Trung Quốc đặt tuần duyên dưới quyền chỉ huy của quân đội (RFI, 02/07/2018)
Bắt đầu từ ngày 01/07/2018, lực lượng tuần duyên Trung Quốc được đặt dưới quyền lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, thay vì Cục Hải dương như lâu nay. Việc quân sự hóa lực lượng này gây lo ngại cho các nước láng giềng.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc đối mặt với tàu tuần duyên Việt Nam, trong vụ giàn khoan HD 981 năm 2014. Ảnh chụp ngày 14/05/2014. Reuters/Nguyen Ha Minh
Theo Tân Hoa Xã, lực lượng hải cảnh (tuần duyên) hoạt động dưới quyền của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc sẽ là một cơ quan thực thi pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền hàng hải của quốc gia. Tuần duyên có trách nhiệm chống các tội phạm hình sự trên biển, tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ môi trường, quản lý ngư trường và chống buôn lậu.
Quốc hội Trung Quốc cách đây vài tuần đã thông qua quyết định quân sự hóa lực lượng tuần duyên. Hoàn cầu Thời báo cho biết, dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, lực lượng tuần duyên sẽ tham gia các cuộc tập trận của quân đội.
Chuyên gia Tống Trung Bình (Song Zhongping) nói rằng các tàu tuần duyên sẽ được vũ trang các khẩu đại bác có hỏa lực mạnh hơn. Các nhân viên tuần duyên cũng được phép mang vũ khí. Tuy nhiên theo chuyên gia này, tuần duyên Trung Quốc sẽ không đe dọa các nước khác, nếu họ không "khiêu khích" chủ quyền và quyền hàng hải của Bắc Kinh.
Trước đó bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong cuộc họp báo ngày 26/6 đã bày tỏ quan ngại về việc quân sự hóa lực lượng này, vì tuần duyên Trung Quốc thường xuyên quấy nhiễu vùng biển bao quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tuần duyên Trung Quốc cũng gây phẫn nộ với nhiều vụ bắt giữ ngư dân Philippines hoạt động trên Biển Đông gần đây, và từ tháng trước đã bắt đầu tuần tiễu gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (hiện do Bắc Kinh kiểm soát).
Malaysia tiếp tục tỏ ra trung lập về Biển Đông
Cũng liên quan đến Biển Đông, chính quyền Malaysia hôm qua 01/07/2018 nhắc lại quan điểm vùng biển này phải là khu vực tự do và an toàn cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Mahathir Mohamad sắp sang thăm Trung Quốc.
Theo ông Mohamad, chiến hạm của Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều có thể đi ngang vùng biển của Malaysia, nhưng không nên nấn ná lại để phô trương sức mạnh.
Thụy My
*******************
Trung Quốc giao cho quân đội quản lý lực lượng tuần duyên (RFA, 02/07/2018)
Tuần duyên Trung Quốc trong một cuộc tập trận. AFP
Bắt đầu từ ngày 01/07/2018, lực lượng tuần duyên Trung Quốc, thường được gọi là Hải Cảnh, chính thức trực thuộc Quân ủy Trung ương, thay vì Cục Hải dương như trước đây.
Tân Hoa Xã cho biết lực lượng tuần duyên hoạt động dưới sự quản lý của của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc sẽ làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền hàng hải của Hoa Lục
Tuần duyên Trung Quốc chịu trách nhiệm chống tội phạm trên biển, tìm kiếm cứu nạn, thực thi luật pháp, bảo vệ môi trường, quản lý ngư trường và chống buôn lậu.
Hoàn cầu Thời báo cho biết, dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương, tuần duyên Bắc Kinh sẽ tham gia các cuộc tập trận của quân đội.
Một chuyên gia quân sự của Bắc Kinh nới với Hoàn Cầu Thời Báo rằng rằng các tàu tuần duyên sẽ được trang bị với các khẩu đại bác có hỏa lực mạnh hơn, trong khi lính tuần duyên cũng được phép mang vũ khí. Vị chuyên gia này cũng nói thêm tuần duyên Trung Quốc sẽ không đe dọa các nước khác, nếu họ không khiêu khích chủ quyền và quyền hàng hải của Hoa Lục.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong cuộc họp báo ngày 26/6 đã bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh quân sự hóa lực lượng tuần duyên vì đây chính là lực lượng thường xuyên có mặt tại vùng biển quanh đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Ngoài ra, lực lượng Tuần duyên Trung Quốc còn thực hiện nhiều vụ bắt giữ ngư dân Philippines trên Biển Đông và từ tháng trước đã xuất hiện gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.