Trung Quốc : Lợi ích chung vượt cách biệt Mỹ-Trung (VOA, 18/02/2017)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (phải) và người đồng cấp bên phía Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng các nước G20, Đức, ngày 17 tháng 02 năm 2017.
Trung Quốc nói lợi ích giữa mối quan hệ Trung-Mỹ vượt xa hơn những khác biệt giữa đối bên. Tuyên bố được Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra hôm 17/2 trong lần đầu gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson kể từ khi ông Tillerson nhậm chức.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump làm Bắc Kinh giận giữ sau cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và sau những lời bình luận rằng Hoa Kỳ không buộc phải gắn kết với chính sách "Một nước Trung Hoa" theo đó Washington công nhận lập trường của Trung Quốc là chỉ có một nước Trung Hoa và Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này.
Trong một cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, ông Trump thay đổi lập trường và đồng ý tôn trọng chính sách "Một nước Trung Hoa." Đây là một thắng lợi ngoại giao đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc không chấp nhận bị chỉ trích vì tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan tự trị.
Tuy nhiên, một vài lãnh vực khác biệt giữa hai nước, như tiền tệ, thương mại, Biển Đông và Bắc Triều Tiên không được đề cập đến trong các tuyên bố công khai hay trên các cuộc điện đàm.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được công bố sau khi ông Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Tillerson bên lề hội nghị Ngoại trưởng các nước G20 tại Bonn, Đức, cũng không đề cập rõ ràng đến những bất đồng giữa hai bên.
Ông Vương nói cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Trump rất quan trọng, và hai nước nên thúc đẩy các mối quan hệ tốt hơn nữa.
Vẫn theo lời ông Vương, Mỹ-Trung nên tăng lòng tin lẫn nhau, hợp tác sâu rộng hơn và đảm bảo rằng dưới thời Tổng thống Trump, hai nước đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và thịnh vượng thế giới.
Thông cáo cho biết hai bên cũng đã "trao đổi quan điểm một cách sâu rộng"về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng không cho biết chi tiết.
Ngoại trưởng Tillerson cũng thúc đẩy Trung Quốc làm mọi việc có thể để làm dịu bớt cách hành xử của Bình Nhưỡng gây bất ổn khu vực sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo ngày Chủ Nhật vừa qua.
****************************
Chiến hạm Trung Quốc kết thúc tập trận ở Biển Đông (RFI, 18/02/2017)
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. REUTERS/Stringer
Tân Hoa Xã hôm nay, 18/02/2017, cho biết là ba chiến hạm của Trung Quốc hôm qua vừa kết thúc một tuần tập trận ở Biển Đông, sau khi cách đây không lâu hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này thử nghiệm các vũ khí tại đây.
Đội tàu, trong đó có một khu trục hạm trang bị tên lửa, đã tiến hành tập trận từ thứ sáu tuần trước, và nay đang tiến về vùng đông Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương. Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập huấn lần này bao gồm các cuộc diễn tập "tấn công bất ngờ" và đã được thực hiện "thành công" trong điều kiện biển rất xấu.
Một chuyên gia quân sự thì cho đài truyền hình trung ương Trung Quốc biết rằng các cuộc tập trận nói trên "không theo một kịch bản nào" và "gần với giao tranh thật sự nhất".
Các cuộc tập trận nói trên được thông báo sau khi hôm thứ tư vừa qua, Trung Quốc vừa cảnh cáo Hoa Kỳ là không được thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, vì có tin là Washington chuẩn bị mở lại các cuộc tuần tra để bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển này, đưa các chiến hạm Mỹ đến sát các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây ở Biển Đông.
Trung Quốc hiện cũng đang xem xét việc sửa đổi luật an toàn hàng hải, buộc các tàu ngầm nước ngoài khi đi vào vùng biển Trung Quốc phải di chuyển trên mặt nước và báo cáo hành trình của họ cho nhà chức trách Trung Quốc. Tuy không đề cập trực tiếp đến Biển Đông, nhưng bản dự thảo luật sửa đổi cho phép các cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc ngăn chận tàu nước ngoài đi vào vùng biển Trung Quốc nếu xét thấy những tàu này có thể gây phương hại cho an toàn hàng hải và trật tự.
****************************
Trung Quốc hoàn tất tập trận trên biển Đông (VOA, 17/02/2017)
Tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc
Ba tàu chiến Trung Quốc hôm 17-2 đã hoàn tất một tuần tập trận như dự kiến ở Biển Đông, sau khi tàu sân bay duy nhất của nước này tiến hành thử nghiệm vũ khí trên tàu.
Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, tường thuật rằng đội tàu chiến, trong đó có một tàu khu trục có khả năng phóng tên lửa dẫn đường, đã tiến hành các cuộc diễn tập từ hôm thứ 6 tuần trước và đang di chuyển về phía đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.
Các cuộc diễn tập của tàu hải quân Trung Quốc, đặc biệt là tàu sân bay Liêu Ninh, trong những tháng gần đây đã làm các nước láng giềng lo lắng, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Chuyên gia quân sự Yin Zhuo nói với Đài truyền hình Trung Quốc rằng các cuộc diễn tập "không theo kịch bản sắp xếp từ trước" và "sát với điều kiện chiến đấu thực tế".
Trung Quốc hôm 15-2 cảnh báo Mỹ sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Washington đang lên kế hoạch để tiến hành các cuộc tuần tra trên Biển Đông.
Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp. Washington quan ngại rằng các cơ sở đó có thể được sử dụng để hạn chế tự do di lại trên tuyến hàng hải quan trọng này, và do đó hải quân Mỹ đã nhiều lần điều tàu đến khu vực để khẳng định "quyền tự do hàng hải".
Trung Quốc đã cam kết sẽ tôn trọng tự do hàng hải trên vùng biển này.
Trung Quốc truyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông trong khi Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Philippies và Brunei tuyên bố một phần vùng biển có các hải lộ chiến lược và giàu tài nguyên.
Nguồn : Reuters
*************************
Trump đổi giọng, Biển Đông có thay đổi ? (VOA, 17/02/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ sẽ tôn trọng chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ trong cuộc điện đàm hôm 9/2, theo thông cáo từ Tòa Bạch Ốc một ngày sau đó. Đây là diễn tiến mới nhất trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt mối quan hệ nguội lạnh với Trung Quốc từ lúc ông Trump đắc cử cho đến sau khi ông nhậm chức.
Khi còn là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng Hòa, ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc "chơi ép" Hoa Kỳ gây thâm hụt thương mại và chưa đủ nỗ lực trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Sau khi trúng cử Tổng thống, ông Trump tiếp tục đả kích Trung Quốc khi cho rằng Hoa Kỳ chẳng hưởng lợi gì trong quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời phê phán nước này hạ giá tiền tệ, đánh thuế cao sản phẩm nhập khẩu của Hoa Kỳ, cũng như xây dựng các pháo đài ở Biển Đông. Ngoài chất vấn về chính sách của Mỹ đối với ‘Một nước Trung Hoa’, ông Trump còn điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, gây khó chịu cho Bắc Kinh trong khi Ngoại Trưởng Rex Tillerson của chính quyền Trump hôm 12/1 tuyên bố chớ để Trung Quốc được phép tiếp cận các hòn đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, sự thừa nhận ‘Một nước Trung Hoa’ trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 9/2 hoàn toàn trái ngược với thái độ quyết liệt trước đó của ông Trump, khiến chính sách sắp tới của Hoa Kỳ tại Châu Á nói chung và tại Biển Đông nói riêng trở nên ‘khó đoán’.
Liệu Tổng thống Donald Trump thay đổi thái độ, xoa dịu với Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ trên Biển Đông ?
Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư luật thuộc Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế, và vấn đề Biển Đông, cho rằng cuộc gặp giữa ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada lần lượt trong hai ngày 10 và 13 tháng này cho thấy có sự thay đổi chiến lược trong cách tiếp cận tình hình chính trị thế giới của ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump thay đổi thái độ về ‘Một nước Trung Hoa’, theo luật sư Khanh, không nhất thiết là chỉ dấu chính quyền Trump sẽ có sự thay đổi trong vấn đề Biển Đông.
Vẫn theo chuyên gia này, việc chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng chính sách ‘Một nước Trung Hoa’ là nhằm tránh sự đụng độ với Trung Quốc, tuân thủ đường lối ngoại giao với Bắc Kinh mà Hoa Kỳ vẫn theo đuổi trong 40 năm qua. Luật sư Khanh viện dẫn bằng chứng là chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khẳng định "Họ sẽ tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi tự do hàng hải cũng như hàng không ở trong khu vực và họ không chấp nhận sự hiện diện của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp từ 3 năm qua."
Vẫn còn quá sớm để biết chính sách thực sự của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc, với Biển Đông ; và thế giới vẫn đang dõi mắt theo từng diễn tiến từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ Mỹ-Á thuộc Đại học Maine (Hoa Kỳ), tạm thời sẽ không có chính sách nào được quyết trong thời điểm hiện tại khi mà "nội các của Trump đang rối loạn" với các scandal như vụ từ chức của tân cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hay vụ ứng viên được Tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Lao động Andrew Puzder rút lui hôm 15/2, chỉ một ngày trước phiên điều trần trước Thượng Viện để được chuẩn thuận.