taipei Times hôm nay 06/06/2018 cho biết như trên.

botu3

Đài Loan : Một cảnh cuộc tập trận Hán Quang (Han Kuang) ngày 5/06/2018. Military News Agency /Handout via Reuters

Chiếc máy bay thuộc loại Shaanxi Y-9 đã bay từ Biển Hoa Đông đến Tây Thái Bình Dương, đi qua eo biển Miyako rồi hướng về phía nam qua kênh Ba Sĩ (Bashi) trước khi quay về Trung Quốc, theo bộ Quốc Phòng Nhật Bản. Còn bộ Quốc Phòng Đài Loan nói rằng phi cơ do thám này muốn thu thập các dữ liệu của hệ thống radar, và quân đội Đài Loan luôn theo dõi tình hình.

Trong cuộc tập trận Hán Quang, không quân và hải quân Đài Loan được triển khai hôm thứ Hai 4/6 sau khi có tin tức tình báo giả định là Trung Quốc sắp tấn công. Các chiến đấu cơ General Dynamiques F-16, Dassault Mirage 2000 và AIDC F-CK-1 (Kinh Quốc) cất cánh từ căn cứ ở Hoa Liên (Hualien). Còn hải quân tiến hành sơ tán các tàu tại nhiều quân cảng đến các vùng an toàn, chuẩn bị phản công.

Trên đất liền, hôm qua 5/6 quân đội Đài Loan tiến hành 25 phút tập trận bắn đạn thật gần sông Đạm Thủy (Tamsui), đẩy lùi cuộc đổ bộ giả định của quân Trung Quốc với các chiến xa, hỏa tiễn chống tăng, moọc-chê. Theo tướng Lại Vinh Kiệt (Lai Rong Jie), sông này là phòng tuyến cuối cùng bảo vệ thủ đô Đài Bắc cách đó 22 km. Tổng thống Thái Anh Văn đã thị sát cuộc tập trận bắn đạn thật này.

Biển Đông : B-52 bay qua Trường Sa, Trung Quốc phản đối

Liên quan đến Biển Đông, hôm nay 06/06/2018, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản đối việc Hoa Kỳ điều hai pháo đài bay B-52 đến gần quần đảo Trường Sa, cho rằng Mỹ chỉ "thổi phồng việc quân sự hóa và gây ra những rắc rối".

Thụy My

*******************

Ấn Độ cụ thể hóa chiến lược Đông Nam Á thách thức Trung Quốc (RFI, 06/06/2018)

Báo India Today ngày 05/06/2018 tiết lộ : sau khi rời Việt Nam vào hạ tuần tháng Năm, đội chiến hạm được Ấn Độ triển khai làm nhiệm vụ trong vùng Đông Á và Đông Nam Á đã bị tàu quân sự Trung Quốc bám đuôi trên vùng biển quốc tế để dọ thám.

botu4

Ảnh minh họa : Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G) và phó thủ tướng Malaysia Wan Azizah (P) cùng ông Anwar Ibrahim (T) tại Sepang, Malaysia, ngày 31/05/2018. Department of Information/Muhairul Azman via Reuters

Hành vi thiếu thân thiện của Trung Quốc thể hiện rõ thêm thái độ tức tối của Bắc Kinh trước việc New Delhi ngày càng tăng cường sự hiện diện tại vùng Biển Đông, với một chiến lược Đông Nam Á càng lúc càng rõ nét

Mục tiêu được tuyên bố của Ấn Độ là góp phần kiến tạo một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương "vận hành trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế", một nhóm từ đã trở thành đồng nghĩa với chống lại các hành vi bành trướng, coi thường luật lệ quốc tế mà Trung Quốc đang áp đặt, đặc biệt là tại Biển Đông.

Trong một bài phân tích ngày 03/06/2018, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật nỗ lực mới nhất của Ấn Độ được ghi nhận nhân dịp giới lãnh đạo quốc phòng các nước quan tâm đến an ninh Châu Á tề tựu về Singapore trong ba ngày 01-03/06 để tham gia Đối Thoại Shangri La.

Theo Reuters, trong dòng thời sự đáng chú ý với thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên và tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, Ấn Độ đã bình thản tiến thêm một bước trong việc củng cố quan hệ ngoại giao và an ninh ở Đông Nam Á trong một động thái rõ ràng là thách thức Trung Quốc.

Đối với hãng tin Anh, dĩ nhiên người ta vẫn có thể tự hỏi là Ấn Độ sẽ thúc đẩy những quan hệ đó đi xa đến đâu vì đã từng hứa hẹn từ nhiều năm qua, trong bối cảnh là nước này sẽ bầu lại Quốc Hội trong không đầy một năm, khiến thủ tướng Modi bị phân tâm. Bên cạnh đó, cho dù đã chọc giận Trung Quốc, nhưng New Delhi rõ ràng là không muốn đối đầu trực diện với Bắc Kinh.

Những đề xuất cụ thể mới của thủ tướng Modi

Thế nhưng phải công nhận rằng trong những ngày gần đây, thủ tướng Ấn Độ đã đưa ra nhiều bước cụ thể về ngoại giao và an ninh ở Đông Nam Á.

Ấn Độ đã ký với Indonesia thỏa thuận phát triển một cảng ở thành phố Sabang nhìn ra lối vào phía tây của eo biển Malacca, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất hành tinh. New Delhi đồng thời thỏa thuận với Singapore về cung cấp hậu cần cho tàu chiến, tầu ngầm, máy bay quân sự trong các chuyến ghé cảng.

Ông Modi cũng đã bay sang Kuala Lumpur trong một chuyến thăm lên chương trình vào giờ chót để tiếp xúc với tân thủ tướng Malaysia Mahathir, và qua đó thắt chặt thêm quan hệ với ba nước có ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á.

Hôm 01/06 vừa qua, ở Đối Thoại Shangri La tại Singapore, hội nghị an ninh hàng đầu tại Châu Á, ông Modi tuyên bố sẽ cùng làm việc với các quốc gia ASEAN để phát huy trật tự dựa trên luật pháp ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Trong bài dẫn đề (keynote speech) tại Đối Thoại Shangri La, thủ tướng Ấn Độ xác định : "Chúng tôi sẽ làm việc cùng với ASEAN, với riêng từng nước hay trên thể thức 3 quốc gia hay nhiều hơn, để bảo đảm ổn định và hòa bình trong vùng".

Nhiều đại biểu tại hội nghị trong đó có cả bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã lên tiếng ủng hộ.

Khi hội nghị an ninh kết thúc hôm Chủ Nhật 03/06, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen đã đánh giá : "Tôi chắc chắn là nhiều quốc gia đã vui mừng khi thấy Ấn Độ chứng tỏ quyết tâm dấn thân rõ ràng vào khu vực".

Trung Quốc tỏ thái độ lạnh nhạt

Cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" ngày càng được sử dụng trong thời gian gần đây, trong giới ngoại giao và an ninh ở Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, thay cho khái niệm "Châu Á Thái Bình Dương" mà theo một số người là quá đặt Trung Quốc vào trọng tâm.

Như một sự thừa nhận vị trí ngày càng lớn của Ấn Độ trong khu vực, Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii đã chính thức đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương trong một buổi lễ tổ chức vào ngày thứ Tư 30/05 tuần qua.

Cho dù bề ngoài hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đều tỏ thái độ hữu nghị, và trong diễn văn của mình, thủ tướng Modi cũng nói đến quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước, Bắc Kinh đã lạnh lùng phản bác chiến lược của thủ tướng Ấn Độ.

Trong bài xã luận tuần qua, Hoàn Cầu Thời Báo cảnh báo : "Nếu quả thực là Ấn Độ thật sự muốn cho quân đội tiếp cận cảng chiến lược Sabang, thì họ đã tính toán sai lầm khi lao vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc với khả năng tự làm phỏng tay".

Đại tá Triệu Hiểu Trác (Zhao Xiaozhuo), thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Quân Sự Trung Quốc đã nói với báo giới bên lề hội nghị Shangri La là ông Modi "đã có những đánh giá riêng về những gì ông nghĩ về khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương". Nhân vật này không nói chi tiết nhưng Hoàn Cầu Thời Báo đã trích lời ông cho rằng : "Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương và liên minh giữa Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ sẽ không tồn tại lâu dài".

Mục tiêu của Ấn Độ rộng lớn hơn

Các quan chức bộ ngoại giao Ấn Độ công nhận rằng nỗ lực của New Delhi nhằm bảo đảm an toàn cho tuyến hàng hải qua eo biển Malacca xuất phát từ một động cơ tư lợi mạnh mẽ : đó là vì 60% ngoại thương Ấn Độ đi qua ngã này. Thế nhưng dấu ấn của Ấn Độ có vẻ rộng lớn hơn.

Hạ tuần tháng Năm vừa qua, 3 tàu chiến của Ấn Độ đã cùng với Hải Quân Việt Nam lần đầu tiên tập trận tại Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ.

Thủy thủ tàu ngầm Việt Nam cũng được huấn luyện tại Ấn Độ trong lúc hai bên gia tăng việc chia sẻ thông tin tình báo và xem xét khả năng mua bán vũ khí tối tân.

Ở phía tây, Ấn Độ ký thỏa thuận để tiếp cận cảng Duqm trên bờ biển phía nam Oman, trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Modi vào đầu năm nay. Với thỏa thuận đó, theo nguồn tin báo chí, Hải Quân Ấn Độ có thể sử dụng cảng Duqm cho vấn đề hậu cần và tiếp liệu,cho phép Ấn Độ thực hiện những chiến dịch dài hạn ở phía tây Ấn Độ Dương.

Vào tháng Giêng, Ấn Độ cũng đã đúc kết một thỏa thuận trao đổi với Pháp theo đó Ấn Độ có thể sử dụng những cơ sở quân sự của Pháp ở Ấn Độ Dương.

Các nhà phân tích cho rằng một Ấn Độ quyết đoán hơn sẽ giúp giảm bớt các mối quan ngại ở Đông Nam Á về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng và mối lo ngại về khả năng Mỹ lơ là khu vực.

Theo các chuyên gia này, tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đang tìm kiếm hòa bình với Bắc Triều Tiên, đã làm nhiều nước trong vùng bất an.

Ông C. Raja Mohan, giám đốc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Đại học Singapore nhận định : "ASEAN đã bị sức ép là phải đa dạng hóa quan hệ an ninh, tìm kiếm những đảm bảo khác", thay vì chỉ dựa vào Mỹ. "Một Ấn Độ năng động rất phù hợp với tình hình đó".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Mohan, cho dù ông Modi đã khởi động mạnh mẽ, nhưng chưa rõ là chiến lược của ông bền vững như thế nào :

"Thực hiện các chiến lược luôn luôn là một vấn đề đối với Ấn Độ. Ông Modi đang cố sức tăng cường khả năng của New Delhi thực hiện những chủ trương bên ngoài biên giới. Đã có một số tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều thách thức mang tính chất cơ cấu".

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 721 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)