Miến Điện cho phép Liên Hiệp Quốc tiếp cận khu vực người Rohingya (RFI, 07/06/2018)
Đại diện Liên Hiệp Quốc và chính quyền Miến Điện vào hôm qua, 06/06/2018 đã chính thức ký kết một thỏa thuận về việc tổ chức quốc tế tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya, tiến tới việc cho những người tị nạn hồi hương.
Đại sứ Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc Karen Pierce an ủi một bé gái Rohingya tại trại tị nạn gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 29/04/2018. Reuters (Ảnh minh họa)
Điểm mấu chốt của thỏa thuân này là cho phép Liên Hiệp Quốc đến bang Rakhine để thẩm định rõ tình hình, điều mà cho đến nay vẫn bị chính quyền Miến Điện hạn chế.
Theo Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận "khung" mà hai bên phải mất hàng tháng trời mới đúc kết được, chỉ mang tính chất khái quát, không có nhiều chi tiết cụ thể. Trước mắt, các cơ quan Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành đánh giá tình hình tại bang Rakhine, vốn bị đóng cửa đối với người bên ngoài từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Giải thích với hãng tin Pháp AFP, ông Knut Ostby, điều phối viên Liên Hiệp Quốc thường trú tại Miến Điện xác định rằng cho đến nay, công sức của Liên Hiệp Quốc chỉ mới dồn vào việc thúc giục chính quyền mở cửa bang Rakhine cho quốc tế được tiếp cận. Dù vậy, ông Ostby vẫn chưa biết là các phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ được tiếp cận những khu vực nào, lãnh vực nào sẽ được chính quyền Miến Điện ưu tiên.
Còn ông Giuseppe De Vincentiis, đại diện Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đặc trách Miến Điện hy vọng là có thể bắt đầu công việc "càng sớm càng tốt". Theo ông, giai đoạn đánh giá ban đầu có thể được hoàn tất trong những tháng tới đây, nhưng việc cho những người Rohingya tị nạn trở về còn phải chờ thêm nhiều thời gian nữa vì tình hình hiện nay "không thuận lợi cho việc hồi hương".
Các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng thỏa thuận mới sẽ chỉ có giá trị khi nào mà chính quyền Miến Điện mở cửa bang Rakhine cho các quan sát viên độc lập, và thực hiện các bước quan trọng để công nhận người Rohingya là công dân thực thụ.
Từ tháng 8 năm 2017, khoảng 700.000 người Rohingya đã phải chạy nước láng giềng Bangladesh để thoát khỏi chiến dịch đàn áp của quân đội Miến Điện, một chiến dịch bị Liên Hiệp Quốc tố cáo là "thanh lọc chủng tộc".
Sau đó, Liên Hiệp Quốc và Bangladesh đã ký một thỏa thuận hồi hương vào tháng 11/2017, nhưng chỉ mới có vài chục người tị nạn đồng ý trở về Miến Điện, số còn lại vẫn chưa dám hồi hương vì lo ngại an toàn sinh mạng, trong lúc quyền công dân của họ vẫn không có.
Mai Vân
******************
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Miến Điện hợp tác điều tra vụ đàn áp người Rohingya (RFI, 06/06/2018)
Hội đồng bảo an của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Miến Điện khẩn trương hợp tác với các tổ chức quốc tế điều tra về tội ác man rợ chống người Rohingya. Trên đây là nội dung chính trong một thông điệp của cơ quan đầy quyền lực Liên Hiệp Quốc mà AFP tham khảo được ngày 05/06/2018.
Ảnh minh họa : Cảnh người Rohingya trong trại di tản gần thành phố Sittwe, Miến Điện, từ năm 2012, và không được quyền rời khỏi trại. RFI/Sarah Bakaloglou
Thông điệp của Hội đồng bảo an, được gửi đi ngày 31/05, ghi nhận là sau chuyến công du của một phái đoàn của Hội đồng bảo an tới Miến Điện hồi đầu tháng 5, chính quyền Miến Điện "đã chấp nhận điều tra" về những cáo buộc là đã có các đàn áp tàn khốc chống lại cộng đồng thiểu số Rohingya. Tuy nhiên, Naypyidaw chưa sự thực sự hợp tác.
Thông điệp của Hội đồng bảo an yêu cầu Miến Điện "chuyển các cam kết thành hành động cụ thể". Trước đó, chính quyền Miến Điện đã từ chối cuộc điều tra của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cũng như của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Yanghee Lee.
Theo Hội đồng bảo an, cần tiến hành các cuộc điều tra độc lập và minh bạch "về các vi phạm nhân quyền", buộc các thủ phạm phải đối mặt với công lý. Hội đồng bảo an yêu cầu chính quyền Naypyidaw trả lời trong vòng 30 ngày.
Trong những tuần tới, tân đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, sẽ tới Miến Điện lần đầu tiên.
Từ gần một năm nay, ít nhất 700.000 người Hồi Giáo Rohingya miền tây Miến Điện đã phải chạy trốn khỏi quê hương, sau khi bị quân đội đàn áp tàn bạo. Đa số họ đang sống trong các trại tị nạn tại Bangladesh trong những điều kiện hết sức tồi tệ. Pháp, Anh, Mỹ cũng như Liên Hiệp Quốc tố cáo chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", chính quyền Miến Điện phủ nhận điều này.
Trọng Thành