Dân Rohingya bị thanh lọc : Bà Suu Kyi bị tố biện minh cho quân đội (RFI, 30/08/2018)
"Lẽ ra bà Aung San Suu Kyi nên từ chức thì hơn" : Tuyên bố được đưa ra hôm nay, 30/08/2018 của ông Zeid Ra'ad Al Hussein người sắp rời khỏi chức vụ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là áp lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhắm vào lãnh đạo trên thực tế của chính quyền dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi. Bà vừa lên tiếng biện minh cho chiến dịch bị cho là thanh lọc chủng tộc của quân đội nhắm vào người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bà Aung San Suu Kyi (giữa) đến sân bay Sittwe hôm 02/11/2017, trong chuyến thăm bang Rakhine. KHINE HTOO MRATT / AFP
Chiến dịch này bị Liên Hiệp Quốc tố cáo trong một bản phúc trình công bố hôm thứ Hai, 27/08, cho rằng cần phải truy tố một số tướng lãnh Miến Điện, trong đó có người đứng đầu quân đội, về tội diệt chủng.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc dĩ nhiên đã bị chính quyền Miến Điện bác bỏ, nhưng vấn đề là bản thân bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng biện minh cho hành động của quân đội, với những lập luận cố hữu, như chiến dịch năm ngoái chỉ nhằm chống lại những "hành vi khủng bố", và những cáo buộc nêu trong báo cáo chỉ là những lời dối trá.
Đối với vị Cao Ủy Nhân Quyền sắp mãn nhiệm, là người nắm quyền lãnh đạo trong thực tế chính quyền dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi có đầy đủ tư cách để ngăn chặn chiến dịch bị tố cáo là "thanh lọc chủng tộc" mà quân đội Miến Điện tiến hành vào năm ngoái nhắm vào người thiểu số Rohingya, điều mà bà đã không làm.
Trước những cáo buộc, theo ông Zeid Ra'ad Al Hussein, "lẽ ra bà Aung San Suu Kyi nên giữ im lặng, hay tốt hơn nữa là nên từ chức… (chứ) không cần phải biến mình thành phát ngôn viên của quân đội Miến Điện".
Thái độ thờ ơ của bà Aung San Suu Kyi đối với thảm nạn diệt chủng diễn ra trước mắt mình, thậm chí còn bênh vực các thủ phạm, đã tạo ra nhiều bất bình, với nhiều người công khai cho rằng bà không còn xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình, và Ủy Ban trao giải Nobel cần phải thu hồi giải đã trao cho bà vào năm 1991.
Trước những luồng dư luận đó, vào hôm qua, một lần nữa, Ủy Ban Nobel Hòa Bình của Na Uy đã lên tiếng tái khẳng định không thể có chuyện thu hồi giải Nobel đã trao, vì lẽ giải được quyết định trên cơ sở thành tựu của một người vào lúc trao giải và quá trình trước đó.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Ủy Ban Nobel Hòa Bình phải lên tiếng về vụ bà Aung San Suu Kyi bị tố cáo làm ngơ để cho người Rohingya bị thảm sát. Vào năm ngoái, chủ tịch Ủy Ban này cũng đã phải xác định rằng không thể thu hồi giải thưởng.
Tuy nhiên vai trò của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng Rohingya cũng đã khiến bà mất uy tín. Tháng Ba vừa qua, Viện Bảo Tàng Holocaust (về nạn Diệt Chủng Do Thái) tại Mỹ đã tuyên bố thu hồi Giải thưởng Elie Wiesel từng trao tặng cho lãnh đạo Miến Điện vào năm 2012.
Cho đến nay, vẫn còn có người tin rằng, dù là người đứng đầu chính quyền dân sự, nhưng bà Aung San Suu Kyi không có thẩm quyền đối với quân đội.
Lập luận này vừa bị Liên Hiệp Quốc phản bác khi trong báo cáo nói rõ là bà Aung San Suu Kyi "đã không sử dụng vị trí thực tế của mình là người đứng đầu chính phủ, cũng như không dùng uy tín đạo đức của mình, để ngăn chặn hoặc dự phòng các sự kiện đang diễn ra".
Thậm chí báo cáo Liên Hiệp Quốc còn tố cáo : "Chính quyền dân sự đã truyền bá những câu chuyện sai sự thật ; phủ nhận hành vi sai trái của quân đội ; ngăn cản những cuộc điều tra độc lập... và giám sát việc phi tang bằng chứng".
Trọng Nghĩa
************
Vụ Rohingya : Aung San Suu Kyi 'lẽ ra nên từ chức' (BBC, 30/08/2018)
Thủ lĩnh nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người sắp mãn nhiệm, nói rằng lãnh đạo của Myanmar Aung San Suu Kyi lẽ ra đã nên từ chức trước chiến dịch bạo hành của quân đội với người thiểu số Hồi giáo Rohingya vào năm ngoái.
"Bà ấy có thể đã nói này, quý vị biết đấy, tôi sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo trên danh nghĩa của đất nước nhưng không phải trong những điều kiện này".
Hôm thứ Tư, ủy ban Nobel cho biết bà Suu Kyi không thể bị tước Giải thưởng Hòa bình mà bà được trao vào năm 1991.
Aung Sun Suu Kyi đã nói gì ?
Trong khi thế giới thừa nhận rằng bà Aung San Suu Kyi, 73 tuổi, không kiểm soát quân đội, bà vẫn phải đối mặt với áp lực quốc tế là phải lên án những hành vi bạo lực mà quân đội Myanmar bị cáo buộc.
Trong nhiều thập niên, bà được ca ngợi là nữ anh hùng của cộng đồng nhân quyền - nhất là trong thời gian 16 bị năm quản thúc tại gia vì hoạt động ủng hộ dân chủ trong một chế độ độc tài quân sự tàn bạo.
Khi bạo lực bùng nổ vào năm 2012 khiến hơn 100.000 người Rohingya phải di tản, bà Suu Kyi tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế và cam kết "tuân thủ cam kết của chúng tôi về quyền con người và giá trị dân chủ".
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi nói cuộc khủng hoảng đang bị tin tức giả bóp méo
"Người Hồi giáo là mục tiêu của những bạo hành, nhưng nhiều Phật tử cũng chịu chung số phận" bà nói với BBC vào thời điểm đó. "Nỗi sợ hãi này là những gì đang dẫn đầu tất cả mọi rắc rối".
Bà nói rằng chấm dứt bạo lực là trách nhiệm của chính phủ, giải thích : "Đây là kết quả của sự đau khổ của chúng ta dưới chế độ độc tài".
Vào năm 2015, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lở đất và bà trở thành lãnh đạo thực tế của Myanmar.
Khi cuộc khủng hoảng Rohingya tiếp diễn, những nhận xét của bà Suu Kyi về tình hình có xu hướng làm giảm nhẹ hoặc cho rằng mọi người đang phóng đại mức độ nghiêm trọng của bạo lực.
Lần cuối cùng nói chuyện với BBC vào tháng 4 năm 2017, bà Suu Kyi nói : "Tôi không nghĩ rằng việc thanh lọc sắc tộc đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng thanh lọc sắc tộc là cụm quá mạnh để sử mô tả những gì đang xảy ra".
Kể từ khi bạo lực bùng phát và lan rộng bắt đầu vào tháng 8 năm 2017, bà Suu Kyi đã bỏ lỡ một số cơ hội để công khai nói về vấn đề này, bao gồm cả buổi họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York vào tháng 9 năm ngoái.
Sau đó, bà tuyên bố cuộc khủng hoảng đã bị bóp méo bởi một "tảng băng khổng lồ của thông tin sai lạc" - nhưng sau đó cũng nói bà cảm thông "sâu sắc" với sự đau khổ của "tất cả mọi người" trong cuộc xung đột.
Myanmar, bà nói, đã "cam kết một giải pháp bền vững... cho tất cả mọi cộng đồng trong quốc gia này".
Ông Zeid Ra'ad al Hussein thủ lĩnh nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Zeid Ra'ad al Hussein được biết đến với sự thẳng thừng và những bình luận của ông về Aung San Suu Kyi cũng không là ngoại lệ : Ông cay đắng chỉ trích những nỗ lực bào chữa cho quân đội Myanmar của bà.
Ít nhất bà nên giữ im lặng, ông Zeid Ra'ad nói, tốt hơn là nên từ chức và trở về thời bị quản thúc tại gia.
Những lời gay gắt, và một dấu hiệu khác cho thấy bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ không đi vào lịch sử như một người đoạt giải Nobel Hòa bình và nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ, mà là một người phụ nữ không hành động trước những vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được.
Cuộc khủng hoảng Rohingya là gì ?
Người Rohingya là người thiểu số Hồi giáo ở Miến Điện, nơi họ bị từ chối quyền công dân và được coi là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh mặc dù họ đã ở đây qua nhiều thế hệ.
Quân đội Myanmar đã phát động một cuộc đàn áp ở Rakhine năm ngoái sau khi các chiến binh Rohingya thực hiện các cuộc tấn công chết người tại các đồn cảnh sát.
Hàng ngàn người đã thiệt mạng và hơn 700.000 người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh kể từ tháng 8 năm 2017.
Cũng có những cáo buộc lan rộng về việc những người Rohingya bị đàn áp nhân quyền, kể cả bị sát hại tùy tiện, hãm hiếp và đốt đất trong nhiều năm qua.
**************
Hồ sơ Rohingya : Các tướng Miến Điện có thể bị tòa án quốc tế xử ? (RFI, 29/08/2018)
Một năm sau cuộc tấn công của quân đội Miến Điện nhằm vào cộng đồng người thiểu số Hồi Giáo Rohingya, hôm 27/8/2018, Liên Hiệp Quốc kết luận đó là hành động "diệt chủng". Các nhà điều tra của tổ chức quốc tế cáo buộc quân đội có ý định tiêu diệt người Rohingya, đồng thời yêu cầu đưa các chỉ huy quân đội Miến Điện ra xét xử trước tòa án quốc tế vì tội "diệt chủng".
Tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing (trái) trong lần gặp bà Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw ngày 02/12/2015. Reuters/Soe Zeya Tun
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc liệt kê một loạt các hành động tàn sát của quân đội Miến Điện nhằm vào người Rohingya ở các bang Shan, Kachin và Arakan. Đó là các tội ác : Hành quyết thường dân, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và bắt đi mất tích, tra tấn rất nhiều người khác. Theo Liên Hiệp Quốc, các quân nhân Miến Điện đã phạm phải hàng loạt các tội ác kinh hoàng bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm nhằm tiêu diệt cộng đồng thiểu số người Hồi giáo này.
Điều nghiêm trọng, theo báo cáo của tổ chức quốc tế, đó không phải là những hành động đơn lẻ, mà các quân nhân đã hành động theo một kế hoạch có tính toán, đưa ra từ cấp chỉ huy cao nhất và được triển khai theo từng giai đoạn. Cuộc đàn áp trên quy mô lớn có tổ chức này đã gây ra thảm cảnh cho hơn 700 000 người Rohingya phải chạy lánh nạn sang Bangladesh cách đây đúng một năm. Cho đến giờ hàng trăm nghìn người Rohingya vẫn đang phải sống leo lắt trong các trại tị nạn tạm bợ bên kia biên giới Bangladesh không biết bao giờ mới có ngày trở về Miến Điện.
Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên nêu đích danh thủ phạm là tổng tư lệnh và 5 tướng lĩnh khác trong quân đội Miến Điện. Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá cuộc tàn sát trên có sự thông đồng của chính quyền dân sự. Bà Aung San Su Kyi, giải Nobel Hòa bình, lãnh đạo trên thực tế của chính phủ Miến Điện, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn các cuộc thảm sát người Rohingya.
Hôm nay (29/08), chính phủ Miến Điện đã lên tiếng phản bác bản báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc. Một ủy ban độc lập chuyên trách hồ sơ Miến Điện yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải hành động, đồng thời đưa vụ việc ra Tòa án Hình sự quốc tế, hoặc thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra về tội ác "thanh lọc chủng tộc" nhằm vào người Rohingya.
Tuy nhiên để đưa những quân nhân Miến Điện, chịu trách nhiệm chính trong các vụ thảm sát người Rohingya, ra xét xử, quốc tế cần phải tuân thủ những trình tự luật pháp quốc tế không đơn giản. AFP đặt ra một số vấn đề xung quanh bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ người Rohingya.
Đâu là trình tự hợp pháp để có thể mở phiên tòa quốc tế ?
Theo giải thích của AFP, cho đến lúc này, báo cáo của Liên Hiệp Quốc là tài liệu quy kết cụ thể nhất các quan chức Miến Điện phạm các tội ác hãm hiếp, giết người hàng loạt đốt phá làng mạc khiến hơn 700 000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Từng đó tội trạng cũng đủ để đưa ra xét xử ở một tòa án quốc tế.
Giải pháp thứ nhất là đưa ra Tòa án Hình sự quốc tế (CPI). Nhưng để Tòa án La Haye thụ lý hồ sơ thì cần phải được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đề nghị bằng một nghị quyết. Ngay từ khâu này, người ta đã nhìn thấy trở ngại đầu tiên : Trung Quốc, một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, vẫn đánh giá cuộc khủng hoảng người Rohingya là chuyện nội bộ của Miến Điện, nên chắc là Bắc Kinh sẽ phủ quyết. Nga cũng có thể làm tương tự. Tuần trước, tướng Min Aung Hlaing vừa đi thăm Nga về.
"Làm thế nào giải quyết vấn đề này ? Bằng thương lượng và đối thoại", hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời báo chí như trên về quan điểm của Bắc Kinh xung quanh kết luận của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ Rohingya.
Ngoài ra còn có giải pháp lựa chọn nào khác ?
Lựa chọn thứ 2 trong trường hợp ý định đưa hồ sơ lên Tòa án Hình sự quốc tế CPI bị thất bại do bế tắc ở Hội đồng Bảo an, đó là có thể thành lập một tòa án quốc tế chuyên biệt cho vụ việc cụ thể, như trường hợp đã làm với các vụ xử tội diệt chủng ở Rwanda và Nam Tư cũ.
Một phương án khác : Hồi tháng Tư vừa qua, bà chưởng lý Tòa CPI Fatou Bénouda, đã bất ngờ đề nghị các thẩm phán liệu họ có chấp thuận mở rộng quyền xét xử đến Miến Điện, cho dù nước này không tham gia Tòa án Hình sự quốc tế. Điều này có vẻ khả thi vì thực tế Bangladesh, thành viên của CPI, đồng thời là nước bị liên lụy nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng này.
Nếu các thẩm phán của CPI đồng ý với đề xuất trên, bà chưởng lý của CPI có thể cho mở điều tra sơ khởi từ phía Bangladesh vì nước này là thành viên của CPI. Điều này có thể dẫn tới việc tòa ra lệnh bắt các nhân vật chịu trách nhiệm của Miến Điện.
Ai có thể bị truy tố ?
Tòa CPI có quyền truy tố các cá nhân nhưng không làm được như vậy đối với các quốc gia ? Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vừa công bố nêu đích danh 6 sĩ quan cao cấp quân đội Miến Điện, trong đó có tổng tư lệnh, tướng Min Aung Hlaing. Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc nêu trách nhiệm của những nhân vật trên trong việc trực tiếp ra lệnh cho các đơn vị thực thi chiến dịch "thanh lọc sắc tộc" tại bang Rakhin, ở tây bắc Miến Điện, nơi khi đó có đa số dân là người Rohingya. Tuy vậy CPI vẫn bị giới hạn bởi vì Tòa không thể ép buộc Miến Điện hay bất kì nước nào khác phải giao nộp các quan chức phạm tội .
Liên quan đến chính phủ dân sự Miến điện, bà Aung San Suu Kyi có bị liên lụy gì không ?
Rất ít khả năng giải Nobel Hòa Bình, hiện đang thực quyền lãnh đạo chính phủ Miến Điện, bị khởi tố, cho dù trong hồ sơ này, bà liên tục bị quốc tế chỉ trích vì đã không lên tiếng, hành động gì về thảm kịch của người Rohingya. Thực tế, dù là người đứng đầu chính phủ dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi không có quyền hành gì đối với các bộ như Quốc Phòng hay Nội Vụ, hai bộ vẫn nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của giới tướng lãnh quân đội.
Tập đoàn quân sự nắm quyền tại Miến Điện qua nhiều thập kỷ dù đã tự giải thể năm 2011, nhưng quân đội vẫn là nhân tố chính trị trọng yếu, đưa ra các quyết định quan trọng nhất là liên quan đến những chiến dịch bình định ở các bang có xung đột sắc tộc.
Nhưng các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh việc bà Aung San Suu Ky đã không sử dụng uy tín, danh tiếng cá nhân có được ở trong nước để ngăn chặn thảm kịch xảy ra. Chính phủ của bà bị tố cáo đã chối bỏ mọi chuyện, ngăn cản điều tra của Liên Hiệp Quốc và phổ biến các thông tin dối trá. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc có đoạn kết luận : "Qua cách hành xử và thái độ làm ngơ của mình, chính quyền dân sự đã góp phần vào các tội ác tàn bạo".
(Tổng hợp từ AFP)
********************
Miến Điện bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc về tội "diệt chủng" (RFI, 29/08/2018)
Hôm 29/08/2018, Miến Điện đã bác bỏ báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cáo buộc quân đội Miến Điện phạm tội "diệt chủng" đối với người thiểu số Rohingya Hồi Giáo. Trong khi đó, nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, ủng hộ việc đưa các lãnh đạo quân sự Miến Điện ra trước tòa án quốc tế.
Người tị nạn Rohingya từ Miến Điện chạy sang Bangladesh. Ảnh chụp tháng 10/2017. Reuters/Zohra Bensemra
Hôm thứ Hai vừa qua, các nhà điều tra của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo đề nghị truy tố các tướng lãnh chủ chốt của Miến Điện, trong đó có cả tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, ra trước Tòa án Hình sự quốc tế, về tội "diệt chủng" đối với người Rohingya. Hơn 700 000 người thuộc sắc tộc thiểu số này đã phải chạy sang Bangladesh lánh nạn sau khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch đàn áp vào tháng 08/2017 để trả đũa các cuộc tấn công của quân nổi dậy.
Hôm nay, trên một nhật báo chính thức, phát ngôn viên của chính phủ Miến Điện Zaw Htay tuyên bố : "Chúng tôi đã không cho phép Phái đoàn thiết lập sự thật của Liên Hiệp Quốc vào Miến Điện, cho nên chúng tôi không chấp nhận bất cứ nghị quyết nào của Hội Đồng Nhân Quyền". Tại New York, đại sứ Miến Điện bên cạnh Liên Hiệp Quốc Hau Do Suan cũng đã bác bỏ báo cáo của Liên Hiệp Quốc và chỉ trích các nhà điều tra là "thiên vị".
Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm qua, nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc đưa ra xét xử các lãnh đạo quân sự Miến Điện trước tòa án quốc tế về chiến dịch đàn áp người Rohingya. Tuy nhiên, đại diện của các nước này tại Liên Hiệp Quốc không nói rõ là sau báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, các bước tiếp theo sẽ là gì.
Thanh Phương
******************
Rohingya : Liên Hiệp Quốc đòi xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm tội ác diệt chủng (RFI, 28/08/2018)
Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 27/08/2018 đã đề nghị xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm "tội ác diệt chủng" nhắm vào người Rohingya, một sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo tại Miến Điện. Các vụ bạo lực này đã khiến hơn 700.000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn sang Bangladesh từ một năm qua.
Trại tị nạn người Rohingya Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh 22/08/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Trước phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra hôm nay, những người tị nạn Rohingya kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính quyền Naypiydaw.
Từ trại tị nạn Kutupalong, đặc phái viên Eliza Hunt của đài RFI có bài phóng sự cho biết sau một năm chạy tị nạn, người Rohingya đã mất niềm tin vào chính quyền Miến Điện.
"Trong tay của Mohib Bullah, là một danh sách dài nhiều trang… Danh sách này liệt kê các hành động bạo lực mà người Rohingya, những người hiện đang sống trong các trại tị nạn, phải hứng chịu. Tài liệu này sẽ được gởi đến Tòa án Hình sự Quốc tế.
Mohib Bullah nói : ʺTrong quá khứ, chúng tôi cũng đã từng phải chạy nạn, nhưng chưa bao giờ, chúng tôi đòi hỏi một kiểu công lý như vậy. Hậu quả là chính phủ lại tái diễn, và lần này, đó là một hành động diệt chủng. Chính vì thế mà giờ đây, chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế giúp đỡ tìm kiếm công lý, bởi vì việc làm này sẽ có tác động đối với chính phủʺ.
Theo ông Mohib Bullah, từ một năm qua, chẳng có gì cho thấy là chính quyền Miến Điện muốn tìm kiếm một giải pháp. Do vậy, ông trông đợi vào áp lực của quốc tế. Một người tị nạn khác, nguyên là hiệu trưởng trường học, cũng có lập trường tương tự. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đối với cộng đồng Rohingya.
Ông nói : ʺLiên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu… Họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như bạo lực lại diễn ra, họ có trách nhiệm phải can thiệp, tìm ra một giải pháp. Hiện tại, họ chỉ trích, họ lên án nhưng điều đó chưa đủ…ʺ.
Ở đây, ai cũng mong đợi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhanh chóng hành động".
Minh Anh