Hội nghị Bắc Đới Hà : Thách thức quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình (RFI, 13/08/2018)
Trong tuần qua, truyền thông chính thức tại Trung Quốc đã loan báo nhiều dấu hiệu cho thấy hội nghị Bắc Đới Hà đang diễn ra. Đó là cuộc họp kín, không chính thức, nhưng lại rất quan trọng, giữa các cựu quan chức cao cấp của đảng và lãnh đạo đương nhiệm của chế độ Bắc Kinh. Các đường lối chính sách, nhân sự lãnh đạo đảng đương nhiệm sẽ được đưa ra để mổ xẻ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi ngày 26/07/2018. Reuters
Theo giới quan sát, trong bối cảnh chính phủ Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong điều hành kinh tế và cuộc chiến thương mại với Mỹ càng làm cho nội bộ đảng Cộng sản chia rẽ, hội nghị này sẽ là một thách thức cho chính sách và quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình, cho dù ông vừa dọn đường thành công để làm lãnh đạo Trung Quốc suốt đời.
Ngay từ khi lên lãnh đạo Trung Quốc cho đến khi quyền lực thâu tóm gần như tuyệt đối, ông Tập luôn phải đối mặt với hàng loạt thách thức về chính trị, kinh tế và tranh giành quyền lực. Các chỉ trích, chống đối trong nội bộ tăng tỷ lệ thuận với phạm vi quyền hành của ông Tập Cận Bình.
Giáo sư Đại học Hồng Kông, Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), một nhà quan sát lâu năm tình hình Trung Quốc, được hãng tin AP trích dẫn, nhận định "vì tập trung hết quyền lực nên ông Tập phải chịu trách nhiệm tất các mặt trái cũng như thất bại về chính trị… Ông không thể đổ trách nhiệm được cho ai khác".
Những thách thức đến lúc này chưa thể là mối đe dọa cho quyền lực tuyệt đối của ông Tập. Nhưng rõ ràng là với nhiều người Trung Quốc, lòng tin vào chế độ đang có vấn đề. Cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng đẩy kinh tế Trung Quốc vào như thế khó, trước nguy cơ tổn thất hàng trăm tỷ đô la. Nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng Bắc Kinh không có chiến lược phù hợp để đối phó với Washington, ít ra là hướng tới các cuộc thương lượng, tránh gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Hiện tại phương sách của Bắc Kinh dường như vẫn chỉ là phản ứng đáp trả, nhưng rõ ràng đó là sự đáp trả yếu ớt. Một hội nghị của đảng tháng trước đã thừa nhận những yếu tố từ bên ngoài đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Ở trong nước, vụ bê bối vắc xin giả lại càng làm dấy lên lo ngại về khả năng kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động của những công ty đang lũng đoạn nền kinh tế. Tuần trước, chính quyền đã phải tìm mọi cách để dẹp một cuộc biểu tình lớn ở Bắc Kinh của hàng ngàn người bị trắng tay do hàng loạt tổ chức tín dụng đổ bể. Người biểu tình lên án chính phủ đã không có khả năng cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đó là bằng chứng cho thấy chế độ độ đang bị mất lòng tin trầm trọng trong dân trên lĩnh vực quản lý kinh tế.
Giáo sư chính trị Đại học Nhân dân Bắc Kinh, ông Trương Minh khẳng định : "Lòng tin là quan trọng nhất, việc dân mất lòng tin với chính phủ sẽ có sức tàn phá rất lớn".
Cuộc họp hàng năm của các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu và lãnh đạo đương nhiệm tại Bắc Đới Hà do Mao Trạch Đông khởi xướng và đã đi vào truyền thống của chế độ Bắc Kinh. Chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động sẽ là một chủ đề quan trọng sẽ được các "trưởng lão" trong đảng mang ra bàn thảo và chất vấn.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 8/8 trích dẫn giáo sư Trương Minh, cho biết tình hình đang diễn biến phức tạp, phe đối lập có thể phản pháo ông Tập Cận Bình ngay tại hội nghị Bắc Đới Hà. Trong khi đó, cuộc chiến chống tham nhũng không có hồi kết đã được chính ông Tập thừa nhận là đang gặp thách thức lớn.
Trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", ông Tập Cận Bình đã phá vỡ các quy tắc bất thành văn trong đảng đó là các thành viên cao cấp của Trung ương, Bộ chính trị đương nhiệm hoặc nghỉ hưu thì phải được miễn trừ xử lý. Điều này càng củng cố các suy đoán cho rằng các nhóm chính trị bị tước đi các đặc quyền đặc lợi trong đảng cộng sản đang cố gắng tập hợp để đối phó với Tập cận Bình.
Trong chính trị Trung Quốc, cuộc họp Bắc Đới Hà từ lâu nay vẫn là dịp để các vị lãnh đạo về hưu xem xét đường lối của người kế nhiệm và cho ý kiến đóng góp thêm cho các quyết sách của đảng. Nhưng trên thực tế đó cũng là nơi để các "trưởng lão" của đảng thể hiện sự ảnh hưởng còn lại của mình trên chính trường. Vì thế hội nghị cũng là cơ hội lý tưởng để các phe cánh trong đảng vận động hậu trường tranh giành quyền lực hay tìm cách bảo vệ mình.
Anh Vũ
**************
Malaysia nhắc lại ý muốn hủy 22 tỷ đô la hợp đồng với Trung Quốc (RFI, 13/08/20148)
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ công du Trung Quốc kể từ thứ Sáu 17/08/2018. Một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự sẽ là yêu cầu đàm phán lại một số đề án xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá cả chục tỷ đô la, mà chính quyền Malaysia tiền nhiệm đã ký với Trung Quốc. Trả lời hãng tin Mỹ vào hôm nay ; 13/08, ông Mahathir nói rõ thêm là ông muốn hủy bỏ các hợp đồng "bất công" đó.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed tại Putrajaya ngày 01/08/2018. Reuters
Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm nay đã xác nhận rằng chuyến công du của tân thủ tướng Malaysia sẽ kéo dài 5 ngày, và ông Mahathir sẽ hội đàm với cả chủ tịch Tập Cận Bình lẫn thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ngay vào tháng Bảy vừa qua, đương kim thủ tướng Malaysia đã cho biết là tính chất "bất công" của các hợp đồng ký kết với Trung Quốc cho một số hạ tầng cơ sở tại Malaysia là một vấn đề quan trọng mà ông sẽ nêu bật trong chuyến thăm Trung Quốc.
Từ khi bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua, ông Mahathir đã liên tiếp xác định chủ trương xem xét lại các dự án lớn được chính phủ cũ của thủ tướng Najib Razak ký kết, với lý do là nhiều dự án không có ý nghĩa tài chính đối với Malaysia.
Tân lãnh đạo Malaysia đặc biệt đả kích một số dự án của Trung Quốc tại Malaysia, và tuyên bố sẽ đàm phán lại các điều khoản đã ký, ngay cả khi công việc xây dựng tiếp tục.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP vào hôm nay, thủ tướng Mahathir cho biết ông sẽ tìm cách "hủy bỏ" các dự án cơ sở hạ tầng hàng tỷ đô la mà người tiền nhiệm của ông đã ký kết với Trung Quốc, giải thích rằng đó là điều cần thiết khi chính phủ của ông đang phải cố sức thoát khỏi nợ nần.
Thủ tướng Mahathir xác nhận rằng ông rất mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và hoan nghênh đầu tư đến từ Bắc Kinh, miễn là các khoản đầu tư đó có lợi cho Malaysia.
Thế nhưng, ông tỏ thái độ cực kỳ kiên quyết, muốn hủy bỏ hai dự án đã ký với Trung Quốc : Tuyến xe lửa dọc bờ biển miền Đông Malaysia, và dự án thiết lập đường ống dẫn khí đốt, ước tính tổng cộng 22 tỷ đô la.
Ông khẳng định với AP nguyên văn như sau : "Chúng tôi không nghĩ là chúng tôi cần đến hai dự án đó. Chúng tôi không nghĩ là chúng có thể có lợi. Vì vậy, nếu có thể, chúng tôi muốn đơn giản là hủy bỏ hai dự án đó".
Đây là hai dự án đã được cựu thủ tướng Najib Razak ký kết, trong lúc bản thân ông Najib hiện đang đối mặt với nguy cơ phải ra tòa để trả lời cáo buộc biển thủ hàng tỷ đô la từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.
Trọng Nghĩa
******************
Người dân Trung Quốc nói gì về cuộc chiến thương mại với Mỹ ? (VOA, 13/08/2018)
Theo nhận định của Reuters, các quan chức Trung Quốc hầu hết kiềm chế phản ứng của mình đối với cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh trong những tuần gần đây, thông qua việc công bố một loạt các mức thuế trừng phạt. Họ thường tránh gây thêm căng thẳng và để cho truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản đưa ra những bình luận gay gắt nhất.
Cam nhập khẩu từ Mỹ được bày bán trong siêu thị ở Thượng Hải.
Tuy nhiên, tâm trạng của người dân trên các đường phố Bắc Kinh và Thượng Hải thì không cam chịu như vậy. Reuters vừa trò chuyện với khoảng 50 người, chủ yếu từ hai thành phố trên, về mối quan ngại của họ đối với cuộc chiến thương mại, về nhận định của họ về phản ứng của Bắc Kinh, cũng như về khả năng người Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm của Mỹ để trả đũa.
Trong số 50 người được hỏi liệu họ có lo lắng về cuộc chiến thương mại hay không, chỉ có 11 người (22%) trả lời có và 39 người (78%) nói rằng họ không quan tâm.
Các cuộc phỏng vấn cho thấy chưa có dấu hiệu thực sự về khủng hoảng hay hoảng loạn. Có sự chia rẽ và bối rối về việc Trung Quốc nên phản ứng như thế nào với ông Trump. Một số người cho rằng Bắc Kinh nên đánh trả vào những lợi ích của Mỹ, nhưng những người khác nói họ không biết có thể làm gì được.
Cụ thể, với câu hỏi Bắc Kinh nên làm để phản ứng lại các quyết định áp thuế trừng phạt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, 19 người (38%) nói rằng Trung Quốc nên mạnh mẽ đáp trả. Phần còn lại đưa ra các phản ứng khác nhau, bao gồm việc tái tập trung phát triển kinh tế trong nước, thúc đẩy các thị trường xuất khẩu khác, trong khi 8 người (16%) nói họ không biết chính phủ nên làm gì.
Tuy nhiên, theo Reuters, điều đáng lo ngại nhất cho các doanh nghiệp Mỹ bán hàng ở Trung Quốc là việc 14 người (28%) muốn dừng mua các sản phẩm của Mỹ, và một số nói rằng họ đã tẩy chay bất cứ thứ gì được sản xuất tại Hoa Kỳ. Những người khác nói họ tiếp tục mua hàng Mỹ nhưng điều đó có thể thay đổi trong tương lai.
Reuters cho rằng nếu kết quả này đại diện cho toàn bộ người dân Trung Quốc và họ thực hiện như đã nói, thì điều này có thể gây tổn thất lớn cho doanh số bán iPhone của Apple, phim của Disney, cà phê Starbucks, xe ôtô của General Motors và các sản phẩm khác của Mỹ. Đó là hiện chưa có bất kỳ phong trào tẩy chay nào do chính phủ hoặc các nhà hoạt động tổ chức.
Tất nhiên, đây chỉ là một cuộc thăm dò quy mô rất nhỏ và không theo phương pháp khoa học. Ngoài ra, theo Reuters, cùng với việc người dân Trung Quốc thường không tiết lộ suy nghĩ thực sự của họ với truyền thông nước ngoài, thì các kết quả cuộc thăm dò chỉ mang tính tham khảo.
***********************
Campuchia bắt nghi phạm Trung Quốc định tuồn ma túy vào Việt Nam (VOA, 13/08/2018)
Nhà chức trách Campuchia đã thu giữ gần 100kg ma túy, trị giá hàng triệu đôla, được giấu trong các hộp đồ ăn cho vật nuôi nhập khẩu từ Đức, theo trang Channel News Asia.
Ecstacy có tên viết tắt chính thức là MDMA – mà nhiều người Việt hay gọi là "thuốc lắc".
Nghi phạm là Yao Zeye, một người Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan đến lô hàng trên.
Ông Mok Chito, Phó Tổng thư ký của Cơ quan chống ma túy quốc gia Campuchia (NADA), cho biết, Yao Zeye đã bị bắt giữ ngày 7/8 vừa qua sau khi đến một bưu điện ở trung tâm thủ đô Phnom Penh để nhận lô hàng trên.
NADA cho biết, có tổng cộng 98kg viên ma túy có tên viết tắt chính thức là MDMA – mà nhiều người Việt hay gọi là "thuốc lắc", đã được phát hiện trong lô hàng trên, trong một đường dây được cho là sẽ phân phối ở thị trường Campuchia và Việt Nam.
Ông Chito nói với hãng tin AFP rằng đây là vụ vận chuyển "thuốc lắc" lớn nhất ở Campuchia, và cho biết thêm rằng mỗi viên MDMA được bán với giá từ 20 đôla đến 80 đôla, nên lô hàng trị giá tổng cộng đến "hàng triệu" đôla.
Những năm gần đây, Campuchia đã áp dụng các biện pháp cứng rắn trong cuộc chiến chống ma túy nhằm đối phó với những đối tượng buôn lậu muốn biến đất nước này thành một điểm trung chuyển, nhất là heroin và "ma túy đá".
Nhiều bản án nặng đã được đưa ra đối với tội phạm buôn lậu ma túy. Hàng trăm người đã bị bắt giữ, trong đó có nhiều quan chức cấp cao và cả người nước ngoài.
***********************
Samsung có thể đóng cửa nhà máy điện thoại ở Trung Quốc (VOA, 13/08/2018)
Công ty Điện tử Samsung đang xem xét đình chỉ hoạt động tại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, do doanh thu sút giảm và chi phí lao động tăng cao, theo hãng tin Reuters.
Công ty Điện tử Samsung đang xem xét đình chỉ hoạt động tại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở thành phố Thiên Tân.
Trong năm nay, Công ty Samsung có thể ngừng sản xuất điện thoại di động tại nhà máy Thiên Tân Samsung Telecom Technology, Reuters dẫn nguồn tin từ một tờ báo Hàn Quốc cho biết.
Hôm 13/8, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới cho biết rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về số phận của nhà máy Samsung ở thành phố Thiên Tân.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, hãng Samsung nói : "Thị trường điện thoại thông minh nói chung đang gặp khó khăn do mức tăng trưởng chậm lại. Nhà máy Samsung ở Thiên Tân đang đặt ra mục tiêu tập trung vào các hoạt động gia tăng khả năng cạnh tranh và tính hiệu quả".
Chỉ cách đây 5 năm, Samsung chiếm được 20% thị phần ở Trung Quốc, nhưng trong năm nay thị phần đã giảm xuống dưới 1%, bị Huawei, Xiaomi và các thương hiệu khác của Trung Quốc qua mặt, đặc biệt là do giá rẻ hơn.
Điện thoại Huawei của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Samsung đã tập trung đầu tư với số vốn lớn để sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam và Ấn Độ.
Vào tháng trước, hãng này cũng đã mở nhà máy điện thoại thông minh lớn nhất thế giới bên ngoài thủ đô New Delhi của Ấn Độ, dự kiến sẽ trở thành một trung tâm xuất khẩu tầm cỡ.
Theo Thời báo Electronic Times, nhà máy của Samsung ở Thiên Tân sản xuất 36 triệu điện thoại di động/năm và nhà máy Samsung ở Huệ Châu sản xuất 72 triệu chiếc mỗi năm, trong khi hai nhà máy ở Việt Nam sản xuất 240 triệu chiếc mỗi năm.