Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/10/2018

Trung Quốc qua vụ Mạnh Hoành Vĩ và cái nhìn của Obama và Trump

Tổng hợp

Vụ Mạnh Hoành Vĩ : Trung Quốc tự chà đạp lên uy tín quốc tế (RFI, 11/10/2018)

Vụ chủ tịch người Trung Quốc của cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, đột nhiên mất tích sau khi rời Pháp đi Trung Quốc ngày 29/09/2018 vẫn chưa hết gây ngạc nhiên. Phải 10 ngày sau khi vụ việc được tiết lộ, hôm 08/10 vừa qua, Bắc Kinh mới cho biết là nhân vật này bị "tình nghi vi phạm luật pháp" Trung Quốc và "đang bị điều tra về tội nhận hối lộ". Trước đó ít lâu, hôm 07/10, Interpol thông báo là họ đã nhận được đơn từ chức có "hiệu lực ngay lập tức" của ông, gởi đi từ Bắc Kinh.

tq1

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ nhân chuyến ghé thăm trụ sở Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế tại thành phố Lyon (Pháp), ngày 08/05/2018.Jeff Pachoud/Pool via Reuters

Đối với hai chuyên gia Pháp về Trung Quốc, bà Valérie Niquet, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Fondation pour la recherche stratégique, và Jean-Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc gia CNRS và Ceri-Sciences-Po, trong vụ này, rõ ràng là Trung Quốc đã chứng tỏ thái độ coi thường luật lệ quốc tế và bất cần uy tín của mình. Vấn đề là cùng lúc, cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol lại có dấu hiệu chấp nhận sự đã rồi mà Bắc Kinh áp đặt.

Đấu đá nội bộ quan trọng hơn uy tín quốc tế

Trong bài trả lời phỏng vấn tuần báo L’Express ngày 08/10 vừa qua, bà Valérie Niquet, đã cho rằng vụ ông Mạnh Hoành Vĩ bị mất tích là hệ quả của phong trào chống tham nhũng tại Trung Quốc, cũng là những cuộc đấu đá nội bộ ở thượng tầng nhà nước và trong đảng cộng sản Trung Quốc nhằm loại bỏ những ai không thuộc phe nhóm của chủ tịch Tập Cận Bình.

Đối với bà Niquet, do vai vế quan trọng của ông Mạnh Hoành Vĩ cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế, việc chế độ Bắc Kinh không ngần ngại loại trừ ông là một cách để khẳng định quyền lực tối thượng của ông Tập Cận Bình.

Theo bà Niquet, vụ Mạnh Hoành Vĩ còn cho thấy là chế độ Tập Cận Bình bất cần đến uy tín quốc tế của Bắc Kinh : "Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, người ta thấy là chính quyền Trung Quốc đã từ bỏ thái độ tương đối nhũn nhặn, và không cần phải cố gắng chứng tỏ rằng họ là một chế độ đang trong giai đoạn hội nhập vào hệ thống toàn cầu. Trái lại, khi sợ mất quyền kiểm soát, Bắc Kinh sẵn sàng mạnh tay đàn áp một cách độc đoán… Họ không ngần ngại chứng tỏ quyền lực, bất cần đến hình ảnh mà họ phô bày ra, như thể là Trung Quốc ngày nay "muốn làm gì thì làm".

Điều đáng nói, theo chuyên gia Niquet, là trước các hành vi coi thường luật lệ của Bắc Kinh, cộng đồng quốc tế cho đến nay lại phản ứng quá yếu ớt, tựa như là Trung Quốc được đối xử một cách đặc biệt hơn so với các nước khác, một phần vì "Trung Quốc vẫn được coi là một cơ hội để làm ăn vì đó là một đại cường quốc kinh tế", một phần khác là vì mọi người đã quên "bản chất thực thụ" của chế độ Bắc Kinh, mà theo chuyên gia Pháp, vẫn còn "hơn cả một chế độ độc đoán, với một đảng duy nhất, chưa hoàn toàn chuyển biến về phương diện chính trị".

Các nhận định nêu trên cũng được ông Jean-Philippe Béja, chuyên gia về Trung Quốc, tán đồng trong bài phỏng vấn dành cho ban tiếng Pháp RFI ngày 09/10/2018. Theo ông, vụ thanh trừng ông Mạnh Hoành Vĩ bằng những thủ đoạn phi pháp, bất chấp việc nhân vật này đang lãnh đạo một tổ chức quốc tế quan trọng, là thêm một bằng chứng cho thấy tính chất coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

Từ "con cưng" của chế độ thành "tội đồ" cần trừng trị

Trả lời RFI, chuyên gia Béja trước hết nêu bật sự thay đổi thái độ hoàn toàn của Trung Quốc, cách nay hai năm còn ca ngợi ông Mạnh Hoành Vĩ hết lời khi vận động Interpol đề bạt ông :

J.P. Béja : Vào lúc ấy thì Trung Quốc đã gây sức ép rất mạnh mẽ trên các thành viên tổ chức Interpol, để định chế này chấp nhận cho một thứ trưởng công an Trung Quốc lên làm giám đốc.

Đó là một thắng lợi lớn trên bình diện quốc tế vì là lần đầu tiên Trung Quốc giành được chức lãnh đạo một định chế quốc tế lớn như vậy, ngoại trừ trường hợp Tổ chức Y tế Thế giới OMS (WHO) với bà Margaret Chan, nhưng lại là một người Hồng Kông.

Lúc đó, rõ ràng là Trung Quốc muốn bắn đi tín hiệu cho thấy họ đang trở lại vị trí đúng đắn của mình trên chính trường thế giới.

Mạnh Hoành Vĩ tham nhũng từ trước hay chỉ mới đây ?

RFI : Trung Quốc có rất ít người đứng đầu các định chế quốc tế. Từ khi bà Margaret Chan rời OMS vào năm ngoái, có thể nói Trung Quốc chỉ còn lại duy nhất ông Mạnh Hoành Vĩ. Tại sao Bắc Kinh lại thẳng tay như thế với nhân vật còn lại này ?

J.P. Béja : Quả đúng là ông Mạnh Hoành Vĩ là gương mặt quốc tế số một của Trung Quốc, người đầu tiên trong một loạt gương mặt Trung Quốc khác có thể lên nắm các cơ quan quốc tế. Có điều ông ấy là người đầu tiên nhưng cũng là người cuối cùng. Việc bắt ông chứng tỏ là đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, các vấn đề nội bộ quan trọng hơn là vấn đề quốc tế.

Nhiều người, và ngay cả ông Tập Cận Bình thường nói rằng Trung Quốc đã trở thành một cường quốc chủ chốt trên thế giới, gánh vác vai trò quốc tế của mình, nhưng bây giờ thì người ta đã thấy rõ qua ví dụ cụ thể này là thực tế không phải vậy.

Dẫu sao thì ông Mạnh Hoành Vĩ chỉ mới được đề cử cách nay hai năm thôi. Vậy câu hỏi là ông đã tham nhũng từ trước, hay là chỉ mới tham nhũng gần đây ?

Phải chú ý là trong thông cáo của Trung Quốc, người ta không chỉ nói về tham nhũng, người ta còn nói là phải đoàn kết đứng sau ông Tập Cận Bình, phải ủng hộ Ban Chấp Hành Trung Ương mà ông Tập lãnh đạo, phải áp dụng tư tưởng Tập Cận Bình. Như vậy phải chăng ông Mạnh Hoành Vĩ bị xem là người đã không thực sự áp dụng tư tưởng Tập Cận Bình ? Rất có thể là như vậy !

Nhưng ngày nay Bắc Kinh lại nói rằng ông Mạnh tham nhũng trong khi mà người từng đề cử ông là Chu Vĩnh Khang thì đã bị án tù chung thân vào năm 2015. Đây là một điều quả là hơi kỳ lạ ! Hơn nữa, tham nhũng ở Trung Quốc là một cái cớ để loại đối thủ hay người phe phái khác không ủng hộ mình.

RFI : Như vậy có nghĩa là ngày nay, thay vì tìm cách tạo uy tín bằng cách đưa người vào trong các định chế quốc tế, thì điều quan trọng nhất đối với Bắc Kinh vẫn là duy trì trật tự trong nội bộ Đảng và trong nước ?

J.P. Béja : Rõ ràng như vậy căn cứ theo sự cố mới xẩy ra, và Trung Quốc không ngần ngại nhắc lại điều đó. Vấn đề là hệ quả đối với hình ảnh của Trung Quốc thì rất là tệ hại.

Vấn đề trớ trêu ở đây sự vụ dính đến cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, thế mà Interpol lại không có khả năng biết được là lãnh đạo của mình biến đi đâu. Điều này khiến người ta đặt nhiều câu hỏi về Interpol.

Điểm rất kỳ lạ là Interpol chỉ gởi đi một lời yêu cầu cho biết lãnh đạo của họ ra sao, trong lúc mà nhân vật này mất tích đã 8 ngày rồi, một điều không thể tưởng tượng nổi, thậm chí còn phi pháp nữa.

Tôi nghĩ là Trung Quốc cho là họ có thể muốn làm gì thì làm, và nhất là họ đặt vấn đề chính trị nội bộ lên trên uy tín quốc tế của họ.

Trung Quốc tự do tung hoành, Interpol phản ứng rụt rè

RFI : Ý ông muốn nói là Trung Quốc cho rằng họ muốn làm gì cũng được, và phản ứng yếu ớt của quốc tế đã xác nhận điều đó ?

J.P. Béja : Đúng là như vậy. Đó là cảm nhận chung. Người ta thấy là Interpol đã không làm gì cả, không thấy ai nói là phải khai trừ Trung Quốc ra khỏi tổ chức, hay là khiển trách Trung Quốc chẳng hạn. Interpol đã không làm gì hết mà chỉ ghi nhận ý muốn từ chức của ông Mạnh Hoành Vĩ.

RFI : Vụ lãnh đạo Interpol bị mất tích liệu có gây nên những hệ quả khác hay không ? Trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, phía Mỹ thường đả kích Trung Quốc là không tôn trọng nhà nước pháp quyền. Vụ việc này có làm Trung Quốc yếu thế thêm hay không ?

J.P. Béja : Phải thấy là bản chất chế độ Trung Quốc đã không thay đổi, nếu có thay đổi chăng thì chỉ thay đổi theo hướng tồi tệ hơn. Và dĩ nhiên là việc Bắc Kinh không tôn trọng nhà nước pháp quyền đã hoàn toàn lộ rõ ra ban ngày vào lúc này.

Còn về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, phải thấy là cuộc chiến đó có nhiều nguyên nhân khác nữa.

Hiện nay, sắp đến cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, ông Donald Trump muốn cho thấy là ông đặt "nước Mỹ hùng mạnh hơn" lên hàng đầu, ông Tập Cận Bình thì cũng muốn mang lại vinh quang cho Trung Quốc. Với vụ này, ông Tập vướng phải một điều rất tiêu cực, nhưng tôi không nghĩ là nó sẽ giúp củng cố vị trí của ông Trump ; nó có thể được sử dụng trong tuyên truyền, nhưng sẽ không làm thay đổi gì trong thực tế cuộc chiến thương mại.

********************

Trump : Chính quyền Obama "bất lực" trong chính sách Biển Đông (RFI, 10/10/2018)

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama "bất lực", không ngăn chặn được Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng ở Biển Đông khiến Hải Quân Trung Quốc hiện trở thành một mối đe dọa cho Hoa Kỳ trong khu vực đang có tranh chấp.

tq2

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 9/10/2018. Reuters/Jonathan Ernst

Theo trang Times of India, phát biểu với báo giới bên chiếc Air Force One ngày 09/10/2018, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định : "Chính quyền Obama đã bất lực trong chính sách về Biển Đông". Nhận định của tổng thống Donald Mỹ được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mike Pompeo đến Nhà Trắng trình bày kết quả chuyến công du Đông Á và các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tuần trước.

Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành nhiều cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong vùng Biển Đông và tham gia tập trận với nhiều nước trong khu vực. Một cuộc tập trận có quy mô lớn, huy động hải quân và không quân, sẽ được quân đội Mỹ tổ chức tại Biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11/2018, đúng thời điểm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines.

Ngày 09/10, Manila cho biết sẽ không tham gia cuộc tập trận quy mô trên của Mỹ. Tuy nhiên, theo South China Morning Post ngày 10/10, quân đội Philippines, lần đầu tiên, sẽ tham gia đợt thao dượt hải quân giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, dự kiến diễn ra từ ngày 22 đến 29/10.

Đây là chặng thứ hai trong kế hoạch thao dượt hải quân chung giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, bắt đầu vào tháng 08/2018, tại Singapore. Mục tiêu là luyện tập tìm kiếm chung, tổ chức cứu hộ theo Bộ Quy tắc Ứng xử về những chạm trán ngoài ý muốn trên biển (Code for Unplanned Encounters at Sea, CUES).

Thu Hằng

*****************

Cuộc chiến thương mại : Trung Quốc đang lo lắng' (BBC, 09/10/2018)

Trung Quốc vừa có một động thái cho thấy Bắc Kinh đang âm thầm đối phó với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

tq3

Trung Quốc đang bắt đầu lo lắng về cuộc chiến thương mại ?

Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa tuyên bố hôm 7/10 rằng sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 100 điểm cơ bản.

"Trung Quốc có lẽ đang phải đối mặt với thời kỳ tội tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu", Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập, người đã viết sách về hệ thống tài chính của Trung Quốc, nói với CNBC.

Đây là lần thứ tư ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải cắt giảm yêu cầu dự trữ trong năm nay.

Xung đột giữa với Hoa Kỳ đã ảnh hưởng thị trường chứng khoán và tiền tệ của Trung Quốc, và có những dấu hiệu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan đối với gần một nửa tổng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.

Trong khi đó Washington đe dọa sẽ đánh tiếp thuế lên tất cả các hàng nhập khẩu còn lại của Bắc Kinh.

Ngoài ra, chính quyền Trump còn cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ và thao túng tiền tệ.

tq4

Chứng khoán Trung Quốc rơi liên tục trong bốn ngày

Quyết định của ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng là dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lo lắng về một cuộc chiến thương mại kéo dài với Hoa Kỳ, các chuyên gia nhận định.

"Trung Quốc đang có chút lo lắng. Đang có nhiều cơn gió thổi ngược chiều nó và tôi nghĩ [Bắc Kinh] đã đúng đắn khi chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và kỳ vọng vào điều tốt đẹp nhất", Gareth Nicholson, người đứng đầu Ngân hàng Singapore, nói với CNBC.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 100 điểm cơ bản từ ngày 15/10.

750 tỷ nhân dân tệ (khoản 109 tỷ USD) tiền mặt sẽ được bơm vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Việc cắt giảm yêu cầu dự trữ sẽ giải phóng tiền cho các ngân hàng để cho vay lẫn nhau và cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Trung Quốc nhấn mạnh tháng trước, trong một bài báo 71 trang, rằng nền kinh tế của nó là "rất kiên cường" và Bắc Kinh không sợ một cuộc chiến thương mại.

Ông Nicholson lưu ý rằng nếu tình hình thương mại xấu đi hơn nữa, Trung Quốc vẫn sẽ có một số đòn bẩy để cứu nền kinh tế của mình vì Chủ tịch Tập Cận Bình có một ''nguồn vốn chính trị" khổng lồ sau khi trở thành Chủ tịch trọn đời.

"[Ông Tập] sẽ không phải lo lắng về một cuộc bầu cử nào khác trong sáu tháng, 12 tháng, hay 18 tháng. Ông ta có sự ổn định và như thế nếu bật lại, ông ta không cần phải lo lắng về việc 'điều này đẩy ngân sách ra quá nhiều, sẽ gây ra quá nhiều nợ", Nicholson nói thêm.

"Ông ta có thể giải quyết vấn đề nợ ba, bốn, năm năm sau đó", Nicholson nói.

Quay lại trang chủ
Read 445 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)