Sự "trường thọ" đáng ngạc nhiên của Shinzo Abe
Tờ Le Figaro ngày 21/09/2018 quan tâm sự "trường thọ" đáng ngạc nhiên của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vừa tái đắc cử chức chủ tịch đảng Tự Do Dân Chủ hôm qua và như vậy sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2021.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tái đắc cử lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ sau cuộc bỏ phiếu ngày 20/09/2018. Reuters/Toru Hanai
Nếu không có gì trở ngại, đến tháng 10/2019, ông Abe sẽ phá kỷ lục về nắm giữ chức thủ tướng Nhật Bản. Đây là một kỳ công, bởi vì các vị tiền nhiệm của ông chỉ cầm quyền có một hoặc hai năm. Trở lại lãnh đạo chính phủ vào năm 2012, sau nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên 12 tháng vào năm 2006 với kết quả tồi tệ, ông Abe đã được cho là sẽ không tồn tại lâu.
Thế nhưng, để không bỏ lỡ cơ may thứ hai với lịch sử, ông Abe đã đề ra một kế hoạch chấn hưng kinh tế được mệnh danh Abenomics, bao gồm những cải cách theo đúng khuyến cáo của báo chí quốc tế (mở cửa cho nhập cư, cải tổ thị trường lao động, cải tổ quản trị doanh nghiệp). Sáu năm sau khi trở lại nắm quyền, hầu như chẳng có những cải cách nào mà ông hứa hẹn với các nhà đầu tư ngoại quốc được thực hiện tới nơi tới chốn. Nhưng cái chính là ông đã tránh cho giới doanh nghiệp quốc tế, cũng như cho người dân Nhật Bản những đảo lộn kinh tế và xã hội đang diễn ra tại các nước thành viên khác của nhóm G7.
Tuy tiền hưu ít đi, thuế tăng lên, lương chựng lại, trong bối cảnh dân số bị sụt giảm và lão hóa, người dân Nhật có thể cám ơn thủ tướng Abe là đã tránh cho họ những tai họa : tấn công khủng bố, bạo lực, nghèo đói, ma túy, thất nghiệp cao. Một dấu hiệu đáng chú ý đó là thủ tướng bảo thủ Shinzo Abe lại được lòng giới trẻ nhất.
Nhật báo Les Echos thì ghi nhận : Từ cuối năm 2012, tức là kể từ khi ông Abe trở lại nắm quyền, tình hình thế giới thuận lợi, chính sách tiền tệ rất linh động của ngân hàng trung ương Nhật khiến đồng yen mất giá và qua đó làm tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu. Mặc dù không có những cải tổ cơ cấu nghiêm túc, tăng trưởng kinh tế của Nhật đã tăng trung bình 1,3% trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Abe. Nhưng theo Les Echos, mô hình này đang đối diện với hai nguy cơ : nạn sụt giảm dân số và đe dọa chiến tranh thương mại của Trump.
Cuộc họp thượng đỉnh liên Triều trong 3 ngày qua
Cũng tại khu vực Đông Bắc Á, tờ Libération hôm nay "giải mã" điều mà tờ báo này gọi là sự "dàn cảnh" trong các cuộc họp thượng đỉnh liên Triều trong 3 ngày qua.
Sau 3 ngày thảo luận và ký kết các hiệp định, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua 20/9 đã chia tay nhau trên đỉnh núi Paektu, cái nôi của triều đại nhà Kim. Sau cuộc hội ngộ lịch sử ở Bàn Môn Điếm ngày 27/04, biểu hiện mới của hòa giải giữa hai miền đã giúp khởi động lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Ngay khi tới Bình Nhưỡng, ông Moon Jae-in đã được Kim Jong-un đón ngay tại chân cầu thang máy bay, cả hai ông đều có phu nhân đi theo, một cách để nhấn mạnh đến tính chất gia đình và thân thiết của thượng đỉnh này. Vài phút sau, tổng thống Hàn Quốc đã nghiêng mình 90 độ, trong một cái chào đầy lòng biết ơn đối với nhân dân Bắc Triều Tiên, theo như phân tích của nhật báo Kankyoreh.
Cũng theo Libération, trong số những nơi biểu tượng của chính quyền Bình Nhưỡng mà ông Moon Jae-in đến thăm, núi Paektu vẫn mang tính biểu tượng lớn nhất. Theo truyền thuyết về dòng họ Kim, ngọn núi lửa cao 2744 mét, nằm ở biên giới Trung – Triều là "ngọn núi thiêng của Cách mạng", vì đây là nơi mà Kim Jong Il, cha của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay được sinh ra, vào lúc mà trên trời hiện ra một cầu vòng đôi. Mời ông Moon Jae-in đến một nơi mang đầy biểu tượng là một món quà đặc biệt mà ông Kim Jong-un dành cho lãnh đạo Hàn Quốc, vì ông này từ lâu vẫn ao ước được đặt chân lên núi thiêng đó.
Bắt giữ cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak
Cũng về thời sự Châu Á, tờ Le Monde trở lại vụ bắt giữ cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 19/09 vừa qua, với các cáo buộc rửa tiền và lạm quyền liên quan đến vụ biển thủ 583 triệu euro tiền từ quỹ đầu tư 1MDB.
Theo Le Monde, chính thất bại của đảng UMNO trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 09/05, đã đẩy nhanh những rắc rối pháp lý của ông Najib Razak. Chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử đó, cảnh sát Malaysia đã khám xét nhà riêng của cựu thủ tướng, phát hiện một số lượng tài sản khổng lồ, chủ yếu giấu trong tủ của vợ ông, bà Roshah Mansor : 12 ngàn đồ trang sức, 567 túi xách tay, trị giá tổng cộng hơn 200 triệu euro. Năm ngày trước đó, ông Razak đã toan trốn ra nước ngoài, nhưng khi bị chặn lại ở sân bay Kuala Lumpur, ông nói là chỉ muốn "đi nghỉ cuối tuần" cho dịu cơn xúc động. Bị tước hộ chiếu, cựu thủ tướng Malaysia kể từ hôm đó bị cấm xuất cảnh.
Le Monde nhắc lại rằng, khi Najib Razak còn làm thủ tướng, ngành tư pháp, lúc đó làm theo lệnh của chính quyền, đã kết luận rằng các khoản tiền được phát hiện trong tài khoản ngân hàng của ông là tiền do một thành viên hoàng gia Ả Rập Xê Út tặng gia đình ông. Najib Razak bị bắt giữ không chỉ vì ông đã phạm những tội nói trên, mà còn là do ông đang nằm trong tầm ngắm của tân thủ tướng Mahathir Mohamad.
Năm nay 93 tuổi, từng giữ chức thủ tướng liên tục từ năm 1981 đến 2003, Mahathir Mohamad nay trở lại nắm quyền tối cao tại một đất nước mà trong một thời gian dài ông là biểu tượng của phát triển kinh tế. Theo Le Monde, cựu thủ tướng Malaysia không thể trông chờ một sự xót thương từ "chế độ mới". Phiên xử sẽ bắt đầu vào tháng 02/2019. Ông Najib Razak có thể lãnh án nhiều năm tù.
Các giám mục Pháp chống kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Về thời sự xã hội của Pháp, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất để nói về bản tuyên bố các các giám mục Pháp chống lại kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, nêu lên 5 trở ngại của việc mở rộng áp dụng phương pháp này cho các cặp đồng tính nữ và phụ nữ độc thân.
Trở ngại thứ nhất, theo các giám mục, đó là sự thiếu vắng vai trò của người cha trong gia đình, một điều sẽ gây phương hại cho đứa trẻ, đồng thời sẽ làm suy yếu vai trò của người cha trong xã hội nói chung. Trở ngại thứ hai là nguy cơ "thương mại hóa", tức là có nguy cơ buồng trứng bị buôn bán, giống như tinh trùng, trong khi nguyên tắc cơ bản của đạo đức sinh học là tất cả đều phải miễn phí.
Trở ngại thứ ba là trái với chức năng y khoa, vì bác sĩ sẽ được yêu cầu sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để đáp ứng nhu cầu của những người muốn có con, thay vì chữa trị những người thật sự mắc chứng vô sinh. Trở ngại thứ tư, các giám mục lo ngại là con người sẽ áp đặt ý muốn của mình lên thực tế sinh học. Điểm cuối cùng, các giám mục cho rằng hoàn toàn không thể dùng lý do "bình đẳng giới" để biện minh cho việc sửa đổi luật về hỗ trợ sinh sản.
Kỹ thuật trữ đông trứng
Cũng về đạo đức sinh học, tờ Le Figaro đề cập đến kỹ thuật trữ đông trứng, một chủ đề gây tranh luận tại Pháp, không thua gì kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Kỹ thuật y khoa này giúp phụ nữ khi còn trẻ, khỏe có thể cho hút lấy trứng, đem đông lạnh để bảo tồn khả năng sinh sản - kỹ thuật trữ đông trứng. Sau này khi cần sinh con, họ cho "rã đông" trứng rồi cho thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện giờ, tại Pháp, kỹ thuật này được cho phép trong một số trường hợp : phụ nữ có nguy cơ mất khả năng sinh sản do hóa trị hoặc những người hiến buồng trứng.
Theo Le Figaro, đối với một số người, đây là một cuộc cách mạng quan trọng không thua gì thuốc ngừa thai, một quyền tự do sinh sản mới, một tiến bộ chấm dứt những âu lo của phụ nữ về đồng hồ sinh học của họ. Nhưng những người khác lên án đây là một hình thức gây áp lực mới lên phụ nữ về sinh sản, ấy là chưa kể phương pháp chưa chắc là mang lại hiệu quả mong muốn.
Báo động về nạn săn bắt loài voi Châu Á
Về thiên nhiên, Le Monde báo động về nạn săn bắt loài voi Châu Á, bởi vì ngoài ngà voi, người Trung Quốc nay còn tiêu thụ rất nhiều da voi. Số lượng voi bị lột da bỏ xác lại trong các khu rừng rậm ở Miến Điện đang gia tăng. Da voi dùng để bào chế thuốc đông y hoặc chế biến thành đồ trang sức, nên rất được dân Trung Quốc ưa chuộng.
Ngày 11 và 12/10 tới tại Luân Đôn sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về buôn bán trái phép các loài hoang dã, tổ chức phi chính phủ của Anh Elephant Family báo động về nạn buôn lậu đang bùng nổ ở Đông Nam Á và đặc biệt là tại Miến Điện. Số lượng xác voi được tìm thấy tại quốc gia láng giềng của Trung Quốc cho thấy là loài voi, trong đó có khoảng 2000 con sống hoang dã, ngày càng là nạn nhân của nạn săn bắt lấy da cung cấp cho người Trung Quốc.
Theo Le Monde, da voi được dân Trung Quốc ưa chuộng vì hai lý do : thứ nhất, nó được cho là có tác dụng trị các bệnh về bao tử và da, nên được dùng trong việc bào chế thuốc đông y. Thứ hai, da voi được dùng để chế biến đồ trang sức như vòng đeo tay, mặt hàng thu hút ngày càng nhiều người vào lúc đang trở lại mốt sử dụng hàng thủ công truyền thống. Tại các chợ dọc theo biên giới Miến Điện – Trung Quốc, ta có thể tìm thấy da voi.
Nhật báo Myanmar Times gần đây đưa ra một con số thống kê đáng ngại : trong năm 2010, chỉ có 4 xác voi được phát hiện, con số này tăng lên thành 23 vào năm 2013 và đến năm 2016 cao gấp ba lần năm 2013. Điều đáng báo động nhất đó là nạn săn bắt voi để lấy da không chừa cả voi cái lẫn voi con. Trước đây, vì cần ngà voi, người ra chỉ giết voi đực vì voi đực có ngà lớn hơn.
Trang nhất báo Pháp
Hỗ trợ sinh sản (Procréation médicalement asssistée – PMA), đó là cụm từ nằm trên trang nhất hai nhật báo Le Figaro và và nhật báo công giáo La Croix số ra hôm nay, sau khi các giám mục Pháp vừa ra một tuyên bố long trọng chống lại điều mà họ gọi là việc "sản xuất" trẻ em, trong bối cảnh các dân biểu Quốc Hội Pháp đang tranh luận về việc sửa đổi luật về đạo đức sinh học (bioéthique).
Cũng về y khoa, tờ Libération dành trang bìa cho chứng bệnh Alzheimer với câu hỏi : "Alzheimer : Có nên gọi đó là bệnh ?". Theo Libération, bên cạnh những nỗi đau mà những bệnh nhân Alzheimer và thân nhân của họ gánh chịu, căn bệnh này gây chia rẽ giới y khoa : đối với một số người, đó chỉ là một cách chẩn đoán để xã hội không phải nhìn thẳng vào thực tế về sự lão hóa.
Trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos thì chú trọng đến "Sức mua : những lời hứa hẹn của năm 2019", với dự báo của Đài quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) là sức mua của dân Pháp sẽ tăng thêm 3,5 tỷ euro vào năm tới nhờ vào các biện pháp của chính phủ Macron. Riêng Le Monde thì đưa tựa trên trang nhất về tình hình Yemen, nơi mà nạn nghèo đói gây chết người nhiều hơn là chiến sự, với 8 triệu người dân đang bị nạn đói đe dọa.
Thanh Phương