Quân đội Mỹ chỉ trích Trung Quốc xua đuổi máy bay trên Biển Đông (VOA, 13/08/2018)
Trung Quốc đã phát đi 6 cảnh báo qua sóng radio tới máy bay trinh sát P-8A Poseidon khi chiếc máy bay này hôm 10/8 chở các nhà báo của CNN và BBC đến gần các đảo nơi Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự.
Đá Vành Khăn
Các cảnh báo cho rằng khu vực này là lãnh thổ của Trung Quốc và máy bay nên rời đi, theo CNN.
Cũng theo CNN, một thông điệp của phía Trung Quốc nói rõ : "Hãy rời đi ngay lập tức để tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào".
Đá Subi
Phi hàng đoàn đáp lại rằng họ đang "tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp bên ngoài không phận quốc gia của bất kỳ nước nào", CNN đưa tin.
Chiếc máy bay bay ngang qua Đá Chữ Thập Đá Subi, Đá Gạc Ma và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây dựng đường băng, đài radar và các nhà máy điện.
CNN nhận thấy rằng chỉ riêng tại Đá Subi có tới 86 tàu thuyền, bao gồm cả tàu tuần duyên Trung Quốc, đang neo đậu.
Sau đó, trên trang Twitter chính thức, Hải quân Mỹ viết : "Chúng tôi sẽ tuần tra bằng tàu, máy bay và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Cũng trên Twitter, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ gửi tiếp một thông điệp : "Hoa Kỳ sẽ không bị ‘cảnh báo’ phải từ bỏ các hoạt động hợp pháp trong vùng biển và không phận quốc tế".
Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản nói thêm : "Hàng ngày các máy bay P-8A của Hải quân Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản góp phần cho hòa bình và an ninh khu vực bằng cách bay đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
*********************
Trung Quốc ngầm cảnh báo Việt Nam ? (VOA, 12/08/2018)
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc được cho là đã "bày tỏ hy vọng" với quan chức Việt Nam rằng Hà Nội sẽ "xử sự khôn ngoan hơn" khi giải quyết các vấn đề liên quan tới lãnh hải.
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị mới gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề một sự kiện ngoại giao liên quan tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Singapore.
Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã đăng tuyên bố, trong đó ông Vương được trích lời đã nói với ông Minh rằng hai người "đã gặp nhau trước đó không lâu ở Hà Nội" (hồi tháng Tư), và "đã trao đổi sâu về việc thực thi các kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm của Tổng bí thư và Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam".
"Chúng tôi sẵn sàng cùng với phía Việt Nam nỗ lực liên tục làm sâu sắc mối quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực và đồng thời có các nỗ lực tích cực để thúc đẩy ổn định và hòa bình khu vực", tuyên bố về cuộc gặp hôm 3/8 giữa hai nhà ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc có đoạn.
"Các lãnh đạo hàng đầu của hai bên đã đạt được sự đồng thuận chính trị quan trọng nhằm giải quyết hợp lý các vấn đề hàng hải mà cần phải được Trung Quốc và Việt Nam thực thi một cách nghiêm túc".
Quan chức ngoại giao hàng đầu của nước láng giềng khổng lồ phương bắc còn được trích lời "bày tỏ hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ xử lý cũng như kiểm soát các vấn đề liên quan tới biển bằng cách xử sự khôn ngoan hơn nhằm duy trì một cách hiệu quả lòng tin và hợp tác giữa hai nước".
Hiện chưa rõ "cách xử sự khôn ngoan hơn" mà Trung Quốc muốn chứng kiến từ phía Việt Nam cụ thể là gì.
Hồi cuối tháng Năm, trong một tuyên bố được coi thuộc loại mạnh mẽ nhất trong nhiều năm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã "yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay" việccho máy bay ném bom diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời "không được tiến hành quân sự hóa ; nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ; tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực".
Trong cuộc gặp với ông Vương hôm 3/8, theo thông báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Minh đã "đánh giá cao những tiến triển trong quan hệ hai nước thời gian qua ; đề nghị Trung Quốc tích cực áp dụng các biện pháp hiệu quả duy trì tăng trưởng thương mại đi đôi với giảm nhập siêu của Việt Nam".
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, ông Minh "nêu rõ cần kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước ; kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp ; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm đạt được COC [Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông] hiệu quả, thực chất và ràng buộc".
Hôm 4/8, cũng tại Singapore, ông Vương lên tiếng bảo vệ quyết định quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh, gọi đó là hành động "tự vệ" trước áp lực từ Hoa Kỳ và các nước khác.
Đề cập tới các hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược và các loại vũ khí tối tân khác, nhà ngoại giao giao hàng đầu Trung Quốc nói rằng các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, phải "thiết lập các cơ sở phòng thủ" để "tự vệ" khi "đối mặt với áp lực và mối đe dọa quân sự đang ngày càng gia tăng như vậy".
Cũng tại Singapore, lần này, theo các nhà quan sát, Trung Quốc đã có bước đi quyết định nhằm thu phục lòng tin của các nước Đông Nam Á bằng cách đồng ý về dự thảo đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, và đề nghị cùng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên diễn tập quân sự chung, các nhà phân tích nhận định.
Bộ trưởng Vương Nghị được Tân Hoa Xã dẫn lời nói rằng bước đi trên "chứng tỏ rằng Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN có khả năng duy trì hòa bình và ổn định".
Viễn Đông
****************
Biển Đông : Hải quân Trung Quốc muốn máy bay Mỹ "rời ngay lập tức" (BBC, 12/08/2018)
Ông tường thuật về những gì ông chứng kiến khi quan sát căn cứ mà Trung Quốc xây ở Đá Subi, Quần đảo Trường Sa.
"Xin hãy rời ngay lập tức và tránh xa khu vực này để tránh có hiểu lầm", Hải quân Trung Quốc thường xuyên gửi cho các máy bay giám sát của Mỹ những thông báo như vậy.
Đại úy Matt Johnson của Hải quân Mỹ cho biết : "Đây là chuyện thường nhật với chúng tôi trên những chuyến bay này. Chuyện này xảy ra trên các chuyến bay của chúng tôi khi họ phát thông báo và chúng tôi chỉ đáp lại bằng những phản ứng thông thường. Chúng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động nào của chúng tôi hay những gì chúng tôi làm. "
Ở khoảng cách 12 hải lý, sử dụng hệ thống camera rất tốt của máy bay, nhóm phóng viên BBC quan sát thấy trên đảo có một rừng radar, hangar tàu bay và có lẽ cả một nơi để đỗ các bệ phóng tên lửa.
Cách đây vài năm, cũng tại địa điểm này, hàng triệu tấn cát được bơm vào các bãi đá để tạo vùng đất mới, có bóng dáng đầu tiên của một đường băng, nhưng không có tòa nhà nào.
Những chuyến bay của Hải quân Mỹ không chỉ để giám sát, mà còn cho Trung Quốc thấy Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện ở đây và không lo ngại về việc xây dựng của Trung Quốc.
"Theo nghĩa rộng hơn chúng tôi ở đây để đảm bảo những quyền của mình, máy bay quân sự được phép bay trên không phận quốc tế, để duy trì sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực, cho thấy rằng chúng tôi không lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng. Chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt ở đây trên khu vực Biển Đông", Đại úy Lauren Callen của Hải quân Mỹ cho biết.
Hải quân Trung Quốc cũng phát ra những lời cảnh báo với Hải quân Philippines, nước láng giềng nhỏ và yếu thế hơn, với giọng điệu cứng rắn hơn với Mỹ :
"Máy bay quân sự Philippines, tôi cảnh báo các anh một lần nữa. Rời khỏi đây ngay lập tức, nếu không các anh sẽ chịu trách nhiệm về mọi hậu quả".
Đá Subi về mặt địa lý nằm gần Việt Nam và Philippines hơn Trung Quốc lục địa, và là đối tượng tranh chấp giữa các nước.
Các chuyên gia cho rằng, với số lượng các tòa nhà như hiện nay, Subi trở thành có kích cỡ tương đương với đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đang kiểm soát nhưng Hà Nội và Đài Bắc cũng tuyên bố chủ quyền.
********************
Trung Quốc cảnh báo máy bay Hải quân Mỹ trên Biển Đông : 'Hãy rời khỏi ngay' (VOA, 10/08/2018)
Hôm 10/8, Hải quân Mỹ dành cho phóng viên CNN cơ hội hiếm hoi được quan sát hoạt động quân sự hóa nhanh chóng của chính phủ Trung Quốc ở Biển Đông.
Đá Chữ thập đã được Trung Quốc biến thành một đảo nhân tạo ở Biển Đông, ảnh do máy bay trinh sát Hải quân Mỹ chụp, tháng 5/2015
Từ một máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, ở độ cao hơn 5.000 mét, phóng viên CNN thấy các bãi cạn được biến thành các doanh trại với các tòa nhà 5 tầng, hệ thống radar lớn, nhà máy điện và đường băng đủ sức đón máy bay quân sự cỡ lớn.
Trong suốt chuyến bay, tổ bay đã nhận 6 lời cảnh báo riêng rẽ từ quân đội Trung Quốc, nói rằng họ đang ở trong lãnh thổ Trung Quốc và thúc giục họ rời đi.
"Hãy rời khỏi ngay lập tức và hãy ở bên ngoài để tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào", lời cảnh báo phát đi qua giọng của một người.
Máy bay phản lực của Hải quân Mỹ đã bay qua 4 đảo nhân tạo chính trong quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã xây dựng các công trình, là Đá Subi, Đá Chữ thập, Đá Gạc ma và Đá Vành khăn.
Bay bên trên Đá Subi, các cảm biến của chiếc Poseidon phát hiện 86 tàu, bao gồm cả tàu tuần duyên Trung Quốc, neo đậu trong một đầm phá khổng lồ, trong khi đó, trên Đá Chữ thập là một loạt nhà chứa máy bay nằm dọc theo một đường băng dài.
"Thật đáng ngạc nhiên khi thấy các sân bay ở giữa đại dương", Trung úy Lauren Callen, chỉ huy tổ bay tác chiến trên chuyến bay của Hải quân Mỹ, đưa ra nhận xét.
Mỗi khi máy bay này bị quân đội Trung Quốc cảnh báo, tổ bay của Hải quân Hoa Kỳ đều phản ứng lại với cùng một thông điệp.
"Đây là máy bay của hải quân Hoa Kỳ có chủ quyền và bất khả xâm phạm đang tiến hành các hoạt động quân sự hợp pháp ở bên ngoài không phận quốc gia của bất kỳ quốc gia ven biển nào", đó là nội dung lời đáp trả.
Phần cuối của thông điệp nêu rõ : "Khi thực hiện các quyền này được luật pháp quốc tế bảo đảm, tôi hoạt động với sự tôn trọng phù hợp đối với quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia".
Chính phủ Trung Quốc kiên quyết khẳng định các khu vực rộng lớn ở Biển Đông đã trở thành một phần lãnh thổ của nước này "từ thời xa xưa".
"Đường 9 đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh có điểm xa nhất các tỉnh cực nam của Trung Quốc tới hơn 1.000 km, bao trùm lên gần như toàn bộ Biển Đông. Liên Hiệp Quốc ước tính 1/3 lượng vận tải hàng hải toàn cầu đi qua nơi này.
Biển Đông cũng được cho là có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí tự nhiên chưa được thăm dò đầy đủ.
Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên nhau ở vùng biển trải rộng 3,6 triệu kilômét vuông, nhưng tuyên bố chủ quyền lớn nhất là do Trung Quốc đưa ra.
Hầu hết các nước khác đều xem tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là không có căn cứ, quan điểm này được một tòa án quốc tế ủng hộ hồi năm 2016.
Mặc dù vậy, hầu như không có thay đổi gì trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với khu vực này trong những năm gần đây.
Để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình, Bắc Kinh đã bồi đắp các bãi cạn để xây các đảo nhân tạo, sau đó quân sự hoá chúng với các đường băng và thiết bị ra-đa.
Trong gần 2 năm qua, Trung Quốc đã kiên cố hóa các đảo này, bao gồm cả việc đặt tên lửa trên quần đảo Trường Sa trong các cuộc tập trận hải quân hồi tháng Tư.
Việc làm này bất chấp lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi năm 2015 rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Lần gần đây nhất CNN được cho phép đi cùng một hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trên Biển Đông là vào tháng 9/2015, khi đó máy bay của họ cũng bị quân đội Trung Quốc cảnh báo.
Kể từ đó, việc xây đảo của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp đã tiếp tục và tăng tốc thêm.
Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ về những căng thẳng trong khu vực. Họ nói rằng các cuộc tuần tra thường xuyên bằng tàu và máy bay của hải quân Mỹ ở Biển Đông là những nỗ lực để Mỹ khiêu khích Trung Quốc và do đó nước này có lý do để gia tăng sự hiện diện quân sự của họ.
(CNN, Express)