Tập Cận Bình trấn an về "Một vành đai, một con đường" (RFI, 28/08/2018)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 27/08/2018 trong hội nghị sơ kết 5 năm "Một vành đai, một con đường" tại Bắc Kinh đã khẳng định sáng kiến này không nhằm tạo ra một "Câu lạc bộ Trung Quốc", đồng thời kêu gọi cân bằng về thương mại với các quốc gia đối tác. Tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Malaysia vừa hủy bỏ dự án nhiều tỉ đô la với Trung Quốc vào tuần trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh tại căn cứ quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 30/06/2017. Reuters/Damir Sagolj/File Photo
Ông Tập Cận Bình cho rằng : "Một vành đai, một con đường là sáng kiến hợp tác kinh tế, chứ không phải là một liên minh địa chính trị hay quân sự. Đó là một tiến trình mở rộng, chứ không phải nhằm lập ra một quỹ đạo riêng hay một Câu lạc bộ Trung Quốc".
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư trên 60 tỉ đô la vào các nước dọc theo "Con đường tơ lụa mới" này. Ông Tập nhấn mạnh trao đổi thương mại với các nước liên quan đã đạt 734 tỉ đô la, tạo ra hơn 200.000 việc làm. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng khái niệm tổng thể đã hoàn tất, nay cần đi vào cụ thể và tập trung cho các dự án chất lượng cao. Ông cũng kêu gọi nỗ lực tạo cân bằng về thương mại với các nước tham gia, và tăng cường dự báo rủi ro.
Cách đây đúng một tuần, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến công du Bắc Kinh đã hủy bỏ ba dự án cơ sở hạ tầng trị giá 22 tỉ đô la do Trung Quốc đầu tư, gồm một tuyến đường sắt, hai đường ống dẫn khí đốt, với lý do sẽ không trả nổi nợ. Ông Mahathir cũng tố cáo "chủ nghĩa thực dân mới", tuy không gọi thẳng tên Trung Quốc.
Chuyên gia Bàng Trung Anh (Pang Zhongying), trường đại học Hải Dương Trung Quốc cho rằng : "Bắc Kinh đang phải đối phó với những thách thức to lớn, trước các phản ứng của cộng đồng quốc tế". Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang và sự do dự của các nước quan trọng như Malaysia và Pakistan về sáng kiến này, khiến Trung Quốc phải chỉnh đốn lại kế hoạch.
Giáo sư Moon Heung Ho, giáo sư trường đại học Hanyang ở Seoul nhận định : "Bắc Kinh đã thất bại trong chính sách ngoại giao với lân bang, do các nước láng giềng đang lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc". Theo ông, Trung Quốc cần cố gắng xây dựng lại lòng tin trong khu vực.
Cuộc hội thảo do phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) chủ trì, với sự tham dự của các nhân vật quan trọng khác như ngoại trưởng Vương Nghị, các ủy viên Bộ Chính trị Lưu Hạc (Liu He), Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), bộ trưởng Tài Chính Tiêu Tiệp (Xiao Jie).
Thụy My
*********************
Thêm một vụ nhầm lãnh thổ Trung Quốc và Việt Nam trên địa cầu (VOA, 28/08/2018)
Sau khi Chính phủ Việt Nam nêu quan ngại về những quả địa cầu nhựa in các tỉnh phía bắc của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc ở Ukraine, một công ty bán các sản phẩm này đã phải lên tiếng xin lỗi.
Hình ảnh bản đồ trên quả địa cầu do một công ty của Ukraine bán trên mạng trong đó một phần lãnh thổ Việt Nam được đưa vào lãnh thổ Trung Quốc. (Photo Facebook Nguyễn Việt Long)
Trên quả địa cầu được công ty Globus Plus của Ukraine rao bán, bản đồ của Việt Nam đã bị phần bản đồ của lãnh thổ Trung Quốc lấn vào hầu như toàn bộ vùng Đông Bắc, gồm các tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Bên cạnh đó, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông cũng không xuất hiện trên quả địa cầu này.
Theo Tuổi Trẻ, công ty Ukraine nơi bán những quả địa cầu này cho biết họ mua chúng từ những nhà buôn Trung Quốc ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.
VTC News trích dẫn bức thư của đại diện công ty Globus Plus của Ukraine trả lời yêu cầu của họ về nguồn cung cấp các quả địa cầu hôm 24/8, trong đó công ty này nói họ không phải là nhà sản xuất quả địa cầu trên và lất làm tiếc khi không biết bản đồ in trên đó bị sai.
Nhận định về sự sai phạm này, Tiến sĩ Trần Công Trục, cựu Trưởng ban biên giới Chính phủ Việt Nam, cho rằng bản đồ in trên quả địa cầu trên được dựa trên những thông tin không đúng. Ông cho rằng nơi cung cấp thông tin không phải là từ chính phủ Trung Quốc.
"Trên các quả địa cầu và các bản đồ được xuất bản ở một số nơi đã có sự nhầm lẫn. Tôi nghĩ là do nguồn thông tin mà họ dựa vào có thể không được chính thức. Họ dựa vào những thông tin cũ hoặc thông tin do một tổ chức cá nhân nào đó đưa ra, cho nên nó không phản ánh đúng thực chất của vấn đề mà hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc".
Theo Tiến sĩ Trục, trên thực tế không còn sự tranh chấp qua lại về đường biên giới phía bắc sau khi Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất Hiệp định phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước vào năm 2008.
Ngay sau khi truyền thông trong nước và mạng xã hội đưa thông tin về những quả địa cầu in bản đồ sai về lãnh thổ của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Ukraine và công ty Globus Plus để trình bày vụ việc, theo Tuổi Trẻ.
Ngay sau đó công ty này đã ngừng bán các quả cầu trên.
Trong bức thư gửi VTC News, quản lý công ty Globus Plus xác định rằng họ "đã gỡ các sản phẩm này khỏi trang bán hàng trực tuyến".
Trên trang bán hàng trực tuyến của Globus Plus (1) hiện không còn bán các quả địa cầu này trên nữa.
Trước đây vào tháng 9/2017, Bảo tàng Hoàng gia Greenwich của Anh cũng đã phải dừng bán các quả địa cầu trên đó có in đường lưỡi bò mà Trung Quốc đặt ra để tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông. Bản đồ trên các quả địa cầu được bày bán trong cửa hàng của bảo tàng Anh cũng ghi Hoàng Sa và Trường Sa – hai quần đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền – bằng tiếng Trung Quốc chứ không phải bằng ngôn ngữ trung tính là tiếng Anh, theo Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
Ông Tĩnh đã viết một bức thư gửi bảo tàng này trong đó chỉ ra sự phi pháp của đường chữ U và là nguyên nhân gây ra ra căng thẳng và tranh chấp trong khu vực. Theo vị Tiến sĩ này, bảo tàng Anh sau đó cho biết họ sẽ không mua các quả địa cầu đó nữa.
----------------------------