Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

02/10/2018

Bắc Kinh bị mắc nghẹn khi muốn nuốt trọn Biển Đông

RFI tiếng Việt

Biển Đông : Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngày càng bị thách thức (RFI, 02/10/2018)

Kể từ ngày 02/10/2018, cuộc tập trận thường niên của 5 nước trong khối Ngũ Cường bao gồm Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore bắt đầu diễn ra tại vùng Biển Đông. Nhân sự kiện này, các nước ngoài khu vực đã đưa chiến hạm vào khu vực, một sự kiện được nhiều nhà phân tích cho là sẽ tạo áp lực trên Trung Quốc, nước đã đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, và muốn các nước khác phải xin phép khi đi vào trong khu vực.

bd1

Tầu chiến Nhật Bản trong một đợt tham gia tập trận với hải quân Anh ở Ấn Độ Dương, ngày 26/09/2018. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Cuộc diễn tập quân sự của nhóm 5 nước trong khối Hiệp Ước Phòng Thủ Ngũ Cường (Five Power Defence Arrangements FPDA) sẽ kéo dài cho đến ngày 19/10, và theo hãng tin Úc AAP, sẽ diễn ra tại Biển Đông.

Điểm mà giới quan sát chú ý là các nước như Úc, New Zealand, và cả Anh Quốc đã loan báo gởi tàu và máy bay đến tham gia diễn tập. Úc chẳng hạn, cho biết sẽ phái hai tàu Hải Quân, 9 chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, cùng 4 máy bay quân sự khác đến tham gia. New Zealand cũng góp mặt với khu trục hạm Te Mana, trong lúc chiến hạm Anh Argyll, trên đường đến cuộc tập huấn, đã cùng luyện tập với chiến hạm Nhật Bản ngoài Ấn Độ Dương.

Dĩ nhiên là nội dung thao diễn của các quốc gia trong khối Ngũ Cường không liên can gì tới tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với 4 nước ASEAN quanh Biển Đông, nhưng mật độ cao của chiến hạm ngoài khu vực trong vùng được cho là sẽ làm Trung Quốc bất an, trong bối cảnh Bắc Kinh tự nhận mình là chủ nhân của hầu hết Biển Đông, và luôn luôn dọa nạt nước khác mỗi khi lên án tàu thuyền nước họ đi vào vùng mà Trung Quốc cho là lãnh hải của mình.

Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trong số ra ngày 01/10, bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi cho Trung Quốc và "Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều đối với các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông", vì các cường quốc lớn ngoài vùng đang càng lúc càng tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Đi đầu vẫn là Mỹ, đã tăng cường các chiến dịch không quân và hải quân để thách thức các "yêu sách quá đáng" của Trung Quốc. Ví dụ rõ nhất là chuyến tuần tra hôm Chủ Nhật 30/09 của khu trục hạm USS Decatur vào bên trong vùng 12 hải lý của đá Ga Ven và Gạc Ma.

Bên cạnh đó, trong khu vực thì Úc, và nhất là Nhật Bản, đều tỏ thái độ ủng hộ việc thực thi quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Ngoài khu vực, phải kể đến các động thái của Pháp và mới đây là của Anh.

Theo SCMP, nhiều chuyên gia phân tích nghĩ rằng trong bối cảnh Hoa Kỳ cứng rắn hơn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, các đồng minh, đối tác của Mỹ khó có thể đứng ngoài.

Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc Đại Học Kỹ Thuật Nanyang tại Singapore nhận định :

"Sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông không phải là điều đáng chú ý duy nhất nữa. Ta có thể thấy rằng các cường quốc khác cũng tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại đây".

Chuyên gia Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc cho rằng chính thái độ quyết đoán hẳn lên của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền, được các đảo nhân tạo mới bồi đắp ở Biển Đông hỗ trợ, đã khiến Mỹ cứng rắn hơn :

"Điều đó đã gây áp lực lên Mỹ, và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản và Anh, thậm chí là cả Úc, cùng tham gia vào việc đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông".

Trọng Nghĩa

****************

Biển Đông : Tàu Trung Quốc bị tố gây nguy hiểm cho tàu Mỹ (RFI, 02/10/2018)

Ngày 02/10/2018, Bắc Kinh đã lớn tiếng đả kích Mỹ "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ" Trung Quốc khi cho chiến hạm áp sát hai hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

bd2

Chiến hạm Mỹ USS Decatur tuần tra Biển Đông. Ảnh chụp ngày 13/10/2016. Reuters

Lời đả kích được đưa ra ít lâu sau khi một chiến hạm Trung Quốc bị phía Mỹ tố cáo là đã có hành vi gây nguy hiểm cho khu trục hạm Mỹ USS Decatur khi chiếc tàu này di chuyển ở vùng Trường Sa hôm 30/09 vừa qua.

Một phát ngôn viên của Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ đã xác nhận với hãng tin Pháp AFP rằng hôm 30/09, chiếc USS Decatur đã tiến hành một chiến dịch "bảo vệ tự do hàng hải" khi đi vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý bao quanh các rạn san hô Ga Ven và Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa.

Khi tàu Mỹ đang di chuyển gần đá Ga Ven thì một khu trục hạm Trung Quốc lớp Lữ Dương (Luyang) đã xông đến một cách "hung hăng", "nguy hiểm và không chuyên nghiệp", chỉ cách mũi chiếc Decatur khoảng 45 yard (tức là 41 mét). Hành vi của tàu Trung Quốc đã buộc tàu Mỹ phải chuyển hướng để tránh va chạm.

Sau đó, chiếc tàu Trung Quốc đã có một loạt thao tác "càng lúc càng hung hăng" và đòi tàu Mỹ phải rời khỏi khu vực.

Về phía Bắc Kinh, lập luận dĩ nhiên khác hẳn. Trong một thông báo vào hôm nay, bộ quốc phòng Trung Quốc đã giận dữ khẳng định trở lại chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, và tố cáo phía Mỹ cho tàu đi vào lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo ở Biển Đông mà "không xin phép", buộc Trung Quốc phải cho tàu ra để yêu cầu rời khỏi khu vực.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde phân tích thêm về những lý do khiến Trung Quốc tức giận :

Giọng điệu của bản thông cáo không thể kém cứng rắn hơn : Bộ quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng việc Mỹ gởi chiến hạm đến vùng Biển Đông đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ quân sự Mỹ-Trung.

Phải nói là quan hệ Trung-Mỹ trong lãnh vực quốc phòng lúc này đã rơi xuống mức gần như là ngang bằng với quan hệ thương mại : Hôm chủ nhật vừa qua, khu trục hạm Mỹ USS Decatur đã đi được khoảng hơn 10 hải lý trong vùng biển sát một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông, trước khi bị tàu Trung Quốc xông đến đuổi đi.

Sự kiện đó như một giọt nước làm tràn ly. Đối với chính quyền Trung Quốc, hoạt động này của chiến hạm Mỹ đã cộng thêm vào các phi vụ của oanh tạc cơ B-52 trên Biển Đông và Biển Hoa Đông được Lầu Năm Góc loan báo.

Theo Washington, phản ứng cản trở tàu Mỹ của Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh muốn hạn chế sự tự do đi lại trong một vùng biển chiến lược, nơi hoạt động của nhiều quốc gia khu vực.

Bắc Kinh thì đả kích lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào quân đội Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga. Trung Quốc cũng chống lại việc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan.

Hệ quả là cuộc họp an ninh dự trù với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ tại Bắc Kinh vào tháng 10 này đã bị hủy bỏ.

Trọng Nghĩa

*******************

Tranh chấp Mỹ-Trung lan sang lãnh vực an ninh Biển Đông và Hoa Đông (RFI, 01/10/2018)

Từ ngày tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền đến nay, chưa bao giờ quan hệ Washington-Bắc Kinh lại căng thẳng như hiện nay. Hôm 30/09/2018, một quan chức Hoa Kỳ cao cấp đã xác nhận việc Trung Quốc hủy bỏ một cuộc họp Mỹ-Trung về an ninh đã được lên kế hoạch từ trước. Đây là hành vi trả đũa mới nhất của Bắc Kinh sau một loạt động thái cứng rắn của Washington nhắm vào Trung Quốc, thoạt đầu trong địa hạt thương mại, và trong một vài tuần lễ nay, đã mở rộng hẳn ra để bao hàm cả lãnh vực an ninh quốc phòng, trong đó có vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông.

bd3

Chiến đấu cơ Mỹ F-35B đáp xuống boong tàu đổ bộ USS Wasp ở ngoài khơi Biển Hoa Đông ngày 05/03/2018. Michael Molina/U.S. Navy/Handout via Reuters

Đối với nhiều nhà quan sát, sau khi khởi động cuộc chiến tranh thương mại đánh vào hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ, và trước các đòn phản công từ phía Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump như đã áp dụng chiến thuật "gây sức ép tối đa" để buộc đối phương đàm phán.

Donald Trump mở thêm mặt trận tấn công Trung Quốc

Chính trong chiến thuật – được cho là đã thành công trong trường hợp Bắc Triều Tiên – mà ông Trump đã không ngần ngại mở thêm một loạt mặt trận khác, về mặt ngoại giao, và nhất là trong địa hạt an ninh quốc phòng.

Về ngoại giao, đòn được cho là dữ dội và bất ngờ nhất của tổng thống Mỹ là công khai cáo buộc ngay tại diễn đàn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 26/09 là Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2018 để gây hại cho đảng Cộng Hòa của ông.

Trước đó, trong lãnh vực quốc phòng, cũng trong một động thái bất ngờ và cứng rắn lạ thường nhắm vào Bắc Kinh, ngày 20/09, chính quyền Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt quân đội Trung Quốc về "tội" mua vũ khí của Nga.

Gây sức ép bằng Đài Loan và B-52 trên Biển Đông và Hoa Đông

Động thái cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc còn được thấy một cách cụ thể ngay trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc, từ Biển Đông lên đến Biển Hoa Đông.

Trước hết là tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, trên nguyên tắc là đối thủ sát cạnh Trung Quốc.

Bốn ngày sau khi loan báo trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc vì đã mua vũ khí của Nga, vi phạm luật của Mỹ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thông qua quyết định bán cho Đài Loan 330 triệu đô la thiết bị quân sự dùng cho các chiến đấu cơ F-16 và các loại máy bay khác.

Kế đến Quân Đội Mỹ đã cho oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang Biển Đông hôm 25/09, và tham gia tập trận trên Biển Hoa Đông với không quân Nhật Bản, một đối thủ khác của Trung Quốc trong khu vực.

Dù phía Mỹ đã tuyên bố rằng các hoạt động của siêu pháo đài bay của họ chỉ là "bình thường", nhưng các nhà phân tích đều ghi nhận tần suất cao bất thường của các phi vụ B-52 tại Biển Đông : Vào tháng 8/2018, một chiếc B-52 đã thực hiện một phi vụ tương tự ở vùng Biển Đông, hai tháng sau khi khi hai chiếc B-52 khác đã bay gần các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Mặt khác, việc B-52 Mỹ liên tiếp xẻ dọc Biển Đông diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng trong cả lãnh vực thương mại, lẫn trên hồ sơ Đài Loan.

Và ngón đòn mới nhất là cho khu trục hạm USS Decatur, hôm 30/09, tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo Gạc Ma và Ga Ven ở Trường Sa (Biển Đông), được Bắc Kinh biến thành tiền đồn quân sự.

Bắc Kinh trả đũa bằng cách cắt đối thoại quốc phòng

Cũng như trong cuộc chiến tranh thương mại, chỉ sau khi bị Mỹ tấn công, Trung Quốc mới có biện pháp trả đũa.

Ngoài các tuyên bố lớn tiếng, hay các bài bình luận dữ dội, Bắc Kinh lần này đã phản ứng thêm bằng cách hủy bỏ một số chương trình đã được dự kiến với Washington, như cấm không cho tàu đổ bộ USS Wasp thăm Hồng Kông, hủy bỏ chuyến thăm Mỹ của tư lệnh Hải Quân Trung Quốc Trầm Kim Long, và mới đây là hủy cuộc đối thoại an ninh từng được dự kiến tại Bắc Kinh với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis.

Trên hiện trường Biển Đông, quân đội Trung Quốc cũng tung chiến đấu cơ và oanh tạc cơ vào những cuộc tập trận bắn đạn thật, dù như thông lệ, không cho biết thời gian và địa điểm của sự kiện.

Nhìn chung, tất cả các quan sát viên đều nhất trí với nhau rằng vào thời điểm hiện tại cuộc tranh chấp thương mại Mỹ Trung đã lan sang những lãnh vực phi mậu dịch.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ : Bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông "bằng mọi giá"

Việc Bắc Kinh chủ động hủy bỏ các cuộc đối thoại an ninh từng được lên kế hoạch với Mỹ đã tạo ra một thái độ quan ngại nhất định về khả năng xẩy ra sự cố do tính toán sai lầm giữa lực lượng hai bên có thể nói là đang gườm nhau tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trên vấn đề này, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã tỏ rõ thái độ không mấy quan ngại. Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, phát biểu hôm 26/09 vừa qua về những căng thẳng phi mậu dịch nẩy sinh trong quan hệ Mỹ-Trung, ông Mattis cho rằng ông không thấy một thay đổi cơ bản nào trong quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo ông, quả là lúc này hai bên đang trải qua một giai đoạn căng thẳng, nhưng đó là điều tất yếu khi hai bên đang học cách quản lý những khác biệt và bất đồng.

Riêng Bộ trưởng bộ Hải Quân Hoa Kỳ, ông Richard Spencer thì tiếp tục lên tiếng bênh vực cho các hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông mà Mỹ liên tiếp thực hiện bất chấp những phản đối của Bắc Kinh, cũng như những loại vũ khí phòng không hay chống hạm mà Trung Quốc được cho là đã triển khai tại Trường Sa..

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Mỹ CNBC ngày 27/09 vừa qua, ông Spencer khẳng định vai trò của Hải Quân Mỹ là sẽ bảo vệ các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông "bằng mọi giá" :

Hoa Kỳ, theo ông "sẽ cho chiến hạm qua lại mọi vùng biển tự do được quốc tế công nhận vào mọi lúc để đảm bảo nền thương mại và các tuyến giao thương luôn rộng mở".

Đối với Bộ trưởng Hải Quân Mỹ :

"Nếu Trung Quốc hòa nhập vào thế giới và công nhận các quy tắc và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, thì quan hệ Mỹ-Trung sẽ tuyệt vời. Những nếu họ chọn việc sử dụng luật lệ của riêng họ và cách hiểu của họ về thương mại và bảo vệ không gian của họ, chúng ta sẽ phải có một cuộc thảo luận với họ trên các điểm đó trong tương lai".

Cho đến nay, Trung Quốc luôn cho là hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của nước khác. Họ cũng biện minh rằng các cơ sở của họ ở Trường Sa không nhắm mục tiêu quân sự.

Có điều là, theo kênh CNBC, các thiết bị gây nhiễu và hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây tại Trường Sa hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài quân sự.

Trọng Nghĩa

****************

5 nước tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông (RFI, 02/10/2018)

Lực lượng Hải quân của Singpore, Malaysia, Australia, New Zealand và Anh đang tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật tại khu vực Biển Đông từ ngày 2/10 và kéo dài 18 ngày.

bd4

Ảnh minh họa - AFP

Mạng báo Thanh Niên vào ngày 2/10 trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Australia cho biết như vừa nêu

Cuộc tập trận mang tên BERSAMA LIMA 18 sẽ bao gồm diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện thực tế nhằm nâng cao sự hiểu biết về chiến thuật và quy trình hoạt động của các nước tham gia tập trận.

5 nước tham gia tập trận như vừa nêu nằm trong Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) được ký vào năm 1971.

Bộ Quốc phòng Australia cho biết trong lần tập trận này, Australia điều 9 chiến đấu cơ, máy bay săn tàu ngầm và tiếp nhiên liệu, 2 tàu hải quân và một trung đội lục quân. Ngoài Australia, hiện chưa có thông tin về thành phần tham gia tập trận của 4 nước còn lại.

Trong thời gian gần đây, các cường quốc thế giới đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông, thách thức mọi hoạt động trái phép của Trung Quốc tại khu vực này.

Hồi giữa tháng trước, tàu ngầm Nhật Bản lần đầu tiên đã tham gia diễn tập cùng tàu chiến Mỹ ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng sau đó lên tiếng kêu gọi Nhật Bản phải tôn trọng các nỗ lực xử lý ổn thỏa những bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN ở vùng nước tranh chấp, kiềm chế các hành động gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.

Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích các cường quốc thời gian qua đã gây bất ổn cho khu vực khi điều tàu chiến đến vùng nước này.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 1132 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)