Trung Quốc xây hàng chục bệ phóng tên lửa ở Trường Sa ? (RFA, 22/02/2017)
Trung Quốc sắp hoàn thành hơn 20 công trình xây dựng trên các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa. Những công trình này có thể chứa tên lửa đất đối không.
Hình chụp từ vệ tinh bãi đá Subi ở Trường Sa hôm 10/11/2016. Getty Images
Các hãng Reuters và Fox News loan tin này hôm nay dẫn phát biểu của các quan chức tình báo Hoa Kỳ không muốn nêu tên. Theo đó những cấu trúc bê tông xây trên các đá Subi, Vành Khăn và Chữ Thập dài chừng 20 mét, cao 10 mét và mái che có thể điều chỉnh mở ra đóng vào để phóng tên lửa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, hôm nay nói chưa hay biết gì về tin vừa nêu, nhưng cho rằng Bắc Kinh tiến hành các hoạt động xây dựng bình thường trên lãnh thổ của Hoa Lục, bao gồm cả những công trình cần thiết và phù hợp để bảo vệ đất nước. Đây là một quyền bình thường theo luật quốc tế về chủ quyền quốc gia.
Một phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài của Hoa Kỳ nhắc lại Washington cam kết với quan điểm ‘không quân sự hóa Biển Đông’ và kêu gọi các bên có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này phải có hành động phù hợp luật pháp quốc tế.
*********************
Biển Đông : Trung Quốc xây các cấu trúc cho tên lửa ở Trường Sa (RFI, 22/02/2017)
Nhà chứa máy bay được Trung Quốc xây trên đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 22/07/2016. REUTERS/cộng sản IS
Hãng tin Reuters hôm nay, 22/02/2017, trích dẫn hai quan chức Mỹ, cho biết là Trung Quốc sắp hoàn tất việc xây dựng khoảng hơn hai chục cấu trúc trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Những cấu trúc này dường như là để chứa các tên lửa địa đối không tầm xa.
Những cấu trúc nói trên, dài khoảng 20 mét, cao 10 mét, được xây trên Đá Subi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, nơi mà Trung Quốc đã xây các phi đạo quân sự. Theo lời các giới chức Mỹ nói với Reuters, việc xây dựng này không phải là một mối đe dọa lớn về quân sự đối với lực lượng Mỹ trong khu vực, nhưng là một hành động nhằm trắc nghiệm phản ứng của chính quyền tổng thống Donald Trump, vốn đã tỏ ra rất cứng rắn trên hồ sơ Biển Đông.
Trước mắt, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố là Hoa Kỳ vẫn chủ trương "không quân sự hóa vùng Biển Đông" và kêu gọi các bên tranh chấp nên có những hành động theo đúng luật pháp quốc tế.
Hôm qua, tại cuộc họp ở Philippines, các ngoại trưởng ASEAN cũng đã bày tỏ mối quan ngại về việc Trung Quốc đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo và kêu gọi đối thoại để chấm dứt leo thang ở Biển Đông.
Reuters nhắc lại rằng, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cộng sản IS ở Washington, trong một báo cáo ra tháng 12 vừa qua, cho biết là Trung Quốc dường như đã đặt các vũ khí, bao gồm các giàn súng phòng không và giàn tên lửa trên toàn bộ 7 đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông.
Trong khi đó, hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảnh (Geng Shuang) một lần nữa tuyên bố chống lại việc cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson của Mỹ đến tuần tra ở Biển Đông, xem đây là một hành động đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc Vụ Viện đặc trách đối ngoại của Trung Quốc, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một mối quan hệ Mỹ-Trung mang tính xây dựng. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, hai ông Rex Tillerson và Dương Khiết Trì cũng đã đồng ý là cần phải ngăn chận mối đe dọa Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
****************************
Trung Quốc xây cất ở Biển Đông để thiết đặt võ khí (VOA, 22/02/2017)
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các công trình bị nghi là hệ thống phòng không được Trung Quốc xây dựng trên đảo nhân tạo Subi, thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc sắp hoàn tất xây dựng gần hai chục công trình trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông mà dường như nhằm để tạo điều kiện cho những phi đạn đất đối không tầm xa, Reuters ngày 21/2 dẫn nguồn tin từ hai quan chức Hoa Kỳ cho biết.
Diễn tiến này có phần chắc đặt ra câu hỏi liệu Hoa Kỳ có phản ứng hay không và phản ứng như thế nào bởi Mỹ đã cam kết có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông.
Xây dựng kết cấu bê tông trên Đá Subi, Đá Chữ thập, và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (nơi Trung Quốc đã có các đường băng đủ diện tích phục vụ cho mục đích quân sự) có thể được coi là một sự leo thang quân sự, các quan chức Mỹ không muốn nêu tên cho biết.
Một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ giữ vững cam kết "phi quân sự hóa ở Biển Đông" và kêu gọi tất cả các bên hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Trong buổi điều trần được Thượng viện chuẩn nhận để nhậm chức hồi tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson khiến Trung Quốc tức giận khi tuyên bố chớ nên cho phép Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông.
Ông Tillerson sau đó dịu giọng. Tiếp đó, Tổng thống Trump giảm căng thẳng bằng cách cam kết tôn trọng chính sách lâu dài của Hoa Kỳ về "Một nước Trung Quốc" nhân cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 10/2.
Ông Greg poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, trong phúc trình cuối năm ngoái từng khuyến cáo Trung Quốc dường như đã cài đặt võ khí, trong đó có các hệ thống chống phi đạn và chống máy bay, trên tất cả bảy hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Các quan chức vừa được Reuters dẫn nguồn tin cho hay các cấu trúc mới này có khả năng phục vụ cho việc thiết đặt các phi đạn đất đối không giúp mở rộng khả năng quốc phòng của Trung Quốc tại các đảo này. Họ không cho biết theo họ khi nào thì Trung Quốc sẽ triển khai phi đạn lên đảo.
Ngày 21/2, Philippines tuyên bố các nước Đông Nam Á xem việc Trung Quốc lắp đặt võ khí trên Biển Đông là "hết sức đáng ngại" và kêu gọi đối thoại để ngăn chặn leo thang các diễn tiến gần đây.
Ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay, nói Hiệp hội ASEAN hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đảm bảo hòa bình - ổn định khu vực.