Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) sẽ tham gia và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ diễn ra vào tuần tới tại Copenhagen, Đan Mạch. Sự kiện được dự đoán sẽ làm Trung Quốc ‘nóng mặt’.
2020 Copenhagen Democracy Summit
Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ Copenhagen được tổ chức bởi Liên minh Dân chủ, một nhóm được thành lập bởi cựu Tổng thư ký Nato và cũng là cựu Thủ tướng Đan Mạch, ông Anders Fogh Rasmussen, để chống lại những gì mà ông coi là một khoảng trống trong cuộc tranh luận dân chủ do các thế lực của Trump tạo ra.
Chính ông Anders Fogh Rasmussen sẽ khai mạc sự kiện này.
Sau đó, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Joshua Wong sẽ tham gia khoảng 30 phút cùng một người điều hành trong một phiên thảo luận có tựa đề là "đấu tranh cho dân chủ – từ chiến trường Hồng Kông".
Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ Copenhagen được tổ chức bởi Liên minh Dân chủ, một nhóm được thành lập bởi cựu Tổng thư ký Nato và cũng là cựu Thủ tướng Đan Mạch, ông Anders Fogh Rasmussen
Bà Thái Anh Văn dự kiến sẽ có một bài phát biểu video dài 10 phút tại sự kiện quốc tế được tổ chức online này. Đây được coi là một cơ hội để bà Thái Anh Văn lên tiếng trong một sự kiện mang tầm quốc tế sau khi không được tham gia buổi họp của Hội đồng Y tế Thế giới hồi tháng 5 vừa qua do sự phản đối của Trung Quốc.
Ông Pompeo dự kiến sẽ nói về Trung Quốc và thách thức đối với các xã hội tự do trong bài phát biểu của mình tại hội nghị.
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và người tiền nhiệm của ông Pompeo, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Madeleine Albright cũng đã được mời tham gia hội nghị.
Những diễn giả trong Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ
Đại diện cho Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ là Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Vera Jourova.
Đương kim Ngoại trưởng Mỹ đã tìm cách xây dựng một mặt trận thống nhất với các nhà hoạch định chính sách Châu Âu để kiềm chế Trung Quốc, bất chấp xung đột giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đồng minh truyền thống của Mỹ.
Trong khi đó, Đài Loan đã tìm cách làm thân hơn với EU hơn trong bối cảnh dịch virus corana, bằng cách gửi khẩu trang và các thiết bị y tế cấp thiết khác đến các nước Châu Âu.
Trong một cử chỉ hiếm hoi, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã ca ngợi những nỗ lực của Đài Loan trên mạng xã hội, bằng cách viết trên Twitter vào hồi tháng Tư : "Liên Hiệp Châu Âu cảm ơn Đài Loan vì đã quyên góp 5,6 triệu khẩu trang để giúp chống lại #coronavirus. Chúng tôi thực sự đánh giá cao cử chỉ đoàn kết này".
Trước thềm hội nghị của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), 106 chính trị gia Châu Âu gồm 102 nghị sĩ thuộc các đảng phái của Nghị viện Châu Âu và 4 nghị sĩ Quốc hội Đức đã cùng ký tên vào một bức thư ngỏ gửi đến Bộ trưởng Y tế của các quốc gia thành viên EU, kêu gọi việc ủng hộ Bộ trưởng Bộ Y tế -Phúc lợi Đài Loan Trần Thời Trung tham dự hội nghị trực tuyến của WHA được tổ chức từ ngày 18/5 đến ngày 19/5/2020 với tư cách quan sát viên, đồng thời yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để Đài Loan được tham dự thực chất vào tất cả hội nghị, cơ chế và hoạt động của WHO.
Tiếp sau sự việc 67 nghị sĩ thuộc các đảng phái của Nghị viện Châu Âu và 22 nghị sĩ chủ yếu thuộc đảng Xanh/Liên minh tự do Châu Âu (Verts/ALE) đã lần lượt gửi thư liên danh tới Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell, kêu gọi EU ủng hộ Đài Loan gia nhập WHO. Có thể nói, Nghị viện Châu Âu một lần nữa thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan tham dự WHO thông qua các hành động cụ thể.
Ảnh chụp màn hình lời cảm ơn và ca ngợi của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đối với Đài Loan trên twitter hồi đầu tháng 4
Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ diễn ra khi Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thắt chặt sự kìm kẹp đối với Hồng Kông thông qua luật an ninh quốc gia, và tăng cường gây sức ép lên Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn thắng nhiệm kỳ tổng thống lần hai trong bối cảnh tinh thần bài Trung đang gia tăng trên đảo này.
Đối với Hồng Kông, ngày 28/5, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua dự luật an ninh quốc gia dành cho đặc khu hành chính này, bất chấp làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ tại đây. Luật mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài ở Hồng Kông và có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục thiết lập cơ sở tại đặc khu.
Ngay sau đó, nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đưa ra phản ứng về quyết định của Quốc hội Trung Quốc thông qua dự luật an ninh quốc gia gây tranh cãi dành cho Đặc khu Hành chính Hồng Kông mà giới quan sát lo ngại có thể đe dọa tới quyền tự trị đặc biệt và sự tự do tại đây. Các nhóm nhân quyền và doanh nghiệp quốc tế cũng bày tỏ quan ngại về luật an ninh Hồng Kông.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định luật an ninh Hồng Kông là cần thiết nhằm duy trì vững chắc nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" cùng sự ổn định lâu dài và thịnh vượng của đặc khu.
Cảnh sát trưởng Hồng Kông John Lee Ka-chiu hôm 10/6 cho hay một đơn vị cảnh sát chuyên trách đang được thành lập và sẵn sàng thực thi luật an ninh mới ngay ngày đầu tiên luật này có hiệu lực. Ông không tiết lộ lực lượng này sẽ hợp tác thế nào với công an Trung Quốc đại lục, nhưng thừa nhận sẽ liên quan rất nhiều.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 11/6 đưa tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này đang "làm việc suốt ngày đêm" để soạn thảo luật an ninh mới. Kennedy Wong Ying-ho, Phó tổng thư ký Liên minh Hồng Kông, một nhóm thân Bắc Kinh do các cựu trưởng đặc khu cũ dẫn đầu, cho hay luật an ninh mới có thể sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng. Ông không nói rõ thời hạn một tháng này được tính từ bây giờ hay từ khi luật được thông qua.
Còn về hồ sơ Đài Loan, sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo gửi thư chúc mừng bà Thái Anh Văn, nhân dịp bà nhậm chức tổng thống Đài Loan, Trung Quốc đã đe dọa và đòi Mỹ ‘sửa sai’ đối với hành động này.
Ảnh chụp màn hình tweet chúc mừng Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 19/5
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gửi thư chúc mừng bà Thái Anh Văn nhậm chức tối 19/5, ông viết : "Khi chúng ta nhìn về tương lai, tôi tin tưởng rằng, với Tổng thống Thái Anh Văn tại vị lãnh đạo, quan hệ đối tác của chúng tôi với Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ".
Ngay sau đó, ngày 20/5 Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói trong một tuyên bố rằng quân đội sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Trung Quốc", trong khi Bộ Ngoại giao nước này đe dọa trả đũa riêng.
Bộ Ngoại giao nước này viết trong một văn bản : "Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ phải sửa chữa ngay những sai lầm của mình… Phía Trung Quốc sẽ có những biện pháp đối phó cần thiết để đáp trả những hành động sai lầm trên của phía Mỹ. Và Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả từ việc làm này".
Trước khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng, Ma Xiaoguang, phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Bắc Kinh tại Đài Bắc khẳng định là Bắc Kinh sẽ "không bao giờ dung túng" việc Đài Loan tách khỏi Trung Quốc. Ông nói : "Chúng tôi có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, và sẽ không bao giờ dung túng cho bất kỳ hành động ly khai hay lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Quốc".
Tại Đài Loan, tâm lý bài Trung đang bùng lên mạnh mẽ đến mức đảng thân Trung Quốc tại đây đã liên tục thua đau đớn và mất dần tín nhiệm của người dân đảo quốc.
Quốc dân đảng (KMT), đảng đối lập chính tại Đài Loan đã liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử quan trọng và không thể phản biện lại các chỉ trích nói đảng này "muốn bán Đài Loan cho đại lục".
Thất bại mới nhất của các chính trị gia KMT vừa diễn ra tại Cao Hùng, thành phố lớn thứ 2 của Đài Loan. Sau khi để thua bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan, ông Hàn Quốc Du đã để mất luôn ghế thị trưởng thành phố Cao Hùng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 06/6. Hơn 939.000 cử tri Cao Hùng đã bỏ phiếu đòi bãi nhiệm ông Hàn Quốc Du, trong khi chỉ có 25.000 người phản đối việc bãi nhiệm. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, một quan chức Cao Hùng và cũng là đảng viên KMT đã nhảy lầu tự sát.
Ngay sau khi để mất Cao Hùng, KMT đã lập tức phải tạo khoảng cách với Trung Quốc đồng thời đưa ra thông báo nhấn mạnh : "Các đảng viên KMT luôn đặt Đài Loan trên hết vì lợi ích của người dân".
Trong khi đó, mặc dù bị Bắc Kinh ra sức cô lập với cộng đồng quốc tế, Đài Loan dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thái Anh Văn vẫn bền bỉ giao lưu, tăng cường quan hệ với các nước theo cách riêng của mình. Thông qua một sáng kiến hợp tác có từ năm 2015, Đài Loan đã tổ chức các hội thảo quốc tế về nhiều vấn đề từ y tế công và thực thi pháp luật cho tới cứu trợ thảm họa, an ninh mạng, kiến thức truyền thông và trao quyền lực cho phụ nữ, với sự tham gia của hàng trăm đại diện đến từ hàng chục quốc gia. Sáng kiến này có tên "Khung hợp tác và đào tạo toàn cầu" (GCTF), được lập vào tháng 6/2015 để trao cho Đài Loan một kênh chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn đi khắp thế giới, trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế không cho Đài Loan gia nhập chủ yếu do áp lực từ Bắc Kinh. GCTF đang ngày càng tỏ ra là một diễn đàn hiệu quả để Đài Loan tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng trên toàn cầu.
Trung Quốc đã nhiều lần cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào các vấn đề Đài Loan và Hồng Kông.
Ba diễn giả nổi tiếng của Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ tới đây là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Joshua Wong luôn là mục tiêu bị tấn công trên truyền thông Bắc Kinh.
Kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc gọi ông Pompeo là kẻ thù chung của nhân loại, sau khi ông cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xử lý tồi vụ dịch COVID-19 trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.
Một bài bình luận khác, do Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc đăng tải, gọi ông là một chính trị gia ‘quỷ dữ’, ‘kẻ dối trá và lừa gạt’, và rằng "‘Nước Mỹ vĩ đại trở lại’ chỉ có thể coi là một trò đùa".
Trước việc người dân Đài Loan ồ ạt dồn phiếu cho bà Thái Anh Văn hồi tháng 01 vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc ra sức cáo buộc bà "gian lận" hay chỉ nhờ "may mắn".
Một bài bình luận được Tân Hoa Xã đăng lên sáng 12/01 nói rằng : ở Hoa lục, bà Thái Anh Văn không thể được gọi là tổng thống, mà là lãnh đạo, hay "leader" đồng thời cáo buộc đảng của bà đã vận dụng các chiến thuật như hăm dọa, gian lận, mua phiếu… Bài xã luận kết thúc bằng một lời cảnh cáo : Nếu nhà lãnh đạo Đài Loan cứ khăng khăng đi theo con đường độc lập, thì chỉ đẩy nhanh thêm sự chấm dứt "ảo vọng" của họ – có thể hiểu là việc sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc.
Bài bình luận đăng ngày 30/10/2019 trên Chang An Jian, tài khoản mạng xã hội chính thức của Ủy ban Chính Pháp Trung ương, cơ quan chính trị hàng đầu của Trung Quốc giám sát luật pháp và trật tự, mô tả "5 sự thực về Hoàng Chi Phong và cuộc cách mạng màu ở Hồng Kông". Bài bình luận cáo buộc Hoàng Chi Phong nhiều lần nhận hỗ trợ tài chính từ Mỹ cũng như học tập các chiến thuật đã được sử dụng trong các cuộc cách mạng màu ở Châu Âu và hành động vì quyền lợi của Mỹ. Bài viết nói Hoàng Chi Phong trở nên nổi tiếng từ năm 2011, thời điểm xuất hiện hàng loạt cuộc cách mạng màu ở Bắc Phi.
Về Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đan Mạch đã không trả lời yêu cầu bình luận về sự kiện này.
Trong khi đó, Giám đốc và người sáng lập Viện nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, Wang Huiyao, nói việc ông Pompeo và bà Thái Anh Văn xuất hiện trong cùng một sự kiện là ‘không phù hợp’, dù là sự kiện online, do Trung Quốc sẽ coi đó là việc vi phạm nguyên tắc ‘một Trung Quốc’.
Trung Kiên
Nguồn : Thoibao.de, 15/06/2020