Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/06/2019

Thương chiến Mỹ-Trung ảnh hưởng thế nào đến ASEAN và Việt Nam ?

RFI tiếng Việt

Các nước Châu Á sợ Trung Quốc nhưng một số sẽ không đứng về phía Mỹ (RFI, 10/06/2019)

Trong một bài phân tích ngày 06/06/2019, tuần báo Anh The Economist cho rằng : "Dù các nước Châu Á có thể không ưa thích kiểu cách bắt nạt của Trung Quốc, nhưng họ cũng có những thắc mắc, ưu tư đối với Mỹ".

thuongchien1

Lãnh đạo bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc tại diễn đàn an ninh Shangri-La. Ảnh ngày 31/05/2019.Reuters

Vào đầu tháng 6/2019 này, nhân cuộc Đối Thoại Shangri-La ở Singapore, diễn đàn an ninh quan trọng nhất tại Châu Á, bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, với trọng tâm là xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết hợp các nước Châu Á chống lại đường lối bị cho là ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc. Có mặt tại Singapore, quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ra sức thuyết phục các nước về chiến lược của Washington.

Câu hỏi hóm hỉnh mà tác giả bài viết đặt ra, là làm thế nào để mua chuộc một bộ trưởng Quốc phòng đã có tất cả ? - ý nói đến bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Bằng một tập ảnh "đẹp đẽ" về tàu Bắc Triều Tiên đã nhận dầu hỏa một cách phi pháp trên biển chăng ?

Đó là điều mà theo tác giả bài báo, quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Patrick Shanahan, đã làm với đồng nhiệm Trung Quốc, khi ông cho tướng Ngụy Phượng Hòa xem một bộ không ảnh. Hai bên gặp nhau tại Đối Thoại Shangri–La, diễn ra từ ngày 31/05 đến 02/06/2019 tại Singapore, tập hợp các gương mặt quân sự quan trọng nhân một hội nghị thường niên.

Hành động của ông Shanahan là một cử chỉ để xoa dịu đối phương trong thời kỳ căng thẳng. Khi được The Economist hỏi về những điều mà ông dự kiến nói với tướng Ngụy Phượng Hòa trong cuộc trao đổi song phương, câu trả lời của ông Shanahan không phải là những lời chỉ trích Hoa Vi hay chỉ trích chính sách Trung Quốc ở Biển Đông, mà là thái độ "hứng khởi" của ông trước việc thăm dò được các địa hạt hợp tác với Trung Quốc.

Hành động của Bắc Triều Tiên vi phạm trừng phạt quốc tế, và diễn ra trên các vùng biển Trung Quốc, là chủ đề hàng đầu.

Việc hợp tác như thế cho thấy là Mỹ và Trung Quốc có thể "cạnh tranh với nhau một cách xây dựng".

Ngày 01/06, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch cho cuộc tranh đua này trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trọng tâm là ý tưởng về một vùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - (FOIP hay Free and Open Indo-Pacific), một khái niệm chung chung mờ ảo của Nhật Bản mà chính quyền Trump đã phấn khởi thu nhận và phát triển.

FOID là phản ứng thượng tôn luật pháp chống lại Trung Quốc

Về cơ bản, FOID là phản ứng trên tinh thần tôn trọng luật pháp để chống lại chủ trương của Trung Quốc về vùng ảnh hưởng, về chính sách ngoại giao pháo hạm, và những khoản cho vay mờ ám. Trong báo cáo của mình, Lầu Năm Góc cảnh báo "Không quốc gia nào có thể hay có quyền thống trị vùng Ấn Độ Thái Bình Dương".

Theo The Economist, khái niệm cạnh tranh có trách nhiệm của quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngược lại với quan điểm va chạm văn minh của một số đồng nghiệp của ông, rất đáng được hoan nghênh. Khái niệm này cũng sáng suốt. Các quốc gia Châu Á sẽ hưởng ứng FOIP nếu họ tin là Mỹ không tìm cách gây chiến.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ quả là đang đứng trước một việc làm vô cùng khó khăn, khi vừa phải ổn định quan hệ với Trung Quốc, vừa phải vận động các đối tác để chống lại Trung Quốc.

Về cành ô liu mà Mỹ chìa ra cho ông, tướng Ngụy Phượng Hòa đã không ngần ngại bẻ nó ra thành từng đoạn. Trong phát biểu ngày 02/06, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã trích dẫn quốc ca của Trung Quốc - "Đứng lên ! Những người không muốn làm nô lệ ! Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng Trường Thành mới !" – để cảnh cáo là quân đội Trung Quốc không sợ hy sinh. Ông cũng không hứa là sẽ không sử dụng sức mạnh đối với Đài Loan.

Trước những lời lẽ hăm dọa đó, người ta có thể nghĩ là các quốc gia Châu Á sẽ đổ xô nhau ủng hộ chiến lược FOID và lao vào vòng tay của Mỹ. Một số nước đã làm như thế.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trong nhiệm kỳ hai sẽ thắt chặt hơn quan hệ quốc phòng với Mỹ. Nhật Bản thì củng cố lực lượng quân sự và gởi tàu đến Biển Đông. Các quan chức Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản – thuộc nhóm Bộ Tứ, hội ý thường xuyên hơn, lần gần đây là vào ngày 31/05/2019.

Không phải nước ASEAN nào cũng tin Mỹ

Người ta cũng có thể tưởng tượng ra việc hiệp hội Đông Nam Á ASEAN sẽ là nòng cốt của FOID. Nhưng vấn đề là không phải tất cả các quốc gia trong ASEAN đều hưởng ứng FOID. Lý do là có nhiều nước không tin tưởng là Mỹ sẽ thật sự bám trụ lâu dài trong lúc mà giá phải trả cho bất kỳ cuộc chiến nào với Trung Quốc ngày sẽ tăng cao. Do đó họ tự hỏi là tại sao phải liều mình chọc giận Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã than thở : "Tàu tuần duyên Trung Quốc còn to hơn tàu chiến của Malaysia".

Ông Shanahan đã ra sức trấn an. Ông khẳng định Ấn Độ Thái Bình Dương là ‘địa bàn ưu tiên’ của Mỹ, với một lực lương đông gấp 4 lần nơi khác, với số lượng chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông cũng gia tăng và được tiến hành thường xuyên. Chỉ riêng trong tháng 5 đã có 2 chiến dịch tương tự.

Nhưng sức mạnh quân sự chỉ là một phần. Vấn đề rộng lớn hơn là chính sách ngoại giao cứng rắn và khó lường của ông Trump không phù hợp lắm với các quy tắc của FOIP.

Căng thẳng với Iran đã thu hút sự quan tâm của Mỹ trở lại vùng Trung Đông. Việc áp thuế quan đã phá vỡ quy tắc thương mại dựa trên luật lệ, sự thiếu quan tâm của ông Trump đối với nhân quyền khó mà giúp cho phát triển quyền tự do.

Đối với nhiều người ở Châu Á, cuộc chiến của Mỹ chống Hoa Vi hay trừng phạt những người mua vũ khí của Nga hay dầu hỏa Iran cũng đáng ngại không kém gì "bộ dụng cụ cưỡng bức của Trung Quốc" như ông Shanahan nêu lên.

Đối với The Economist, so sánh như trên quả là không công bằng. Một trật tự Châu Á do Trung Quốc nhào nặn sẽ còn tồi tệ, khó thở hơn là bất kỳ phương sách gì của ông Trump. Việc tướng Ngụy Phượng Hòa bảo vệ vụ đàn áp Thiên An Môn được ông gọi là một "chính sách đúng đắn" mang lại sự ổn định cho Trung Quốc để trở nên giàu có hơn chỉ là những lập luận mang tính chất ý thức hệ.

Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã đi theo chiến lược FOIP. Thái độ thông cảm của Singapore và Việt Nam đã khá rõ. Nhưng phần đông các nước ASEAN rất ghét việc phải chọn phe cho dù vẫn có thái độ nghi ngại ý đồ của Trung Quốc ngày càng lan rộng.

Mai Vân

*********************

Thương chiến Mỹ-Trung : Hà Nội sẽ chống hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam (RFI, 10/06/2019)

Chính quyền Việt Nam cam kết sẽ bài trừ tệ nạn hàng Trung Quốc được đưa vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu với nhãn hiệu "Làm tại Việt Nam", để tránh lệnh áp thuế của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Hà Nội lo ngại bị Mỹ trừng phạt lây.

thuongchien2

Một dây chuyền của nhà máy sản xuất thiết bị súng Yakesa Tactical Gear Co, chuyên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ảnh chụp tại Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 01/06/2019 Reuters/Jason Lee

Theo bản tin của Reuters ngày 10/06/2019, hải quan Việt Nam cho biết phát hiện rất nhiều vụ lách né lệnh áp thuế xuất khẩu 25% của Mỹ từ khi thương chiến Mỹ-Trung nổ ra. "Giả mạo xuất xứ, đóng lại bao bì bất hợp pháp thường xảy ra đối với hàng dệt may, thuỷ sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm và gỗ ép".. của Trung Quốc, theo một bản thông cáo của Tổng cục Hải quan.

Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tìm cách chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp vào Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…nếu thương chiến kéo dài, hải quan cảnh báo.

Hàng Trung Quốc nhưng có giấy chứng nhận gốc Việt Nam

Cụ thể là một số công ty Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay bao bì, dán nhãn "Made in Vietnam", xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…

Cũng theo thông cáo của Tổng cục Hải quan được Reuters trích dẫn, Việt Nam đang tiến hành một số thủ tục cho phép "kiểm soát nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu và sẽ trừng phạt răn đe những kẻ phạm pháp".

Trước nguy cơ Việt Nam biến thành trạm trung chuyển tái xuất khẩu hàng Trung Quốc, một đại biểu thuộc Ủy ban Kinh tế Quốc Hội Việt Nam cảnh cáo coi chừng bị Mỹ trừng phạt lây.

Trong một bản tuyên bố, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh lên án thủ đoạn này "làm hại cho uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam".

Tình trạng nêu trên được báo chí Việt Nam đề cập rộng rãi nhưng không ai rõ vì sao "cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ" lại có hành động làm hại mặt hàng Việt Nam chính gốc.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)