Thép Việt sẽ bị đánh thuế như thép Trung Quốc nếu không khai rõ nguồn nhiên liệu (RFA, 11/07/2019)
Doanh nghiệp Việt Nam không chứng nhận được thép cán nguội và tôn mạ xuất sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn nào sẽ bị áp mức thuế như với hàng Trung Quốc. Báo trong nước đưa tin.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo nâng mức thuế mới lên đến 456,23% đối với 2 mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam - Courtesy : Ảnh chụp màn hình tuoitre.vn
Theo đó, vào ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẫn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tháng 9, DOC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc thép Việt Nam nghi gian lận vào Hoa Kỳ.
Do việc đã được Hoa Kỳ bắt đầu điều tra từ ngày 2/8/2018, nên việc tăng thuế sẽ được áp dụng với tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 2/8/2018.
Với kết luận cáo buộc này, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với hai sản phẩm nói trên của Việt Nam, nhưng Bộ Thương mại Mỹ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam không mất tiền đặt cọc nếu chứng minh tôn mạ và thép cán nguội không sử dụng từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã điều tra thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ, thép cán nguội của Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế với Hàn Quốc và Đài Loan.
Cũng liên quan đến thị trường thép, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thép các loại, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7,2% về lượng và 0,8% về trị giá.
Thống kê cho thấy, sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất, chiếm hơn 42% trong tổng lượng và chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Hàn Quốc là nước đứng thứ 2, chiếm hơn 11% trong tổng lượng và chiếm 14% trong tổng kim ngạch. Nhật Bản đứng thứ 3 chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
******************
Nếu không muốn bị trừng phạt thương mại, Việt Nam phải thận trọng với nhãn "Made in Vietnam" (RFA, 11/07/2019)
Nguy cơ "lây lan" cao
Theo thống kê của Tổng cục xuất nhập khẩu, trong những tháng đầu năm 2019 sản lượng xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt hơn 4 tỉ USD và riêng thị trường Hoa Kỳ là gần 2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 8 tỷ USD và đạt 3,42 tỉ USD đối với thị trường Hoa Kỳ. Đối với mặt hàng nhôm thép tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 4,5 tỷ USD/năm và đạt hơn 1,5 tỷ USD/năm thị trường Hoa Kỳ.
Một sản phẩm "Made in Vietnam" được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh minh họa) AFP
Với lợi thế xuất khẩu như trên, Bộ Công thương trong cuộc họp ngày 9/7 xác định các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nóng của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, thủy sản, nhôm sẽ được đưa vào diện giám sát đặt biệt để tránh nguy cơ bị các nước nhập khẩu đưa vào diện áp thuế cao, trừng phạt thương mại. Đặc biệt như việc Mỹ vừa áp thuế 450% trên sản phẩm thép của Việt Nam với lý do các loại thép này đã sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc nhằm lẩn tránh thuế.
Bà Lê Hoàng Anh vụ trưởng vụ thị trường Châu Á–Châu Phi tại cuộc họp "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" diễn ra hôm 9/7 thừa nhận rằng, trong thời gian gần dây một số mặt hàng như máy móc, điện tử, phụ liệu dệt may và đặc biệt là gỗ từ Trung Quốc nhập về Việt Nam tăng đột biến.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh trả lời với báo Thanh Niên hôm 10/7 khẳng định, không loại trừ khả năng các sản phẩm gỗ cũng như các hàng hóa khác của Việt Nam sẽ bị Mỹ áp thuế tương tự và nếu xảy ra thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể chịu nổi và thiệt hại nặng nề cả ngành sản xuất là điều không tránh khỏi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban nghiên cứu kinh tế của thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt nhận xét rằng, các nhóm hàng dệt may, đồ gỗ… cũng được xem là quan trọng đối với Việt Nam nhưng đã có một số trường hợp bị phát hiện nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến sơ xài rồi xuất khẩu ra thị trường Mỹ như sản phẩm thép của Hàn Quốc và Đài Loan hồi năm ngoái. Do đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ muốn kiểm tra phát hiện gian lận hay không là điều không khó. Bà giải thích :
"Đã có những quy định chung giữa các nước rồi, như Hoa Kỳ đã quy định rất rõ và người ta đã dùng hệ số HS tức là Harmonized System để đánh giá mức độ sản phẩm được chế biến đến mức độ nào nên người ta rất dễ dàng phát hiện ra. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hay những người thông đồng với họ, tưởng chỉ cần chở sang Việt Nam làm sơ một chút là có thể chế biến xuất khẩu ra bên ngoài coi như hàng "Made in Vietnam" thì đó là nhận thức cực kỳ sai mà họ đã cố tình làm sai, thành ra khi mà thuế tăng lên thì họ phải chịu thôi".
Chuyên gia kinh tế tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, điều ông lo ngại nhất là đối với nhóm hàng dệt may.
"Những mặt hàng dệt may là những hàng có nhiều khả năng rủi ro hơn vì phía Hòa Kỳ dễ dàng kiểm tra được từng sợi của từng mặt hàng một và nếu sợi đó được sản xuất tại Trung Quốc là bị phát hiện ra ngay và có thể bị phạt. Tôi rất làm lo ngại về điều này".
Ngoài ra, tiến sĩ Lê Đăng Doanh còn cho hay, nhóm hàng hóa dệt may được xem là mặt hàng có thể đem lại nhiều công ăn việc làm cho nguồn lao động Việt Nam và nếu việc áp thuế xảy ra thì nó ảnh hưởng không nhỏ cũng như dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thay đổi nội lực, tăng cường giám sát
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp doanh nghiệp trong nước có lợi thế về ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường sớm. Nhưng những lợi thế đó cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ hàng hóa bên ngoài được chuyển vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ hàng Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất đi các thị trường thành viên FTA là không thể tránh khỏi, ông Trần Tuấn Anh-Bộ trưởng Bộ Công thương giải bày trong cuộc họp triển khai tăng cường quản lý Nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Giải pháp khắc phục những kẻ hở trong cơ chế giám sát xuất khẩu là điều cần làm ngay nếu Việt Nam không muốn sự kiện ngành thép được lặp lại đối với các nhóm hàng chủ lực khác.
Ảnh minh họa. AFP
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, biện pháp tốt nhất là các doanh nghiệp tự kiểm soát lẫn nhau trên cơ sở có quy định rõ ràng của Chính phủ. Ông giải thích :
"Các cơ quan Việt Nam cần tiến hành giám sát chặt chẽ và đến nay Bộ Công thương vẫn chưa thể định nghĩa thế nào là "Made in Vietnam" sản xuất tại Việt Nam trong khi các nước họ phân biệt rất là rõ ràng thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, thế nào là hàng hóa đóng gói hay thiết kế tại Việt Nam… Đấy là điều thiết sót sau 30 năm hội nhập rồi chúng ta vẫn chưa thể định nghĩa chưa có quy định. Theo tôi tốt nhất các hiệp hội nên tổ chức việc giám sát đó, doanh nghiệp tự giám sát lẫn nhau trên cơ sở phải có quy định rõ ràng hàng nào sản xuất tại Việt Nam và hàng nào đóng gói tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng để không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhà nước cần xử lý thẳng tay đối với các doanh nghiệp cố tình gian lận.
"Bởi vì họ làm như vậy nó ảnh hưởng tới ngành hàng cũng như doanh nghiệp của các ngành hàng khác, tạo ra tiếng xấu, sự nghi ngờ đối với Việt Nam. Tất nhiên Mỹ không đánh thuế vào tất cả các mặt hàng thép mà chỉ đánh thuế vào những doanh nghiệp mà họ cho là gian lận thôi nhưng như vậy nó cũng ảnh hưởng chung trong việc các mặt hàng khác sẽ bị kiểm tra chặt chẽ hơn, khó khăn hơn khi xuất khẩu. Nhà nước Việt Nam phải trừng trị mạnh tay thôi, tôi cho điều này rất là cần thiết và nếu cần thì ngưng hẳn lại không cho phép họ xuất khẩu tiếp".
Tuy nhiên, đối với chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ tài chính thì không cần biện pháp nào cả. Ông lý giải :
"Các cơ quan chức năng và đặc biệt là Bộ Thương mại là cơ quan chủ trì trong vấn đề này. Hải quan cửa khẩu thì hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa rõ ràng, một khi hàng nhập về Việt Nam quá nhiều mà không tiêu thụ được thì có nên dùng cái danh của Việt Nam. Lợi dụng hiệp định thương mại tự do mà nhiều cái có lợi cho Việt Nam xuất đi nước ngoài thì đó là việc cần phải báo, đồng thời xuất đi Châu Âu hoặc những nước mình đã ký kết đều phải bị kiểm tra một cách rõ ràng thì nó mới tránh được, ngoài ra không cần biện pháp nào cả".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thừa nhận thành tích xuất khẩu của Việt Nam tuy lớn nhưng có đến 70% là do các nhà đầu tư nước ngoài làm, có nghĩa nội lực nền kinh tế không phát triển trong suốt thời gian qua :
"Việt Nam cứ dựa vào nhập khẩu quá nhiều từ bên ngoài thì nó tạo thêm rủi ro về việc hàng làm tại Việt Nam không đủ đạt chuẩn là thay đổi mã HS tạo nên giá trị gia tăng để có thể coi là hàng "Made in Vietnam". Do đó Việt Nam nên nhìn cái cơ hội này không chỉ là xuất khẩu mà là phát triển các ngành hàng xuất khẩu, phát triển ngành sản xuất trong nước để có khả năng xuất khẩu tốt hơn, chứ không thể dựa trên xuất khẩu bằng gia công như từ trước tới nay".
Ngoài ra, bà Lan chia sẻ thêm Nhà Nước Việt Nam cần phải có chính sách rõ ràng để các doanh nghiệp có thể mở rộng thêm hoạt động sản xuất trong nước thay vì chỉ thực hiện gia công những khâu đơn giản cho đối tác nước ngoài. Nhà nước cần tạo cơ chế giúp doanh nghiệp phát triển các ngành hàng căng cơ trong nước thì mới có thể giúp nền kinh tế phát triển.