Đảng Cộng sản Trung Quốc chia rẽ vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (RFI, 14/08/2018)
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gây chia rẽ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một số quan chức cho rằng quan điểm của Bắc Kinh quá dân tộc chủ nghĩa, đây có thể là nguyên nhân khiến Washington trở nên cứng rắn hơn.
Chiến tranh thương mại với Mỹ đang gây chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Reuters/Damir Sagolj/File Photo
Cảm giác bất an này có thể nhận thấy ở cấp cao nhất của chính quyền. Người ta nhấn mạnh, ông Vương Hộ Ninh (Wang Huning), một người thân tín của chủ tịch Tập Cận Bình, là "quân sư" đã đề ra chiến lược và chủ thuyết của ông Tập, đang bị chỉ trích dữ dội.
Vương Hộ Ninh là người vẽ ra "Giấc mơ Trung Hoa" cho Tập gia gia - giấc mơ một đế quốc hùng mạnh và thịnh vượng. Nhưng hình ảnh mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc là một sự khiêu khích đối với Hoa Kỳ.
Một trong những quan chức Trung Quốc được hãng tin Reuters phỏng vấn đã nhận định : "Vương Hộ Ninh đang gặp khó khăn do quản lý kém việc tuyên truyền, và khua chuông gióng trống ầm ĩ về Trung Quốc".
Cùng với tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - đôi bên thi nhau áp thuế hải quan lên hàng hóa - ngày càng có nhiều nhân vật trong chính quyền Trung Quốc cho rằng tương lai của Trung Quốc "đang u ám đi". Một cố vấn chính trị của chính quyền không muốn nêu tên cho biết như trên.
Cảm tưởng này được nhiều tiếng nói có trọng lượng khác cùng chia sẻ. Một giáo sư đại học thuộc một think tank, cũng yêu cầu giấu tên, nói rằng : "Nhiều nhà kinh tế và trí thức cảm thấy khó chịu với chủ trương chiến tranh thương mại của Trung Quốc. Có một nhận định phổ biến là quan điểm hiện nay của Trung Quốc quá cứng nhắc, và các nhà lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình".
Ẩn mình chờ thời
Cái nhìn này tương phản hẳn với những ý tưởng được các học giả Trung Quốc phát biểu hồi đầu năm, khoe khoang khả năng đối phó của Bắc Kinh trước những cuộc chiến tranh thương mại, mà họ cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở vào thế yếu tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc tin rằng có thể thỏa thuận được với Washington hồi tháng Năm để tránh được một cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh đã bị sốc trước việc mà họ coi là một sự quay ngoắt của chính quyền Mỹ.
Vị cố vấn chính trị trên giải thích : "Chuyển biến từ xung đột thương mại thành chiến tranh thương mại đã khiến người ta phải suy xét lại". Theo ông : "Việc một số định chế và học giả phóng đại sức mạnh của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự đánh giá của Mỹ, thậm chí đến quan điểm trong nước".
Theo một quan chức, thông điệp được chính sách tuyên truyền của Trung Quốc đưa ra là không hay ho chút nào. "Trong cuộc chiến thương mại, chủ trương tuyên truyền là nói rằng ông Trump bị điên. Thực tế ông ấy lo sợ là Trung Quốc trở nên quá mạnh".
Dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, những người có trách nhiệm ngày càng có thói quen cao giọng tuyên bố chỗ đứng chính đáng của Trung Quốc phải là lãnh đạo thế giới. Họ đã bỏ xó khuyến cáo của Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa kinh tế Trung Quốc vào cuối thập niên 70, là Trung Quốc "phải chờ đợi thời cơ và giấu đi thế mạnh của mình".
Sự tự tôn này trở thành đương nhiên với việc đề cao sáng kiến Con đường tơ lụa mới nhằm phát triển những tuyến đường thương mại giữa phương Đông và phương Tây, hoặc khi cứng rắn khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và đối với Đài Loan.
Bắc Đới Hà hứa hẹn gay go
Một trong những giọng ténor ca ngợi rằng Trung Quốc đã đạt đến "quyền năng toàn cầu" là Hồ An Cương (Hu Angang), giáo sư kinh tế trường đại học Thanh Hoa và là chuyên gia trong lãnh vực "biệt lệ Trung Quốc". Quan điểm này được một số nhân vật có chức quyền chia sẻ.
Thế nhưng trong những tuần lễ gần đây, ông Hồ An Cương phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Ông bị phê phán là làm cho Hoa Kỳ trở nên nghi ngại đối với Trung Quốc, khi phóng đại quá mức sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và quân sự.
Sự rạn nứt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc xảy ra vào một thời điểm khó khăn đối với quyền lực Bắc Kinh. Đồng nhân dân tệ và các thị trường chứng khoán đang sa sút, trong khi chính quyền cố gắng hỗ trợ nền kinh tế, để làm giảm nhẹ những hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Các ngân hàng được yêu cầu linh hoạt hơn trong việc cấp tín dụng, và biện pháp giảm thuế cũng được nêu ra.
Nhưng tình trạng này dường như không ngăn trở các nhà lãnh đạo hàng đầu duy trì cuộc thảo luận bí mật thường niên tại thành phố biển Bắc Đới Hà. Tập Cận Bình và các quan chức khác đã biến mất trên báo chí chính thức. Theo như những gì diễn ra các năm trước, thì hội nghị này có thể kéo dài hai tuần lễ.
Một nguồn tin thứ ba có liên quan đến ban lãnh đạo nói với Reuters là tình trạng căng thẳng xung quanh Vương Hộ Ninh là từ việc ông này phản đối nạn sùng bái lãnh tụ Tập Cận Bình.
Bài học phải trả giá đắt
Dù sao đi nữa, người đứng đầu cơ quan tuyên truyền vẫn hiện diện trên báo chí Nhà nước. Theo các nhà ngoại giao và giới thân cận chính quyền, khó thể có việc ông này bị tước các chức vụ trong ủy ban thường trực Bộ Chính trị đảng cộng sản – cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc.
Mặc dù báo chính chính thức trong những ngày gần đây không tiếc lời đả kích Hoa Kỳ và cuộc chiến thương mại, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong thông điệp của Trung Quốc.
Bắc Kinh bắt đầu lắng tiếng về "Made in China 2025" - kế hoạch chiến lược nhằm phát triển kỹ nghệ, được Nhà nước đề ra từ tháng 5/2015 – nhưng hiện nay đang là trung tâm các vụ kiện của Washington liên quan đến tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Kênh truyền hình tin tức bằng tiếng Anh CGTN phát chủ yếu ra nước ngoài, cũng nhấn mạnh đến khía cạnh giá hàng tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất đang rẻ bỗng trở nên đắt hơn sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ.
Nhưng trong phạm vi riêng tư, các quan chức Trung Quốc cho rằng điều tệ hại đã xảy ra, rằng Trung Quốc đã học được bài học với giá đắt, là tuyên truyền ầm ĩ trong nước nay được nước ngoài "soi" kỹ hơn bao giờ hết.
Một trong những người được Reuters hỏi chuyện nhận định : "Đối với Trung Quốc, không thể chờ đợi thời cơ và giấu đi sức mạnh, nhưng ít nhất chúng tôi có thể kiểm soát được khối lượng tuyên truyền của chính mình, và có những tuyên bố thích hợp hơn".
Thụy My
***********************
Tổng thống Đài Loan ghé Mỹ đọc diễn văn, Trung Quốc tức giận (RFI, 14/08/2018)
Hôm 13/08/2018, trên đường công du Châu Mỹ Latinh, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã ghé qua Mỹ và đọc bài diễn văn tại Los Angeles. Hành động này đã khiến Bắc Kinh bực tức, phản ứng gay gắt.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đọc diễn văn tại Los Angeles, California, ngày 12/08/2018. Reuters/Ringo Chiu
Bất chấp Bắc Kinh hồi tháng trước kêu gọi Washington không để lãnh đạo Đài Loan dừng chân tại Mỹ, hôm qua, trước khi tới thăm Paraguay, tổng thống Thái Anh Văn đã ghé qua Los Angeles, và tại đó bà đã có bài diễn văn trong thư viện tổng thống Ronald Reagan.
Bà Thái Anh Văn phát biểu "chúng tôi mong muốn cùng nhau cổ vũ ổn định và hòa bình trong vùng trong sự tôn trọng lợi ích quốc gia, tự do và dân chủ".
Đài Loan không được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia độc lập. Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ của mình, không công nhận chế độ Đài Bắc. Bắc Kinh tìm mọi cách ngăn cản các đối tác của họ quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Hoa Kỳ vẫn duy trì mối liên hệ nước đôi với hòn đảo này, thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 1979 và chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Quốc nhưng vẫn duy trì quan hệ thương mại với Đài Loan, tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan.
Khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông đã điện đàm với tổng thống Thái Anh Văn. Hành động này đã khiến Bắc Kinh rất bực tức.
Với sự kiện bà Thái Anh Văn ghé Mỹ và có diễn văn công khai, hôm nay Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ra thông cáo chính thức bày tỏ phản đối với Washington và nhấn mạnh kiên quyết chống lại việc lãnh đạo Đài Loan dừng chân tại Mỹ, cũng như ở những nước có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Từ khi lên cầm quyền tại Đài Loan năm 2016, bà Thái Anh Văn đã phủ nhận "nguyên tắc một nước Trung Quốc".Còn Bắc Kinh thì liên tục gây sức ép về kinh tế, chính trị và ngoại giao lên hòn đảo Đài Loan.
Anh Vũ
*******************
Trung Quốc bác bỏ tố cáo về trại giam người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 14/08/2018)
Hôm 13/08/2018, trước ủy ban của Liên Hiệp Quốc về xóa bỏ kỳ thị sắc tộc, phái đoàn Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc cho rằng một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang bị giam trong các trại cải tạo.
Công an vũ trang Trung Quốc tại Khu tự trị Tân Cương Xinjiang. Ảnh tư liệu chụp ngày 23/05/2014. Reuters/Stringer
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình :
"Không có một chính sách nào nhắm vào một cộng đồng sắc tộc thiểu số riêng biệt, hoặc hạn chế quyền tự do tôn giáo của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ. Đó là tuyên bố của phái đoàn Trung Quốc tại Genève, nhưng tuyên bố này chẳng thuyết phục được ai. Một thành viên của ủy ban về xóa bỏ kỳ thị sắc tộc của Liên Hiệp Quốc, ông Gay McDougall đáp lại : "Một lời bác bỏ như vậy là chưa đủ đối với chúng tôi".
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền, các nhà nghiên cứu và báo chí đang lên án việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ trong các trại bí mật, nơi mà dường như họ bị tẩy não, bị nhồi sọ chính trị, để buộc họ bỏ đạo Hồi. Nhiều nhân chứng đào thoát được ra nước ngoài đã đưa ra những cáo buộc đó.
Nhưng Bắc Kinh vẫn kiên quyết bác bỏ những cáo buộc đó : Sáng nay, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng, tố cáo "những lực lượng chống Trung Quốc" chỉ muốn "bôi nhọ những biện pháp mà Trung Quốc đã thi hành để chống tội phạm và khủng bố".
Hôm qua, trong một bài xã luận, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng đã khẳng định là chính nhờ thái độ cứng rắn của đảng Cộng Sản mà Tân Cương đã không trở thành giống như Syria hay Libya."
Thanh Phương
*********************
Hồng Kông : Lãnh đạo đảng đòi độc lập phát biểu, dù Bắc Kinh phản đối (RFI, 14/08/2018)
Lãnh đạo đảng Dân Tộc Hồng Kông đã có bài phát biểu về chủ trương độc lập hoàn toàn cho Hồng Kông hôm nay, 14/08/2018, tại trụ sở Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc (FCC- Foreign Correspondents' Club) Hồng Kông, bất chấp việc chính quyền Trung Quốc phản đối mạnh. Phe thân Bắc Kinh biểu tình chống, bên ủng hộ cũng tổ chức biểu tình.
Người biểu tình thân Bắc Kinh trước trụ sở Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc ở Hồng Kông ngày 14/08/2018. Reuters/Bobby Yip
Phát biểu tại trụ sở Hiệp hội FCC, ông Andy Chan (Trần Hạo Thiên) cảnh báo Trung Quốc đang là "mối đe dọa đối với tất cả các xã hội tự do trên toàn thế giới", và "Hồng Kông nếu muốn thực sự trở thành một xã hội dân chủ, cần phải dựa vào chính cư dân sở tại". Ông cũng báo động tình trạng Hồng Kông đang ngày càng đơn độc, và đang nhanh chóng bị sáp nhập vào Hoa Lục.
Theo báo chí Hồng Kông, khoảng 50 người biểu tình chống lãnh đạo đảng đòi độc lập đã tập hợp trước trụ sở của Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc, giương cờ Trung Quốc và các biểu ngữ đòi đuổi ông Trần Hạo Thiên ra khỏi Hồng Kông, không dung thứ quan điểm độc lập cho Hồng Kông. Một số người hô khẩu hiệu yêu cầu loại trừ những kẻ phản bội, làm gián điệp. Một số người khác gọi Hiệp hội Ký giả Ngoại quốc là "đồ ăn cắp" và kêu gọi chính quyền đặc khu hủy bỏ hợp đồng cho thuê trụ sở đối với Hiệp hội FCC.
Bài phát biểu của lãnh đạo đảng đòi độc lập cho Hồng Kông khiến Bắc Kinh giận dữ. Trước đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã yêu cầu Hiệp hội FFC hủy bỏ cuộc nói chuyện, nhưng đòi hỏi của Bắc Kinh đã không được FCC chấp nhận.
Hôm 4/8, cựu lãnh đạo đặc khu Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) công bố bức thư ngỏ, cáo buộc Hiệp hội FFC đón tiếp "các phần tử tội phạm và khủng bố". Cựu lãnh đạo Hồng Kông đặt câu hỏi, nếu FFC cho phép lãnh đạo đòi độc lập Trần Hạo Thiên phát biểu, thì phải chăng sau đó, hiệp hội này sẽ tiếp tục mời những người chủ trương độc lập cho Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng… ? Lãnh đạo đặc khu, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), gọi quyết định mời lãnh đạo đảng đòi độc lập là một "điều đáng tiếc".
Dưới áp lực của Bắc Kinh, chính quyền Hồng Kông đang tìm cách siết chặt quyền tự do chính trị tại đặc khu. Hôm 17/07, đảng Dân Tộc Hồng Kông, do ông Trần Hạo Thiên lãnh đạo, ra đời năm 2016, bị cơ quan an ninh Hồng Kông ra lệnh cấm, và hạn cho 21 ngày để phản hồi theo con đường chính thức. Đây là lần đầu tiên một đảng chính trị của Hồng Kông bị chính quyền giải tán, kể từ năm 1997.
Giới bảo vệ nhân quyền lo ngại chính quyền đặc khu sẽ sử dụng đây làm một tiền lệ để thu hẹp hơn nữa các quyền tự do tại Hồng Kông, một khu vực về danh nghĩa được hưởng quyền tự trị rộng rãi, theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Đây là một nguyên tắc mà Bắc Kinh đã chấp nhận, khi nhận lại vùng đất này từ Anh Quốc năm 1997.
Trọng Thành