Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/09/2018

Điểm báo Pháp - Thượng đỉnh Liên Triều III

RFI tiếng Việt

Thượng đỉnh Liên Triều III thành công nhờ cặp Moon-Kim rất ăn ý

Ngoại trừ tờ Libération, tất cả báo lớn Pháp ra ngày 20/09/2018 đều dành nhiều trang bài cho hội nghị thượng đỉnh Liên Triều Moon Jae-in và Kim Jong-un diễn ra tại Bình Nhưỡng. Le Monde Le Figaro đều đưa tin này trên trang nhất, dù không chọn làm tựa lớn, trong lúc La Croix Les Echos cũng dành bài phân tích rõ thêm về sự kiện.

lien1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (P) chạm cốc với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong bữa ăn trưa tại Nhà Khách Samjiyon, ở tỉnh Ryanggang, Bắc Triều Tiên, ngày 20/09/2018 Pyeongyang Press Corps/Pool via Reuters

Đáng chú ý nhất trong loạt bài về cuộc họp có lẽ là bài được Le Monde chọn đưa lên trang nhất mang tựa đề "Giữa Moon và Kim, một sự ăn ý cố tình được phô trương", ghi nhận điều chưa từng thấy là thái độ gần gũi, thân tình bất ngờ giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, được cho là đã giúp cho người dân phía nam có một cái nhìn khác về miền Bắc.

Đối với Le Monde, thời gian sẽ trả lời là liệu hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20 tháng Chín ở Bình Nhưỡng có đánh dấu một thay đổi thực sự trong lịch sử bán đảo Triều Tiên hay không, nhưng điều chắc chắn là ván cờ ngoại giao của hai lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã thành công trên mọi phương diện : từ ngôn từ, cử chỉ cho đến hình ảnh.

Seoul đã thuyết phục được Bình Nhưỡng tăng phần truyền hình trực tiếp

Le Monde ghi nhận là Seoul đã thành công trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng cho truyền thông nhà nước Hàn Quốc tự do hơn trong việc đi lại, thu hình, đưa tin, khiến cho hình ảnh về hội nghị được tự nhiên hơn. Một ví dụ là phía Hàn Quốc đã thuyết phục được Bắc Triều Tiên để có tối đa những buổi phát hình trực tiếp, điều chưa từng thấy.

Một quan chức Hàn Quốc đã nhấn mạnh đến yếu tố này khi nhắc lại rằng : "Cái bắt tay của hội nghị thượng đỉnh Liên Triều đầu tiên trong lịch sử, vào năm 2000, giữa Kim Dae-jung và Kim Jong-il không hề được phát sóng trực tiếp".

Phía Hàn Quốc xác định rằng mục tiêu của họ là làm sao để quảng bá cho các mục tiêu tái lập hòa bình, đồng thời thay đổi hình ảnh của Kim Jong-un, vốn bị các chính quyền bảo thủ tại Hàn Quốc phô bày như là một ác quỷ".

Theo ghi nhận của Le Monde, ngày 18 tháng 9 chẳng hạn, người dân Hàn Quốc đã được thấy ông Kim chào đón ông Moon ngay tại nhà khách chính phủ ở Bình Nhưỡng với một câu nói vừa lịch sự vừa hài hước : "Nơi đây có lẽ không sang trọng như tại các nước phát triển khác, nhưng tất cả đã được thực hiện một cách khiêm tốn để quý vị có được một thời gian thoải mái".

Sự thân tình năm 2018, ngược hẳn với sự lạnh lùng hai năm 2000 và 2007

Cách nhấn mạnh như trên, cùng nhiều yếu tố khác, như hình ảnh hai lãnh đạo rất thân tình với nhau, đã khiến người Hàn Quốc thấy rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên là một con người rất tế nhị và có giáo dục, hai đức tính mà người Triều Tiên rất coi trọng. Hơn nữa, cả hai bên đều cố gắng vận dụng đến những biểu tượng mà người Triều Tiên luôn giữ trong lòng.

Đối với Le Monde, thái độ ăn ý được thấy giữa hai ông Moon và Kim không nhất thiết là giả tạo. Cả hai người đều nổi tiếng là thẳng thắn và trực tiếp, và dễ hòa đồng. Dẫu sao thì phong thái của hai tác nhân hội nghị thượng đỉnh 2018 hoàn toàn khác thời hội nghị những năm 2000 và 2007 giữa các tổng thống Hàn Quốc với cha của Kim Jong-un, là Kim Jong-il (1941-2011), một người lạnh lùng hơn.

Bây giờ, giữa vị tổng thống 65 tuổi, thân thiện, thanh lịch, và vị lãnh đạo 34 tuổi lúc nào cũng tươi cười và nhiệt tình, sự ăn ý gần như hoàn toàn. Một người thân cận với phủ tổng thống Hàn Quốc còn khẳng định rằng thậm chí ông Moon còn đã chinh phục được Kim Jo-yong, em gái của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Theo Le Monde, chiến dịch truyền thông thành công đến mức mà nhiều người Hàn Quốc có xu hướng quên rằng Kim Jong-un đã tàn nhẫn loại bỏ người chú dượng của mình và một số chức sắc trong bộ máy Bắc Triều Tiên… Thậm chí, ngày nay, người Hàn Quốc còn tin tưởng Kim Jong-un hơn là tổng thống Mỹ, Donald Trump.

Moon Jae-in, một người sẵn sàng nhường cho đối tác tỏa sáng

Nhận thức đó của người dân Hàn Quốc phục vụ các mục tiêu của ông Moon, hiện đóng vai trò vừa thúc đẩy hòa bình trên bán đảo vừa hòa giải giữa Kim và ông Trump.

Một quan sát viên nhận xét : Một trong những phẩm chất của ông Moon Jae-in là biết lui về phía sau để cho người khác tỏa sáng. Điều đó sẽ góp phần vào sự thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn tại Singapore vào ngày 12 tháng 6, và có thể giúp tổ chức một cuộc họp Kim-Trump thứ hai, như ông Moon dự định sẽ đề nghị vào tuần tới, trong chuyến đi thăm New York.

Nhật báo công giáo La Croix cũng có nhận xét tương tự như Le Monde về sự ăn ý giữa hai lãnh đạo Nam-Bắc Triều Tiên trong bài mang tựa đề "Kim Jong-un và Moon Jae-in vẫn gần gũi với nhau hơn".

Riêng Le Figaro thì cho rằng "Kim và Moon áp đặt nhịp độ của họ lên Trump", thẩm định rằng với những cam kết có điều kiện của ông trong lãnh vực phi hạt nhân hóa, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đẩy trái bóng trở lại phần sân của Mỹ.

Les Echos nhấn mạnh tính chất mơ hồ trong các lời cam kết của Kim Jong-un qua bài : "Tổng thống Hàn Quốc thành công giờ chót trong việc phục hồi đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington".

Sắp có thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican

Theo La Croix, báo chí Trung Quốc, một phái đoàn cấp cao của Tòa Thánh đang được chờ đợi ở Bắc Kinh để ký một thỏa thuận về việc đề cử giám mục. Nếu Vatican vẫn từ chối cho biết chi tiết về vấn đề này, chỉ nói đơn giản là các cuộc thảo luận đang tiếp tục, thì nhiều nguồn tin ở Vatican xác nhận là thỏa thuận đã cận kề.

Giáo hoàng và Trung Quốc sẽ cùng tham gia vào việc này cử giám mục ở Trung Quốc, mặt khác thì Tòa Thánh sẽ công nhận 7 giám mục Trung Quốc mà chính quyền Bắc Kinh đề cử. Việc công nhận này diễn ra ngay sau khi thỏa thuận đề cử giám mục được ký kết.

Les Échos : Với Trump đồng đô la Mỹ sẽ mất vị trí thống trị ?

Nhật báo kinh tế Les Échos ghi nhận là từ nhiều thập niên qua, đồng đô la đã mất dần ảnh hưởng, nhưng chính sách thù địch của Donald Trump đối với Trung Quốc và Iran có thể làm đồng tiền này yếu đi nhanh chóng hơn và hết còn là đồng tiền bậc nhất của thế giới.

Vào năm 1965, bộ trưởng tài chính Pháp Valérie Giscard d’Estaing đã từng đánh giá là ưu thế mà Mỹ có được chính là nhờ vào vị trí của đồng đô la như là đồng tiền chính của dự trữ thế giới.

Nhưng ngày nay lợi thế của đồng đô la đã giảm đi, với sự vươn lên của đồng tiền Châu Âu euro và gần đây là đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Vào thời điểm hiện nay, chiến tranh thương mại sai lầm đánh vào Trung Quốc, kèm theo là biện pháp trừng phạt Iran của tổng thống Mỹ càng làm thế giới giữ khoảng cách với đồng đô la.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất Le Monde được dành cho thời sự Pháp đề cập đến nỗ lực của tổng thống Pháp "Macron muốn hòa giải với những người hưu trí".

La Croix cũng nhìn về nước Pháp, nhưng quan tâm đến vấn đề môi trường, với một câu hỏi trên trang nhất : "Khí hậu : Từng bước nhỏ hay đại chấn Big Bang ?".

Le Figaro thì chú ý nhiều hơn đến Liên Hiệp Châu Âu, bị tờ báo cho là đang trong khủng hoảng với tựa lớn : "Nhập cư, Brexit, an ninh, Châu Âu bị tê liệt vào lúc nguy cơ dâng lên".

Libération cũng chú ý đến Châu Âu, nhưng tập trung khai thác chủ đề Brexit và tự hỏi ở trang nhất : "Với Brexit, ngày mai phải chăng sẽ chỉ có một Ireland duy nhất ?"

Báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên tập trung vào chủ đề kinh tế, hôm nay đưa thành tựa chính trang nhất sự kiện "Bruxelles tấn công vào pháo đài Amazon", tập đoàn bán hàng trên mạng của Mỹ hiện đứng nhất nhì thế giới.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)