Trung Quốc đã sẵn sàng đối đầu với Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (CaliToday, 29/08/2018)
Vào tháng 4 năm nay, khi Trung Quốc chuẩn bị cử hành lễ kỷ niệm 69 năm thành lập lực lượng Hải Quân, đã có chuẩn bị cho chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên hoàn toàn do Trung Quốc đóng, hạ thủy.
Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên hoàn toàn do Trung Quốc đóng, hạ thủy. Photo Credit : AFP
Trên một trang mạng quân sự Trung Quốc, người ta thấy có dòng chữ như sau : "Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên tự chế của Trung Quốc sắp hoàn tất và Hoa Kỳ, Nhật và Ấn Độ phải giật mình".
Từ năm 2017, Trung Quốc đã có một lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới, với tổng cộng số chiến hạm và tàu ngầm vượt trội cả Hoa Kỳ và đang tiếp tục đóng mới nhiều tàu chiến với một tốc độ đáng kinh ngạc.
Tuy về mặt phẩm chất thì các hạm đội Hoa Kỳ hơn hẳn, nhưng mật độ giàn trải lại mỏng hơn lực lượng Trung Quốc trên các dại dương của thế giới.
Chủ tịch Tập cận Bình trong tháng 4 khi chủ tọa một cuộc tập trận quy mô bao gồm 48 chiến hạm và tàu ngầm ở đảo Hải Nam, đã tuyên bố : "Nhiệm vụ xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ tỏ ra khẩn cấp cho chúng ta giống như ngày hôm nay"
Cho dù Mỹ đang tiến hành chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc thì tàu chiến và máy bay quân sự của Trung Quốc vẫn hoạt động ngoài khơi Nhật Bản, Đài Loan và nhất là ở Biển Đông.
Chỉ cách đây 3 năm, khi đứng cạnh cựu Tổng thống Obama ở Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, Tập Cận bình còn hứa hẹn ‘sẽ không quân sự hóa Biển Đông’ nhưng khi Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis sang thăm Bắc Kinh trong tháng 6 năm nay, ông Tập lạnh lùng tuyên bố ‘Trung Quốc sẽ không nhượng bộ 1 tất đất nào mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình’
Trần Vũ
****************
Đối trọng với Trung Quốc, phương Tây tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương (VOA, 29/08/2018)
Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Anh sẽ mở thêm sứ quán mới ở Thái Bình Dương, tăng nhân sự và liên hệ mật thiết hơn với lãnh đạo của các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đối chọi lại với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Reuters dẫn các nguồn tin riêng cho biết hôm 29/8.
Máy bay của Không lực Hoàng gia Úc trong không phận của Liên bang Micronesia. Ảnh do Không lực Hoa Kỳ cung cấp.
Cuộc chiến giành ảnh hưởng tại các đảo quốc thưa thớt dân cư ở Thái Bình Dương trở nên quan trọng là vì mỗi quốc đảo nhỏ bé đều có một lá phiếu trong các diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc, và họ cũng kiểm soát những vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên.
Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã chi 1,3 tỷ đôla cho các khoản vay ưu đãi và quà tặng để trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai ở Thái Bình Dương sau Australia, khiến phương Tây e ngại rằng nhiều quốc gia nhỏ bé rốt cục có thể sẽ bị chìm ngập trong khối nợ vào Bắc Kinh.
Do vậy, Australia, New Zealand và Mỹ sẽ tăng viện trợ kinh tế và mở rộng sự hiện diện ngoại giao của họ tại các nước trong khu vực, theo lời các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao nói với Reuters.
"Chúng tôi lo ngại cách làm của Trung Quốc sẽ dẫn đến những khoản nợ không bền vững", một nguồn tin ẩn danh từ chính phủ Hoa Kỳ có hiểu rõ về kế hoạch của Washington trong khu vực nói với Reuters.
Quan chức Mỹ này nói thêm rằng Washington cần phải có đại diện đầy đủ ở các nước Thái Bình Dương để cho các chính phủ này biết rằng có những lựa chọn mở ra cho họ và hậu quả của việc nhận trợ giúp từ nơi khác.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Hồi đầu năm nay, đại sứ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh sẽ cẩn thận để đảm bảo rằng bên vay có thể hoàn trả nợ.
Các đại diện của chính phủ Úc, Anh, Pháp và Hoa Kỳ tại Canberra cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Vẫn theo nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho Reuters, Washington sẽ tăng số nhân viên ngoại giao tại Palau, Liên bang Micronesia và có khả năng là ở Fiji trong vòng hai năm tới.
Chính phủ Australia dự kiến sẽ lần đầu tiên cử cao ủy đến Tuvalu trong vòng vài tuần tời, và do đó đang gấp rút tìm người cho vị trí mà Canberra mới quyết định thành lập chỉ vài tháng trước - một nguồn tin chính phủ nói với Reuters. Nguồn tin này cũng từ chối tiết lộ danh tính vì ông không được phép nói chuyện với truyền thông.
Nước Anh cũng sẽ mở các vị trí cao ủy mới tại Vanuatu, Tonga và Samoa bắt đầu vào tháng 5 năm 2019. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tìm cách tổ chức một cuộc họp với các lãnh đạo Thái Bình Dương vào đầu năm tới, các nguồn tin ngoại giao và chính phủ cho Reuters biết.
Quốc vương Tonga, Tupou VI, và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ký kết văn kiện giữa hai bên tại Bắc Kinh ngày 1/3/2018.
Đầu tháng này, Thủ tướng Tonga, Akilisi Pohiva, đã tìm sự hỗ trợ từ các chính phủ khác trong khu vực để cùng đưa ra yêu cầu xin Trung Quốc xóa cho các khoản nợ đang ngày càng chồng chất. Lãnh đạo của quốc đảo Thái Bình Dương sau đó lại đột ngột thối lui sau khi Bắc Kinh phàn nàn về kế hoạch này.
Cả Palau lẫn Tuvalu đều công nhận Đài Loan, nơi Bắc Kinh vẫn tuyên bố là thuộc lãnh thổ Trung Quốc và là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của Trung Quốc.
Ngoại giao biển
Trung Quốc không chỉ bỏ tiền ra để gây dựng ảnh hưởng.
Vào cuối năm 2018, Fiji hy vọng sẽ nhận được một tàu thủy văn của Trung Quốc, có khả năng lập bản đồ đáy biển, theo lời người đứng đầu lực lượng vũ trang của Fiji, Viliame Naupoto, nói với Reuters. Đây sẽ là món quà quân sự đầu tiên từ Trung Quốc cho một quốc gia Thái Bình Dương, và các nhà ngoại giao phương Tây coi đây là một nỗ lực của Bắc Kinh mưu tìm sự ủng hộ của Fiji, một trong những nền kinh tế lớn nhất trong khu vực.
Các đồng minh phương Tây cũng đang cố gắng xây dựng quan hệ. Các lực lượng từ Papua New Guinea, Fiji và Tonga tuần tới sẽ tham gia hai tuần tập trận quân sự ngoài khơi bờ biển phía bắc của Úc cùng với lực lượng đến từ Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản. Trung Quốc cũng sẽ tham dự theo lời mời của nước chủ nhà Australia.
*******************
Lo ngại Trung Quốc, phương Tây gia tăng ngoại giao với các quốc đảo Thái Bình Dương (RFA, 29/08/2018)
Các cường quốc phương Tây là Mỹ, Anh, Pháp, và Úc sẽ tăng cường sự có mặt ngoại giao tại các tiểu quốc vùng Thái Bình Dương để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Du khách Trung Quốc tại đảo quốc Palau, Thái Bình Dương, 2015 - AFP
Hãng tin Reuters vào ngày 29 tháng 8 loan tin này, trích dẫn nguồn từ chính phủ Hoa Kỳ.
Theo Reuters, Washington sẽ tăng cường số nhân viên ngoại giao của mình tại các tiểu quốc Palau, Micronesia, và có thể là cả Fiji trong thời gian hai năm tới đây.
Nước Úc sẽ bổ nhiệm một viên Cao ủy tại đảo Tuvalu trong vài tuần tới. Anh cũng sẽ bổ nhiệm các viên cao ủy đến Vanuatu, Tonga, Samoa trong thời gian từ đây đến cuối tháng 5/2019.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có kế hoạch tổ chức một cuộc gặp với các nhà lãnh đảo những đảo quốc Thái Bình Dương vào năm tới.
Trong thời gian qua Bắc Kinh đã cho các nước nhỏ ở vùng Thái Bình Dương vay tiền hoặc viện trợ không hoàn lại với tổng trị giá lên đến 1 tỉ 300 triệu đô la. Từ năm 2011, Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai ở khu vực, chỉ sau Úc.
Nguồn tin giấu tên từ chính phủ Mỹ nói với Reuters rằng Mỹ rất quan ngại trước việc Trung Quốc cho vay bừa bãi, có thể dẫn đến tình trạng nợ xấu chất chồng.
**********************
Trung Quốc cho thử nghiệm tàu sân bay mới (VOA, 29/08/2018)
Tàu khu trục có phi đạn điều khiển Loại 055 tân tiến đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Nanchang, rời xưởng đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải hôm thứ Sáu 24/8, theo China Daily. Tàu sân bay Loại 001 do Trung Quốc tự đóng đầu tiên và là tàu sân bay thứ hai sau chiếc Liêu Ninh cũng rời bến hôm thứ Hai 27/8.
Máy bay phản lực chiến đấu J17 của Trung Quốc đậu trên tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận tại Tây Thái Bình Dương (ảnh chụp ngày 24/4/2018)
Trọng tâm của việc thử nghiệm tàu sân bay lần này là hệ thống đẩy của tàu. Tuy nhiên các nhà phân tích Trung Quốc tin là việc thử nghiệm này cũng liên hệ đến vấn đề hệ thống chỉ huy, thông tin, và quản trị cũng như việc hải hành và hệ thống vũ khí của tàu, tờ Hoàn cầu Thời báo cho biết.
Tàu khu trục Loại 055 có trọng tải 10.000 tấn, được xem như lớn nhất và là một trong những chiến hạm không chở máy bay tân tiến nhất tại Châu Á. Tàu này sẽ đóng một vai trò tương tự như tàu tuần dương loại Ticonderoga và tàu khu trục loại Arleigh Burke của Mỹ và được sử dụng như tàu hộ tống chính cho nhóm tàu sân bay chiến đấu, theo South China Morning Post.
Tàu khu trục của Trung Quốc có kích cỡ gần bằng các tàu tuần dương, được trang bị radar băng tần X và 112 ống phóng thẳng đứng để phóng phi đạn đất đối không tầm xa HHQ-9, phi đạn điều khiển chống tàu YJ-18, phi đạn điều khiển tấn công trên mặt đất CJ-10, và thủy lôi chống tàu ngầm. Tàu cũng được trang bị đại bác 130 ly hai tác dụng của hải quân và mang theo hai máy bay trực thăng chống tàu ngầm.
Đối thủ chính của tàu khu trục Loại 055 là tàu khu trục loại Zumwalt của Hải quân Mỹ được xem như có khả năng vượt trội các chiến hạm Trung Quốc hiện có.
Tàu sân bay Loại 001A tương tự như tàu sân bay thời Xô Viết được chỉnh trang lại, nhưng được "cải thiện một vài chỗ", theo ông Matthew Funaiole, một chuyên viên về Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế được Business Insider dẫn lời. "Chiếc này có hệ thống radar mới, lớn hơn chút ít, sàn bay cũng lớn hơn một chút, đài chỉ huy nhỏ hơn một chút nên có khoảng không gian lớn hơn. Chắc chắn tàu được nâng cấp".
Hai chiến hạm Loại 001A và Loại 055 sẽ được chuyển giao cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong vòng năm tới, theo như các chuyên gia quân đội Trung Quốc. Tàu khu trục Loại 055 sẽ được sử dụng để hộ tống tàu sân bay Loại 001A, lập thành một đội tàu chiến do tàu sân bay dẫn đầu với khả năng chiến đấu tân tiến hơn.
Việc phát triển các loại tàu căn bản như vậy cho phép Trung Quốc có thêm kinh nghiệm trong các hoạt động vận hành tàu sân bay trong lúc Bắc Kinh tìm cách trải dài quyền lực ra khỏi biên giới biển của mình.
(Nguồn Business Insider)