Nhật Bản và Mỹ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (RFA, 20/10/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật hôm thứ Sáu ngày 19/10 lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về những hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông, coi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông là không thể chấp nhận.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (giữa) và Bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn Jeong Kyeong-doo, bắt tay tại cuộc gặp ba bên ở Singapore hôm 19/10/2018 - AFP
Bộ trưởng các nước Mỹ và Nhật hiện đang ở Singapore dự cuộc gặp các Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và đối tác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua bất cứ nơi đâu được luật quốc tế cho phép, ý muốn nói khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Ông nói tiếp Hoa Kỳ không thể chấp nhận các hành động quân sự hoá ở Biển Đông và bất cứ hành động xâm lấn nào trong khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Nam Hàn cùng chung tay để ngăn cản một cường quốc thống trị toàn bộ vùng nước.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya với người đồng nhiệm Nguỵ Phượng Hoàng bên lề cuộc họp các Bộ trưởng, ông Iwaya nói rằng những cố gắng đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông là không thể chấp nhận được.
Bộ trưởng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng nói tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông hoàn toàn không bị đe doạ.
Trung Quốc trong các năm qua đã gia tăng việc xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra các đảo này làm dấy lên những lo ngại về hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông. Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được gây bất ổn trong khu vực bằng các hoạt động quân sự như vậy.
Trung Quốc nói rằng nước này chỉ thực hiện các hoạt động trên các đảo và vùng nước thuộc chủ quyền của nước này và chỉ nhằm mục đích phòng vệ và dân sự.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.
Các nước khác cũng đòi chủ quyền trên Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
*******************
Nhật - Trung đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng (RFI, 20/10/2018)
Bên lề hội nghị tại Singapore, ngày 19/10/2018, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc lần đầu tiên họp song phương kể từ ba năm qua. Theo thông cáo được đăng tải trên trang mạng của bộ Quốc Phòng Nhật Bản, hai ông Takeshi Iwaya và Ngụy Phượng Hòa đồng ý "cần nhanh chóng thiết lập một đường giây nóng tránh để xảy ra những sự cố giữa quân đội hai nước". Ngoài ra, hai vị bộ trưởng còn đồng ý tăng cường các cuộc trao đổi quân sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại hội nghi ở Singapore ngày 19/10/2018. Reuters
Về Biển Đông, tờ báo tài chính Nikkei tiết lộ, Bộ trưởng quốc phòng Nhật đã nói với đồng sự Trung Quốc là Tokyo sẽ không chấp nhận mọi thay đổi đơn phương trong vùng biển này. Ông Iwaya gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Đáp lời bộ trưởng Takeshi Iwaya, ông Ngụy Phượng Hòa trấn an là "các quyền tự do lưu thông trên biển không bị đe dọa".
Cuộc họp giữa các Bộ trưởng quốc phòng Takeshi Iwaya và Ngụy Phượng Hòa diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe chuẩn bị công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 27/10/2018. Đây sẽ là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản kể từ khi ông trở lại cầm quyền vào năm 2012.
Quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh đã nguội lãnh từ khi Tokyo khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trong vùng Biển Hoa Đông.
Thanh Hà
*******************
Vợ cựu Giám đốc Interpol mất tích tố cáo TQ ‘tàn ác’ và ‘bẩn thỉu’ (VOA, 20/10/2018)
Vợ của cựu lãnh đạo Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại cho tính mạng của chồng và sự an toàn của chính mình. Bà chỉ trích chính phủ Trung Quốc là "tàn ác" và "bẩn thỉu".
Bà Grace Meng, vợ Giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vĩ, tại một khách sạn ở Lyon, Pháp, ngày 7/10/2018.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời bà Grace Meng (Mạnh) trả lời phỏng vấn với BBC rằng : "Tôi nghĩ đây là đàn áp chính trị. Tôi không chắc là anh ấy còn sống", bà Grace nói trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Pháp, nơi có trụ sở Interpol mà ông Mạnh làm việc trước đây.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, cũng là một Thứ trưởng công an Trung Quốc, đã mất tích trong một chuyến đi về Trung Quốc hồi tháng trước.
Sau đó, ông từ chức lãnh đạo tổ chức cảnh sát quốc tế vào ngày 7/10 sau khi chính quyền Trung Quốc thông báo ông đang bị điều tra.
Bắc Kinh nói ông bị tình nghi nhận hối lộ.
"Tôi bảo (với con rằng) bố đang đi công tác dài ngày", bà Grace Meng nấc nghẹn nói trong cuộc phỏng vấn chỉ ghi hình từ sau lưng và giấu mặt bà.
Vợ của cựu Giám đốc Interpol nói rằng Trung Quốc "không có giới hạn" trong việc đàn áp chống lại những người đối đầu. Bà cho biết đã nhận được các cuộc gọi điện thoại đe dọa cho thấy bà đang bị "nhắm mục tiêu" ở Pháp.
"Họ rất tàn ác và bẩn thỉu", bà Grace nói với BBC.
"Tôi phải đứng lên. Tôi không muốn bất kỳ người vợ và đứa trẻ nào khác giống như tôi".
Cơ quan điều tra đang điều tra ông Mạnh, Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc, được phép giam giữ nghi phạm đến 6 tháng mà không cần phải cho họ tiếp xúc với bất kỳ tư vấn pháp lý nào.
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trừng phạt hơn một triệu quan chức, và nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân đã chán ngán với tệ nạn tham nhũng. Nhưng một số nhà phân tích nói chiến dịch này cũng giúp cho Chủ tịch Trung Quốc loại bỏ các đối thủ của mình.
Một trong những quan chức quyền lực nhất bị "trảm" gần đây là cựu Ủy viên Bộ Chính Trị-cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người đã thăng tiến cho ông Mạnh hơn một thập niên trước và đã bị kết án tù chung thân vào năm 2015.
Người thân của các quan chức ngã ngựa thường im lặng. Vì vậy, phát biểu thẳng thắn của bà Grace, theo AFP, là "chưa từng có" và rõ ràng gây "xấu hổ" cho Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực thúc đẩy để có đại diện cấp cao trong các cơ quan quốc tế. Việc ông Mạnh được bổ nhiệm ở Interpol được xem là một thành công lớn trong cuộc đua đó. Nhưng theo các chuyên gia chính trị, sự sụp đổ của ông Mạnh hiện nay có khả năng sẽ xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực này.