Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/09/2018

Miến Điện và Aung San Suu Kyi không còn được nhìn với con mắt cảm tình

RFI tiếng Việt

Miến Điện : Tòa án Hình sự quốc tế đồng ý thụ lý hồ sơ Rohingya (RFI, 07/09/2018)

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Miến Điện và Liên Hiệp Quốc, Tòa án Hình sự quốc tế (CPI hay ICC theo tiếng Anh) hôm qua 06/09/2018 cho biết sẵn sàng điều tra về vụ người thiểu số Rohingya bị xua đuổi, bức hại, có thể coi là tội ác chống nhân loại.

myanmar1

Người tị nạn Rohingya ngã quỵ trên bãi biển Shah Porir Dwip, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh 1/10/2017. Reuters/Damir Sagolj/File Photo

Thông báo trên đây của tòa án có trụ sở tại La Haye được đưa ra sau khi các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Tám đã đề nghị khởi tố tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện và năm sĩ quan cao cấp khác về tội "diệt chủng", "tội ác chống nhân loại", "tội ác chiến tranh". Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cho rằng quyết định của CPI mang lại "một tia hy vọng mong manh" cho người tị nạn Rohingya.

Năm 2017, trên 700.000 người Rohingya theo đạo Hồi bị quân đội Miến Điện và dân quân Phật giáo truy bức đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện, sống chen chúc trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Theo Y Sĩ Không Biên Giới (MSF), chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9/2017, có ít nhất 6.700 người Rohingya đã bị sát hại trong đợt trấn áp mà Liên Hiệp Quốc gọi là "thanh lọc chủng tộc".

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm thứ Ba 4/9 cho biết muốn đề nghị triệu tập một "cuộc họp cấp cao" tại Liên Hiệp Quốc về các vụ thảm sát người Rohingya, cho rằng các thủ phạm phải trả lời trước tòa án quốc tế. Trước đó một hôm, thứ Hai 3/9, hai nhà báo người Miến Điện của hãng tin Reuters điều tra về vụ quân đội sát hại người Rohingya, hôm đã bị kết án bảy năm tù - một vụ án làm xấu thêm hình ảnh của giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi.

Chính phủ Miến Điện từ chối trả lời AFP về thông báo của CPI.

Thụy My

*******************

Miến Điện vỡ mộng sau hai năm Aung San Suu Kyi cầm quyền (RFI, 06/09/2018)

Nhà báo kị kết án tù vì điều tra sự thật ; hơn 700.000 người Rohingya phải sống tị nạn nơi đất khách quê người để tránh các đợt trấn áp đẫm máu của quân đội… Trước những tấn thảm kịch, lãnh đạo Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi vẫn giữ thái độ im lặng lạnh lùng. Với giới quan sát, cuộc cách mạng "Mùa xuân Miến Điện" đấu tranh vì dân chủ đã lụi tàn.

aung1

Cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi (G) tại sân bay Sittwe ngày 02/11/2017 khi đến thăm thị trấn Maungdaw, bang Rakhine. KHINE HTOO MRATT / AFP

Thắng lợi bầu cử ngày 08/11/2015 đã cho phép bà Aung San Suu Kyi cùng với đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ LNP vào tháng Ba năm 2016, chính thức bước vào nghị trường, cùng lãnh đạo đất nước với giới quân nhân. Thế giới ca tụng "một thời kỳ dân chủ mới" cho đất nước Miến Điện sau nhiều thập niên dưới chế độ quân sự độc tài hà khắc.

Thế nhưng, hai năm sau, giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã khiến giới đấu tranh dân chủ và cộng đồng quốc tế thất vọng. Họ cho rằng bà đã phản bội niềm tin của những ai đã từng ủng hộ bà. Lãnh đạo Miến Điện phủ nhận bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tố cáo quân đội Miến Điện phạm tội ác "diệt chủng" nhắm vào sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo, bất chấp các bằng chứng về các hành động hãm hiếp và giết người do giới báo chí và các tổ chức phi chính phủ thu thập.

Bà "im hơi lặng tiếng" trước bản án 7 năm tù dành cho hai nhà báo Miến Điện làm việc cho hãng tin Reuters. Tội của hai người này là đã dám điều tra các hành vi thảm sát người Rohingya của quân đội ở miền Tây Miến Điện.

Điều trớ trêu bà đã từng là một nhà bất đồng chính kiến, từng trải qua nhiều năm bị quản thúc tại gia dưới thời chế độ độc tài quân sự. Bà cũng từng kêu gọi đấu tranh cho tự do ngôn luận và dân chủ. Hình ảnh của bà được thế giới ngưỡng mộ, ví bà như là một Đạt Lai Lạt Ma, một Nelson Mandela hay như là một Martin Luther King của Miến Điện.

Ngày nay, bà bị lên án là "phát ngôn viên cho quân đội Miến Điện". Bà bị chỉ trích bóp nghẹt tự do ngôn luận khi lên án hai nhà báo trên là những "kẻ phản bội", tố cáo truyền thông phương Tây "bóp méo thông tin", những cơ quan đã từng bảo vệ bà trước các hành động trấn áp, sách nhiễu bà của chính quyền quân sự.

Theo giới quan sát, bản án 7 năm tù cho hai nhà báo trên là một đòn cảnh cáo mà quân đội và đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ LND, dành cho cả giới báo chí. Đó sẽ là một bất hạnh cho những ai muốn điều tra về các hành động của quân đội tại bang Rakhine. Mọi chỉ trích nhắm vào quân đội hay một bài phát biểu chính thức nào đều bị xem như là một cuộc tấn công chống lại lợi ích quốc gia.

Trước thái độ này của bà Aung San Suu Kyi, một cựu tù nhân chính trị, ông Khin Zaw Win, đã có những nhận xét nặng nề về lãnh đạo Miến Điện khi trả lời phỏng vấn báo Le Figaro : "Thế giới giờ mới khám phá bộ mặt thật của Aung San Suu Kyi : một nhà lãnh đạo chuyên chế, tự phụ và thích cho mình là trung tâm". Báo chí phương Tây cũng không kiệm lời khi cho rằng "thái độ im lặng tội lỗi của bà" (Le Figaro) đã làm "sụp đổ huyền thoại Aung San Suu Kyi" (La Croix).

Nhìn lại hai năm cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi và một năm tấn thảm kịch Rohingya xảy ra, ông Guillaume Pajot, phóng viên độc lập, chuyên nghiên cứu về Miến Điện, khi trả lời ban tiếng Pháp đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, cho rằng chính sự ham muốn quyền lực đã làm mờ mắt bà Aung San Suu Kyi, bất chấp quyền hạn rất hạn chế trong nhiều hồ sơ lớn, nhất là trong vấn đề người Rohingya.

"Tôi nghĩ là giờ đây, chúng ta có thể đánh giá được cái giá mà bà Aung San Suu Kyi phải trả để lên nắm quyền một cách đơn giản nhất. Ngay từ năm 2010, bà đã nhiều lần nhắc lại rằng tôi không phải là một nhà tranh đấu cho nhân quyền. Tôi là một chính trị gia, hoạt động vì mục đích chính trị.

Năm nay, Aung San Suu Kyi 73 tuổi và điều mà bà đạt được vào lúc cuối đời là lên nắm quyền. Để làm được việc này, thì cần phải có những nhượng bộ, từ bỏ. Và sự im lặng của bà là một nhượng bộ, để có thể tham gia hệ thống chính trị Miến Điện, một hệ thống do quân đội hoàn toàn kiểm soát. Hay nói đúng hơn là để có được một phần quyền lực, Aung San Suu Kyi đã phải có những nhượng bộ to lớn và từ bỏ rất nhiều lý tưởng của mình trong quá khứ".

RFI : Như vậy theo ông, quyền lực của bà Aung San Suu Kyi là cực kỳ hạn chế ở Miến Điện ?

Guillaume Pajot : Hiện nay, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi có quyền lực rất hạn chế. Tại Quốc Hội, 25% số ghế được dành cho quân đội, không cần thông qua bầu cử và nhóm dân biểu này có quyền phủ quyết. Ba bộ rất quan trọng là Nội Vụ, Biên Giới và Tư Pháp nằm trong tay quân đội.

Ngoài ra, khả năng hành động của Aung San Suu Kyi cũng rất hạn chế. Tại bang Rakhine, đã xẩy ra các vụ trấn áp, sách nhiễu nhắm vào người Hồi Giáo Rohingya, tình trạng này cũng diễn ra ở các vùng khác tại Miến Điện. Quân đội muốn làm gì thì làm và không có trách nhiệm phải báo cáo với bà Aung San Suu Kyi.

RFI : Dù là quyền lực hạn chế, nhưng phải chăng với bà điều đó mang một hình ảnh rất quan trọng ?

Guillaume Pajot : Bà Aung San Suu Kyi chỉ có quyền lực mang tính biểu tượng. Tuy vậy, bà vẫn có thể lên tiếng, nhưng bà đã không làm. Bà có thể bày tỏ sự cảm thông với hoàn cảnh của người Hồi Giáo Rohingya hiện đang phải tị nạn ở bên kia biên giới, tại Bangladesh. Thế nhưng, bà cũng không làm và giữ im lặng. Aung San Suu Kyi tuy chỉ có quyền lực biểu tượng, nhưng bà cũng có những ánh hào quang, uy tín, bà có thể nói vài câu để giải tỏa tình trạng bế tắc hiện nay.

Aung San Suu Kyi dường như cũng hòa nhịp cùng công luận. Có tới 90% dân Miến Điện cho rằng người Rohingya là dân nhập cư bất hợp pháp, từ Bangladesh chạy sang. Do vậy, họ phải quay lại Bangladesh. Aung San Suu Kyi dường như cũng có cùng quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan này.

RFI : Người ta cũng thấy bà Aung San Suu Kyi không phát biểu gì về các hoạt động của phe Phật Giáo cực đoan, hiện đang lan rộng tại Miến Điện. Liệu đó cũng là do áp lực của quân đội ?

Guillaume Pajot : Miến Điện là quốc gia có đa số là phật tử - 90% theo đạo Phật. Sắc tộc chiếm đa số là Bamar - Aung San Suu Kyi thuộc sắc tộc này - gần như thống trị chính trường Miến Điện từ khá lâu. Aung San Suu Kyi không có lợi ích gì khi quay lại thọc gậy bánh xe vào cỗ máy đã đưa bà lên nắm quyền. Nếu muốn làm một việc gì đó, bà phải chấp nhận các điều kiện do quân đội áp đặt và tuân thủ "luật chơi". Trò chơi này có thể đi rất xa. Ngày nay người ta mới phát hiện ra trò chơi này và Aung San Suu Kyi phải trả giá đắt.

RFI : Bà Aung San Suu Kyi đã từng đề nghị cố tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan chủ trì một ủy ban nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề người Rohingya, một năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng. Tại sao những báo cáo đó chưa bao giờ được đưa ra thực hiện cụ thể ?

Guillaume Pajot : Không, không hẳn là như vậy. Aung San Suu Kyi đã đề nghị Kofi Annan lãnh đạo một tiểu ban quốc tế mà bà cho thành lập cách nay hai năm, để tìm ra các giải pháp cho tình hình tại bang Rakhine như vãn hồi hòa bình, các cộng đồng chung sống hòa thuận và phát triển kinh tế.

Rakhine đứng hàng thứ hai trong số các bang nghèo khó nhất Miến Điện. Bang này sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, rất ít phát triển, khó tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục. Do vậy, ông Kofi Annan có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất.

Ngày 24/08/2017, Kofi Annan đã đưa ra các đề xuất. Ngày hôm sau, mọi người đều biết chuyện gì đã xẩy ra : Các nhóm có vũ trang tự nhận là bảo vệ quyền của người Rohingya đã tấn công các trạm kiểm soát biên giới và quân đội đã tiến hành trấn áp đẫm máu. Từ đó, báo cáo của tiểu ban Kofi Annan bị chôn vùi.

Sau đó, Miến Điện lại cho thành lập một tiểu ban thứ hai. Tiểu ban này đã đưa ra báo cáo hồi mùa xuân 2018 và cho đến lúc này, báo cáo đó không hề tạo ra được một sự thay đổi nào.

Đầu tháng 07/2018, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, Aung San Suu Kyi nói là sẽ lập một tiểu ban quốc tế, rằng Miến Điện sẽ xem xét tình hình và tìm ra giải pháp. Dường như đây chỉ là một giải pháp để kéo dài thời gian.

RFI : Thế nhưng, vãn hồi hòa bình từng là một trong số các cam kết của bà Aung San Suu Kyi trước khi bước lên cầm quyền. Vậy phải chăng Miến Điện ngày nay không mấy yên ổn hơn lúc trước, bởi vì có nhiều sắc tộc cũng đang bị quân đội trấn áp ?

Guillaume Pajot : Đúng như vậy. Miến Điện là một quốc gia bị chia rẽ kể từ khi giành được độc lập, chính quyền trung ương luôn luôn đấu tranh với các sắc tộc thiểu số. Aung San Suu Kyi đã coi việc vãn hồi hòa bình giữa các dân tộc là lá chủ bài hàng đầu, một giấc mơ lâu đời kể từ khi đất nước được độc lập. Mục tiêu này trở nên rất xa vời. Chưa bao giờ, tình hình tại bang Rakhine lại tồi tệ đến như vậy.

Năm 2017, khoảng 700 nghìn đã phải chạy đi lánh nạn. Ở phía bắc, sắc tộc Kachin, theo đạo Cơ Đốc, vẫn đang chống lại chính quyền trung ương. Rồi các sắc tộc Shan, Karen… Có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ giữa chính quyền trung ương và các sắc tộc, các cộng đồng tôn giáo khác.

Hiện nay, triển vọng hòa bình rất xa vời và đây là một thách thức to lớn. Người ta tự hỏi tại sao Aung San Suu Kyi lại đề ra mục tiêu này vào thời điểm đắc cử và lên nắm quyền. Bởi vì ngay từ đầu, người ta thấy rõ là mục tiêu này rất khó được thực hiện, một lĩnh vực khó thu được các kết quả.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)