Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

RCEP và COC là hai hồ sơ được kỳ vọng hoàn thiện trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tiến độ của cả hai hồ sơ thương mại và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Cùng lúc, Trung Quốc tận dụng thời cơ dịch bệnh để tăng tốc hiện diện, phô diễn sức mạnh quân sự chèn ép các nước trong vùng, theo nhận định của nhiều nhà phân tích. 

rcep1

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN họp trực tuyến về tình hình dịch Covid-19. Việt Nam làm chủ tịch luôn phiên năm 2020. Ảnh chụp từ chính phủ Thái Lan, ngày 14/04/2020. © Thailand Government House/Handout via Reuters

Biển Đông : Mặt trận bên ngoài thứ 3 của Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã quen sách nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí, tầu cá, liên tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines. Chiến lược ngày càng hung hăng của Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến những xung đột mới với các nước lớn khác trong vùng, như Malaysia và Indonesia nằm sát gần những tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa ở Biển Đông.

"Hàng ngày có hàng chục tầu hải cảnh Trung Quốc khuấy đảo quanh các đảo ở Trường Sa và có hàng trăm tầu cá sẵn sàng ra khơi", theo nhận định của Greg Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), được trang CNN trích ngày 08/06/2020. Vẫn theo chuyên gia Poling, "những hòn đảo này đầy những radar giám sát. Chúng theo dõi được hết những gì xảy ra ở Biển Đông. Trong quá khứ, Trung Quốc không biết bạn khoan dầu ở đâu, giờ thì họ biết chính xác vị trí". Và dĩ nhiên kể cả mọi hoạt động của tầu thuyền trong vùng.

Về mặt hành chính, Trung Quốc ngang nhiên lập trái phép hai "quận" mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa, trực thuộc "thành phố Tam Sa" (Sansha) để hoàn thiện và củng cố hệ thống quản lý ở vùng biển chiến lược này. Về quân sự, Hải quân Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông từ cuối tháng 04 đến đầu tháng 05/2020, trong đó có cả tầu sân bay Liêu Ninh tham gia. Ngân sách quốc phòng cũng được Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu tăng thêm 6,6%. Về điểm này, giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân Sự Pháp (IRSEM) nhận định với RFI tiếng Việt :

"Kỳ họp Quốc hội hàng năm là sự kiện lớn, quan trọng đối với chính trị Trung Quốc. Kỳ họp lần này diễn ra sau đỉnh điểm khủng hoảng dịch tễ Covid-19 trong khi cách xử lý dịch của Trung Quốc bị phản đối từ trong nước lẫn ở nước ngoài, đặc biệt phải kể đến việc tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với quốc tế.

Trong bối cảnh căng thẳng, chính quyền Bắc Kinh cần phải khuấy động tinh thần dân tộc nhằm tái thể hiện sức mạnh Trung Quốc trước một sự kiện mang ý nghĩa lớn, đó là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 (ngày 23/07/1921). Chính quyền trung ương tỏ rõ quyết tâm trong việc tập hợp, tăng cường đoàn kết dân tộc và khẳng định vị trí cường quốc bên trong lãnh thổ cũng như ở các vùng ngoại vi của nước này, như Đài Loan, Hồng Kông và mặt trận bên ngoài thứ ba chính là Biển Đông. Trong cả ba trường hợp, tầm cỡ tinh thần quốc gia và chính sách đối nội đều rất quan trọng".

ASEAN : Tìm ngoại lực nhưng cần đoàn kết nội lực

Biển Đông trở thành lá bài cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Không dừng ở việc tăng cường cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS) trên không và trên biển, Mỹ tiếp tục hỗ trợ trực tiếp nhiều nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc : Chỉ tính từ đầu năm 2020, tầu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng Việt Nam (tháng 03), chiến hạm Mỹ "hiện diện" gần khu vực giàn thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia (tháng 04), tặng nhiều máy bay không người lái cho Hải quân Malaysia (tháng 05)…

Ngoài Philippines, ba nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia, đã tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và phản đối yêu sách của Bắc Kinh. Trên phương diện ngoại giao, ba nước lần lượt gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối "đường 9 đoạn" của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.

Phía Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc đe dọa ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông, nhưng tiếp tục khẳng định lập trường đàm phán để giải quyết tranh chấp trong Sách Trắng Quốc Phòng 2019 :

"Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ ổn định tình hình ở Biển Đông ; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà cả hai nước đều là thành viên ký kết ; nghiêm chỉnh thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc ; tuân thủ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước ; Việt Nam ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông ; không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".

Một sự kiện khác được nhiều chuyên gia nêu làm ví dụ cho những thay đổi tích cực mới trong quan hệ giữa Hà Nội và Washington, đó là Việt Nam, cũng như New Zealand và Hàn Quốc được mời tham gia cuộc họp trực tuyến "Quad Plus" ngày 27/03/2020 với "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, trong đó nhiệm vụ chính của Quad là đoàn kết chống đà bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhận định trên là "hơi vội vàng", theo đánh giá của chuyên gia Pháp Benoît de Tréglodé :

"Đây là sự tham gia không chính thức, trong khuôn khổ xử lý dịch Covid-19 do chiến lược chống dịch của Việt Nam và Hàn Quốc là ví dụ hữu ích cho các đối tác trong vùng. Đó không phải là sự thay đổi của Việt Nam về lôgic liên minh, có nghĩa là thiên về phương Tây hay ngả theo Mỹ trong khu vực. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không hề có ý định thể hiện thái độ như vậy trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam...

Năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Việt Nam chủ tịch luân phiên của khối ASEAN, còn nước Lào bé nhỏ thì điều phối quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Tôi không thấy là ASEAN sẽ xem xét lại khuôn khổ quan hệ giữa khối với hai đại cường như thế nào. Mười nước ASEAN đã tái thể hiện rõ ràng trước Mỹ và quốc tế rằng họ không muốn bị ép phải chọn làm đồng minh với bên này mà không phải bên kia. Dĩ nhiên họ muốn được tiếp tục hưởng sự che chở từ Hoa Kỳ, mà vẫn duy trì được mối quan hệ, trong đó có lĩnh vực kinh tế rất có lợi với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc".

Khó kỳ vọng đúc kết COC trong nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam

Nửa đầu năm nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã bị dịch Covid-19 bao phủ. Các cuộc họp chỉ được tiến hành trực tuyến thông qua cầu truyền hình, thiếu tiếp xúc trực tiếp, trong khi các cuộc họp song phương, đa phương bên lề các thượng đỉnh hoặc thời điểm nghỉ ngơi tiếp xúc hậu trường thường là những cơ hội để trao đổi hiệu quả để đi đến một thỏa thuận, theo giáo sư Jay Batongbacal, chuyên ngành vấn đề hàng hải, đại học Philippines, được trang VOA trích dẫn ngày 08/06/2020.

Thiếu những cuộc gặp trực tiếp cũng là một bất lợi để có thể làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, theo ý kiến của ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé nhận định :

"Cuối cùng, trong khuôn khổ quan hệ Mỹ-Trung và ASEAN, còn có một yếu tố quan trọng, đó là cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) để có được một công cụ điều chỉnh liên quốc gia về những căng thẳng ở trong vùng. Về điểm này, ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến việc Bộ Quy tắc Ứng xử COC trong tương lai phải bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong khi đây là điểm bất đồng giữa Trung Quốc và các nước đối tác Đông Nam Á...

Mục đích đầu tiên của COC là tạo lập quan hệ song phương giữa Trung Quốc và khối ASEAN, từng bước triển khai một cơ chế điều tiết các thách thức về an ninh trong vùng và loại khỏi khu vực này mọi yếu tố nước ngoài và dĩ nhiên là kể cả sự can thiệp của Mỹ. Đây là thách thức lớn trong cuộc đàm phán hiện nay, vì dĩ nhiên, Hoa Kỳ, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, không muốn cảm thấy bị gạt khỏi một khu vực qua lại và trung chuyển quan trọng.

Vì thế, theo tôi, đây là một trong những yếu tố giải thích rằng các cuộc đàm phán về COC có nguy cơ bị kéo dài, thêm vào đó là bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cũng như những căng thẳng thực sự bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc. Với tôi, văn kiện này khó có thể được đưa ra vào năm nay".

Thái độ cứng rắn của Washington trước những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện một lần nữa trong công thư gửi lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 01/06/2020, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016. ASEAN có thêm một tiếng nói ủng hộ có trọng lượng của Mỹ.

"Trung Quốc có lẽ đã tự đánh giá quá cao khi tỏ thái độ hăm dọa và hiếu chiến như vậy. Điều này tạo cơ hội cho những nước bị đe dọa liên kết với nhau. Trung Quốc càng tấn công, các đối tác trong liên minh đó lại càng đoàn kết và đẩy lùi Trung Quốc". Đây là đánh giá khá đầy đủ về tình hình hiện nay ở Biển Đông, được giáo sư James Holmes, Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College), đưa ra trong một hội thảo vào tháng 05/2020 và được CNN trích dẫn.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 15/06/2020

Published in Diễn đàn

Dịch virus corona - Covid-19 cho thấy thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong số 10 nước Đông Nam Á, Việt Nam có lẽ là nước bị ảnh hưởng trực tiếp, do mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không, du lịch-dịch vụ, đến cung cấp nguyên vật liệu, giao thương… với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt khoảng 117 tỉ đô la, xấp xỉ 19% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019.

lethuoc1

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc đặc biệt về bệnh coronavirus được tổ chức hôm thứ Năm tại thủ đô Viêng Chăn của Lào ngày 20/02/2020

Theo giới chuyên gia, dịch Covid-19 cũng là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất-nhập khẩu để tránh bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó phải kể đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ năm 2020. Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á, ngay sát sườn, vẫn chưa được Việt Nam khai thác hết tiềm năng, trong khi đây là một thị trường trẻ và năng động.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng các nước ASEAN đã không biết tận dụng hết tiềm năng dân số và đã đến lúc "có thể làm điều này". Tại Hội nghị Cấp cao Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2019 (ABIS-2019) ngày 02/11/2019, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok-Nonthaburi, thủ tướng Malaysia lấy ví dụ của Trung Quốc, "trong vòng 10 năm, Trung Quốc đã vượt xa mọi nền kinh tế khác và trở thành cường quốc kinh tế thế giới", nhờ tận dụng triệt để quy mô dân số lớn.

Tận dụng thị trường lớn thứ ba thế giới

Với 650 triệu dân, ASEAN trở thành khu vực đông dân thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt là hơn một nửa số dân trong độ tuổi trẻ. ASEAN cũng là nền kinh tế thế giới năng động thứ ba tại Châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản, và đứng thứ bẩy trên thế giới. Theo trang Statista.com, ước tính tổng GDP của ASEAN năm 2018 lên tới xấp xỉ 2,95 nghìn tỷ đô la, tăng đáng kể so với mức 2,2 nghìn tỷ đô la năm 2017. Kết quả này phản ánh nền kinh tế thịnh vượng của khu vực.

ASEAN là một đối tác thương mại rất quan trọng, "là cánh cửa hướng ra thế giới" của Việt Nam, theo phát biểu của bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, được trang Le Courrier du Vietnam trích đăng ngày 28/01/2020. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện để có sức cạnh tranh hơn, đặc biệt kể từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập năm 2015.

Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, được chọn tham gia triển lãm bên lề Hội nghị Cấp cao Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2019 (ABIS-2019) tại Bangkok-Nonthaburi, là một ví dụ cho việc doanh nghiệp Việt Nam đổi mới để thích nghi với thị trường quốc tế.

Anh Nguyễn Hoàng Hân, phụ trách xuất khẩu chung của công ty Điện Quang, giải thích với RFI tiếng Việt về những ưu điểm giúp Điện Quang được chọn tham gia triển lãm bên lề Hội nghị ABIS-2019 :

"Được chọn là một trong hai thương hiệu quốc gia được trưng bày ở sản phẩm, được giới thiệu về thương hiệu đến cộng đồng quốc tế, đây quả là một vinh dự của thương hiệu Điện Quang. Theo xu hướng của hiện đại, ngoài sản phẩm truyền thống, Điện Quang còn triển lãm những sản phẩm thông minh Smart Lighting và những công nghệ, cũng như giải pháp dành cho những căn hộ, nhà xưởng, thậm chí là thành phố thông minh. Với chiến lược đó, Điện Quang được thành phố cũng như chính phủ hỗ trợ để phát triển những công nghệ mới.

Đồng thời, Điện Quang luôn giữ tiêu chí của mình, đó là an toàn, chất lượng và thẩm mỹ cho sản phẩm, không ngừng đáp ứng về mẫu mã, cũng như về công nghệ. Đây cũng là một trong những đặc trưng độc đáo nhằm phát lên một thông điệp dành cho bạn bè quốc tế, đó là Việt Nam cũng có những doanh nghiệp bền vững, phát triển theo công nghệ 4.0 của thế giới. Chúng tôi có một thương hiệu lâu đời, nhưng cũng bắt được những xu hướng phát triển của thời đại".

ASEAN, thị trường tiềm năng và đầy cạnh tranh

So với các doanh nghiệp trong vùng, doanh nghiệp Việt Nam có một số khó khăn, như yếu hơn về vốn, về khả năng quản lý, kỹ năng ngôn ngữ… Trong một bài viết ngày 25/07/2019, Tạp chí Tài chính trích một số nhận định của một số doanh nhân, chuyên gia về thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước hết là mù mờ về thị trường. Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Hải, tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại dịch vụ Quy Phúc, cho rằng "các doanh nghiệp Việt Nam nên mạnh dạn đầu tư nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ chuyên ngành tại nước sở tại để đưa ra những chiến lược phù hợp với đơn vị mình". Thứ hai, cần phải sáng tạo, "doanh nghiệp nào nắm được công nghệ, sản phẩm độc đáo thì sẽ bán được vào thị trường ASEAN". Thứ ba, các doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng cơ hội để tiếp cận thị trường ASEAN.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sản phẩm mang tính cạnh tranh của các nước thành viên khác cũng có cơ hội chinh phục người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, cũng như đối với Điện Quang, theo nhận định của anh Nguyễn Hoàng Hân :

"ASEAN là một thị trường rất tiềm năng, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều thử thách và khó khăn trước mắt. Cạnh tranh cũng rất khốc liệt. ASEAN có 11 nước thành viên, nhưng trong đó có khoảng 4 đến 5 nước có ngành công nghệ chiếu sáng rất phát triển, ngoài Việt Nam, còn có Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Những quốc gia này có những nhà máy, những thương hiệu đèn, cũng như công nghệ chiếu sáng rất phát triển. Đây quả thực là một khó khăn đối với Điện Quang khi cạnh tranh, cũng như thâm nhập vào những thị trường này.

Bên cạnh đó cũng có những mặt tiềm năng, như những thị trường đang phát triển, ví dụ Miến Điện, Cam Bốt, những thị trường này có cơ sở hạ tầng cũng đang phát triển. Đây cũng là những dự án mà Điện Quang đang hướng tới để cung cấp những thiết bị đèn, cũng như là các giải pháp thông minh cho những đất nước đang phát triển như này.

Quả thực, để thâm nhập vào những thị trường này, chiến lược của Điện Quang, thứ nhất, chất lượng luôn phải đảm bảo. Thứ hai, giá thành lúc nào cũng phải cạnh tranh. Thứ ba, luôn tiếp nhận phản hồi từ thị trường để kịp thời cải tiến và phát triển mẫu mã sản phẩm luôn đáp ứng được những yêu cầu thay đổi mỗi ngày của thị trường cũng như người tiêu dùng".

Phải chấp nhận tư duy ra "biển lớn"

Ông Nguyễn Công Danh, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt An Khang, được Tạp chí Tài chính (25/07/2019) trích dẫn, nhận định : 

"Ở thị trường ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ với các doanh nghiệp bản địa mà từ các đối thủ toàn cầu, đặc biệt là các nhà sản xuất từ Trung Quốc. Doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa về chất lượng, phải chấp nhận tư duy ra "biển lớn" chứ không phải sản xuất nhỏ".

Đây cũng là chiến lược được công ty cổ phần Điện Quang triển khai từ lâu. Anh Nguyễn Hoàng Hân cho biết công ty đã cố gắng từ nhiều thập niên để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước, qua đó đạt được danh hiệu "Hàng tiêu dùng chất lượng cao" của Thương Hiệu Việt.

"Để đưa những sản phẩm của mình vào thị trường, nói chung là cao cấp ngang hoặc cao hơn Việt Nam, như Thái Lan chẳng hạn, thì đó quả là một bài toán khó đối với không chỉ Điện Quang mà còn với các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chúng tôi luôn tìm ra những đặc trưng của sản phẩm. Đối với những tiêu chuẩn cơ bản, chắc chắn là phải đáp ứng được. Ngoài ra, chúng tôi còn phải đưa ra những điểm khác biệt, những đặc trưng sản phẩm của chúng tôi. Ví dụ, chúng tôi giới thiệu những loại đèn giải pháp thông minh, có thể điều chỉnh từ xa bằng các công nghệ như wifi, bluetooth, hoặc là những công nghệ thông minh hơn, rồi có những sản phẩm cảm biến, cảm biến chuyển động, cảm biến ánh sáng…

Đó là những sản phẩm mà chúng tôi mang đến, nhưng giá trị của sản phẩm thì luôn được đặt lên hàng đầu : Đó là làm sao phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, làm sao đánh đúng nhu cầu sử dụng của các nhà đầu tư chẳng hạn. Đó là điểm mà chúng tôi luôn hướng đến khi tiếp xúc với các nhà phân phối ở Thái Lan, hoặc khi thâm nhập vào thị trường Thái Lan, chúng tôi có thể nói mẫu mã của Điện Quang đặc sắc, mà giá thành thì hợp với túi tiền người tiêu dùng".

Theo thống kê được trang Le Courrier du Vietnam đăng ngày 28/01/2020, trao đổi mậu dịch giữa Việt Nam và các thành viên khác trong khu vực đạt khoảng 60 tỉ đô la năm 2019, so với khoảng 45,23 tỉ năm 2017. Ngoài những lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh như nông phẩm, thủy sản, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng mặt hàng xuất khẩu, tận dụng những ưu đãi thuế quan trong khu vực ASEAN, vị trí thuận lợi trong hành lang Đông-Tây di chuyển hàng hóa…

Một số chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải thiện ngay chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cũng như cách trưng bày, giới thiệu mặt hàng vì "một khi sản phẩm Việt Nam bị định hình là hàng rẻ tiền, việc thay đổi nhận diện sản phẩm là rất khó", theo khyến cáo của ông Nguyễn Đương Kiên, Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi (bộ Công Thương).

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 02/03/2020

Published in Diễn đàn

Các nước Châu Á sợ Trung Quốc nhưng một số sẽ không đứng về phía Mỹ (RFI, 10/06/2019)

Trong một bài phân tích ngày 06/06/2019, tuần báo Anh The Economist cho rằng : "Dù các nước Châu Á có thể không ưa thích kiểu cách bắt nạt của Trung Quốc, nhưng họ cũng có những thắc mắc, ưu tư đối với Mỹ".

thuongchien1

Lãnh đạo bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc tại diễn đàn an ninh Shangri-La. Ảnh ngày 31/05/2019.Reuters

Vào đầu tháng 6/2019 này, nhân cuộc Đối Thoại Shangri-La ở Singapore, diễn đàn an ninh quan trọng nhất tại Châu Á, bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, với trọng tâm là xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết hợp các nước Châu Á chống lại đường lối bị cho là ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc. Có mặt tại Singapore, quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ra sức thuyết phục các nước về chiến lược của Washington.

Câu hỏi hóm hỉnh mà tác giả bài viết đặt ra, là làm thế nào để mua chuộc một bộ trưởng Quốc phòng đã có tất cả ? - ý nói đến bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Bằng một tập ảnh "đẹp đẽ" về tàu Bắc Triều Tiên đã nhận dầu hỏa một cách phi pháp trên biển chăng ?

Đó là điều mà theo tác giả bài báo, quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Patrick Shanahan, đã làm với đồng nhiệm Trung Quốc, khi ông cho tướng Ngụy Phượng Hòa xem một bộ không ảnh. Hai bên gặp nhau tại Đối Thoại Shangri–La, diễn ra từ ngày 31/05 đến 02/06/2019 tại Singapore, tập hợp các gương mặt quân sự quan trọng nhân một hội nghị thường niên.

Hành động của ông Shanahan là một cử chỉ để xoa dịu đối phương trong thời kỳ căng thẳng. Khi được The Economist hỏi về những điều mà ông dự kiến nói với tướng Ngụy Phượng Hòa trong cuộc trao đổi song phương, câu trả lời của ông Shanahan không phải là những lời chỉ trích Hoa Vi hay chỉ trích chính sách Trung Quốc ở Biển Đông, mà là thái độ "hứng khởi" của ông trước việc thăm dò được các địa hạt hợp tác với Trung Quốc.

Hành động của Bắc Triều Tiên vi phạm trừng phạt quốc tế, và diễn ra trên các vùng biển Trung Quốc, là chủ đề hàng đầu.

Việc hợp tác như thế cho thấy là Mỹ và Trung Quốc có thể "cạnh tranh với nhau một cách xây dựng".

Ngày 01/06, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch cho cuộc tranh đua này trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trọng tâm là ý tưởng về một vùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - (FOIP hay Free and Open Indo-Pacific), một khái niệm chung chung mờ ảo của Nhật Bản mà chính quyền Trump đã phấn khởi thu nhận và phát triển.

FOID là phản ứng thượng tôn luật pháp chống lại Trung Quốc

Về cơ bản, FOID là phản ứng trên tinh thần tôn trọng luật pháp để chống lại chủ trương của Trung Quốc về vùng ảnh hưởng, về chính sách ngoại giao pháo hạm, và những khoản cho vay mờ ám. Trong báo cáo của mình, Lầu Năm Góc cảnh báo "Không quốc gia nào có thể hay có quyền thống trị vùng Ấn Độ Thái Bình Dương".

Theo The Economist, khái niệm cạnh tranh có trách nhiệm của quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngược lại với quan điểm va chạm văn minh của một số đồng nghiệp của ông, rất đáng được hoan nghênh. Khái niệm này cũng sáng suốt. Các quốc gia Châu Á sẽ hưởng ứng FOIP nếu họ tin là Mỹ không tìm cách gây chiến.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ quả là đang đứng trước một việc làm vô cùng khó khăn, khi vừa phải ổn định quan hệ với Trung Quốc, vừa phải vận động các đối tác để chống lại Trung Quốc.

Về cành ô liu mà Mỹ chìa ra cho ông, tướng Ngụy Phượng Hòa đã không ngần ngại bẻ nó ra thành từng đoạn. Trong phát biểu ngày 02/06, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã trích dẫn quốc ca của Trung Quốc - "Đứng lên ! Những người không muốn làm nô lệ ! Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng Trường Thành mới !" – để cảnh cáo là quân đội Trung Quốc không sợ hy sinh. Ông cũng không hứa là sẽ không sử dụng sức mạnh đối với Đài Loan.

Trước những lời lẽ hăm dọa đó, người ta có thể nghĩ là các quốc gia Châu Á sẽ đổ xô nhau ủng hộ chiến lược FOID và lao vào vòng tay của Mỹ. Một số nước đã làm như thế.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong nhiệm kỳ hai sẽ thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng với Mỹ. Nhật Bản thì củng cố lực lượng quân sự và gởi tàu đến Biển Đông. Các quan chức Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản – thuộc nhóm Bộ Tứ, hội ý thường xuyên hơn, lần gần đây là vào ngày 31/05/2019.

Không phải nước ASEAN nào cũng tin Mỹ

Người ta cũng có thể tưởng tượng ra việc hiệp hội Đông Nam Á ASEAN sẽ là nòng cốt của FOID. Nhưng vấn đề là không phải tất cả các quốc gia trong ASEAN đều hưởng ứng FOID. Lý do là có nhiều nước không tin tưởng là Mỹ sẽ thật sự bám trụ lâu dài trong lúc mà giá phải trả cho bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc ngày sẽ tăng cao. Do đó họ tự hỏi là tại sao phải liều mình chọc giận Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã than thở : "Tàu tuần duyên Trung Quốc còn to hơn tàu chiến của Malaysia".

Ông Shanahan đã ra sức trấn an. Ông khẳng định Ấn Độ Thái Bình Dương là ‘địa bàn ưu tiên’ của Mỹ, với một lực lương đông gấp 4 lần nơi khác, với số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông cũng gia tăng và được tiến hành thường xuyên. Chỉ riêng trong tháng 5 đã có 2 chiến dịch tương tự.

Nhưng sức mạnh quân sự chỉ là một phần. Vấn đề rộng lớn hơn là chính sách ngoại giao cứng rắn và khó lường của ông Trump không phù hợp lắm với các quy tắc của FOIP.

Căng thẳng với Iran đã thu hút sự quan tâm của Mỹ trở lại vùng Trung Đông. Việc áp thuế quan đã phá vỡ quy tắc thương mại dựa trên luật lệ, sự thiếu quan tâm của ông Trump đối với nhân quyền khó mà giúp cho phát triển quyền tự do.

Đối với nhiều người ở Châu Á, cuộc chiến của Mỹ chống Hoa Vi hay trừng phạt những người mua vũ khí của Nga hay dầu hỏa Iran cũng đáng ngại không kém gì "bộ dụng cụ cưỡng bức của Trung Quốc" như ông Shanahan nêu lên.

Đối với The Economist, so sánh như trên quả là không công bằng. Một trật tự Châu Á do Trung Quốc nhào nặn sẽ còn tồi tệ, khó thở hơn là bất kỳ phương sách gì của ông Trump. Việc tướng Ngụy Phượng Hòa bảo vệ vụ đàn áp Thiên An Môn được ông gọi là một "chính sách đúng đắn" mang lại sự ổn định cho Trung Quốc để trở nên giàu có hơn chỉ là những lập luận mang tính chất ý thức hệ.

Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã đi theo chiến lược FOIP. Thái độ thông cảm của Singapore và Việt Nam đã khá rõ. Nhưng phần đông các nước ASEAN rất ghét việc phải chọn phe cho dù vẫn có thái độ nghi ngại ý đồ của Trung Quốc ngày càng lan rộng.

Mai Vân

*********************

Thương chiến Mỹ-Trung : Hà Nội sẽ chống hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam (RFI, 10/06/2019)

Chính quyền Việt Nam cam kết sẽ bài trừ tệ nạn hàng Trung Quốc được đưa vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu với nhãn hiệu "Làm tại Việt Nam", để tránh lệnh áp thuế của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Hà Nội lo ngại bị Mỹ trừng phạt lây.

thuongchien2

Một dây chuyền của nhà máy sản xuất thiết bị súng Yakesa Tactical Gear Co, chuyên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 01/06/2019 Reuters/Jason Lee

Theo bản tin của Reuters ngày 10/06/2019, hải quan Việt Nam cho biết phát hiện rất nhiều vụ lách né lệnh áp thuế xuất khẩu 25% của Mỹ từ khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra. "Giả mạo xuất xứ, đóng lại bao bì bất hợp pháp thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm và gỗ ép".. của Trung Quốc, theo một bản thông cáo của Tổng cục Hải quan.

Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tìm cách chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…nếu thương chiến kéo dài, hải quan cảnh báo.

Hàng Trung Quốc nhưng có giấy chứng nhận gốc Việt Nam

Cụ thể là một số công ty Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bao bì, dán nhãn "Made in Vietnam", xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…

Cũng theo thông cáo của Tổng cục Hải quan được Reuters trích dẫn, Việt Nam đang tiến hành một số thủ tục cho phép "kiểm soát nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu và sẽ trừng phạt răn đe những kẻ phạm pháp".

Trước nguy cơ Việt Nam biến thành trạm trung chuyển tái xuất khẩu hàng Trung Quốc, một đại biểu thuộc Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Việt Nam cảnh cáo coi chừng bị Mỹ trừng phạt lây.

Trong một bản tuyên bố, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh lên án thủ đoạn này "làm hại cho uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam".

Tình trạng nêu trên được báo chí Việt Nam đề cập rộng rãi nhưng không ai rõ vì sao "cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ" lại có hành động làm hại mặt hàng Việt Nam chính gốc.

Tú Anh

Published in Châu Á