Việt Nam mở thêm cửa khẩu với Khu tự trị Choang của Trung Quốc (VOA, 12/09/2018)
Việt Nam và Trung Quốc vừa khai thông cửa khẩu biên giới Chi Ma - Ái Điểm tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, củng cố hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt.
Cửa khẩu Ái Điểm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 10/9/2018. Photo : Tiền Phong
Báo Dân Trí cho biết, với việc mở thêm cửa khẩu này, tỉnh Lạng Sơn đã có 12 cửa khẩu song phương và quốc tế với phía Trung Quốc.
Cũng theo tờ báo này, cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm được mở với sự đồng ý của chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc và các bộ, ngành trung ương hai nước.
Truyền thông trong nước trích lời ông Tôn Đại Vỹ, Phó Bí thư Khu ủy Quảng Tây nói : "Việt Nam và Quảng Tây núi liền núi, sông liền sông, giao thương đi lại mật thiết. Cách đây hơn 100 năm, Chi Ma đã là cửa khẩu giao thương của Việt Nam và Trung Quốc, là cửa khẩu có vai trò quan trọng trong mậu dịch quốc tế".
Cửa Khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn. Photo Tiền Phong
Sau khi khai thông cửa khẩu hôm 10/9, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã đến thăm lãnh đạo Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 11/9, và đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sữa, các sản phẩm sữa, hoa quả, thủy sản, lợn, thịt lợn...
Ông Lộc Tâm Xã, Bí thư Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, được truyền thông Việt Nam trích lời nói rằng ông mong muốn 2 bên đẩy mạnh trao đổi về các dự án kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông.
Theo báo Thanh Niên, trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hàn Chính, ông Huệ đề nghị Trung Quốc tiếp tục có các chính sách và biện pháp hữu hiệu để cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam ; phối hợp thúc đẩy việc giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc ở một số công trình, dự án doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, xây dựng tại Việt Nam.
Vào ngày 12/10 sắp tới, doanh nghiệp và người dân tại 7 tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, trong đó có Lạng Sơn, sẽ được phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch xuất nhập khẩu xuyên biên giới.
Trong một diễn biến liên quan, vào chiều ngày 11/9, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã đến thăm Hà Nội phát biểu rằng Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Trung - Việt, theo Tân Hoa Xã.
Trong buổi tiếp ông Hoa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được TTXVN trích lời đáp lại rằng Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, nhấn mạnh đẩy nhanh việc triển khai hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, môi trường, khoa học - công nghệ, tài chính, tiền tệ.
********************
Trại cải tạo : Bắc Kinh chỉ "giáo dục" người Duy Ngô Nhĩ (RFI, 13/09/2018)
Một quan chức cao cấp Trung Quốc hôm nay 13/09/2018 khẳng định, chính quyền Bắc Kinh không bức hại người Hồi Giáo ở Tân Cương, mà chỉ "giáo dục" họ để tránh lan truyền các ý tưởng cực đoan, trong lúc các nước Châu Âu thất bại trong lãnh vực này.
Lực lượng an ninh Trung Quốc được tăng cường tại Tân Cương, tháng 2/2017. VCG/VCG via Getty Images
Đáp trả cáo buộc của Liên Hiệp Quốc theo đó có ít nhất một triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương bị giam giữ trong những nhà tù và trại cải tạo, ông Li Xiaojun, giám đốc thông tin của bộ phận phụ trách nhân quyền thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc khẳng định : "Đó không phải là đối xử tệ hại". Theo ông, "Trung Quốc chỉ thiết lập các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp, các trung tâm giáo dục".
Quan chức này nhấn mạnh : "Tuy qúy vị không coi đó là cách tốt nhất, nhưng đây có lẽ là câu trả lời cần thiết cho Hồi Giáo cực đoan, bởi vì phương Tây đã thất bại trong việc kiểm soát xu hướng này (…) Hãy nhìn sang nước Bỉ hay Paris, nhìn sang các nước Châu Âu khác mà xem. Qúy vị đã thất bại".
Cao Ủy Nhân Quyền, bà Michelle Bachelet hôm thứ Hai 10/9 đã kêu gọi Bắc Kinh cho phép Liên Hiệp Quốc gởi các quan sát viên đến Trung Quốc để kiểm tra những thông tin về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ, gây giận dữ cho chính quyền Trung Quốc.
Thụy My
************************
Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt tôn giáo trên internet (RFI, 12/09/2018)
Gởi hình một lễ rửa tội Công giáo, tụng kinh Phật giáo hay một lễ nghi tôn giáo nào khác lên mạng xã hội sắp tới sẽ bị cấm tại Trung Quốc, theo một dự luật được cơ quan tôn giáo nhà nước công bố mới đây. Riêng về Tân Cương, Bắc Kinh hôm nay 12/09/2018 cũng yêu cầu Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền "tôn trọng chủ quyền Trung Quốc".
Một giáo dân Công giáo giơ cao kinh thánh trong một buổi lễ thánh tại Bắc Kinh ngày 24/01/2014. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Dự thảo luật được phổ biến hôm 10/09/2018 quy định : "Tất cả các tổ chức hay cá nhân không được phố biến trên internet các nghi lễ thờ phụng Phật giáo, đốt nhang, lễ xuất gia, đọc kinh Bát Nhã, thánh lễ misa, lễ rửa tội Công giáo và tất cả các lễ nghi tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video…)".
Được cho là thành lũy chống lại việc truyền bá tín ngưỡng, dự luật cấm "phân phát các sản phẩm tôn giáo", "xúc giục người vị thành niên tha gia các hoạt động tôn giáo", "xúc phạm các tín đồ cũng như người ngoại đạo". Các tổ chức nào vi phạm sẽ bị cấm hoạt động. Tuy nhiên dự luật không nói cụ thể biện pháp chế tài đối với cá nhân.
Dự luật gồm 35 điều khoản nhằm xúc tiến "sự ổn định xã hội" và đấu tranh chống "chủ nghĩa cực đoan", được công bố vào thời điểm đảng Cộng Sản Trung Quốc cầm quyền đang lo ngại Hồi giáo cực đoan gia tăng, đặc biệt là tại Tân Cương, nơi phân nửa dân số theo đạo Hồi.
Trước đó một đạo luật có hiệu lực từ ngày 01/02/2018 đã cấm nhận tiền hỗ trợ từ nước ngoài và hạn chế mở các trường do tôn giáo quản lý. Tại Tân Cương, từ năm 2017 Trung Quốc đã cấm khăn choàng Hồi giáo, hạn chế việc công chức và sinh viên tham gia mùa chay Ramadan. Tại Chiết Giang, chính quyền năm 2016 tung ra chiến dịch gỡ bỏ những thập tự giá trên nóc nhiều giáo đường.
Thụy My