Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/08/2018

Điểm báo Pháp - mưu đồ biến Pakistan thành đặc khu kinh tế

Trung Quốc mưu đồ biến Pakistan thành đặc khu kinh tế

Huyền thoại Emmanuel Macron tiêu tan, báo chí trong và ngoài nước thất vọng tổng thống Pháp. Venezuela lung lay nhưng tổng thống Nicolas Maduro vẫn bám trụ nhờ vàng đen và… Mỹ. Con đường tơ lụa mới của Tập Cận Bình tại Pakistan : Trung Quốc mua chính phủ nhưng không mua được dân, là một số chủ đề của các tạp chí trong tuần.

pakistan1

Một cửa hiệu ở Peshawar, Pakistan tràn ngập hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 07/08/2018. Reuters/Fayaz Aziz

Trên trang bìa, tuần báo L'Express đặt câu hỏi : "Tại sao Macron phải thay đổi ?". Hai đồng nghiệp L’ObsLe Point tiên đoán điện Elysée đang mưu tính gì trong khi trang nhất của Courrier international khẳng định huyền thoại Macron đã tan biến và do đâu mà báo chí quốc tế thất vọng. Về hồ sơ quốc tế, "hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan" được đặc phái viên Le Point phân tích lợi hại :

Hải cảng Gwadar được Trung Quốc đầu tư 500 triệu đô la để nâng cấp chỉ là bước đầu trong dự án thiết lập một đường hành lang trên bộ 2000 km để Trung Quốc có thể vận chuyển hàng hóa từ Kachgar đến biển Arabie nhằm làm sống lại con đường tơ lụa nối liền hai lục địa Á- Âu.

Hai mục tiêu công khai của Trung Quốc là mở cánh cửa thông thương cho các tỉnh miền tây nối với Châu Phi qua ngã Pakistan và giúp cho quốc gia nghèo đông dân, 210 triệu dân, được phát triển để không rơi vào ảnh hưởng của thánh chiến Hồi giáo.

Các công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư 62 tỷ đôla để xây dựng nhà máy điện mặt trời, canh tân hệ thống xa lộ, đường xe lửa và đặt cáp quang. Thế nhưng một nhà phân tích chính trị người Trung Quốc, xin giấu tên, lại cho rằng chủ tịch Tập Cận Bình có một "thâm ý" khác, đó là muốn được lịch sử ghi tên : "Dự án hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan cũng như con đường tơ lụa mới được Tập Cận Bình khai thác để củng cố quyền lãnh đạo và để lại dấu tích trong lịch sử".

Về phần Islamabad, từ 2008 đến nay, do tình hình bất an, do khủng bố, Pakistan bị giới đầu tư lần lượt rút bỏ : Đầu tư Trung Quốc là cơ hội để Pakistan đuổi theo Ấn Độ. Quân đội Pakistan nghĩ rằng New Delhi không bao giờ chấp thuận để mất một phần lãnh thổ sau khi Anh Quốc trao trả độc lập nay là Pakistan Hồi giáo. Đối với quân đội, điều sinh tử là phải ngăn chặn Ấn Độ trở thành cường quốc số một trong vùng và do thế cần một nền kinh tế hùng mạnh để có tiền trang bị vũ khí.

Đặc khu kinh tế khắp nước hay cả nước biến thành đặc khu kinh tế ?

Tuy không rõ thâm ý của Bắc Kinh và quy mô thực sự của dự án nhưng Islamabad chấp nhận bởi vì… tâm lý chống Ấn Độ. Trong khi đó, ngay giới chuyên gia Trung Quốc cũng nghi ngờ có điều bí ẩn.

Để thực hiện mục tiêu cân bằng lực lượng với Ấn Độ, Islamabad chọn liên minh với Bắc Kinh thay vì với Washington. Vụ đột kích giết Bin Laden năm 2011 không thông báo trước với chính quyền Pakistan đã đánh dấu mối rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Pakistan.

Trong thời gian qua, Mỹ cũng xích lại với Ấn Độ qua các thỏa thuận về hạt nhân dân sự, về hợp tác hải quân và trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ đứng thứ hai chỉ sau nước Nga. Hãy nghe tướng Ghafoor phát biểu : "Nhìn xem chính quyền Trump : đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley là người gốc Ấn, đại sứ Mỹ tại New Delhi cũng gốc Ấn, áp lực hành lang của người Ấn tác động lên chính sách ngoại giao của Mỹ".

Vấn đề, theo Le Point, từ khi Trung Quốc khởi động dự án "hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan", tiếng nói chỉ trích nổi lên trong nước. Khurram Husain, phóng viên kinh tế của báo Dawn lưu ý : "Dự án Trung Quốc kéo dài đến 2030 và xa hơn thế nữa. Chính quyền nói đến các đặc khu kinh tế đó đây trên lãnh thổ nhưng một nguồn tin Trung Quốc cho biết các công trường hiện tại chỉ là nốt nhạc đầu của một bản đại hòa tấu". Được báo chí đặt câu hỏi, đại sứ Trung Quốc từ chối trả lời, viện lý do chỉ nói chuyện với chính quyền sở tại.

Bắc Kinh giăng bẫy nợ

Tại Pakistan, không ai rõ điều kiện tài trợ cho các đại công trình ra sao. Ngân hàng Trung Quốc cho vay nhưng ai bảo hiểm và bảo hiểm bao nhiêu ? Nếu Pakistan vỡ nợ thì sao ? Chuyên gia kinh tế Akbar Zaidi lo ngại đất nước của ông sẽ đánh mất chủ quyền.

Tại Trung Quốc cũng có quan điểm ngờ vực. Nhà phân tích Trung Quốc trích dẫn bên trên cho biết : Nhiều chuyên gia và quan chức trong đảng cộng sản cũng nghi ngờ thực chất của dự án hành lang kinh tế. Vận chuyển hàng từ miền tây Trung Quốc đến cảng Gwadar dài 3.000 km, qua những ngọn núi cao 4.600 mét sẽ tốn kém vô cùng.

Nhưng phe chủ xướng mang "lợi ích chiến lược" ra giải thích : Trung Quốc được quyền sử dụng hải cảng trong biển Arabian nằm gần vịnh Ba Tư. Nhà phân tích Trung Quốc bình luận : Lợi ích chỗ nào ? Chi ra 62 tỷ đôla để có một căn cứ hậu cần là điều phi lý.

Cho đến nay, hàng lang kinh tế làm Pakistan trả giá nặng : tăng nhập khẩu hàng Trung Quốc lên bốn lần, tính đến tài khóa 2016-2017, Pakistan chi ra 14 tỷ đô la để mua máy móc và xi măng của Trung Quốc, trong khi trữ lượng ngoại tệ chỉ đủ để chu toàn nhập khẩu trong hai tháng.

Tập Cận Bình "ma cà rồng"

Nhân công Trung Quốc tràn ngập. Tại một nước Hồi giáo mà thịt heo bán công khai và nhất là cách thức Bắc Kinh đối xử với người Duy Ngô Nhĩ làm dân chúng Pakistan bất bình, phong trào chống Trung Quốc trỗi dậy.

Hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc cũng là lưỡi dao kề cổ Pakistan. Chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Ehsan Malik cho biết một thí dụ : buôn bán với Trung Quốc, xí nghiệp Pakistan bị thuế quan cao hơn là giao dịch với ASEAN nhất là gạo và bông sợi. Pakistan cũng phải xuất khẩu hầu hết bông vải sang Trung Quốc để Trung Quốc dệt may… bán quần áo sang Mỹ để cạnh tranh với Pakistan.

Chưa hết, các công trình xây dựng tại Pakistan đều do công nhân Trung Quốc thực hiện với vật liệu nhập từ Trung Quốc. Tóm lại, Pakistan không thu lợi được bao nhiêu. Từ 20.000 đến 30.000 kiều dân Trung Quốc lưu trú tại Pakistan, với hàng quán mọc lên như nấm, bán cả thịt heo, món cấm tại xứ Hồi. Sự hiện diện này, cộng với dự án thiếu minh bạch và cách đối xử thô bạo của Bắc Kinh đối với người dân Tân Cương đã làm trỗi dậy một phong trào bài Trung Quốc.

Trường hợp một người dân Pakistan 39 tuổi, năm 2008, sang Tân Cương làm việc rồi lấy vợ Trung Quốc. Năm 2016, người vợ bị bắt đi "học tập chính trị" và biệt tích. Người chồng không được đi thăm, sau đó giấy cư trú không được gia hạn, phải chạy về nước. Vụ này đã gây một làn sóng phản đối tại Pakistan. 62 tỷ đôla xứng đáng để chính quyền im lặng nhưng báo chí lên tiếng phát động chiến dịch đòi sự thật. Trên Facebook, Tập Cận Bình bị miêu tả là "ma cà rồng" hút máu 20 triệu dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Pháp : Thần tượng sụp đổ ?

Trở lại tình hình chính trị nước Pháp, năm thứ hai nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron được dự báo sẽ rất phức tạp. Kinh tế hụt hơn và một số vụ tai tiếng trong giới thân cận đã làm thần tượng sụp đổ, theo nhận định của hai tờ báo Anh và Canada được Courrier International trích dịch. Trái lại, một nhật báo Ý an ủi dân Pháp nên biết có nhiều may mắn hơn láng giềng Ý.

Theo Le Point, tổng thống Pháp chỉ có nỗi ám ảnh là chiến thắng bầu cử Nghị viện Châu Âu trong năm 2019. Chủ nhân điện Elysée kỳ vọng vào chính sách cải cách xã hội để thuyết phục cử tri : luật khế ước xí nghiệp cho phép nhân viên tham gia đầu tư và chia lợi nhuận, luật chống nghèo khó khuyến khích dân chúng tự lập xí nghiệp, luật hưu trí kéo dài tuổi lao động…

Cùng nhận định, tuần báo cánh tả L’Obs xác quyết là cho dù bị tai tiếng trong vụ cận vệ đặc biệt lộng quyền đánh người biểu tình, hành pháp vẫn tiếp tục tiến hành cải cách từ chống nghèo khó, thất nghiệp, hưu trí đến tái tổ chức bệnh viện… Trong hồ sơ y tế này, độc giả tò mò có thể xem trên Le Point danh sách 50 nhà thương hàng đầu của Pháp. Theo điều tra riêng của tuần báo, ba hạng đầu là bệnh viện của đại học y khoa Toulouse, Bordeaux và Lille. Nhiều bệnh viện ở Paris đứng cuối bảng.

Tuần báo L’Express "lo lắng" cho Emmanuel Macron bởi vì "dư chấn của vụ tai tiếng mà cận vệ đặc biệt Benalla gây ra". Những ngày tháng tới sẽ rất căng, L’Express, mượn lời của cựu bộ trưởng đại học Valérie Pécresse, cảnh báo : Năm thứ hai nhiệm kỳ là cơ may cuối cùng để thực hiện lời hứa với cử tri, tổng thống không thể chậm trể hơn nữa vì đã mất hết hào quang của một nhân vật được mô tả là "đổi mới". Chủ nhân điện Elysée phải thay đổi, đó là kết luận của L'Express.

Courrier International cũng cho rằng tổng thống trẻ tuổi của Pháp đã mất hết huyền thoại, theo báo chí nước ngoài. Daily Telegraph từ Luân Đôn lấy làm tiếc là lẽ ra nước Pháp phải bước vào thời kỳ hiện đại với tổng thống 40 tuổi, được bầu vào năm 2017. Tuy nhiên, các biện pháp cải cách chỉ được thực hiện một cách rụt rè. Thuế đánh lên xí nghiệp vẫn còn cao và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp rơi từ hạng 22 xuống 26.

Báo The Globe and Mail của Canada , bên cạnh hí họa một người đàn ông trung niên vất vả đẩy chiếc xe 2 mã lực (deux chevaux) đề tựa khôi hài : Tổng thống không có toàn hảo lắm. Tính tự ái cho mình là "chiếc rốn của vũ trụ" có lẽ Emmanuel Macron là số một, không ai bằng. Donald Trump và Justin Trudeau là những ông thầy tu nếu so sánh với tổng thống Pháp.

Dễ thương hơn hai đồng nghiệp báo Anh ngữ, nhật báo Ý Il Foglio, tuy cũng chỉ trích những khiếm khuyết của tổng thống Pháp, đã kêu gọi dân Pháp không nên thất vọng : Nếu tôi là người Pháp, trước khi khẻ tay tổng thống, tôi nhìn qua một vòng nước Ý để thấy giới chính khách mị dân phô trương bản lãnh phá hoại Châu Âu như thế nào.

Dầu hỏa cứu chế độ Maduro

Về thời sự Nam Mỹ, trong lúc Venezuela bị lạm phát phi mã, có thể đến 1.000.000% vào cuối năm nay, theo dự báo của Quỹ IMF, đất nước phá sản, hơn 2 triệu dân đi tị nạn, thực phẩm khan hiếm, giá cả leo thang, chính quyền vô kế khả thi thế mà tổng thống Nicolas Maduro vẫn thản nhiên, giới thân cận và phe ủng hộ vẫn tin tưởng. Đó là nhờ hai yêu tố không ngờ mà nhật báo El Nuevo Diario của Nicaragua lý giải sau đây :

Trong bài "Vàng đen cứu tổng thống Venezuela" nhà báo Adolfo Miranda Saenz nói thẳng đó là dầu hỏa và nước Mỹ. Đồng minh của Venezuela là Nicaragua cũng không mua dầu của nước bạn mà nhập dầu lọc của Mỹ. Bản thân Venezuela là nguồn cung cấp dầu hỏa đứng hàng thứ tư của Mỹ. Cho dù Venezuela có trữ lượng dầu hỏa to lớn nhưng chỉ chọn khách hàng "tiền trao cháo múc", chỉ có ba nước là Mỹ, Ấn và Trung Quốc.

Do tình trạng các nhà máy lọc dầu xuống cấp, Venezuela bán dầu thô cho Mỹ và nhập dầu đã lọc từ Mỹ cũng như Nicaragua bán ngô bắp cho Costa Rica để nhập lại hạt bắp nướng. Tại Mỹ, công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA là chủ nhân duy nhất của Citgo, một đại tập đoàn có trụ sở tại Houston, Texas, chủ nhân của 3 nhà máy lọc dầu, 48 kho dự trữ và 6.000 cây xăng với doanh số hàng năm 32,4 tỷ đô la.

Cho dù khối lượng dầu hỏa sản xuất có ít đi nhưng với thu hoạch khổng lồ này, tổng thống Nicolas Maduro có đủ đôla để bám quyền, để sống vương giả và bảo đảm cho những người thân cận và đám công chức trung thành cũng như sĩ quan quân đội một cuộc sống đầy đủ trong khi đất nước phá sản.

Bé sơ sinh học nhanh hơn người lớn

Về y khoa, tuần báo L’Express giới thiệu một khám phá mới về trí thông minh của trẻ sơ sinh. Trước khi biết nói, trẻ sơ sinh đã học nhanh hơn người lớn biết rút tỉa bài học sai lầm, phân biệt được kinh nghiệm đã biết và những gì mới chưa gặp, biết tìm thông tin mới và học cách tránh lầm lỗi. Cụ thể là biết đánh tiếng gọi người lớn nếu cảm thấy có nguy cơ té ngã.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 818 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)