Trung Quốc lên kế hoạch xây đường hầm dưới biển nối Đài Loan (RFA, 07/08/2018)
Các nhà khoa học Trung Quốc, sau nhiều năm tranh luận, đã gần đạt được sự thống nhất trong việc thiết kế một đường hầm dưới biển bắt qua eo biển Đài Loan.
Hình minh họa. Những người Đài Loan biểu tình phản đối đối thoại với Trung Quốc- AP
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin vừa nêu vào ngày 6 tháng 8, dẫn nguồn từ các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã đệ trình kế hoạch lên Chính phủ Trung Quốc.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 135 km dưới biển và xe lửa có thể chạy trong đường hầm này với vận tốc 250 km/giờ. Theo dự kiến, đường hầm sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Hiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang căng thẳng và điều này có thể làm chậm trễ việc thực hiện dự án.
Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ đơn phương tiến hành dự án trị giá hàng tỷ Nhân dân tệ và mang tính biểu tượng này.
Một nhà khoa học làm việc trong Chính phủ Bắc Kinh, không muốn nêu tên nói rằng đây là một trong những dự án xây dựng lớn nhất và khó nhất trong thế kỷ 21.
Ý tưởng cho dự án xây đường hầm dưới biển nối Trung Quốc và Đài Loan được hình thành gần tròn một thế kỷ, nhưng gần đây các nhà khoa học và kỹ sư mới tìm ra được phương thức để xây dựng đường hầm này. Dự án được chú ý hơn sau khi vào năm 2016, Bắc Kinh quyết định đưa thêm đường xe lửa tốc độ cao vào kế hoạch.
Thiết kế của dự án này được hoàn chỉnh vào năm ngoái, do Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tài trợ.
Đường hầm dưới biển bắt qua eo biển Đài Loan sẽ dài gấp 3,5 lần so với đường hầm dưới biển dài nhất hiện nay nối giữa Anh và Pháp có chiều dài 37,9 km.
**********************
Đài Loan trả đũa các hãng hàng không ‘vâng lời’ Trung Quốc (VOA, 07/08/2018)
Đài Loan đang xem xét cách thức trả đũa các hãng hàng không nước ngoài mà mới đây đã đầu hàng trước sức ép của Bắc Kinh xem hòn đảo này là một phần thuộc Trung Quốc.
Hãng United Airlines đã thay đổi tên của Đài Loan trên trang web của họ
Bộ Giao thông đang nghiên cứu các biện pháp phản công, hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức yêu cầu không nêu tên do không có thẩm quyền phát ngôn.
Hôm 6/8, tờ United Daily News có trụ sở ở Đài Bắc tường thuật rằng các biện pháp này bao gồm cấm các hãng hàng không có liên quan sử dụng các cầu thông đưa hành khách lên máy bay (hay còn được gọi là ống lồng) cũng như thay đổi các ô cất cánh và hạ cánh. Giới chức hòn đảo này cũng xem xét các biện pháp khích lệ đối với các hãng hàng không dùng các từ ngữ đề cập đến Đài Loan một cách trung lập hơn, trong đó có bỏ phí hạ cánh và lệ phí cơ sở vật chất.
Các biện pháp này là lời đáp trả chính thức đầu tiên của Đài Bắc trước áp lực ngày càng tăng từ đại lục. Bắc Kinh đã thành công trong việc ép 44 hãng hàng không quốc tế phải đề cập đến Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc trên trang web của họ.
Nhà Trắng từng lên án nỗ lực của Trung Quốc áp đặt quan điểm chính trị của họ lên các công dân và công ty tư nhân của Mỹ là ‘vô lý’.
Cục Hàng không Dân dụng Đài Loan đã yêu cầu các hãng hàng không này phải thay đổi trên trang web của họ với lý do rằng việc họ xem hòn đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc đã gây tổn hại đến chủ quyền của Đài Loan
Hồi tháng Tư năm nay, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã gửi thư đến trên 40 hãng hàng không nước ngoài yêu cầu họ không đặt Trung Quốc ngang hàng với Hong Kong và Đài Loan. Lá thư này yêu cầu phải gọi Đài Loan là ‘Đài Loan Trung Quốc’ hoặc ‘Khu vực Đài Loan của Trung Quốc’ và các bản đồ của họ phải thể hiện hòn đảo này cùng màu với Trung Quốc đại lục.
Tìm kiếm các điểm đến thuộc Đài Loan trên trang của các hãng hàng không như Delta Air Lines và American Airlines sẽ cho thấy các thành phố Đài Loan không có thể hiện tên và mã quốc gia, theo Bloomberg.
Bắc Kinh tuyên bố rằng những thay đổi này là ‘chưa đủ’ và đặt ra thời hạn đến ngày 9/8 để các hãng này thực thi hoàn toàn yêu cầu của họ.
***********************
Đài Loan muốn tăng ngân sách quốc phòng trước đe dọa của Trung Quốc (RFA, 06/08/2018)
Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, vào ngày 6 tháng 8 cho biết đang tìm cách nâng ngân sách quốc phòng của đảo quốc này lên khi mà quan hệ với Hoa Lục ngày càng xấu đi trước những đe dọa vũ lực từ Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và vấn đề quốc phòng. Ảnh chụp ngày 17 tháng 7 năm 2018 tại Đài Loan - AFP
Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin nói rõ ngân sách quốc phòng mà bà tổng thống Thái Anh Văn muốn có cho tài khóa sang năm tăng 5,6% lên hơn 13 tỷ đô la Mỹ.
Đề nghị sẽ được đưa ra tại kỳ họp Quốc Hội sắp đến. Lập luận của bà Thái Anh Văn được Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lại là hiện có nhiều thay đổi trong tình hình quốc tế và khu vực ; trong khi đó an ninh quốc gia của Đài Loan phải đối mặt với những đe dọa từ phía Trung Quốc ngày càng rõ ràng và phức tạp hơn.
Khoản ngân sách quốc phòng được bà tổng thống Thái Anh Văn đề xuất như vừa nêu được cho biết chiếm gần 2,2% tổng sản phẩm nội địa của Đài Loan. Theo lời bà Thái Anh Văn thì chừng 1/5 ngân sách năm 2019 sẽ được dành cho những dự án ‘tự vệ hữu hiệu’ của đảo quốc này ; đặc biệt là những dự án đóng tàu ngầm. Vào năm ngoái, Đài Loan cũng công bố kế hoạch đến năm 2026 tự phát triển loại chiến đấu cơ huấn luyện.
Kể từ khi bà Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến chủ trương độc lập cho Đài Loan lên nắm quyền tổng thống cách đây hai năm, Bắc Kinh cho tăng cường áp lực đối với Đài Bắc.
Quân Đội Trung Quốc tiến hành hằng loạt cuộc diễn tập không quân và hải quân, trong đó có cả đợt tập trận bắn đạn thật 5 ngày tại khu vực Eo Biển Đài Loan vào tháng tư vừa qua. Bắc Kinh nói thẳng hoạt động tập trận là nhắm vào những lực lượng chủ trương độc lập của Đài Loan.