Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

22/02/2017

Bình Nhưỡng không yên sau vụ ám sát Kim Jong-nam

tổng hợp

Vụ ám sát Kim Jong-nam khiến Bắc Triều Tiên thêm cô lập (RFI, 22/02/2017)

Vốn đã ít bạn, Bắc Triều Tiên, quốc gia khép kín nhất thế giới, lại càng bị cô lập thêm sau vụ ám sát Kim Jong-nam tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 13/02/2017.

kim1

Cảnh sát Malaysia bắt một người Bắc Triều Tiên trong vụ điều tra về cái chết của Kim Jong-nam, Sepang, ngày 18/02/2017 - REUTERS

Cho tới nay, Bắc Triều Tiên và Malaysia vẫn có quan hệ tương đối nồng thắm, nhất là về kinh tế. Hai nước còn có một hiệp định miễn visa, tức là công dân Malaysia và Bắc Triều Tiên được đi đến nước kia mà không cần xin giấy tờ gì cả.

Malaysia còn là một cửa ngõ để các quan chức chế độ Bình Nhưỡng giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trong những năm gần đây, Kuala Lumpur vẫn là nơi tổ chức các cuộc họp kín giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ.

Nhưng mối quan hệ hữu hảo này có lẽ đang đi vào quá khứ do những căng thẳng chung quanh cuộc điều tra về cái chết của ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un. Chính quyền Kuala Lumpur đã triệu đại sứ Bắc Triều Tiên lên sau khi ông này chỉ trích nhà chức trách Malaysia là "che giấu thông tin" về cái chết của Kim Jong-nam và "thông đồng với bên ngoài" để bêu xấu chế độ Bình Nhưỡng. Chính quyền Kula Lumpur cũng đã triệu hồi đại sứ Malaysia ở Bình Nhưỡng để tham vấn.

Khủng hoảng giữa hai nước đã bắt đầu ngay từ khi Kuala Lumpur bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng đòi trao trả thi hài ông Kim Jong-nam. Đối với Kuala Lumpur, do cái chết bí ẩn của ông Kim Jong-nam xảy ra trên lãnh thổ Malaysia, cho nên Nhà nước Malaysia có trách nhiệm điều tra về nguyên nhân của ca tử vong này.

Các nhà quan sát không loại trừ khả năng là Malaysia đình chỉ hiệp định miễn visa với Bắc Triều Tiên, như Singapore đã làm vào năm ngoái, để phản đối cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư của Bắc Triều Tiên.

Hiện giờ có đến 1000 người Bắc Triều Tiên đang làm việc ở Malaysia, và cũng giống như các cộng đồng Bắc Triều Tiên ở các nước khác, họ gởi về nước một nguồn ngoại tệ cần thiết cho chế độ Bình Nhưỡng.

Về kinh tế, Malaysia sẽ không bị tác động nhiều bởi căng thẳng hiện nay, nhưng phía Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là vì mới tuần trước, Trung Quốc thông báo quyết định ngưng nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên.

Ngay cả trong lĩnh vực thể thao, căng thẳng lên đến mức mà bộ trưởng Thể thao Malaysia đã yêu cầu Liên Đoàn Bóng Đá Châu Á xem xét những quan ngại của họ về sự an toàn của đội tuyển quốc gia trong trận gặp đội tuyển Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng vào tháng tới.

Nhưng một chuyên gia Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đông Á, Viện Brookings, Evans J.R Revere, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, nhắc lại rằng nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên thường không ngại làm mích lòng các đồng minh khi cần phải đạt những mục tiêu mà họ đề ra. Chẳng hạn như vào năm 1983, điệp viên Bắc Triều Tiên đã đánh bom ở Miến Điện vào lúc tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan đang viếng thăm nước này. Lãnh đạo chính quyền Seoul thoát chết, nhưng 21 người đã thiệt mạng. Sau vụ này, Miến Điện đã cắt đứt bang giao với Bình Nhưỡng.

Trong vụ Kim Jong-nam, không loại trừ khả năng là Bắc Triều Tiên đưa người đến cướp thi hài người anh của lãnh đạo Kim Jong-un, cho nên chính quyền Kuala Lumpur đã phải huy động đến lực lượng đặc nhiệm để canh gác nhà xác nơi đang đặt thi thể của ông Kim Jong-nam.

Thanh Phương

************************

Bắc Hàn yêu cầu Malaysia thả các nghi phạm giết Kim Jong-nam (RFA, 22/02/2017)

kim2

Các nghi phạm bị cảnh sát Malaysia bắt giữ trong vụ Kim Jong-nam bị ám sát. AFP photo

Malaysia muốn lấy khẩu cung từ một nhà ngoại giao của Bắc Triều Tiên có mặt tại Kuala Lumpur về cái chết của Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Kim Jong-un sau khi ông này bị ám sát.

Cho tới nay đã có 5 người mang hộ chiếu Bình Nhưỡng đã bị bắt và trong khi lấy lời khai của các nghi can, giới chức Malaysia cho biết vẫn còn các nghi can khác đang đào tẩu có dính líu tới vụ ám sát này.

Nói với hãng tin AFP ông Khalid Abu Bakar, một giới chức điều tra của Malaysia cho biết đã gửi văn bản cho Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Kular Lumpur yêu cầu được lấy lời khai của Hyon Kwang-song, Thư ký thứ hai của sứ quán Bắc Triều Tiên và Kim Uk-il một nhân viên của hãng hàng không Bình Nhưỡng.

Ông Khalid nói rằng nếu đại sứ quán Bình Nhưỡng không hợp tác Malaysia sẽ bắt giữ hai nhân vật này theo luật pháp của mình.

Cảnh sát Malaysia cho biết ông Kim Jong-nam bị một cơn co giật và chết trước khi đến bệnh viện, dường như từ các tác động của độc tố.

Sau khi tin này lan truyền khắp thế giới Seoul đã xác định Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ giết người này và cho rằng chính Kim Jong-un ra lệnh giết anh trai của ông ta sau khi một âm mưu ám sát thất bại trong năm 2012.

Trong khi đó, chính phủ Bắc Triều Tiên yêu cầu Malaysia thả ngay lập tức ba nghi can mang quốc tịch Bắc Triều Tiên bị bắt giữ trong vụ ám sát Kim Jong-nam.

Đại sứ quán Bình Nhưỡng tại Kuala Lumpur vào sáng hôm nay tuyên bố như vậy sau khi nhận được yêu cầu của nhà chức trách Malaysia yêu cầu cộng tác.

Trước đó chính Bình Nhưỡng đã gửi văn bản cho chính phủ Malaysia yêu cầu trao trả thi hài của Kim Jong-nam và không chấp nhận gửi mẩu DNA theo như yêu cầu của Kuala Lumpur nhằm xác minh lý lịch của nạn nhân.

Malaysia hôm nay cũng cho hay thi hài của ông Kim Jong-nam được canh giữ cẩn mật nhằm chống lại bất cứ âm mưu cướp xác để phi tang.

***********************

Kim Jong-nam chết bí ẩn và quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng (RFI, 22/02/2017)

kim3

Chân dung ông Kim Jong-nam. Ảnh chụp màn hình

Người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un bị ám hại tại sân bay Kuala Lumpur ngày 14/02/2017. Hàn Quốc và Hoa Kỳ nghiêng về khả năng ông Kim Jong-nam là nạn nhân của Bình Nhưỡng. Cảnh sát Malaysia đang tiến hành điều tra. Dù ai là thủ phạm, cái chết của Kim Jong-nam cũng là một nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, trong lúc chính quyền Trung Quốc đã gần như im lặng về vụ Kim Jong-nam, trong công luận có nhiều giả thuyết rất khác nhau về mối liên quan giữa cái chết bí hiểm này với quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn Mỹ UPI ngày 17/02, dẫn lại báo Nhật Asahi Shimbun, theo đó, ngay ngày thứ Tư tuần trước chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu báo chí không được đưa cái chết của Kim Jong-nam trở thành tin thời sự ưu tiên. Các bài viết tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của Kim Jong-nam hay những câu chuyện quá khứ về dòng họ nhà Kim, hay các chương trình trực tiếp từ Malaysia bình luận về vấn đề này bị cấm tại Trung Quốc.

Một nhà báo Trung Quốc xin ẩn danh, nói với Asahi, là mối lo ngại lớn của Bắc Kinh là câu chuyện này có thể khuấy động công luận Trung Quốc, kích động lập trường cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên. Nhà báo nói trên nhấn mạnh : "Trong tình trạng hiện nay, mọi tuyên bố của chính quyền về cái chết của Kim Jong-nam chỉ có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn".

Tin đồn Trung Quốc cấm nhập than để trả đũa

Bản tin của UPI dẫn lời một số chuyên gia, theo đó, vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa hôm Chủ nhật, 12/02, ít tác động đến Bắc Kinh hơn là vụ Kim Jong-nam bị ám hại. Đây là quan điểm của ông Paul Haenle. Theo cựu cố vấn của hai đời tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, Kim Jong-nam là "người ủng hộ một cuộc cải cách kinh tế theo kiểu Trung Quốc" tại Bắc Triều Tiên, và cũng được coi là "một người có uy tín trong dòng họ nhà Kim".

Có nhiều đồn đoán cho rằng quyết định cấm nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên trong năm 2017, mà Bắc Kinh thông báo ngày 18/02, chính là một cảnh báo mạnh mẽ nhắm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, báo chí chính thức của Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ tin đồn này.

Còn mạng South China Morning Post ngày thứ Hai 20/02, có bài "Trung Quốc có thể định hướng câu chuyện dài bí ẩn về vụ sát hại Kim Jong-nam" cho biết kể từ thứ Ba tuần trước đến lúc đó, chính quyền Trung Quốc mới chỉ có một tuyên bố dè dặt về vấn đề này, trong khi một nguồn tin ngoại giao cho biết chính quyền Trung Quốc không muốn đưa ra những bình luận quá sớm về chuyện này, Bắc Kinh có thể cho rằng đây là "công việc nội bộ của Bắc Triều Tiên và không có ý định can thiệp".

South China Morning Post nhấn mạnh là, nhiều nguồn tin từ Bắc Kinh khẳng định ông Kim Jong-nam thực ra không phải là một nhân vật quan trọng như nhiều người vẫn tưởng, "ở Bắc Triều Tiên, không ai biết Kim Jong-nam là ai, và ông ta cũng không hề có hậu thuẫn tại Bình Nhưỡng". Theo ông Sun Xingjie, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Jilin (Cát Lâm), cơ hội của Kim Jong-nam "trở về nắm quyền tại Bình Nhưỡng rất nhỏ". South China Morning Post nhấn mạnh là điều chủ yếu khiến Bắc Kinh lo ngại trong vấn đề Bắc Triều Tiên là chương trình tên lửa hạt nhân.

Bắc Kinh bỏ rơi Kim Jong-nam ?

Trong khi nhiều giả thuyết về cái chết của Kim Jong-nam thiên về bàn tay của chế độ Bình Nhưỡng, báo Sankei Shimbun, một trong những nhật báo phổ thông tại Nhật Bản, đưa ra một góc nhìn hoàn toàn khác qua bài "Phải chăng Trung Quốc bỏ rơi Kim Jong-nam ?".

Theo phóng viên Akio Yatia, Kim Jong-nam vốn là một "lá bài ngoại giao quan trọng" của Trung Quốc trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Thời Kim Jong-il, cha của hai anh em nhà Kim còn sống, Kim Jong-nam đã được sử dụng như một "con tin", có thể được đưa ra sử dụng để mặc cả trong trường hợp quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, hay một giải pháp trong trường hợp thay đổi chế độ. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, Kim Jong-nam cũng trở thành một trong những lý do khiến quan hệ giữa Trung Quốc và đàn em Đông Bắc Á, dưới chế độ Kim Jong-un, trở nên xấu đi.

Giả thuyết về việc Kim Jong-nam bị Trung Quốc bỏ rơi được Sankei Shimbun nhấn mạnh trên cơ sở so sánh mức độ bảo vệ an ninh mà chính quyền Trung Quốc dành cho người con của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il. Theo an ninh Hàn Quốc, thông thường, trong các chuyến đi tại Singapore, Malaysia hay bất cứ đâu tại Đông Nam Á, ông Jong-nam và gia đình cũng được an ninh Trung Quốc theo sát hộ tống. Tuy nhiên, lần này, theo các hình ảnh chụp bên trong sân bay vào thời điểm xảy ra vụ ám sát, được truyền thông Malaysia công bố, thì không có dấu hiệu gì cho thấy lực lượng an ninh Trung Quốc hộ tống Kim Jong-nam.

Câu hỏi đặt ra là : phải chăng an ninh Trung Quốc không tiếp tục theo sát người anh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên vì nhân vật này không còn cần thiết được bảo vệ ?

Tác giả bài báo cho hay, một chuyên gia Trung Quốc về Bắc Triều Tiên trong cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh, khẳng định : "Có hai cản trở cho việc Kim Jong-un công du Bắc Kinh", thứ nhất là Bắc Triều Tiên phải tạm thời ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, và thứ hai là Kim Jong-nam phải biến mất.

Các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên là nguyên nhân trực tiếp khiến Hoa Kỳ quyết định triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa tại Hàn Quốc, mà đây là điều mà Bắc Kinh coi là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, trong những tuần gần đây, Washington cũng liên tục kêu gọi chính quyền Trung Quốc "khởi động" lại quan hệ với chế độ Bình Nhưỡng, với hy vọng làm thay đổi kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia cô lập nhất thế giới này.

Vụ sát hại Kim Jong-nam xảy ra đúng vào thời điểm tân chính quyền Mỹ và Bắc Kinh khởi động lại thương lượng về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Vụ ám sát Kim Jong-nam xảy ra đúng vào thời điểm này ? Phải chăng đây là một trùng hợp ngẫu nhiên ?

Báo Nhật Sankei Shimbun kết luận, "nếu cuối cùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có chuyến công du Trung Quốc vào cuối năm nay, thì chúng ta sẽ có một chỉ dấu". Điều này có nghĩa là giả thuyết Kim Jong-nam là một vật cản trong quan hệ giữa Bắc Kinh và chế độ Kim Jong-un rất có thể là sự thực.

Việc bảo vệ an ninh của Trung Quốc dành cho Kim Jong-nam bị lơi lỏng cũng là điều được nhắc đến trong bài "Vụ sát hại Kim Jong-nam có ý nghĩa gì với Trung Quốc", được The Diplomat đăng tải ngày 17/02. Giáo sư chính trị học Robert Kelly, Đại học Pusan Hàn Quốc, đặt câu hỏi : phải chăng qua việc này Bắc Kinh muốn thể hiện là "Trung Quốc từ bỏ" việc sử dụng Kim Jong-nam như một lá bài trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là "hiện tại chúng ta chưa biết điều này hàm nghĩa gì".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 765 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)