Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định : Mỹ chống quân sự hóa Biển Đông (RFI, 15/06/2018)
Trong chuyến ghé thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo hôm 14/06/2018 đã không ngần ngại nêu bật với cả đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị lẫn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Washington hết sức quan ngại trước các hành vi quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông. Thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ được thể hiện đúng vào lúc Bắc Kinh tiếp tục cho tiến hành tập trận bắn tên lửa tại khu vực Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 14/06/2018.Fred Dufour/Pool via Reuters
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong một thông cáo công bố hôm qua, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ đã tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như các mối quan ngại của Mỹ trước các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông..
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ xác định : "Ngoại trưởng Pompeo đã tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc (của Mỹ) về các hoạt động xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông, vì lẽ những hành động này làm gia tăng căng thẳng, khiến tranh chấp trở nên phức tạp và leo thang, đe dọa tự do thương mại và phá hoại sự ổn định của khu vực".
Ngoại trưởng Mỹ cũng đã công khai nêu bật quan điểm trên đây trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh.
Theo hãng tin Pháp AFP, trước các nhà báo, ông Mike Pompeo xác nhận rằng ông đã nhắc lại với phía Trung Quốc về các mối quan ngại của Mỹ trước các nỗ lực của Trung Quốc "nhằm xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, đe dọa tự do thương mại và chủ quyền của những quốc gia khác cũng như gây bất ổn trong khu vực".
Lời chỉ trích của ngoại trưởng Mỹ nhắm vào Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cho tập trận trong khu vực.
Trung Quốc tập trận bắn tên lửa ở Biển Đông
Theo báo chí Trung Quốc vào hôm nay, 15/06/2018, Bắc Kinh vừa cho tiến hành một cuộc tập trận tên lửa tại Biển Đông, sử dụng đến máy bay không người lái.
Theo Reuters, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận hải quân diễn ra ở một khu vực không xác định trên Biển Đông, sử dụng 3 máy bay không người lái bay bên trên một đội tàu ở nhiều độ cao khác nhau. Cuộc tập trận này mô phỏng việc chống lại một cuộc tấn công từ trên không.
Thời điểm diễn ra cuộc tập trận cũng không được xác định, nhưng diễn ra ít lâu sau vụ Hoa Kỳ cho hai chiếc oanh tạc cơ B-52 bay gần các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng ở khu vực Trường Sa trên Biển Đông.
Trọng Nghĩa
*****************
Trung Quốc diễn tập tấn công tên lửa ở Biển Đông (VOA, 15/06/2018)
Truyền thông Trung Quốc hôm 15/6 cho biết hải quân nước này đang diễn tập ở Biển Đông, mô phỏng việc chống lại một cuộc tấn công trên không. Động thái này diễn ra giữa lúc Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đổ lỗi cho nhau trong việc làm gia tăng căng thẳng trên tuyến hàng hải đầy tranh chấp này, theo Reuters.
Tên lửa C-802 của hải quân Trung Quốc.
Giữa chuyến thăm Bắc Kinh hôm 14/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ lo ngại về nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Phát biểu của ông được đưa ra sau một loạt các hoạt động của Mỹ trong khu vực, bao gồm đưa máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ bay gần các đảo tranh chấp, khiến Bắc Kinh mạnh mẽ phản đối.
Cuộc tập trận tên lửa tấn công giả định của Hải quân Trung Quốc, tại một khu vực không rõ ở Biển Đông, sử dụng ba máy bay không người lái, bay ở các độ cao khác nhau, hướng đến một đội hình tàu chiến làm mục tiêu, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc cho biết.
Cuộc tập trận thuộc khuôn khổ của một chương trình đào tạo không được nêu tên, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tác chiến thực tế với các mục tiêu trên không, sau khi lãnh đạo Trung Quốc cho rằng một số chương trình huấn luyện không chuẩn bị hiệu quả cho quân đội.
Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên chỉ trích nhau về việc ai đang quân sự hóa Biển Đông, trong đó Bắc Kinh quy lỗi cho các hoạt động "tự do hàng hải" của hải quân Mỹ.
Washington nói các hoạt động này là cần thiết để chống lại nỗ lực hạn chế lưu thông hàng hải của Trung Quốc trong khu vực.
Trong tháng 5, Một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn của Hoa Kỳ.
Các nhà phê bình cho rằng các hoạt động trên ít có tác động lên hành vi của Trung Quốc và phần lớn chỉ mang tính biểu tượng.
Các giới chức Lầu Năm Góc lâu nay phàn nàn rằng Trung Quốc không thành thật về việc tăng tốc xây dựng quân đội và sử dụng các hòn đảo ở Biển Đông để thu thập thông tin tình báo.
Ngoài Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Tăng cường cho lực lượng hải quân là một phần quan trọng trong chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng của Trung Quốc, dưới sự giám sát của Chủ tịch Tập Cận Bình, giữa lúc nước này tìm cách vươn cánh tay quyền lực ra khỏi vùng biển của mình.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu cho thấy hình ảnh của ông Tập đi thăm một tàu ngầm ở thành phố cảng Thanh Đảo ở miền Bắc, nơi ông được giới thiệu về hệ thống vũ khí, trò chuyện với các thủy thủ và đặt câu hỏi về việc đào tạo hạm đội tàu ngầm.