Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/02/2017

Thêm chi tiết về cái chết của Kim Jong-nam

tổng hợp

Về hai nghi phạm vụ Kim Jong-nam (BBC, 17/02/2017)

Các hãng thông tấn quốc tế đưa thêm nhiều chi tiết về hai nữ nghi phạm bị bắt vì liên quan vụ sát hại anh trai lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam, tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2.

Bas du formulaire

kim1

Người phụ nữ mặc chiếc áo có chữ LOL được cho là mang hộ chiếu Việt Nam

Hãng tin Anh Reuters cho hay người phụ nữ mặc chiếc áo thun có chữ LOL trước ngực đã nghỉ ở một số khách sạn rẻ tiền nhưng mang theo người nhiều tiền mặt và cắt tóc chỉ một ngày trước vụ tấn công động trời.

Hãng này dẫn lời một nhân viên lễ tân cho hay người phụ nữ đã đăng ký khách sạn với tên Việt Nam là Doan Thi Huong hôm Chủ nhật 12/2. Người này ra khỏi khách sạn sáng sớm hôm 13/2, hôm vụ tấn công xảy ra, sau đó quay lại và không có dấu hiệu gì đặc biệt.

Cảnh sát Malaysia tin rằng đây chính là người, vào lúc 8 :20 sáng ngày 13/2, đã lại gần ông Kim Jong-nam từ phía sau ở sân bay hàng không giá rẻ của Kuala Lumpur và phun chất độc vào mặt ông.

Theo báo chí Malaysia, Doan Thi Huong đã khai với cảnh sát rằng cô bị lừa tham gia một trò đùa mà cô tưởng là vô hại.

Nghi phạm thứ hai, một phụ nữ Indonesia, cũng khai báo nội dung tương tự, theo các báo địa phương.

Tuy nhiên nhân viên hai khách sạn ở một khu dân cư tồi tàn gần sân bay kể lại hành tung của Doan Thi Huong, cho thấy cô ta hoàn toàn bình tĩnh và tự chủ.

Một thám tử tư nói với Reuters rằng cách hành xử của phụ nữ này cho thấy dấu ấn của một điệp viên tình báo.

Cho tới nay Bộ Ngoại giao Việt Nam mới chỉ chính thức thông báo "các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan" nhưng không công bố chi tiết nghi phạm mang hộ chiếu Việt Nam.

Hành tung bí ẩn

Đầu tiên Doan Thi Huong tới khách sạn hai sao Qlassic vào hôm thứ Bảy 11/2. Một nhân viên đề nghị giấu tên nói cô ta ở phòng giá rẻ nhất, không có cửa sổ.

Một nhân viên lễ tân tên là Sia thì kể lại : "Tôi nhớ là cô ta muốn ở thêm vài ngày và cầm một bó tiền sẵn sàng chi trả".

Thế nhưng chỉ sau một đêm, Doan Thi Huong chuyển sang khách sạn CityView, mang theo một vali, một ba lô và một con gấu bông to. Nhân viên ở đây cho Reuters hay rằng cô ta nói tiếng Anh tàm tạm có thể hiểu được.

Cô ta mượn kéo của lễ tân tối hôm 12/2 và ngày hôm sau nhân viên phục vụ buồng thấy có tóc vương vãi trên sàn và trong sọt rác.

Cũng ngày 13/2, lễ tân chứng kiến cô ta mặc chiếc áo mang dòng chữ LOL mà camera an ninh sân bay ghi lại được.

Doan Thi Huong ra ngoài cả buổi sáng và khi quay lại, trông cô ta "khá thoải mái", "không tỏ ra giận dữ hay lo lắng".

Cô ta than phiền về mạng wifi trong phòng và khi được trả lời rằng phải chờ tới chiều mới có người sửa, cô ta đã rời khỏi khách sạn.

Từ đó cô ta tới khách sạn SkyStar cũng ở gần đó nhưng chỉ ở một đêm. Không rõ sau đó cô ta đi đâu cho tới khi bị cảnh sát bắt sáng thứ Tư 15/2, sau vụ án mạng 48 tiếng đồng hồ và tại chính sân bay nơi Kim Jong-nam bị tấn công.

Vị thám tử tư được Reuters dẫn lời nhận xét : "Đó là cách thức họ [các điệp viên] hoạt động. Thay đổi hình dạng, chỉ tiêu tiền mặt, không để lại giấy tờ gì và luôn luôn di chuyển".

Nghi phạm Indo

kim2

Ảnh hộ chiếu cô Siti Aisyah, người phụ nữ Indonesia bị bắt vì nghi vấn liên quan đến vụ ám hại ông Kim Jong-nam.

Trong khi đó, gia đình và hàng xóm cũ của người phụ nữ Indonesia đang bị nghi vấn có liên quan đến vụ ám hại người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn ở Malaysia đều sững sờ vì chuyện người mẹ trẻ, mà theo họ là một "cô gái tốt", nhã nhặn, và ít nói, hãng tin AP đưa tin.

Siti Aisyah, năm nay 25 tuổi, là một trong ba người tới giờ bị cảnh sát Malaysia bắt giữ vì nghi có liên quan tới vụ bị cho là ám sát ông Kim Jong-nam.

Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói cô Aisyah có lẽ đã bị thao túng. Ông nói với báo giới ông tin là cô không biết mình đã tham gia vào một vụ ám sát.

"Từ những thông tin chúng tôi nhận được và những gì báo chí đưa, chuyện xảy ra ở Kuala Lumpur là Kim Jong-nam và Aisyah đều là nạn nhân. Aisyah là nạn nhân của những âm mưu thao túng hay giả mạo nào đó", ông Kalla nói.

Ba nghi phạm, cô Aisyah, một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam và một người đàn ông được cho là bạn trai của Aisyah, bị bắt giữ vào các thời điểm khác nhau hôm thứ Tư và thứ Năm.

Hai phụ nữ bị bắt được nhận dạng nhờ hệ thống video theo dõi của Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, nơi ông Kim Jong-nam đột nhiên đau vào sáng thứ Hai. Các quan chức Malaysia nói ông chết trên đường đến bệnh viện sau khi nói với các nhân viên y tế sân bay ông đã bị xịt một loại hóa chất.

Reuters phát hiện trang dường như là Facebook của Kim Jong-nam

"Tốt bụng và lễ phép"

Từ năm 2008 đến năm 2011, cô Aisyah và chồng cũ sống ở một căn nhà nhỏ sơn đỏ cũ kỹ trong một ngõ nhỏ ở khu Tambora có mật độ dân cư cao ở phía Tây Jakarta.

Bố chồng cũ của cô, ông Tjia Liang Kiong, người sống ở một khu cho tầng lớp trung lưu gần đó gặp cô lần cuối vào hôm 28 tháng Một. Ông nói cô là "một người rất tốt bụng, lịch sự và lễ phép".

"Tôi thật sốc khi nghe tin cô ấy bị bắt vì đã sát hại một người khác", ông nói. "Tôi không tin là cô ấy phạm tội hay tin vào những điều mà truyền thông nói, rằng cô ấy là gián điệp".

kim3

Người dân bàn tán gần nhà cô Siti Aisyah ở khu Tambora, Jakarta, Indonesia.

Gián điệp ?

Nhiều hãng truyền thông Nam Hàn, dẫn những nguồn tin không được xác nhận, đưa tin hai phụ nữ này được cho là điệp viên của Bắc Hàn đã giết hại ông Kim bằng một loại chất độc nào đó trước khi chạy trốn bằng xe taxi.

Tin cô Aisyah bị bắt đã thu hút giới truyền thông Indonesia vốn thích những vụ scandal và trinh thám. Một số hãng đưa tin cô là gián điệp.

"Trời ạ, làm sao mà tôi có thể tin được", Aminah, một người nội trợ từng là hàng xóm cũ của cô Aisyah ở khu Tambora nói.

"Cô ấy rất tốt với tất cả mọi người ở đây, cô ấy rất trong sáng. Làm sao mà cô ấy giết một người đàn ông được ? Không đời nào, điều đó là không thể có", Aminah nói thêm.

Mẹ cô Aisyah, bà Benah, nói với AP qua điện thoại rằng gia đình họ từ quê lên và không có khả năng giúp đỡ cô.

"Từ lúc chúng tôi nghe tin trên TV, tôi không ăn không ngủ. Bố cháu cũng vậy, ông ấy chỉ cầu nguyện và đọc kinh Koran. Ông ấy thậm chí còn không muốn nói chuyện", bà Benah nói. "Là người nhà quê, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện".

kim4

Công nhân may quần áo trong xưởng dệt may ở khu Tambora, Jakarta, nơi cô Siti Aisyah từng làm việc.

Cuộc sống bất ổn

Theo ông Kiong, bố chồng cũ của cô Aisyah, cô học hết trung học và chuyển đến Malaysia cùng chồng năm 2011 để tìm một cuộc sống tốt hơn sau khi xưởng dệt may mà họ từng làm việc bị sập tiệm. Hai vợ chồng để lại cậu con trai hai tuổi ở Jakarta cho ông bà nội nuôi.

Malaysia, nơi có mức thu nhập gần bằng các nước phát triển, thu hút hàng triệu người Indonesia sang làm việc, chủ yếu là làm ở các quán bar, làm người giúp việc, hay công nhân xây dựng hoặc trong các đồn điền.

Một năm sau khi rời Indonesia, Aishah trở về Jakarta và nói với ông Kiong cô muốn ly dị con trai ông vì anh ta đã thay đổi và hai người không còn hạnh phúc. Ông Kiong kể con trai ông thì lại nói khác : Aisyah đã cặp bồ với một người đàn ông Malaysia.

Hai người cuối cùng ly dị năm 2012 và Aisyah kể với ông Kiong cô đang sống với bố mẹ đẻ ở Serang, tỉnh Banten lân cận với Jakarta và đang làm việc ở một cửa hàng giầy dép. Vài tháng sau, cô lại chuyển địa điểm. Cô kể với ông Kiong cô làm việc ở một cửa hàng quần áo ở Batam, một hòn đảo gần Singapore và Malaysia.

Trong lần cuối cùng họ gặp nhau cuối tháng Một khi cô về thăm con trai, ông Kiong thấy cô rất gầy và hỏi vợ ông liệu cô ấy có ốm không. Cô Aisyah nói cô đã từng bị bệnh đường hô hấp.

Cơ quan xuất nhập cảnh Indonesia cho hay hôm thứ Năm cô Aisyah đã vào Malaysia ngày 2 tháng Hai bằng phà từ đảo Batam.

Ông Rahmat Yusri, trưởng khu vực nơi cô Aisyah sống, không tin là cô có thể giết người.

"Tôi hết sức ngạc nhiên khi tôi nghe tin này vì tôi biết cô ấy rất rõ", ông Yusri nói. "Tôi không tin chuyện này vì cô ấy là một phụ nữ ngây thơ, ít nói từ quê lên".

****************

Malaysia giữ xác ông Kim Jong-nam chờ mẫu DNA (RFA, 17/02/2017)

kim5

Đại sứ Bắc Hàn tại Malaysia, Kang Chol (giữa), rời bệnh viện đa khoa Kuala Lumpur, nơi đang giữ thi thể Kim Jong-nam, ngày 15/02/2017. AFP photo

Cảnh sát Malaysia hôm nay cho biết sẽ không trao cho Bình Nhưỡng xác của ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn kim Jong-un vừa bị ám sát chết tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13 tháng 2, cho đến khi nào nhận được mẫu DNA của một thân nhân trực hệ của người chết.

Hãng thông tấn Reuters cho biết công tác điều tra về cái chết của ông Kim Jong Nam đang được cơ quan chức năng Malaysia tiến hành. Cho đến nay có ba nghi phạm liên quan đến vụ ám sát ông này đã bị cảnh sát Malaysia bắt giữ ; trong đó có một người nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Doan Thi Huong, sinh năm 1988 ở Nam Định.

Hiện cảnh sát Malaysia đang truy lùng 4 người đàn ông bị nghi là tòng phạm trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp ở thủ đô Seoul là họ tin chắc tình báo Bắc Hàn ra tay trong vụ ám sát người con trai trưởng của cố chủ tịch Kim Jong-il theo chỉ thị của đương kim chủ tịch Kim Jong Un.

Giới chức Hoa Kỳ cũng phát biểu tương tự với Reuters.

Trong khi đó một nhà báo Nhật Bản từng viết sách về nhân vật Kim Jong-nam hôm nay lên tiếng khen ngợi nạn nhân mới bị ám sát là một người can đảm tìm cách đổi mới miền Bắc Triều Tiên.

Phóng viên kỳ cựu Yoji Gomi của tờ Tokyo Shimbun cho báo giới biết ông thường xuyên có thư từ trao đổi với ông Kim Jong Nam, nói thêm dù bị đặt trong tình trạng nguy hiểm, ông này vẫn muốn thông qua phóng viên Yoji Gomi và những kênh truyền thông khác bày tỏ ý kiến với Bình Nhưỡng .

Ông Yoji Gomi cho biết mối quan hệ giữa hai người bắt đầu khi bản thân ông phát hiện được Kim Jong Nam tại phi trường quốc tế Bắc Kinh hồi năm 2004. Hai người bắt đầu trao đổi thư điện tử qua lại thường xuyên kể từ năm 2010.

Vào năm 2011, phóng viên Yoji Gomi từng phỏng vấn Kim Jong-nam tại Ma Cao và Bắc Kinh. Thời lượng phỏng vấn tổng cọng 7 tiếng đồng hồ.

Lần trao đổi thư điện tử cuối cùng giữa hai người là vào tháng giêng năm 2012, chỉ ít tuần sau khi người cha của ông Kim Jong-nam qua đời.

Qua trao đổi, nhà báo Yoji Gomi nhận định ông Kim Jong-nam mong muốn Bắc Hàn tiến hành cải tổ kinh tế tương tự như Trung Quốc thực hiện từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước.

***************

Vụ ám sát anh Kim Jong Un : Malaysia đòi cung cấp mẫu ADN (RFI, 17/02/2017)

kim6

Hình ảnh nghi phạm thứ hai (áo vàng) trong vụ ám sát Kim Jong Nam được chiếu trên truyền hình Trung Quốc. REUTERS/CCTV

Thi hài Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, bị ám sát tại Kuala Lumpur chỉ được trao cho Bình Nhưỡng khi nào gia đình họ Kim cung cấp mẫu ADN. Trên đây là quyết định của Malaysia bất chấp hai yêu cầu của Bình Nhưỡng : chống giảo nghiệm tử thi và đòi trả thi thể nạn nhân.

Malaysia tìm cách làm rõ vụ ông Kim Jong Nam, 45 tuổi, sống lưu vong tại Macao bị ám sát bằng chất độc ngày 13/02/2017 tại phi trường Kuala Lumpur. Theo Seoul, thủ phạm là hai nữ điệp viên hành động theo lệnh của lãnh đạo Bắc Tiều Tiên Kim Jong Un.

Bản tin của AFP ngày 17/02 cho biết các bác sĩ pháp y và chuyên gia hóa học của Malaysia bắt đầu phân tích từ mẫu xét nghiệm các bộ phận cơ thể nạn nhân. Đại sứ quán Bắc Triều Tiên chống lại biện pháp giảo nghiệm tử thi và đòi đưa thi hài ông Kim Jong Nam về Bình Nhưỡng, nhưng Malaysia cương quyết khước từ. Cảnh sát trưởng của bang Selangor, Abdul Samah Mat, quản lý phi trường quốc tế Kuala Lumpur, cho biết cho đến nay "chưa thấy gia đình hay người thân" đến nhận dạng hay đòi thi thể nạn nhân. Chỉ có chính quyền Bắc Triều Tiên đòi, nhưng trước khi trao xác thì Malaysia phải "định rõ danh tính nạn nhân qua đời" và do vậy, gia đình họ Kim phải cung cấp mẫu "gen" ADN.

Chưa biết phản ứng của lãnh đạo Kim Jong Un ra sao. Trong khi đó, cảnh sát Malaysia đã tiến hành thẩm tra hai nghi can bị xem là điệp viên của Bình Nhưỡng : một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam tên Doan Thi Huong và một phụ nữ Indonesia tên Siti Aishah cùng người bạn trai Malaysia.

Chính phủ Indonesia nhanh chóng xác nhận nghi can Siti Aishah, 25 tuổi là công dân Indonesia và chỉ thị cho sứ quán tại Kuala Lumpur hỗ trợ về mặt lãnh sự.

Về phần nghi can 29 tuổi mang hộ chiếu Việt Nam, không rõ giả thật như thế nào. Chính quyền Việt Nam chỉ giải thích là đang điều tra.

Tú Anh

****************

Những nữ sát thủ quyến rũ của chế độ Bắc Triều Tiên (RFI, 16/02/2017)

kim7

Ảnh minh họa. Hai phụ nữ Bắc Triều Tiên tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, 8/10/2015.AFP PHOTO / Ed Jones

Các nữ sát thủ của Bắc Triều Tiên, có ngoại hình đẹp và được trang bị vũ khí tẩm độc, hiện là lợi khí cho một chế độ tàn nhẫn luôn rình rập đối thủ của mình. Đây là nhận xét của một quan chức cao cấp đào thoát Bắc Triều Tiên với hãng tin AFP ngày 16/02/2017, sau vụ ám sát Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un.

Các quan chức tình báo Hàn Quốc tin rằng Kim Jong Nam đã bị hất chất độc vào mặt khi ông này đang đi bộ ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Theo An Chan Il, cựu quan chức cao cấp của Bình Nhưỡng, hiện đang được Hàn Quốc bảo vệ nghiêm ngặt, số người chết vì bị ám sát đã lên đến 20 người, tính cả người anh cùng cha khác mẹ của nhà độc tài Kim Jong Un.

Ông An Chan Il nhận xét các điệp viên nam cường tráng, tay cầm súng hay dao đã đi vào quá khứ, thay vào đó là những nữ điệp viên. Ông nói : "Chúng tôi luôn ý thức rằng những phụ nữ trẻ chủ động tiếp xúc, có thể là để sát hại chúng tôi".

Trong những năm gần đây, các điệp viên nam Bắc Triều Tiên ngày càng bị tách khỏi các hoạt động thu thập thông tin và xây dựng quan hệ với các điệp viên khác. Vẫn theo ông An Chan Il, "điệp viên phái đẹp hiện được huấn luyện giết người và sử dụng chất độc. Họ dễ dàng giấu các ống xịt chất độc bằng nhựa, hoặc trong son, hoặc trong mỹ phẩm hay dưới lớp quần áo". Ông nhấn mạnh là các ống bằng nhựa không bị phát hiện ở sân bay.

Hình thức quyến rũ, lý lịch trong sạch

Các ứng viên tình báo thường được tuyển chọn nghiêm ngặt dựa trên hình thức và lý lịch gia đình. Hình thức đẹp là điều kiện tiên quyết, nhưng khác hoàn toàn với tiêu chí của các cuộc thi sắc đẹp. Vì theo giải thích của ông An Chan Il, "một phụ nữ có thân hình thắt đáy lưng ong không phải là ứng viên sát thủ lý tưởng, vì họ sẽ phải tiếp xúc trực tiếp với mục tiêu".

Trước khi bắt đầu sự nghiệp, những nữ điệp viên trúng tuyển còn phải vượt qua nhiều tháng đào tạo, trong đó có cả lao động công ích, kỹ năng chiến đấu, theo dõi và sử dụng vũ khí và đặc biệt là biết nói nhiều ngoại ngữ.

Cựu quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên thấy "kỳ lạ" vì cảnh sát Malaysia bắt được hai phụ nữ bị tình nghi tham gia giết Kim Jong Nam. Vì theo ông, một điệp viên của Bình Nhưỡng, "nếu cô ấy là nhân viên Bắc Triều Tiên, thì cô ấy đã phải biến mất hoặc tự sát ngay khi thấy có nguy cơ bị bắt". Hành động của người phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam bị bắt tại sân bay là "không thể hiểu nổi trong luật chơi điệp viên" đối với ông An Chan Il.

Trong quá khứ, hai nhân viên tình báo của Bắc Triều Tiên đã cố tự sát bằng cách cắn viên xyanua giấu trong thuốc lá, khi họ bị bắt ở Bahrain năm 1987, sau khi cho nổ tung một phi cơ của Hàn Quốc. Người đàn ông chết ngay tại chỗ, còn người thứ hai, tên là Kim Hyon Hee, sống sót. Sau đó, nữ điệp viên được đưa đến Seoul và thú nhận là vụ khủng bố đó nhằm phá hoại Thế Vận Hội mùa hè 1988 tại Seoul.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 778 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)