Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

13/09/2018

Vụ người Rohingya : Liên Hiệp Quốc khó xử với Miến Điện

Tổng hợp

Liên Hiệp Quốc tới Miến Điện thẩm định khả năng hồi hương người Rohingya (RFI, 13/09/2018)

Ngày 12/09/2018, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại phía bắc bang Rakhine, Miến Điện trong khuôn khổ một thỏa thuận đạt được hồi tháng 06/2018 giữa Liên Hiệp Quốc và chính quyền Naypyidaw.

rohingya1

Trẻ em Rohingya tại trại Kutupalong- Bangladesh. Ảnh ngày 22/08/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Đây là lần đầu tiên các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc được phép tiếp cận bang này kể từ khi bắt đầu các chiến dịch trấn áp của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.

Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt giải thích :

"Chuyến công tác đầu tiên của Liên Hiệp Quốc tại phía bắc bang Arakan, Miến Điện, sẽ kéo dài trong hai tuần và hiện tại chỉ liên quan đến khoảng ba mươi ngôi làng. Trong hai tuần này, các nhóm chuyên gia sẽ tiến hành ʺcông việc thẩm địnhʺ tại khu vực có cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo chung sống.

Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là chuẩn bị cho khả năng hơn 700 000 người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh hồi hương. Nếu như Miến Điện tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận họ, Liên Hiệp Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại về điều kiện hồi hương và các cơ quan quốc tế hay các nhà báo vẫn khó tiếp cận vùng này.

Chuyến đi công tác tới bang Rakhine, mà Liên Hiệp Quốc yêu cầu từ nhiều tuần qua, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bởi vì bản báo cáo hoàn chỉnh của Liên Hiệp Quốc, với nội dung cáo buộc quân đội Miến Điện phạm tội ác ʺdiệt chủngʺ nhắm vào người Rohingya, sẽ được trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong vài ngày tới.

Bà Aung San Suu Kyi có lẽ sẽ không tham dự Đại Hội Đồng. Lãnh đạo Miến Điện, đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì sự im lặng của bà trong cuộc khủng hoảng này, đã từng phải hủy chuyến đi New York hồi năm 2017, ngay sau khi bạo lực bùng phát".

Minh Anh

*****************

Miến Điện : Aung San Suu Kyi biện minh cho việc bỏ tù nhà báo Reuters (RFI, 13/09/2018)

Hôm 13/09/2018, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đã biện minh cho việc kết án tù hai nhà báo của hãng tin Anh Reuters sau khi họ điều tra về vụ quân đội Miến Điện thảm sát người thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Tuy nhiên, bà nhìn nhận là cuộc khủng hoảng, mà Liên Hiệp Quốc xem là một cuộc diệt chủng, lẽ ra có thể được xử lý tốt hơn.

rohingya2

Ngoại trưởng Miến Điện, Aung San Suu Kyi dự Diễn đàn Kinh tế ASEAN tại Hà Nội. Ảnh ngày 13/09/2018. Reuters/Kham/Pool

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế ASEAN ở Hà Nội, bà Aung San Suu Kyi khẳng định hai nhà báo nói trên đã bị cầm tù "không phải bởi vì họ là nhà báo", mà là vì "tòa án đã phán quyết là họ đã vi phạm pháp luật". Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Miến Điện bình luận về phiên xử ngày 04/09/2018, tuyên án 7 năm tù hai nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo, làm việc cho hãng tin Reuters

Mặc dù ngành tư pháp của Miến Điện không được xem là độc lập, bà Aung San Suu Kyi nói thêm : "Nếu chúng ta tin vào Nhà nước pháp quyền, họ hoàn toàn có quyền kháng án".

Tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích : "Một lần nữa, Aung San Suu Kyi lại sai lầm hoàn toàn. Bà không hiểu rằng Nhà nước pháp quyền có nghĩa là phải tôn trọng những bằng chứng được đưa ra trước tòa". Trong khi đó, một đại diện của Ủy ban Luật gia Quốc tế thì xem phiên xử vừa qua là "một thất bại hiển nhiên của Nhà nước pháp quyền".

Ngoài việc biện hộ cho bản án đối với hai nhà báo Reuters, lãnh đạo Miến Điện còn bác bỏ mọi cáo buộc rằng quân đội Miến Điện đang phạm tội ác diệt chủng đối với người Rohingya. Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi nhìn nhận là quân đội lẽ ra có thể "xử lý tốt hơn" cuộc khủng hoảng, đã khiến 700 000 người phải chạy sang Bangladesh lánh nạn kể từ mùa hè năm ngoái.

Thanh Phương

********************

Bà Suu Kyi bênh vực việc Myanmar bỏ tù hai nhà báo (BBC, 13/09/2018)

Lãnh đạo Myanmar bà Aung San Suu Kyi bênh vực việc Myanmar cầm tù hai nhà báo Reuters, bất chấp sự lên án của quốc tế.

rohingya3

Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 13/09/2018

Bà Suu Kyi nói hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã vi phạm luật pháp và việc giam cầm họ "không có gì liên quan đến tự do ngôn luận".

Cả hai nhà báo bị kết án vì sở hữu tài liệu của cảnh sát trong khi điều tra việc giết hại những người Hồi giáo Rohingya.

Bà Suu Kyi cũng nói việc quân đội Myanmar ruồng bắt người Rohingya có thể đã được xử lý một cách khác hơn.

Người đoạt giải Nobel Hòa bình - không phải là tổng thống được bầu của Myanmar nhưng được xem hầu như là người thực sự lãnh đạo nước này - đã bị áp lực mạnh mẽ để bình luận về cả cuộc khủng hoảng Rohingya và gần đây hơn là việc Myanmar giam cầm các nhà báo.

Tuần này, một cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Myanmar "đang có chiến dịch chống lại các nhà báo".

Bà Suu Kyi đã phá vỡ sự im lặng về vấn đề này hôm thứ Năm trong khi tham dự một hội nghị kinh tế quốc tế tại Việt Nam.

Trong một bài phát biểu, bà nói đây là trường hợp duy trì luật lệ và cho rằng nhiều nhà phê bình đã không thực sự đọc bản án.

Hai nhà báo này có "mọi quyền kháng cáo phán quyết của toà và chỉ ra tại sao bản án sai", bà nói.

"Bà ấy không hiểu rằng 'luật pháp' thực sự có nghĩa là tôn trọng bằng chứng được trình bày tại tòa án, hành động được đưa ra dựa trên luật được xác định rõ ràng và cân đối, và sự độc lập của tư pháp với ảnh hưởng của chính phủ hoặc lực lượng an ninh", Phó Giám đốc Châu Á Phil Robertson nói.

"Trong tất cả những điều kiện này, vụ xử các nhà báo Reuters đều không đáp ứng được".

'Bị cảnh sát cài'

Hai nhà báo của Reuters bị kết án bảy năm tù vào ngày 3 tháng 9 vì vi phạm luật bí mật của Myanmar trong khi điều tra vụ thảm sát người Rohingya bởi quân đội tại một ngôi làng có tên Inn Din.

rohingya4

Hai nhà báo người Myanmar, Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị bắt năm 2017 khi mang theo tài liệu liên quan đến vụ hành hình người Rohingya được cảnh sát cung cấp

Trong các phiên tòa trước, cả hai nhà báo đều cho rằng họ tuân thủ đạo đức truyền thông, và rằng họ bị 'cảnh sát cài'.

Hai nhà báo Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, đã thu thập bằng chứng về việc hành hình 10 người đàn ông trong làng Inn Din ở miền bắc Rakhine, Myanmar vào ngày 2/9/2017.

Theo Reuters, một nhóm nam giới người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo lực, đến một bãi biển - nơi họ bị tách biệt riêng ra và giết chết.

Ít nhất hai người đàn ông đã bị dân làng - là các Phật tử- đánh chết, số còn lại bị quân đội bắn chết. Vào ngày 12/12, hai nhà báo được mời đến ăn tối với hai nhân viên cảnh sát - những người trao cho họ các tài liệu về vụ thảm sát.

Họ bị bắt khi vừa rời nhà hàng.

Họ bị buộc tội "sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến chính quyền và lực lượng an ninh của Rakhine". Cảnh sát cho biết thông tin đã được "mua bất hợp pháp với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài".

Luật sư của hai nhà báo cho hay việc này đã được cảnh sát Myanmar dàn xếp vì muốn trừng phạt họ do đã đưa tin về vụ thảm sát.

"Chúng tôi không làm gì sai và những cáo buộc là vô căn cứ", Wa Lone nói tại tòa tuần trước.

Một cảnh sát đứng ra làm chứng, nói ông được ra lệnh cài các tài liệu vào các nhà báo.

rohingya5

Việc giam cầm hai nhà báo Wa Lone (trái) và Kyaw Soe Oo (phải) của Myanmar bị lên án rộng rãi

Người Rohingya đã đối mặt với việc bị phân biệt đối xử ở Myanmar trong nhiều thập niên, bị xem là những người di cư bất hợp pháp và có vấn đề từ Bangladesh.

Cuộc khủng hoảng mới nhất nổ ra khi một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo đã được đưa ra để trừng phạt một nhóm chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát.

Kể từ năm ngoái, ít nhất 700.000 người Rohingya đã trốn khỏi bạo lực Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.

Vào tháng Tám, một bản tường trình của Liên Hiệp Quốc cho biết lãnh đạo quân sự hàng đầu ở Myanmar phải được điều tra về tội diệt chủng ở bang Rakhine và tội ác chống lại loài người ở các khu vực khác.

Quay lại trang chủ
Read 629 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)