Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

26/02/2017

Tại sao Trung Quốc không kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Đặng Tiểu Bình ?

GDVN

Truyền thông Trung Quốc thể hiện rõ "lập trường" của họ trong ngày giỗ lần thứ 20 của Đặng Tiểu Bình là "trung lập và không đặc biệt ca ngợi họ Đặng ngày này".

Đa Chiều ngày 19/2 đưa tin, ngày này 20 năm trước lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình qua đời, nhưng năm nay Trung Quốc lại vô cùng im ắng trước sự kiện này.

Không có hoạt động kỷ niệm nào quy mô lớn được tổ chức, quy mô nhỏ cũng chỉ lẻ tẻ, lác đác vài nơi. Bắc Kinh vắng bóng các hoạt động này, trong khi trên báo chí Trung Quốc, các bài diễn văn kỷ niệm hay ôn lại tiểu sử của ông này vô cùng ít.

Đặc biệt là ngoài hoạt động kỷ niệm ở thành phố Quảng An tỉnh Tứ Xuyên là quê Đặng Tiểu Bình, hay Thâm Quyến, Quảng Đông là nơi ông thành danh với cải cách, Tân Hoa Xã, Nhân Dân nhật báo, CCTV không đưa tin nào về ngày giỗ Đặng.

Chỉ có tờ Thanh niên Trung Quốc của Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc và tờ Tân Kinh báo của Ban Tuyên truyền thành ủy Bắc Kinh có bài kỷ niệm sự kiện này.

Đa Chiều ghi nhận, cộng đồng mạng internet tại Trung Quốc trong ngày này chủ yếu bàn tán xung quanh vai trò của ông Đặng Tiểu Bình trong sự kiện Thiên An Môn [1].

Ông Tập Cận Bình thành tâm điểm của truyền thông ngày 19/2

Nikkei Asian Review ngày 24/2 cho biết, trong ngày giỗ lần thứ 20 của Đặng Tiểu Bình, Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành tâm điểm theo dõi và đưa tin của truyền thông Trung Quốc.

Chỉ 3 năm trước, cả nước Trung Quốc đã rầm rộ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông Đặng Tiểu Bình, nhưng 20 năm ngày giỗ ông trôi qua trong im lặng lạ thường.

dtb1

Tượng Đặng Tiểu Bình bên cạnh người lính gác, ảnh : BBC News.

Truyền thông Trung Quốc hôm đó tập trung đưa tin kỉ niệm 1 năm ngày diễn ra chuyến thăm và kiểm tra của ông Tập Cận Bình đến trụ sở Nhân Dân nhật báo, Tân Hoa Xã và CCTV.

Trong chuyến thăm này ông yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí Trung Quốc phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều tờ báo dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tính đảng của báo chí.

Nhiều tờ báo Trung Quốc ngày này cũng đưa ra các bài bình luận và nhắc lại đóng góp của họ cho việc tuyên truyền "giấc mơ Trung Quốc" hay "phục hưng dân tộc Trung Hoa", khẩu hiệu được ông Tập Cận Bình đưa ra.

Nikkei Asian Review bình luận, bằng việc đồng loạt đưa tin kỷ niệm 1 năm ông Tập Cận Bình đi kiểm tra các cơ quan báo chí, các hãng tin lớn tại Trung Quốc đang thể hiện lòng trung thành của họ đối với ông.

Ông Tập Cận Bình đang được xếp ngang Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình

Một nguồn tin từ giới truyền thông Trung Quốc tiết lộ với Nikkei Asian Review, việc nhiều kênh truyền thông Trung Quốc thể hiện rõ "lập trường" của họ trong ngày giỗ lần thứ 20 của Đặng Tiểu Bình là "trung lập và không đặc biệt ca ngợi họ Đặng ngày này".

Nhà nước Trung Quốc thì tách mình khỏi ngày này và tập trung cho Đại hội 19, nơi nhân sự lãnh đạo hàng đầu - thường vụ bộ chính trị sẽ có sự thay đổi lớn. 

Theo thông lệ, 5/7 ủy viên thường vụ Bộ chính trị khóa 18 sẽ nghỉ hưu, chỉ còn 2 người ở lại tiếp khóa 19, gồm ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tờ báo Nhật lưu ý, không giống như 2 người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã được Đặng Tiểu Bình chỉ định làm nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không do Đặng lựa chọn.

Ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy trung ương vào cuối năm 2012 và trở thành Chủ tịch nước đầu năm 2013. Kể từ đó Tập Cận Bình, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình được xếp ngang nhau.

Đặng Tiểu Bình phản đối Cách mạng Văn hóa 1966-1976 do Mao Trạch Đông phát động để "hạ" các đối thủ chính trị, nhưng thái độ của ông Tập Cận Bình với sự kiện này vẫn chưa rõ ràng.

Ngay sau khi trở thành lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có nói : "Không được dùng giai đoạn 30 năm sau cải cách mở cửa để phủ định giai đoạn lịch sử 30 trước cải cách, mở cửa".

30 năm trước cải cách mở cửa là cách ông Tập Cận Bình nhắc đến thời kỳ Mao Trạch Đông nắm quyền.

Tạo ra huyền thoại mới

Nikkei Asian Review nhận định rằng, Mao Trạch Đông là người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong khi Đặng Tiểu Bình là kiến trúc sư của cải cách, mở cửa tại Trung Quốc, mở đường cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng của quốc gia này.

dtb2

Ông Tập Cận Bình là người đưa ra các khẩu hiệu về giấc mơ Trung Quốc, phục hưng dân tộc Trung Hoa. Ảnh : Asean White Trash.

Ngày nay, những huyền thoại về Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình vẫn tiếp tục phát triển mạnh, thậm chí làm lu mờ cả tiếng nói của hai người kế nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Trong khi đó ông Tập Cận Bình phải tạo ra một huyền thoại mới cho bản thân và khả năng nắm quyền lực. Cuộc thập tự chinh mang tên đả hổ, đập ruồi là rất quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu này.

Khi theo đuổi mục tiêu ấy, gần như ông Tập Cận Bình không có lựa chọn nào khác ngoài việc đánh bại các đối thủ chính trị, nếu lấy lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc làm một bài học.

Theo Hiến pháp Trung Quốc, một Chủ tịch nước không thể tại vị quá 2 nhiệm kỳ 5 năm, nghĩa là ông Tập Cận Bình phải rời khỏi chức vụ này vào năm 2023.

Tuy nhiên không có giới hạn nhiệm kỳ và tuổi tác với chức vụ Tổng bí thư. Nhưng hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều rời bỏ tất cả chức vụ gần như đồng thời.

Nếu ông Tập Cận Bình rời các chức vụ trong đảng năm 2022 và chức vụ nhà nước đầu năm 2023, ông có thể mở đường cho các đối thủ chính trị còn lại.

Hiện tại, Tập Cận Bình đang ở trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực, mạnh hơn nhiều so với chỉ vài tháng trước đây. Hội nghị Trung ương 6 đã xác nhận ông là "hạt nhân lãnh đạo", vốn chỉ dành cho Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không thể để mất cảnh giác khi Đại hội 19 đang cận kề. Chỉ cần thiếu thận trọng, ông có thể mất quyền lực nhanh chóng.

Việc bố trí nhân sự chủ chốt cho Bộ chính trị và thường vụ Bộ chính trị khóa mới sẽ là bước đi quan trọng để Tập Cận Bình định hình ông là một trong những "lãnh đạo vĩ đại" của Trung Quốc, ngang hàng Mao - Đặng.

Khép lại quá khứ ?

Người viết cho rằng, những bình luận của Nikkei Asian Review hay nhận định của Đa Chiều về sự "khác thường" trong ứng xử của Trung Quốc với ngày giỗ thứ 20 của Đặng Tiểu Bình thể hiện những góc nhìn khác nhau từ dư luận Trung Quốc cũng như khu vực.

Bất luận là nguyên nhân gì, mọi sự thay đổi trong đường lối, chính sách của quốc gia láng giềng có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực.

Cho nên, việc quan sát và nghiên cứu các xu hướng diễn biến của nền chính trị, đường lối quyết sách của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng.

Với thông tin không còn biên giới của thời đại internet ngày nay, việc Trung Quốc không tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày mất của Đặng Tiểu Bình ở quy mô, mức độ như những dịp khác, với các nhà lãnh đạo quá cố khác là một sự thật có thể kiểm chứng được.

Còn tại sao Trung Quốc có sự thay đổi này, thì mỗi người có thể có những quan điểm khác nhau. Bình luận và nhận định của Nikkei Asian Review tuy chỉ đại diện cho một tờ báo Nhật Bản, nhưng cũng có thể nhận được sự đồng thuận, nhất trí từ nhiều quan điểm khác trong xã hội.

Tuy nhiên cá nhân người viết còn để ý tới một khả năng khác nữa.

Ngày giỗ lần thứ 20 của Đặng Tiểu Bình cũng sát ngày 17/2, ngày họ Đặng quyết định xua 60 vạn quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, và gây ra cuộc xung đột đẫm máu, kéo dài suốt 10 năm sau đó, để lại nhiều hệ lụy.

Bởi thế, cho dù ông ta không được truyền thông nhà nước Trung Quốc nhắc đến nhiều trong dịp 20 năm ngày giỗ, nhưng truyền thông quốc tế và Việt Nam vẫn nhắc đến tên ông ta với vai trò phát động cuộc chiến xâm lược biên giới láng giềng.

Liệu đây có phải là một hoạt động "khép lại quá khứ" mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay mong muốn hay không, và có những "quá khứ nào" họ mong muốn "khép lại", còn cần thêm thời gian theo dõi, phân tích.

Nhưng rõ ràng quá khứ và lịch sử không thể thay đổi, nếu "khép lại" nó mà thiếu những nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật để rút ra bài học cho tương lai, một vết xe đổ tái lập lại không phải chuyện gì không thể.

Có những vết thương khó lành theo năm tháng nếu thiếu một sự chăm sóc đúng cách và đúng mực. Chuyện hôm qua có thể là cái nhân cho những biến động khó lường của hôm nay và ngày mai, nếu thiếu một cái nhìn trực diện, bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan và thiện chí.

Vậy nên chăng, tư duy "khép lại quá khứ" cũng đã đến lúc phải nhìn nhận lại một cách khách quan, nên chăng chỉ "gác lại quá khứ" sau khi đã rút ra bài học cho tương lai, thay vì "khép lại quá khứ" ?

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

[1] http://china.dwnews.com/news/2017-02-19/59800810.html

[2] http://asia.nikkei.com/Features/China-up-close/Xi-wants-same-status-as-Mao-and-Deng

 

Quay lại trang chủ
Read 698 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)