Nhiệm vụ số một của Mỹ trong năm 2017 là hoàn thiện việc bố trí hỏa lực tiền duyên, chuẩn bị ứng phó với mọi nguy cơ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Spunik, những tin tức về việc Trung Quốc hoàn thành nhiều công trình xây dựng để bố trí tên lửa "đất đối không" trên một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa được các chính trị gia, nhà báo và chuyên gia thảo luận rộng rãi nhiều ngày qua, đặc biệt là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc
Tin này được Reuters phát đi từ Washington, và lan truyền đến mọi nơi. Dường như trên các đảo nhân tạo, được mở rộng từ các rạn san hô do Trung Quốc chiếm giữ, đã được bố trí khoảng hai chục nhà chứa tên lửa.
Sputnik đặt câu hỏi, vậy Trung Quốc phòng thủ trước đối thủ nào ?
Không nghe thấy trả lời cho câu hỏi này từ phía Bắc Kinh, mặc dù thông cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc về những hành động gần đây của Mỹ ở Biển Đông đều cho thấy chính Hoa Kỳ là kẻ thù là số 1 của Trung Quốc trong vùng này.
Phản ứng của Mỹ
Trong khi đó, các cơ quan tình báo Mỹ nhận định, những tên lửa này không thể đe dọa sức mạnh quân sự của Mỹ. Cả ông Chas Freeman, một trong những chuyên gia Mỹ về vấn đề Trung Quốc, cũng nêu ra ý kiến theo nghĩa là Mỹ sẽ không thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo.
Chas Freeman cho rằng, hãy dành việc đó cho người Đông Nam Á thực hiện. Có nghĩa là, người Mỹ muốn quay hướng các mũi tên về phía bất cứ quốc gia nào trong Đông Nam Á. Hãy để họ tự tranh đấu với Trung Quốc vì các hòn đảo.
Tuy nhiên, Mỹ cũng không thể ngồi yên nhìn Trung Quốc triển khai vũ khí tại Biển Đông, đe dọa đến quyền lợi và đồng minh của Mỹ xung quanh khu vực này.
Ngay sau khi nắm được thông tin về việc cụm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang thử nghiệm các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự trong cuộc tập trận trên một khu vực ở Biển Đông, tờ Nhật báo Thanh Niên của Đài Loan cho biết, Mỹ sẽ nâng cấp toàn bộ chiến đấu cơ F-22 ở châu Á - Thái Bình Dương, bố trí toàn diện chiến đấu cơ F-35 ở châu Á.
Chỉ có như vậy, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương mới có thể đảm bảo ưu thế không lực trong bối cảnh cạnh tranh ở khu vực ngày càng gay gắt, các loại tranh chấp thi nhau trỗi dậy.
Hạm đội 3 của Mỹ
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris đã khẳng định trong một bài phát biểu vào ngày cuối cùng của năm 2016 :
Mỹ phải bố trí toàn diện F-35 ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện đại hóa toàn bộ F-22 để đảm bảo ưu thế sức mạnh không quân, trong bối cảnh không quân Trung Quốc đang hoạt động ngày càng nhiều ở Biển Đông, làm tăng căng thẳng khu vực.
Động thái này diễn ra sau khi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quyết định điều động cụm tàu sân bay USS Carl Vinson CViệt Nam-70 thuộc biên chế Hạm đội 3 tăng viện cho Hạm đội 7 phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh, nhiệm vụ ưu tiên số một của ông trong năm 2017 chính là hoàn thiện việc bố trí hỏa lực tiền duyên, chuẩn bị ứng phó với mọi nguy cơ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông, nguy cơ ấy đến từ Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỗ này thay đổi sẽ ảnh hưởng đến chỗ khác.
Máy bay Trung Quốc hoạt động đường dài ngoài khơi bờ biển Philippines sẽ khiến Nhật Bản cảnh giác.
ASEAN cứng rắn trong vấn đề Biển Đông
Tại các nước ASEAN, việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo bị chiếm đóng bởi Trung Quốc đã trở thành chủ đề nóng, được người dân hết sức quan tâm.
Ngay cả trong những ngày diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Philippines, các nước trong nhóm này đều bày tỏ mong muốn Trung Quốc dừng lại việc tiến hành hoạt động quân sự trên các đảo.
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay nói với các nhà báo tại đảo Boracay, nơi các ngoại trưởng Asean vừa nhóm họp, rằng quan ngại này được tất cả các nước trong khối chia sẻ.
Ông Yasay không nói chính xác hoạt động nào của Trung Quốc dẫn đến điều mà các nước ASEAN quan ngại, nhưng ông hy vọng một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) có thể đạt được trong tháng Sáu tới.
Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Bản COC sẽ có thành phần cơ bản là giải trừ những thiết bị quân sự mà Trung Quốc đặt trên Biển Đông, nhưng chưa đề cập rõ là có bắt buộc Trung Quốc phải dỡ bỏ các hệ thống vũ khí đã lắp đặt hay không.
"Các thành viên Asean đồng lòng bày tỏ lo ngại về điều mà họ cho là quân sự hóa khu vực", ông Yasay nói với các hãng thông tấn.
Ngoại trưởng Philippines cũng cho hay, các nước Asean "đã nhận thấy hành động của Trung Quốc về việc lắp đặt hệ thống vũ khí trên các cơ sở mà họ thiết lập tại Biển Đông".
Philippines là nước giữ ghế chủ tịch luân lưu của khối Asean năm 2017. Hãng Reuters đánh giá tuyên bố của ông Yasay cho thấy Asean có quan điểm cứng rắn hiếm thấy về hành động của Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, một số tuyên bố mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc của ông Yasay làm dấy lên phỏng đóan rằng Biển Đông có thể sẽ trở thành điểm nóng xung đột trong tương lai gần.
Trung Kiên