Tàu sân bay mới sẽ tăng uy tín Bắc Kinh như thế nào ? (VOA, 18/08/2018)
Chiếc hàng không mẫu hạm đang được đóng của Trung Quốc sẽ gửi đi thông điệp về sức mạnh của nước này và nếu nó được triển khai trong các sứ mệnh nhân đạo, nó sẽ nâng cao hình ảnh của Trung Quốc như là một cường quốc có trách nhiệm, và do đó góp phần nâng tầm vị thế của Trung Quốc trong khu vực, theo nhận định của một nhà nghiên cứu.
Tàu sân bay Liêu Ninh là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ
Giáo sư kiêm nhiệm Richard Salmons của Đại học Temple có cơ sở tại Tokyo, đã có bài phân tích về tác dụng đánh bóng hình ảnh Trung Quốc của chiếc tàu sân bay thứ hai cũng là chiếc đầu tiên mà Trung Quốc tự đóng trong một bài phân tích có tự đề ‘Bằng cách nào tàu sân bay mới của Trung Quốc định hình trật tự khu vực’ đăng trên tạp chí Diplomat.
Lần thử nghiệm chạy trên biển của chiếc tàu sân bay tự đóng trong nước đầu tiên của Trung Quốc đã khơi mào tranh luận về sức mạnh hải quân Trung Quốc. Một số người lập luận rằng chiếc hàng không mẫu hạm, mặc dù vẫn dễ bị tổn thương trong một cuộc xung đột sẽ là cơ sở để củng cố vai trò lãnh đạo của Trung Quốc nếu như Mỹ triệt thoái khỏi khu vực.
"Sẽ tốt hơn nếu xem xét rằng hạm đội tàu sân bay mới này của Trung Quốc không cần phải đợi có chiến sự mới thể hiện được giá trị của mình, mà thật ra nó có tác dụng nhất là khi không có chiến tranh," ông Salmons nhận định. "Thay vì đối đầu với những hải quân khác của các nước lớn, những chiếc tàu này một khi đi vào hoạt động sẽ làm tăng uy tín và vị thế của Trung Quốc trong trật tự khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Theo ông Salmons, điều này có thể xảy ra theo hai cách : thứ nhất là việc triển khai một hạm đội như thế trong thời bình sẽ giúp Trung Quốc làm giảm đi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực mà không cần phải đối đầu trực tiếp ; thứ hai là những chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ gửi đi tín hiệu khiến cho các nước trong khu vực thay đổi hoàn toàn quan niệm về vị thế của Trung Quốc.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2015 đề ra nguyên tắc kết hợp ‘phòng vệ ven biển’ và ‘phòng vệ trên biển lớn’ và đặt ra mục tiêu cho đến năm 2030 xây dựng được năng lực viễn chinh giới hạn bao gồm hoạt động trong các thảm họa thiên tai, di tản, chống khủng bố và đảm bảo an ninh của các tuyến hàng hải.
Theo lời của một sỹ quan của Hải quân của Giải phóng quân Trung Quốc (PLAN) thì chức năng của chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ là làm những gì mà một chiếc tàu sân bay thực thụ phải làm : tuần tra chiến đấu và cung cấp viện trợ nhân đạo.
Hoạt động cứu trợ nhân đạo có vai trò quan trọng vì Trung Quốc đang cạnh tranh vị thế với các nước lớn khác trong khu vực. Vị thế này có được thông qua việc thể hiện trách nhiệm. Sử dụng năng lực hải quân để cứu trợ nhân đạo là cách làm lý tưởng cho mục đích này vì nó giúp cho một nước nào đó chứng tỏ sức mạnh cơ bắp, xây dựng các liên hệ quốc tế thực tiễn và thể hiển vai trò lãnh đạo về đạo đức.
Một ví dụ điển hình là trận sóng thần Ấn Độ Dương hồi năm 2004 mà sau đó đã kích hoạt một nỗ lực cứu trợ quốc tế do tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ dẫn đầu. Một số học giả sau đó đã nhận định rằng thảm họa đã này đã khiến công chúng Trung Quốc mong muốn nước họ sở hữu tàu sân bay trong khi báo chí của quân đội Trung Quốc cho rằng việc phản ứng trước thảm họa có ý nghĩa chính trị là nó cho thấy tầm quan trọng của hải quân không chỉ trong trường hợp có chiến tranh mà còn trong việc ‘xây dựng đất nước, cứu hộ thiên tai và tái thiết’.
Theo ông Salmons, nhiều khả năng Bắc Kinh xem các chiến dịch nhân đạo trên quan điểm thực tiễn thẳng thừng vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, các chiến dịch nhân đạo củng cố thêm địa vị của họ trong khu vực bởi vì chúng là cách thể hiện tuyệt vời năng lực tác chiến thật sự. Bên cạnh đó, như Mỹ, Nhật và Úc đã chỉ ra, viện trợ nhân đạo là phương cách thực hiện ‘ngoại giao quốc phòng’ tuyệt vời.
Nhu cầu chuẩn bị cho những kịch bản thảm họa đem đến cái cớ linh động để tiếp cận cũng như hợp tác song phương với các đối tác khu vực bất chấp họ có nằm trong liên minh truyền thống hay không, còn thành tích hỗ trợ nhân đạo cũng biện hộ cho việc được quyền tiếp cận hay thậm chí là thiết lập căn cứ ở nước ngoài.
Thứ hai là, viện trợ nhân đạo sẽ đem đến những lợi ích những lợi ích về sức mạnh mềm có thể đo đếm được. Số liệu của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy sự cải thiện rõ ràng trong thái độ của các nước đối với Mỹ sau những thảm họa thiên tai như trận sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi năm 2004 và trận động đất, sóng thần ở đông Nhật Bản hồi năm 2011. Tương tự, Nhật Bản đã giành được vinh quang ngoại giao ở khối Asean sau khi họ triển khai hải quân rầm rộ nhất trong thời hậu chiến để hỗ trợ Philippines sau trận bão Hải Yến vào năm 2013 trong khi Bắc Kinh bị truyền thông chỉ trích vì cứu trợ nhỏ giọt.
Khía cạnh thứ ba khiến cứu trợ nhân đạo có tầm quan trọng đối với Trung Quốc là khả năng của lực lượng hải quân viễn chinh trong việc hỗ trợ di tản những công dân Trung Quốc trong các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài. Điều này từ lâu đã là một trọng điểm để Bắc Kinh thể hiện tính hợp pháp của chính quyền Đảng Cộng sản.
"Ngoài ra, viện trợ nhân đạo của một cường quốc mới nổi có thể làm xói mòn vai trò của cường quốc đã vững vàng và cho phép cường quốc mới nổi đó tăng vị thế trong trật tự khu vực," ông Salmons viết.
Chi phí đắt đỏ của việc xây dựng một hạm đội chiến đấu cùng hàng không mẫu hạm, ước tính vào khoảng 10 tỷ đô la, cũng phù hợp với lập luận về biểu tượng quyền lực. Cũng giống như chương trình không gian của Trung Quốc và việc Bắc Kinh tổ chức Olympic, hàng không mẫu hạm sẽ là sự thể hiện với bên ngoài không chỉ về một đất nước giàu có mà còn là một đất nước có năng lực kỹ thuật và năng lực tổ chức dẫn đầu. Hàng không mẫu hạm là một biểu tượng được thừa nhận rộng rãi đến nỗi nó khiến cho các nước cảm nhận được ngay. Nếu Bắc Kinh triển khai tàu sân bay ra nước ngoài, thì không chỉ mọi người đều chú ý mà ai cũng sẽ hiểu dạnh quyền lực đang được thể hiện, vẫn theo ông Salmons.
*******************
Hoa Kỳ hứa bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc chiếm đảo (RFA, 17/08/2018)
Hoa Kỳ sẽ giúp đồng minh Philippines trong trường hợp Trung Quốc xâm lược các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.
Đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa. Hình chụp hôm 21/4/2017 - AP
Đó là phát biểu của ông Randall Shriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với giới báo chí tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila hôm 16/8.
Các phóng viên đã hỏi ông Shriver rằng liệu Hoa Kỳ có giúp Philippines theo như hiệp ước quốc phòng song phương trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa hay không ?
Ông Shriver nói Hoa Kỳ sẽ là một đồng minh tốt và không có bất cứ một sự hiểu lầm nào về tính rõ ràng trong tinh thần của cam kết này. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ giúp Philippines đáp trả một cách tương ứng.
Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines ở Biển Đông. Hoa Kỳ lúc đó đã lên tiếng phản đối nhưng vẫn không thể ngăn cản được Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines.
Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra các thực thể này. Nhiều nhà quan sát Philippines bày tỏ lo ngại khi trong vài tuần gần đây Trung Quốc liên tục cảnh báo các máy bay nước ngoài không được tiến gần các đảo này.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục cho máy bay và tàu đi qua vùng nước tranh chấp, bất chấp những thách thức gia tăng từ Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2016, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga trong khi giảm nhẹ mối quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ.
**********************
Giới phân tích : Trung Quốc được lợi khi thỏa hiệp khai thác Biển Đông (VOA, 15/08/2018)
Mới đây, đã xuất hiện đề xuất chia lợi nhuận 60-40 trong khai thác dầu khí ở Biển Đông có tranh chấp, với phần nhiều hơn dành cho Philippines so với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng đề xuất này giúp Bắc Kinh bảo vệ mối quan hệ ngoại giao gập ghềnh nhưng có nhiều giá trị của họ với Manila, đồng thời chứng minh về tinh thần láng giềng của họ đối với các khu vực khác ở Châu Á.
Một cuộc biểu tình của người Philippines hồi tháng 2/2018 chống việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông
Bộ trưởng ngoại giao của Philippines được dẫn lời nói hôm 31/7 rằng Bắc Kinh sẵn sàng nhận phần ít hơn trong bất kỳ hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch nào được tìm thấy ở một vùng thuộc Biển Đông, nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền.
"Kế hoạch này của chính phủ đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích, bởi vì có những người khác tranh rằng luận nếu những khu vực này nằm trong vùng độc quyền kinh tế của Philippines, thì chúng thuộc về Philippines và không nên bị chia sẻ", Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, nói.
Một số người Philippines nêu ra những vấn đề hiến định đối với việc cho phép Trung Quốc thăm dò nhiên liệu ở dưới vùng biển mà Philippines coi là thuộc về riêng họ. Những người khác chỉ ra việc các công ty dầu mỏ tư nhân, như các công ty Nhật Bản, sẵn sàng thăm dò, khai thác dầu khí dưới đáy biển mà không có rắc rối gì về chủ quyền, Atienza nói.
Tổng thống Duterte ủng hộ quan hệ thân thiện với Trung Quốc bởi vì, theo lời ông, Philippines không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh với quốc gia đó. Trung Quốc, nước có lực lượng vũ trang mạnh nhất Châu Á, đã xây dựng các căn cứ quân sự trên 3 đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, một quần trên đảo Biển Đông mà nhiều bên tuyên bố là của riêng họ.
Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng tranh chấp quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc, nếu họ ký vào thỏa thuận, sẽ nhận 40% để thể hiện thiện chí đối với Philippines. Nếu không đi đến thỏa thuận, Philippines có thể nhờ cậy vào Hoa Kỳ, đối thủ địa chính trị của Trung Quốc, các chuyên gia nói.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học New South Wales, Australia, nêu quan điểm : "Việc khai thác chung ở Philippines là một vấn đề gây tranh cãi nếu căn cứ theo các điều khoản trong Hiến pháp".
"Bằng cách đồng ý nhận phần nhỏ hơn, Trung Quốc tìm cách vô hiệu hóa sự chống đối trong nước của người Philippines", ông nói. "Tổng thống Duterte đã đưa ra một lập trường hòa giải hơn và Trung Quốc đang mong muốn tận dụng điều này, hy vọng sẽ gây áp lực cho các quốc gia khác làm theo".
Một thỏa thuận thăm dò ngoài khơi đảo Palawan của Philippines với một tập đoàn các công ty tư nhân cũng sẽ cho chính phủ được hưởng 60% doanh thu.
Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc không chỉ muốn xoa dịu Philippine mà cả các nước Đông Nam Á khác đang có những tuyên bố tranh chấp về chủ quyền biển. Việc thể hiện thiện chí có thể làm giảm tác động của một phán quyết từ tòa trọng tài quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc, và ngăn các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ.
Alan Chong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng một thỏa thuận dầu khí có tính hòa giải có thể tạo ra âm hưởng khắp Châu Á, nơi Trung Quốc đang phát triển cơ sở hạ tầng như là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1 nghìn tỷ đôla, kéo dài 5 năm.
Bắc Kinh muốn tiếp tục được đánh giá tích cực từ Hiệp hội các nước Đông Nam Á gồm 10 thành viên, vào lúc hai bên thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử để tránh sự cố ở vùng biển có tranh chấp, ông Chong nói thêm.
Ralph Jennings