Biển Đông nóng ván cờ địa chính trị mới của Mỹ, Trung ? (Tin Tức, 26/02/2017)
Mỹ triển khai nhóm tàu tuần tra Biển Đông giữa lúc rộ tin Trung Quốc "gần như hoàn thành" các công trình "có thể chứa tên lửa". Phải chăng một ván cờ địa chính trị mới đang thành hình ?
Hình ảnh trên tàu USS Carl Vinson lớp Nimitz.
Sputnik dẫn nhận định của một số nhà phân tích chính trị cho biết, Mỹ đang chơi một trò chơi địa chính trị trong khu vực, nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc và với cả các nước ASEAN.
Ngày 18/2, nhóm tàu Hải quân Mỹ bắt đầu chiến dịch được Hải quân Mỹ gọi là "các chiến dịch thông thường" tại Biển Đông. Dẫn đầu nhóm tàu này là tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz. Ngoài ra, nhóm tàu còn có tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer (DDG 108) lớp Arleigh Burke...
Ngày 22/2, Reuters dẫn hai người giấu tên của quan chức Mỹ cho biết "Trung Quốc đã gần như hoàn thành việc xây dựng (bất hợp pháp) hàng chục cấu trúc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, có vẻ như được thiết kế để chứa tên lửa đất đối không tầm xa".
Một quan chức tình báo Mỹ đánh giá Trung Quốc không có vẻ chỉ xây các công trình ở Biển Đông mà không có dụng ý gì. Bởi vì những cấu trúc này giống như các nhà chứa tên lửa đất đối không nên theo quan chức tình báo Mỹ giấu tên này, "kết luận hợp lý là đó chính là mục đích của công trình này".
Một quan chức khác cho biết các cấu trúc trong diện nghi vấn tên lửa này dài khoảng 20 m và cao 10 m.
Phản ứng lại việc Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 22/2 cho biết đã nắm thông tin này, tuyên bố cuộc tuần tra đe dọa cái gọi là chủ quyền và an ninh của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong khi đó, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có cuộc gặp ở Boracay, Philippines ngày 21/2 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại giảm căng thẳng ở vùng biển có tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời quan ngại khả năng quân sự hóa một số địa điểm trong khu vực.
Bình luận về những diễn biến trong khu vực, Konstaintin Sivkov, chủ tịch của Viện Các vấn đề Địa Chính trị ở Moskva nhấn mạnh sự trùng hợp về mặt thời điểm các sự kiện Mỹ tuần tra ở Biển Đông, các cuộc gặp cấp bộ trưởng của ASEAN và thông tin về các công trình của Trung Quốc, có thể phản ánh áp lực Mỹ đồng thời tạo ra với cả Trung Quốc và ASEAN.
Theo chuyên gia này, nhằm kiềm chế Trung Quốc, Mỹ triển khai các hoạt động quân sự. Việc này dẫn đến mối quan ngại của các nước ASEAN về nguy cơ cao của một cuộc đụng độ trong khu vực với sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Chuyên gia này cho biết dù nguy cơ của một cuộc đụng độ quy mô lớn khó có khả năng xảy ra, có thể có một cuộc chạm trán quân sự trong khu vực giữa một bên là hạm đội của Mỹ và Nhật Bản với một bên là hạm đội của Trung Quốc.
Cũng theo chuyên gia này, Mỹ đang tiến hành một trò chơi địa chính trị trong khu vực và thông tin về việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên các đảo nhân tạo là công cụ của Mỹ trong cuộc khắc chế Trung Quốc.
Dẫu vậy, chuyên gia Nga cho rằng, Washington thừa biết Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này cho dù Mỹ có gây áp lực như thế nào đi nữa.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh : "Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".
Vũ Anh
*******************
Hai cách tiếp cận để Mỹ có thể kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông (Tin Tức, 26/02/2017)
Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có thể không gây "ồn ào" như Tổng thống Donald Trump nhưng không có nghĩa là ông mềm mỏng hơn.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 11/1 khi được xác nhận làm ngoại trưởng Mỹ, ông Tillerson đã gây chấn động cộng đồng quan sát Trung Quốc khi cam kết : "Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một tín hiệu rõ rằng rằng, thứ nhất, ngừng xây dựng (phi pháp) các đảo, và thứ hai, sẽ không được phép tiếp cận các đảo này".
Những bình luận trên ngay lập tức khiến dư luận Trung Quốc dậy sóng. Trong một bài xã luận, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc lập tức lên tiếng cảnh báo : "Bất kỳ cách tiếp cận nào nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo này sẽ là điều ngu ngốc, trừ khi Mỹ định phát động chiến tranh quy mô lớn ở Biển Đông".
Đối với dư luận Trung Quốc, quan điểm của ông Tillerson không có căn cứ, là hành động gây hấn và không có chiến lược và họ cho rằng đề cử ông làm ngoại trưởng Mỹ là không có căn cứ về mặt pháp lý, nguy hiểm về mặt chính trị và không hiệu quả về mặt thực tiễn.
Ông Rex Tillerson (trái) đã có phát biểu gây chấn động về việc ngăn Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, phản ứng của dư luận Trung Quốc cho thấy họ đã hiểu sai đề xuất của ông Tillerson và hiểu nhầm thực tế phức tạp ở Biển Đông. Dùng hải quân phong tỏa các hòn đảo không phải là cách duy nhất để đạt được mục tiêu mà ông Tellerson đề xuất. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có lợi lớn khi tránh chiến tranh với Mỹ trong khu vực.
Để lý giải đề xuất của ông Tillerson, cần sử dụng lăng kính nhìn từ góc độ khác. Nhìn từ góc độ này, đề xuất trên không có nghĩa là dùng quân đội ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận đảo như hầu hết các nhà bình luận đồn đóan. Thay vào đó, Mỹ và các đối tác có thể thực hiện hàng loạt động thái khác để "phong tỏa" Trung Quốc như đàm phán ngoại giao, trừng phạt kinh tế. Những biện pháp như vậy dù trực tiếp hay gián tiếp cũng có thể ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa (phi pháp) các đảo ở Biển Đông.
Trừng phạt và "cải bắp"
Một trong những hành động là trừng phạt các cá nhân, công ty hỗ trợ, tham gia vào các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự luật mà thượng nghị sĩ Marco Rubio đề xuất hồi tháng 12/2016 đi theo hướng tiếp cận này. Theo đó, ông Rubio đề xuất đóng băng tài sản và cấm vào Mỹ đối với những người và thực thể đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển các dự án ở khu vực tranh chấp ; đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định của Biển Đông. Dự luật của ông Rubio có thể được hoặc không được thông qua, nhưng các biện pháp trừng phạt như vậy là một công cụ quan trọng nhằm gián tiếp thay đổi hành vi của Trung Quốc.
Một lựa chọn trực tiếp hơn mà Mỹ và đối tác có thể áp dụng là dùng chiến thuật "cải bắp" của chính Trung Quốc để bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với các hòn đảo ở Biển Đông (mà nước này chiếm giữ phi pháp). Chiến thuật "cải bắp" gồm bao bọc các hòn đảo tranh chấp bằng nhiều lớp bảo vệ quân sự và bán quân sự. Các lớp lá "cải bắp" dùng để chống lại Trung Quốc sẽ gồm ba lớp : dùng tàu thuyền tư nhân dân sự bao vây các đảo ở vòng trong, tiếp đó dùng tàu của lực lượng thực thi pháp luật ở vòng ngoài, cuối cùng dùng tàu chiến bảo vệ khu vực ngoài cùng.
Liên minh chống Trung Quốc không thể địch lại với sức mạnh hải quân và bán quân sự của Trung Quốc, nhưng có thể đưa các tình nguyện viên dân sự để điều khiển hàng phòng vệ đầu tiên.
Không cần phải bắn hạ máy bay hay đánh mìn các cảng Trung Quốc, liên minh có thể dùng thiết bị không người lái cả trên không và dưới nước được phóng từ các tàu dân sự và tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm chặn lối vào các đảo nhân tạo.
Tính pháp lý
Những biện pháp này tưởng như là phạm pháp nhưng thực ra lại hoàn toàn nhất quán với luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc không công nhận quyền tự do trên biển của Mỹ và các đối tác thì Mỹ có quyền hạn chế tự do của Trung Quốc. Tòa trọng tài ở La Haye hồi tháng 7/2016 đã ra phán quyết bác : tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn (ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam), việc Trung Quốc tiếp cận bãi cạn Scarborough, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam, việc Trung Quốc gây rối ở khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuy nhiên, tòa lại không có công cụ thể thực thi phán quyết trên. Do đó, mọi việc tùy thuộc vào cộng đồng quốc tế để hành động vì lợi ích chung và buộc Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ. Luật pháp quốc tế cho phép các nước thực hiện các biện pháp đối phó với các hành vi sai trái. Ông James Kraska, giáo sư luật quốc tế thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định : Thách thức quyền tiếp cận đảo nhân tạo của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhiều người lo rằng dù hợp pháp nhưng việc ngăn Trung Quốc vào các đảo mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp sẽ là hành động chiến tranh và nguy cơ gây xung đột vũ trang. Tuy nhiên, lo sợ này đã bị thổi phồng. Khi Trung Quốc chặn lối vào bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây, không ai coi đó là hành động chiến tranh và cũng không có cuộc xung đột nào nổ ra. Do vậy, áp dụng đúng chiêu "cải bắp" mà Trung Quốc đã sử dụng, Mỹ và các nước có thể thành công trong ngăn Trung Quốc khơi mào chiến tranh.
Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc có lợi lớn hơn Mỹ khi tránh gây chiến trong khu vực. Thực tế, tránh xung đột quy mô lớn là một trong những chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông. Sở dĩ Trung Quốc tỏ ra hung hăng trong những năm gần đây là do Mỹ đã can thiệp quá tay vào "vùng xám" giữa chiến tranh và hòa bình.
Do đó, mẹo để vừa tránh chiến tranh vừa khiến Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế chính là cách tiếp cận hai hướng, theo đó khéo léo kết hợp sức mạnh của "cây gậy và củ cà rốt".
Trở lại với bình luận của ông Tillerson, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói : "Nếu Mỹ muốn làm điều đó, họ có lực lượng để làm, hãy để họ làm".
Cách tiếp cận "cải bắp" để ngăn Trung Quốc tiếp cận bãi Scarborough hay Vành Khăn sẽ hợp pháo và hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines và tình nguyện viên dân sự Philippines cũng như nước khác.
Các biện pháp trừng phạt các cá nhân, công ty Trung Quốc tham gia các dự án ở Biển Đông sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu được nhiều nước khác ủng hộ. Khu vực doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc rất rộng nên Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương với các biện pháp trừng phạt có mục tiêu. Các dự án xây dựng ở Biển Đông đều liên quan tới một vài công ty nhà nước lớn hào hứng làm ăn ở nước ngoài.
Tóm lại, bắn tín hiệu sẵn sàng ngăn Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tiếp cận các đảo này là cách phản ứng hợp lý nếu Mỹ thực sự muốn răn đe ở Biển Đông.
Thùy Dương (theo Foreign Policy)
******************
Trung Quốc đang đàm phán song phương về Biển Đông (VOA, 25/02/2017)
Máy bay ném bom Trung Quốc bay trên bãi cạn Scarborough
Trung Quốc đang đối thoại với từng nước một trong khu vực Đông Nam Á về các quyền lợi chung trong việc khai thác hải sản và nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Biển Đông đang có những tranh chấp chủ quyền chồng chéo. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc hoặc việc thiếu niềm tin chính trị sẽ gây cản trở cho bất kỳ một thỏa thuận chính thức nào và có thể sẽ chuyển trọng tâm sang các thỏa thuận kinh tế không chính thức.
Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau vào tháng trước để thảo luận về hợp tác hàng hải mà có thể bao gồm việc thăm dò dầu khí dưới biển. Đó là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm đối thoại riêng với các quốc gia có tranh chấp hàng hải kể từ khi một tòa trọng tài quốc tế ở La Hague ra phán quyết vào tháng Bảy năm ngóai nói rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khoảng 95% diện tích trên biển Đông là thiếu cơ sở pháp lý.
Trung Quốc cũng đối thoại với Malaysia và Philippines về vùng biển có diện tích 3,5 triệu km vuông, nơi có nguồn hải sản và trữ lượng dầu khí dồi dào, và là một hải lộ quốc tế trọng yếu.
Các thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giảm bớt những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền bằng cách cho tất cả các quốc gia một ít quyền lợi mà không mất đi sự kiểm sóat hiệu quả của bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc bác bỏ phán quyết của trọng tài quốc tế nhưng sau đó đã tự tìm cách cải thiện quan hệ với các nước đang có tranh chấp.
Năm ngóai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi việc theo đuổi các thỏa thuận song phương.
Phần lớn các cuộc đối thoại về Biển Đông được tổ chức bí mật, nhưng các chuyên gia dự báo rằng các thỏa thuận cuối cùng cũng là về quyền đánh bắt hải sản hoặc quản lý khai thác hải sản. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đang đặc biệt quan tâm về quyền đánh bắt hải sản với những đội tàu đánh bắt xa bờ.
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng nghiên cứu chính sách cao cấp về Trung Quốc ở Đài Loan cho biết : "Điều đầu tiên mà họ muốn làm là xác định các quyền đánh bắt hải sản. Và tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng bởi vì bạn phải bàn đến một số quy tắc hoặc một số vấn đề thực tế thay vì bàn về việc phân chia lao động hoặc khu vực đánh bắt".
Một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận ngư nghiệp đang hiện hữu là kể từ năm 2006 Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau tuần tra chung hoạt động khai thác hải sản ở Vịnh Bắc Bộ. Năm ngóai, hai bên đã mở rộng các tuyến tuần tra.
Ông Duterte gặp ông Tập Cận Bình vào tháng 10/2016 tại Bắc Kinh
Sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp chủ tịch Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 10, Trung Quốc đã thôi ngăn chặn các tàu đánh cá Philippines ở vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough, phía tây đảo Luzon, theo tin tức báo chí cho biết.
Nhưng các thỏa thuận kinh tế gắn kết một cách không chính thức với các tranh chấp hàng hải có thể dẫn đến nguy hiểm nếu các mối quan hệ này xấu đi.
Trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay, đồng thời là chủ tịch luân phiên hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN cho biết, ông "lo ngại sâu sắc" hành động của Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói phát biểu trên là "khó hiểu và đáng tiếc". Ông Sảng nói các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte đang được triển khai thực hiện, và Trung Quốc đã hứa sẽ ngừng việc xây dựng trên biển.
Ít nhất là từ năm 2013, Trung Quốc và Việt Nam đã bàn về việc cùng nhau khai thác dầu hỏa, và việc thảo luận khai thác dầu giữa Trung Quốc và Philippines đã bắt đầu vào tháng 10.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ foot khối khí đốt tự nhiên dưới đáy Biển Đông. Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam hiện nay đang làm khảo sát riêng và Philippines đã nhận đơn thầu thực hiện thăm dò dầu khí từ các công ty tư nhân.
Ông Carl Baker, Giám đốc các chương trình thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương của CSIS tại Honolulu nói rằng việc cùng nhau tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch thiếu khả thi vì khi chia sẻ bất kỳ nguồn tài nguyên nào cũng sẽ có hàm ý là phải từ bỏ chủ quyền ở nơi mà tài nguyên đó được phát hiện.
Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Monash ở Australia nói rằng các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên sẽ được thực hiện một cách hợp pháp nếu các quốc gia ký kết đặt các vấn đề chủ quyền sang một bên, nhưng người dân trong nước thì vẫn hoài nghi việc này.
Ông Guilfoyle nói : "Thực tế khó thực hiện hơn so với lý thuyết. Hiện có những vấn đề thực tế đang được đàm phán, nhưng sau đó các vấn đề khác liên quan đến chính trị, sự tin tưởng và liệu công dân của bạn cuối cùng có ủng hộ một thỏa thuận như vậy không".
Ông Guilfoyle nói thêm rằng những thay đổi trong giới lãnh đạo của một quốc gia có thể gây phương hại đến tiến trình ra thỏa thuận, và một số nước thiếu sự tin cậy chính trị nên không thể bắt đầu. Ví dụ người tiền nhiệm của ông Duterte, vì giận dữ với Trung Quốc nên đã nộp đơn kiện tại tòa trọng tài quốc tế. Còn ông Duterte thì làm lành với Bắc Kinh sau khi nhậm chức vào tháng Sáu.
Các thỏa thuận song phương có thể bao gồm điều khoản làm thế nào để tránh rủi ro trên biển, tránh giao tranh, như vụ đụng độ đẫm máu giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1974 và 1988.
Trong năm nay, riêng Trung Quốc sẽ theo đuổi bộ khung quy tắc ứng xử (COC) với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau nhiều năm Trung Quốc chống lại COC.
Ông Herman Kraft, giáo sư nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman nói rằng bộ quy tắc ứng xử (COC) của ASEAN phù hợp với bất kỳ thỏa thuận song phương nào.
Nếu không có các thỏa thuận cụ thể về các hoạt động trên biển, Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới để tăng cường thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển cho các bên có tranh chấp ở Biển Đông, những nước khát khao mong muốn phát triển nền kinh tế riêng của mình.
Sáng kiến "Đường tơ lụa Hàng hải thế kỷ 21" của Bắc Kinh được thiết lập để phân bổ một số tiền từ một nguồn quỹ 40 tỷ đôla và 100 tỷ đôla đầu tư vào Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để mua cổ phần xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á, một lợi ích khổng lồ cho các công ty Trung Quốc khi thị trường trong nước quá cạnh tranh.
Du khách Trung Quốc đến Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh
Có nhiều dấu hiệu giao dịch kinh tế khá hào phóng khi có sự gia tăng lượng khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam vào năm ngóai, trong khi Philippines kỳ vọng đạt 24 tỷ đôla viện trợ phát triển cũng như các khoản đầu tư từ Trung Quốc, sau cuộc đối thoại của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines vào tháng 10.
Trong tháng 11, Malaysia và Trung Quốc đã ký kết 14 bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh. Trung Quốc đã lên kế hoạch bán cho Malaysia 4 tàu chiến, cung cấp khoảng tín dụng 55 tỷ ringgit (khoảng 12,4 tỷ đôla) để xây một đường tàu hỏa. Malaysia đã xem Trung Quốc là đối tác thương mại và là quốc gia cấp vốn đầu tư trực tiếp hàng đầu.
Malaysia hiếm khi chỉ trích Trung Quốc một cách công khai vì các hoạt động hàng hải, mặc dù cả hai bên đều khẳng định chủ quyền các khu vực trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh có thể yêu cầu các nước khác im lặng về việc Trung Quốc cải tạo các hải đảo, việc Trung Quốc tăng sự hiện diện quân sự trên một số đảo nhỏ hoặc các đội tuần duyên Trung Quốc tuần tra trên vùng biển mà các bên khác thường xuyên qua lại.
Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Loan nói : "Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Họ đang cố gắng để một mặt hiển thị trên sức mạnh của Trung Quốc và mặt khác ngăn cản các nước khác tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông".