Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/08/2018

Trung Quốc bắt nhóm sinh viên giúp lập nghiệp đoàn

BBC tiếng Việt

Lần đầu tiên trong 30 năm, sinh viên từ các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc liên kết với công nhân nhà máy để lập nghiệp đoàn ở vùng duyên hải nhưng đã bị chính quyền chặn lại.

tq1

Hôm 24/8, cảnh sát mặc trang phục chống bạo động bố giáp một căn hộ gần Thâm Quyến nơi nhóm ủng hộ công nhân đang tụ họp.

Sáng thứ Sáu 24/8, cảnh sát chống bạo động bố ráp một căn hộ ở Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) nơi gần 50 sinh viên và công nhân nhà máy tụ họp để thành lập liên đoàn lao động độc lập.

Ở Trung Quốc, các nghiệp đoàn độc lập bị cấm sau vụ biểu tình Thiên An Môn năm 1989.

Các sinh viên bị bắt giữ hầu hết đến từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Ninh và Đại học Nhân Dân, còn công nhân đến từ nhà máy sản xuất thiết bị hàn Jasic Technology ở Thâm Quyến.

Ba công nhân là Lan Zhiwei, Yu Kailong và Yu Weiye bị giam giữ, những người trước đó đang hưởng án treo sau một vụ cảnh sát bắt giữ nhiều người.

Vụ bắt giữ này được cho là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trung Quốc để đàn áp phong trào lao động đang lên ở tỉnh Quảng Đông.

Phong trào này bắt đầu nổi lên từ tháng trước khi công nhân nhà máy Jasic Technology bị đuổi việc khi họ tìm cách lập nghiệp đoàn.

Bất đồng về quyền lao động giữa lãnh đạo công ty và công nhân nhà máy Jasic Technology bắt đầu từ hồi tháng Năm.

Làm lại cuộc cách mạng cánh tả ?

Tới tháng Bảy, hàng chục sinh viên được truyền cảm hứng từ chủ nghĩa Mao đã xuống Thâm Quyến để ủng hộ các yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Những đảng viên Cộng sản lâu năm theo chủ nghĩa Mao cũng tham gia phong trào và chỉ trích khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo trong xã hội Trung Quốc, tờ AsiaNews đưa tin.

Hãng tin Anh Reuters cho hay hôm 27/7, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 29 người, trong đó có một số công nhân bị đuổi việc, người thân và những người ủng hộ họ.

Hiện mười bốn người vẫn đang bị giam giữ.

tq2

Nhiều sinh viên đại học tham gia một nhóm ủng hộ bảo vệ quyền của người lao động.

Các cuộc biểu tình của công nhân và sinh viên bị ngăn cản bởi các vụ cảnh sát bắt người và các nhóm du côn ẩn danh đánh người biểu tình.

Sinh viên và các nhà hoạt động dùng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của họ và tìm sự đoàn kết, ủng hộ từ người dân.

Từ tuần trước, tất cả các bài viết và chat trên mạng xã hội nhằm tổ chức biểu tình bị chính quyền chặn và cấm.

Công đoàn chính thức của Trung Quốc thường đứng về phía quản lý công ty và việc vận động cho quyền lao động là một thách thức cho Đảng Cộng sản.

Tờ AsiaNews.it trích lời ông Cai Chongguo, phó giám đốc Bản tin Lao động Trung Quốc, nói rằng phong trào đấu tranh "đã làm chấn động cơ sở tư tưởng và tính chính thống của chế độ hiện hành" trong lúc người dân Trung Quốc đang ngày một bức xúc vì khoảng cách ngày một lớn giữa người nghèo và giới giàu có nhiều tiền và nắm quyền chính trị ở nước này.

Kể từ thời Khai phóng, dù kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng các vấn đề xã hội to lớn ở Trung Quốc cũng khiến một phái, gọi là 'tân tả' trong trí thức Trung Quốc lên tiếng nhắc lại vấn đề công bằng xã hội.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nhóm đông đảo sinh viên và trí thức trẻ vào cuộc vì công nhân.

tq3

Đại học Phục Đán ngày nay - hình minh họa

Trước Thế chiến 2, chính Đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục dùng khẩu hiệu công bằng xã hội để vận động công nhân các vùng duyên hải vào Công hội đỏ.

Nhưng sang thời gần đây, ý thức hệ cộng sản bị thuyết thực dụng 'Mèo trắng mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột' của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình làm nhạt màu đi.

Chính quyền Trung Quốc sau đó đưa ra thuyết Ba Đại diện cho rằng các nhà tư bản cũng là lực lượng 'tiến bộ' dẫn dắt xã hội.

Gần đây nhất, lý thuyết gia Vương Hộ Ninh lại nói rằng vì bối cảnh "đặc thù Trung Hoa" nên xã hội vẫn cần "chính trị tập trung" trong khi "kinh tế tăng trưởng nhanh chóng".

Quay lại trang chủ
Read 1032 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)