Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/06/2020

Biển Đông : Có ngoại lực, thiếu đoàn kết, Việt Nam - ASEAN vẫn bị Trung Quốc ép

Thu Hằng

RCEP và COC là hai hồ sơ được kỳ vọng hoàn thiện trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 nhưng dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tiến độ của cả hai hồ sơ thương mại và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông. Cùng lúc, Trung Quốc tận dụng thời cơ dịch bệnh để tăng tốc hiện diện, phô diễn sức mạnh quân sự chèn ép các nước trong vùng, theo nhận định của nhiều nhà phân tích. 

rcep1

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN họp trực tuyến về tình hình dịch Covid-19. Việt Nam làm chủ tịch luôn phiên năm 2020. Ảnh chụp từ chính phủ Thái Lan, ngày 14/04/2020. © Thailand Government House/Handout via Reuters

Biển Đông : Mặt trận bên ngoài thứ 3 của Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã quen sách nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí, tầu cá, liên tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines. Chiến lược ngày càng hung hăng của Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến những xung đột mới với các nước lớn khác trong vùng, như Malaysia và Indonesia nằm sát gần những tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa ở Biển Đông.

"Hàng ngày có hàng chục tầu hải cảnh Trung Quốc khuấy đảo quanh các đảo ở Trường Sa và có hàng trăm tầu cá sẵn sàng ra khơi", theo nhận định của Greg Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), được trang CNN trích ngày 08/06/2020. Vẫn theo chuyên gia Poling, "những hòn đảo này đầy những radar giám sát. Chúng theo dõi được hết những gì xảy ra ở Biển Đông. Trong quá khứ, Trung Quốc không biết bạn khoan dầu ở đâu, giờ thì họ biết chính xác vị trí". Và dĩ nhiên kể cả mọi hoạt động của tầu thuyền trong vùng.

Về mặt hành chính, Trung Quốc ngang nhiên lập trái phép hai "quận" mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa, trực thuộc "thành phố Tam Sa" (Sansha) để hoàn thiện và củng cố hệ thống quản lý ở vùng biển chiến lược này. Về quân sự, Hải quân Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông từ cuối tháng 04 đến đầu tháng 05/2020, trong đó có cả tầu sân bay Liêu Ninh tham gia. Ngân sách quốc phòng cũng được Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu tăng thêm 6,6%. Về điểm này, giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân Sự Pháp (IRSEM) nhận định với RFI tiếng Việt :

"Kỳ họp Quốc hội hàng năm là sự kiện lớn, quan trọng đối với chính trị Trung Quốc. Kỳ họp lần này diễn ra sau đỉnh điểm khủng hoảng dịch tễ Covid-19 trong khi cách xử lý dịch của Trung Quốc bị phản đối từ trong nước lẫn ở nước ngoài, đặc biệt phải kể đến việc tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Trung Quốc phải chịu trách nhiệm với quốc tế.

Trong bối cảnh căng thẳng, chính quyền Bắc Kinh cần phải khuấy động tinh thần dân tộc nhằm tái thể hiện sức mạnh Trung Quốc trước một sự kiện mang ý nghĩa lớn, đó là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 (ngày 23/07/1921). Chính quyền trung ương tỏ rõ quyết tâm trong việc tập hợp, tăng cường đoàn kết dân tộc và khẳng định vị trí cường quốc bên trong lãnh thổ cũng như ở các vùng ngoại vi của nước này, như Đài Loan, Hồng Kông và mặt trận bên ngoài thứ ba chính là Biển Đông. Trong cả ba trường hợp, tầm cỡ tinh thần quốc gia và chính sách đối nội đều rất quan trọng".

ASEAN : Tìm ngoại lực nhưng cần đoàn kết nội lực

Biển Đông trở thành lá bài cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Không dừng ở việc tăng cường cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOPS) trên không và trên biển, Mỹ tiếp tục hỗ trợ trực tiếp nhiều nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc : Chỉ tính từ đầu năm 2020, tầu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm cảng Đà Nẵng Việt Nam (tháng 03), chiến hạm Mỹ "hiện diện" gần khu vực giàn thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia (tháng 04), tặng nhiều máy bay không người lái cho Hải quân Malaysia (tháng 05)…

Ngoài Philippines, ba nước khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc gồm Việt Nam, Malaysia và Indonesia, đã tỏ ra mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và phản đối yêu sách của Bắc Kinh. Trên phương diện ngoại giao, ba nước lần lượt gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối "đường 9 đoạn" của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.

Phía Việt Nam không nêu đích danh Trung Quốc đe dọa ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở Biển Đông, nhưng tiếp tục khẳng định lập trường đàm phán để giải quyết tranh chấp trong Sách Trắng Quốc Phòng 2019 :

"Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ ổn định tình hình ở Biển Đông ; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà cả hai nước đều là thành viên ký kết ; nghiêm chỉnh thực hiện DOC, tiến tới xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc ; tuân thủ thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước ; Việt Nam ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông ; không có hành động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực".

Một sự kiện khác được nhiều chuyên gia nêu làm ví dụ cho những thay đổi tích cực mới trong quan hệ giữa Hà Nội và Washington, đó là Việt Nam, cũng như New Zealand và Hàn Quốc được mời tham gia cuộc họp trực tuyến "Quad Plus" ngày 27/03/2020 với "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, trong đó nhiệm vụ chính của Quad là đoàn kết chống đà bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhận định trên là "hơi vội vàng", theo đánh giá của chuyên gia Pháp Benoît de Tréglodé :

"Đây là sự tham gia không chính thức, trong khuôn khổ xử lý dịch Covid-19 do chiến lược chống dịch của Việt Nam và Hàn Quốc là ví dụ hữu ích cho các đối tác trong vùng. Đó không phải là sự thay đổi của Việt Nam về lôgic liên minh, có nghĩa là thiên về phương Tây hay ngả theo Mỹ trong khu vực. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam không hề có ý định thể hiện thái độ như vậy trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam...

Năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Việt Nam chủ tịch luân phiên của khối ASEAN, còn nước Lào bé nhỏ thì điều phối quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Tôi không thấy là ASEAN sẽ xem xét lại khuôn khổ quan hệ giữa khối với hai đại cường như thế nào. Mười nước ASEAN đã tái thể hiện rõ ràng trước Mỹ và quốc tế rằng họ không muốn bị ép phải chọn làm đồng minh với bên này mà không phải bên kia. Dĩ nhiên họ muốn được tiếp tục hưởng sự che chở từ Hoa Kỳ, mà vẫn duy trì được mối quan hệ, trong đó có lĩnh vực kinh tế rất có lợi với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc".

Khó kỳ vọng đúc kết COC trong nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam

Nửa đầu năm nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam đã bị dịch Covid-19 bao phủ. Các cuộc họp chỉ được tiến hành trực tuyến thông qua cầu truyền hình, thiếu tiếp xúc trực tiếp, trong khi các cuộc họp song phương, đa phương bên lề các thượng đỉnh hoặc thời điểm nghỉ ngơi tiếp xúc hậu trường thường là những cơ hội để trao đổi hiệu quả để đi đến một thỏa thuận, theo giáo sư Jay Batongbacal, chuyên ngành vấn đề hàng hải, đại học Philippines, được trang VOA trích dẫn ngày 08/06/2020.

Thiếu những cuộc gặp trực tiếp cũng là một bất lợi để có thể làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, theo ý kiến của ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Biển Đông hiện là một trong những điểm nóng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé nhận định :

"Cuối cùng, trong khuôn khổ quan hệ Mỹ-Trung và ASEAN, còn có một yếu tố quan trọng, đó là cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) để có được một công cụ điều chỉnh liên quốc gia về những căng thẳng ở trong vùng. Về điểm này, ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến việc Bộ Quy tắc Ứng xử COC trong tương lai phải bao gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong khi đây là điểm bất đồng giữa Trung Quốc và các nước đối tác Đông Nam Á...

Mục đích đầu tiên của COC là tạo lập quan hệ song phương giữa Trung Quốc và khối ASEAN, từng bước triển khai một cơ chế điều tiết các thách thức về an ninh trong vùng và loại khỏi khu vực này mọi yếu tố nước ngoài và dĩ nhiên là kể cả sự can thiệp của Mỹ. Đây là thách thức lớn trong cuộc đàm phán hiện nay, vì dĩ nhiên, Hoa Kỳ, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ, không muốn cảm thấy bị gạt khỏi một khu vực qua lại và trung chuyển quan trọng.

Vì thế, theo tôi, đây là một trong những yếu tố giải thích rằng các cuộc đàm phán về COC có nguy cơ bị kéo dài, thêm vào đó là bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cũng như những căng thẳng thực sự bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc. Với tôi, văn kiện này khó có thể được đưa ra vào năm nay".

Thái độ cứng rắn của Washington trước những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện một lần nữa trong công thư gửi lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 01/06/2020, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài năm 2016. ASEAN có thêm một tiếng nói ủng hộ có trọng lượng của Mỹ.

"Trung Quốc có lẽ đã tự đánh giá quá cao khi tỏ thái độ hăm dọa và hiếu chiến như vậy. Điều này tạo cơ hội cho những nước bị đe dọa liên kết với nhau. Trung Quốc càng tấn công, các đối tác trong liên minh đó lại càng đoàn kết và đẩy lùi Trung Quốc". Đây là đánh giá khá đầy đủ về tình hình hiện nay ở Biển Đông, được giáo sư James Holmes, Trường Hải Chiến Mỹ (US Naval War College), đưa ra trong một hội thảo vào tháng 05/2020 và được CNN trích dẫn.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 15/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 595 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)