Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

2020, quan hệ giữa Bruxelles với Luân Đôn sẽ còn nhiều sóng gió, nhưng lần này tập trung vào đàm phán gay go về mối quan hệ tương lai giữa Liên Âu với một thành viên cũ trong gia đình sau khi nước Anh chính thức ra đi. Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ còn nhiều pha trồi sụt và thế giới sẽ tiếp tục trả giá trước những đòn bất ngờ từ phía hai ông khổng lồ của thế giới.

USA and China trade war economy conflict tax business finance money / United States raised taxes on imports of goods from China on industry

Năm 2020 : Châu Âu đau đầu vì thương chiến Mỹ-Trung và Brexit

Đúng ngày thứ Sáu 13/12/2019 Nhà Trắng ồn ào thông báo đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc sau 18 tháng "chiến tranh". Tiếp theo đó từ bộ trưởng Tài chính Mỹ đến Nhà Trắng đều nói đến một "thỏa thuận quan trọng và quy mô" và văn bản này sẽ được nguyên thủ hai nước phê chuẩn vào đầu tháng Giêng năm 2020.

Trước mắt văn bản này chưa được công bố đầy đủ cho báo chí. Chỉ biết là từ hơn ba tuần qua, Bắc Kinh đã thông báo tạm giảm thuế nhập khẩu nhắm vào 850 mặt hàng nhập từ Mỹ kể từ ngày 01/01/2019. Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ đô la hàng của Mỹ trong hai năm sắp tới, điều này cho phép Mỹ thu hẹp thâm hụt ngân sách với đối tác thương mại Châu Á này. Ngoài ra Nhà Trắng đặc biệt nhấn mạnh rằng cùng thời gian, Trung Quốc sẽ mua vào thêm 32 tỷ nông phẩm của Mỹ. Bắc Kinh thận trọng hơn qua lời bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, Lưu Côn khéo léo nhắc lại ràng "nhập khẩu của Trung Quốc tùy thuộc vào nhu cầu tiên thụ nội địa".

Dù vậy, cả phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều ít đi sâu vào chi tiết hai đòi hỏi chính của Washington : một là Bắc Kinh ngừng trợ giá cho các doanh nghiệp nước này, tạo sân chơi bình đẳng giữa các công ty của Trung Quốc và các tập đoàn nước ngoài, và hai là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngưng đánh cắp bằng sáng chế và công nghệ cao của Hoa Kỳ.

Cho dù Mỹ và Trung Quốc rộng rãi thông báo về những thành tích đạt được qua thỏa thuận thương mại sơ bộ, nhưng hiệp hội bảo vệ tự do mậu dịch Americans for Free Trade, được hãng tin Bloomberg trích dẫn lưu ý rằng "khoảng 83 % cái giá phả trả do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây nên vẫn tồn tại" cho dù Washington và Bắc Kinh đã đồng ý về "thỏa thuận mậu dịch Giai đoạn 1".

Trả lời đài RFI tiếng Việt Jean – François Boittin, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế của Pháp CEPII dứt khoát loại trừ khả năng thỏa thuận sơ bộ Mỹ- Trung về mậu dịch cho phép chấm dứt xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới

Tôi cho rằng thứ nhất, chúng ta phải đợi có được văn bản chính thức thì mới có thể đánh giá về tầm mức của thỏa thuận Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được. Thứ hai, là trong mọi trường hợp, đây chỉ một lệnh "ngừng bắn" tạm thời rất khó đoán được là sẽ có hiệu lực trong bao lâu. Chắc chắn là chiến tranh thương mại không khép lại với thỏa thuận mới đạt được. Điểm thứ ba, là cả đôi bên đều đang chịu áp lực rất lớn để đạt đến một thỏa hiệp dù là tạm thời, mà phía Mỹ gọi là một đồng thuận trong Giai đoạn 1. Phía Trung Quốc thì cần có thỏa thuận vì kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp trở ngại. Còn đối với Nhà Trắng, một năm trước bầu cử tổng thống chính quyền Trump bắt buộc phải khoe thành tích. Đặc biệt là cần thuyết phục Trung Quốc mua vào nông phẩm của Hoa Kỳ, bởi vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh nhất đến giới nông gia Mỹ

Đương nhiên đối với ông Tập Cận Bình, thỏa thuận hôm 13/12/2019 là một tin vui, tối thiểu là trên hai điểm : thứ nhất thỏa thuận ngưng bắn dù chỉ tạm thời được thông báo vào lúc các thống kê dồn dập cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang thực sự hụt hơi. Thậm chí tập đoàn ngân hàng Nhật Nomura dự báo tình hình trong năm 2020 sẽ còn "xấu đi thêm". Tuy là thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc đã tăng chứ không giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ trong năm 2019 giảm 23 %. Điểm thứ nhì khiến ông Tập Cận Bình có thể thanh thản được một chút đó là nhờ có thỏa thuận dù còn chưa được chính thức ký kết, nhưng hôm 15/12/2019 các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng né được một đợt đánh thuế mới của chính quyền Trump đồng thời Washington đã giảm một nửa mức thuế đánh vào 120 tỷ hàng made in China bán sang Mỹ.

Nhưng không chỉ có phía Trung Quốc hài lòng. Ngay cả các tập đoàn Mỹ cũng đã thờ phào nhẹ nhõm với thỏa thuận Giai đoạn 1 vừa nêu. Chuyên gia Jean – François Boittin giải thích :

Đương nhiên tại Washington mỗi người nhìn vấn đề tùy theo quan điểm chính trị. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy xung đột về thương mại với Trung Quốc khiến mức đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ đóng băng trong cả năm 2019. Ngành sản xuất ngừng các dự án đầu tư vào máy móc, ngưng các kế hoạch về địa ốc. Thành thử khu vực sản xuất và công nghiệp bị tác động mạnh. Điều trớ trêu là ông Trump khi ban hành hàng loạt các biện pháp đánh thuế vào hàng Trung Quốc là để giúp công nghiệp của Mỹ phục hồi. Nhìn tới các hộ gia đình, cho tới nay, giới này tương đối được bảo vệ. Bởi vì các doanh nghiệp Mỹ hứng chịu các khoản tăng thuế nhập khẩu để giữ khách hàng. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận sơ bộ vừa qua, thì ngày 15/12, Washington đánh thuế thêm vào 160 tỷ đô la hàng của Trung Quốc và trong số này bao gồm nhiều đồ điện tử, máy tính, điện thoại thông minh và đồ chơi điện tử... Như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của các hộ gia đình.

Điều không thể chối cãi là bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ số chứng khoán và thị trường lao động tại Hoa Kỳ năng động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên nhà nghiên cứu Jean – François Boittin, lưu ý rằng chính quyền Trump đánh thuế hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ "lãnh đủ".

Có một điều rất rõ ràng, là chính quyền tăng thuế và bên phải gánh chịu các khoản thuế đó là các công ty Mỹ, là người tiêu dùng ở Mỹ. Chứ không phải như tổng thống Donald Trump luôn nhắc đi nhắc lại rằng các tập đoàn Trung Quốc phải trả giá. Bên cạnh đó, cốt lõi của xung đột Mỹ Trung không phải là thương mại, mà đây thực sự là một cuộc đọ sức về công nghệ cao. Tôi muốn nói tới các tập đoàn ZTE và Hoa Vi. Chính quyền Trump đang làm tất cả để chận đường Hoa Vi trên lãnh thổ Hoa Kỳ và kể cả tại Châu Âu.

Theo một nghiên cứu độc lập do ngân hàng liên bang New York cùng hai viện đại học Princeton và Colombia thực hiện trung bình trong năm 2019 xung đột về thương mại Mỹ-Trung cướp mất 831 đô la của mỗi hộ gia đình cho cả năm. Điều đáng nói là, có lẽ không liên quan nhiều đến chiến tranh thương mại, tinh thần bài Trung Quốc ở Mỹ trong năm vừa qua thực sự gia tăng. Jean – François Boittin, thuộc CEPII, ghi nhận :

Nhìn chung, tinh thần bài Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Mỹ. Phân lớn công luận Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc. Theo thăm dò gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew Research, trong vòng một năm, tỷ lệ người bài Trung Quốc đang từ 47% nhảy vọt lên thành 60%. Cũng có một số người quan niệm rằng, Trung Quốc bội bạc, bởi vì quốc gia đông dân này ngày nay trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới, một phần là nhờ được Mỹ giúp đỡ. Đây cũng là quan điểm được trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương nêu lên trong một bài phát biểu hôm 12/12/2019.

Brexit : Đường còn dài

Từ hơn ba năm qua, nước Anh chưa bao giờ cận kề với Brexit như từ ngày 12/12/2019. Giành được đa số áp đảo tại Nghị Viện, thủ tướng Boris Johnson rộng đường áp đặt lộ trình chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Không còn trở ngại nào ngăn cản Vương quốc Anh ra đi vào cuối tháng Giêng 2020. Với 365 trên tổng số 650 ghế, dự luật về Brexit của thủ tướng Johson sẽ được thông qua vào ngày 09/01/2020 sau ba lần diện Westminster xem xét văn bản về thỏa thuận chia tay.

Dù vậy cột mốc 31/01/2020 chưa phải là điểm đến cuối cùng trong tiến trình Brexit. Đó sẽ là điểm khởi đầu cho một chuỗi dài những vòng đàm phán về quan hệ tương lai giữa Vương quốc Anh với 27 đối tác còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu sau một thời gian 47 năm chung sống. Đâu sẽ là vai trò, trọng lượng của Luân Đôn trên các phương diện từ kinh tế, mậu dịch, ngoại giao và quân sự với Bruxelles ?

Có một điều chắc chắn là sau bầu cử hồi tháng 12/2019 cử tri Anh đã tạo thế mạnh cho thủ tướng Boris Johnson để đàm phán với Châu Âu. Ngược lại về phía Bruxelles, nếu như trong ba năm qua, Liên Âu đã đặc biệt bày tỏ đoàn kết trên hồ sơ Brexit, không có gì bảo đảm rằng trong giai đoạn đàm phán sắp mở ra với nước Anh, 27 thành viên còn lại trong Liên Âu sẽ phá rào tìm kiếm lợi thế tốt nhất khi nói chuyện với Luân Đôn. Thí dụ như ưu tiên của nước Đức sẽ là về công nghiệp, trong lúc Paris đặt trong tâm vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Lan hay Tây Ban Nha quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu phát triển dịch vụ với nước Anh kể từ ngày 31/12/2020 ; thời điểm mà trên nguyên tắc bruxelles và Luân Đôn chấm dứt đàm phán, kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 07/01/2020

Published in Diễn đàn

Những người có tư duy lành mạnh không ai mong thương chiến Mỹ - Trung xảy ra. Nhưng cũng những người có tư duy lành mạnh, không ai không thấy rằng Thương chiến Mỹ - Trung là điều không tránh khỏi.

vang1

Việt Nam phải cắt khối ung thư phụ thuộc vào Trung Quốc ngay vào lúc này đây, khi bắt đầu cuộc Thương chiến Mỹ - Trung

Đã là không tránh khỏi thì những người tư duy lành mạnh phải biết ứng phó. Ứng phó với Thương chiến Mỹ - Trung là điều bắt buộc. Vô hiệu hóa điều bất lợi và vận dụng lợi thế từ Thương chiến Mỹ - Trung là việc làm chính nhân quân tử - chứ không phải là ăn theo "Tọa sơn quan hổ đấu" như kế sách của người xưa.

Muốn ứng phó với các bất lợi cũng như tận dụng các lợi thế từ Thương chiến Mỹ - Trung thì phải nhận biết được bản chất của Thương chiến Mỹ - Trung.

I. Luận điểm cơ bản

Cuộc Thương chiến Mỹ - Trung là không tránh khỏi. Cuộc Thương chiến Mỹ - Trung diễn ra nhiều đợt cao trào, với tính chất đối đầu căng thẳng dài lâu. Tính đối đầu căng thẳng của cuộc Thương chiến Mỹ - Trung sẽ không thuyên giảm cho đến khi xuất hiện một thể chế dân chủ ở Trung Quốc, hay (và chừng nào) tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc còn ngông cuồng vượt trên chuẩn mực quan hệ quốc tế.

Một thước đo khác nữa, cuộc Thương chiến Mỹ - Trung là một phần của cuộc chiến giành ngôi vị số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuổi thọ và độ căng thẳng của cuộc Thương chiến Mỹ - Trung phụ thuộc vào cuộc tranh giành vị trí cường quốc số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc.

II. Năm nỗi sợ hãi không đúng

Thương chiến Mỹ - Trung sẽ đặt ra cho cả thế giới nhiều thách thức. Nhưng Việt Nam, với vị trí là nước láng giềng của Trung Quốc, lại là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, nên Việt Nam sẽ là quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức nhất, ngoại trừ hai quốc gia nguyên nhân là Mỹ và Trung Quốc.

Chính vì bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về kinh tế, nên có nhiều người do sợ hãi mà đánh giá chưa đúng về cuộc Thương chiến Mỹ - Trung. Có 5 nỗi sợ hãi chính.

1. Nỗi sợ hãi tổng thể. Đây là nỗi sợ hãi của rất đông người - trong Chính phủ Việt Nam và trong hệ thống lãnh đạo Nhà nước, từ cấp trung ương cho đến tỉnh thành, huyện, xã. Họ cho rằng tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Trung Quốc (gây ra bởi cuộc Thương chiến Mỹ - Trung) sẽ tác động xấu lên nền kinh tế Việt Nam. Và họ sợ hãi cho sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, mà từ đó họ sợ luôn cả Thương chiến Mỹ - Trung.

2. Nỗi sợ hãi giảm chỉ tiêu phát triển kinh tế. Từ sự phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, họ sợ hãi mọi chiều hướng giảm thương mại Việt - Trung. Bởi vì nó tức thì sẽ giảm các chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Điều này làm kế hoạch đặt ra không thể đạt. Kết quả là ảnh hưởng đến uy tín quản lý.

3. Thứ ba, là sợ tác động đến đời sống của những người dân có liên quan đến thương mại Việt - Trung. Vì nền kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên giảm thương mại Việt-Trung sẽ tác động trực tiếp đến những người dân và đơn vị có quan hệ thương mại Việt - Trung. Trong đó có xuất khẩu nông sản của người dân Việt Nam qua Trung Quốc, nhập nguyên vật liệu và thiết bị từ Trung Quốc, và buôn bán hàng hóa qua biên giới Việt - Trung. Chịu ảnh hưởng lớn là các tỉnh biên giới có thương mại nhiều với Trung Quốc, và các địa phương có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tiếp theo là các đơn vị nhập vật liệu hàng hóa từ Trung Quốc.

4. Thứ tư, là nỗi sợ hãi bị Trung Quốc gây áp lực và phá hoại. Vì Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc, nên Trung Quốc có thể dùng lá bài kinh tế để khuynh đảo Việt Nam, trong đó một lá bài rất quan trọng là các khoản nợ.

5. Thứ năm, là nỗi sợ mất quyền lực. Không đạt chỉ tiêu kinh tế, nền kinh tế đi xuống, không có khả năng trả nợ… tất cả có thể làm mất quyền lực của một số người.

Năm nỗi sợ trên, tổng hợp lại, đã làm cho nhiều người không dám cắt giảm thương mại Việt - Trung đã đành, mà còn làm cho họ hoảng loạn không tìm ra lối thoát. Như vậy sẽ ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc.

III. Năm cơ hội vàng cho kinh tế Việt Nam

Ngạn ngữ có câu "Cái khó ló cái khôn". Nhưng sự phụ thuộc sinh ra nỗi sợ hãi. Còn nỗi sợ hãi lại làm cho nhiều người không nhìn thấy mặt lợi to lớn từ Thương chiến Mỹ - Trung mà tận dụng.

Như trên đã lưu ý, tuy Việt Nam là một trong số các nước bị tác động mạnh nhất từ Thương chiến Mỹ - Trung, nhưng ở mặt khác, Việt Nam cũng là nước có cơ hội lớn để hóa mình từ Thương chiến Mỹ - Trung. Sau đây là năm cơ hội quý hiếm mà Việt Nam có được từ Thương chiến Mỹ - Trung

1. Tăng nguồn đầu tư nước ngoài

Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các công ty Mỹ tìm nơi thay thế Trung Quốc, hoặc trở về nhà. Để đạt được điều này, ông thậm chí có thể ban bố tình trạng đặc biệt để buộc các công ty Mỹ phải rời Trung Quốc. Mạnh hơn nữa, các nước G7 đã chống lưng cho Mỹ, cùng tuyên bố một chính sách đòi hỏi thương mại công bằng với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty của các nước G7 cũng tìm kiếm sự di chuyển khỏi Trung Quốc. Các nước còn lại, lo vì sự trừng phạt của Mỹ, cũng phải tự thu xếp một cuộc rút lui có trật tự khỏi Trung Quốc. Tất cả các điều này sẽ tạo cho Việt Nam một cơ hội lớn, trở thành một trong những điểm đến của các nguồn đầu tư rút khỏi Trung Quốc.

2. Tăng cơ hội xuất khẩu

Việc đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa Trung Quốc tại thị trường Mỹ và các nước G7. Đây là một động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu tăng tiến.

3. Đoạn tuyệt với lạc hậu và độc hại

Mỹ đánh thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc buộc Trung Quốc phải đội lốt hàng hóa nước khác để thâm nhập vào Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra tín hiệu rõ ràng cho Việt Nam vì đã để hàng Trung Quốc mang nhãn Việt Nam xuất sang Mỹ. Vì thế Việt Nam có thể bị Mỹ áp thuế suất cao. Đây là một nguy cơ lớn cho hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.

Bởi vậy, Việt Nam không cho hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam là điều phải làm - nhưng chỉ là một mặt. Mặt khác, Việt Nam phải đoạn tuyệt với các linh kiện và vật liệu xuất xứ Trung Quốc, thế vào đó là linh kiện và vật tư sản xuất tại Việt Nam hay nhập của các nước G7, hoặc các nước khác. Đây là cơ hội lớn để hàng hóa Việt Nam đoạn tuyệt với vật tư, thiết bị và công nghệ lạc hậu độc hại đến từ Trung Quốc.

4. Tự sản xuất được các hàng hóa chất lượng cao

Không sử dụng vật tư thiết bị công nghệ lạc hậu độc hại đến từ Trung Quốc sẽ buộc Việt Nam phải tìm cách thay thế. Điều này mang đến cho nền kinh tế Việt Nam hai mối lợi lớn. Một là, tự lực cánh sinh nghiên cứu và sản xuất ra những hàng hóa chất lượng cao. Hai là, sử dụng vật tư, thiết bị, công nghệ cao của G7 hoặc của các nước khác.

Như vậy, nền kinh tế Việt Nam từng bước sẽ trở thành một nền kinh tế độc lập, có trình độ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, sản xuất được những hàng hóa chất lượng cao. Được như vậy thì đó chính là một nền kinh tế tự chủ và khỏe mạnh.

5. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Khi có nền kinh tế tự chủ, với thiết bị và công nghệ tân tiến, sản xuất được các hàng hóa chất lượng cao - thì đó chính là lúc Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Đây sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng giúp cho Việt Nam thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc một cách toàn diện.

IV. Tận dụng thời cơ cũng là nghĩa vụ

Khi áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đợi chờ tác động khốc liệt ngược lại lên nền kinh tế Mỹ. Vì thế ông đã có biện pháp để hỗ trợ cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ.

Người Mỹ đã xác định, với Trung Quốc là cuộc chiến không thể khoan nhượng. Không bây giờ thì muộn hơn đều phải đối mặt. Càng về sau càng khó khăn và càng tổn thất lớn. Bởi thế dù thiệt hại lớn đến đâu cũng phải đối mặt ngay bây giờ. Đó là sự khác biệt của Donald Trump và người Mỹ.

Tương tự như vậy là trường hợp của Việt Nam. Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là bài toán Việt Nam buộc phải giải, mà không thể tránh khỏi. Phụ thuộc vào Trung Quốc là căn bệnh ung thư. Càng để lâu càng nguy hại. Tốt nhất là Việt Nam phải cắt khối ung thư phụ thuộc vào Trung Quốc ngay vào lúc này đây, khi bắt đầu cuộc Thương chiến Mỹ - Trung. Đây là cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam trở nên độc lập, lành mạnh.

Không thiếu gì biện pháp để bù đắp cho người dân bị thiệt hại khi cắt giảm thương mại Việt - Trung. Không thiếu gì biện pháp để đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên ngay tức thì cùng lúc cắt giảm thương mại Việt - Trung. Điều Việt Nam phải đối mặt cũng là điều Mỹ và các nước G7 phải đối mặt.

Cả thế giớ đòi công bằng thương mại với Trung Quốc thì không có cớ gì Việt Nam lại chịu bất công trong thương mại với Trung Quốc. Việt Nam cũng phải có nghĩa vụ chung tay cùng thế giới chống lại thương mại không công bằng áp đặt từ Trung Quốc. Việt Nam không thể để cho hàng hóa Trung Quốc lẩn trốn trong cái áo Việt Nam để trục lợi. Việt Nam càng không để cho hàng hóa Trung Quốc đè đầu cưỡi cổ hàng hóa Việt Nam mà phát triển trên thị trường Việt Nam, làm cho hàng hóa việt Nam thui chột, không thể phát triển.

Thương chiến Mỹ - Trung đã tạo ra cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc những cơ hội vàng. Tận dụng những cơ hội vàng từ Thương chiến Mỹ - Trung Việt Nam sẽ vĩnh viễn cắt đứt được sự phụ thuộc tệ hại vào Trung Quốc. Cũng từ đó mà xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tiên tiến và giàu mạnh. Tận dụng cơ hội là nghĩa vụ. Bỏ lỡ thơi cơ là có tội.

Nguyễn Ngọc Chu

Nguồn : danoan.lochung, 02/10/2019

Published in Diễn đàn

Việt Nam có thể sẽ không tận dụng được hết các cơ hội đang mở ra do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, với hàng loạt các công ty tìm cách rời khỏi Trung Quốc muốn chuyển vào nước này, theo Bloomberg.

wartrade1

Thương chiến Mỹ-Trung : Việt Nam có thể sẽ không tận dụng được cơ hội (Ảnh minh họa)

Đó là nhận định gần đây của một số chuyên gia của Bloomberg, ngay cả trước bối cảnh số vốn đầu tư trực tiếp đã giải ngân từ nước ngoài vào Việt Nam tăng 6,3% lên đến 12 tỷ đôla trong 8 tháng đầu năm so với cùng thời gian năm 2018.

"Việt Nam trong thời gian qua đã hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng gia tăng đầu tư cũng mang theo những tác động, ít nhất là trong thời gian ngắn, vì việc xây thêm hãng xưởng sẽ khiến giá bất động sản ngày càng tăng. Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở của Việt Nam, dù đang trong tình trạng cải thiện, vẫn còn yếu kém không thể đáp ứng nhu cầu bỗng dưng cao vọt. Nhu cầu công nhân chuyên nghiệp, mặt khác, cũng mau chóng vượt xa số cung nếu mức tăng trưởng đi quá nhanh". Trang ForeignPolicy nhận xét.

Trong bài "Vietnam Becomes a Victim of Its Own Success in Trade War", đồng tác giả Michelle Jamrisko và Xuan Quynh Nguyen của Bloomberg viết :

"Ngày càng có nhiều doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng cảng và đường bị tắc nghẽn, giá đất và lương nhân công ngày càng cao, cũng như hệ thống bàn giấy quan liêu trì trệ không được nới lỏng nhanh như mong đợi".

Hạ tầng cơ sở

Cơ sở hạ tầng, nhất là tại các cảng, là thách thức lớn cho Việt Nam. Bloomberg nêu trường hợp của Tapestry Inc. như một ví dụ cụ thể.

wartrade2

Cơ sở hạ tầng, nhất là tại các cảng là thách thức lớn cho Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tapestry Inc., sở hữu chủ của các thương hiệu Coach và Kate Spade, than phiền về cơ sở hạ tầng yếu kém khiến cho một số kiện hàng của họ bị kẹt lại rất lâu trên biển.

"Việt Nam thiếu cơ sở hạ tầng hàng hải, cảng chứa được những thùng hàng lớn và mạng lưới vận chuyển cần thiết để có thể nhanh chóng tăng trưởng năng lực xuất khẩu", Lee Klaskow, Chuyên viên phân tích cấp cao của Bloomberg nhận định.

Trung Quốc, theo số liệu của Bắc Kinh, tuyên bố mình có sáu trong số 10 cảng hàng đầu (tính theo lưu lượng thùng hàng) trên thế giới - bao gồm Thượng Hải ở vị trí số 1 - trong khi hai cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Hồ Chí Minh và Cái Mép được xếp thứ 25 và số 50.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Bloomberg, Việt Nam chia sẻ lưu lượng container toàn cầu chỉ 2,5% trong năm 2017 so với 40% của Trung Quốc.

"Với tình hình hiện tại, Việt Nam chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của một làn sóng các công ty nếu họ chuyển đến. Chỉ cần 5% số công ty Đài Loan chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam thì hạ tầng cơ sở nước này sẽ bị quá tải", Bloomberg trích lời ông Tsai Wen Jui, chủ tịch của hãng sản xuất yên xe đạp có trụ sở tại Đài Loan, nói.

Nhân công

wartrade3

Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp công nhân có trình độ kỹ thuật cao cho các công ty công nghệ

Về nhân khẩu học, Việt Nam vẫn còn lợi điểm.

Số liệu của Phòng Dân số Liên Hợp Quốc cho biết tỷ lệ dân số của Việt Nam trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64, cao hơn mức trung bình trên toàn châu Á và trên toàn thế giới tính đến năm 2025. Chính phủ Việt Nam cũng từng bày tỏ ý muốn nâng cao tay nghề cho công nhân từ các trường học cho đến các nhà máy.

Hai nhà phân tích Suan Teck Kin and Manop Udomkerdmongkol tại United Overseas Bank, thì phân tích rằng, một cách tổng quát, mức lương tối thiểu của Việt Nam năm 2018 là 180 đôla một tháng, rẻ hơn nhiều so với 274 đôla ở Thái Lan, và có thể cạnh tranh được với 170 đôla ở Campuchia. Mức lương tối thiểu Campuchia, tuy nhiên đã tăng lên 182 đôla đầu năm 2019, với thảo luận có thể tăng thêm nữa ngay sau tháng tới.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn, Huang Yung Cheng, Chủ tịch Hội đồng Phòng Thương mại Đài Loan tại tỉnh Bắc Ninh cho biết Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp công nhân có trình độ kỹ thuật cao cho các công ty công nghệ.

Giá đất

Giá đất đang tăng nhanh cũng là một hạn chế không nhỏ của Việt Nam, ông Tsai Wen Jui nói.

Giá đất trong khu công nghiệp Bàu Bàng tăng gấp đôi so với ba năm trước lên đến 80 đôla một mét vuông. Giá đất tại một số công viên ở tỉnh Bình Dương vọt lên 150 đôla một mét vuông từ mức 65 đôla năm 2016, ông Tsai vạch ra.

Thị trường địa ốc không chỉ đang lên cơn sốt tại Bình Dương. Giá thuê đất công nghiệp tăng gần gấp đôi so với cùng thời gian nửa đầu năm 2019 ở một số tỉnh, 54,6% ở Bình Dương và 31,1% tại Tây Ninh, phía Tây bắc thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty dệt Eclat Textile Co., chuyên cung cấp vật liệu cho Nike Inc. và Lululemon Athletica Inc., rời Trung Quốc đến Việt Nam năm 2016, giờ đây nói họ cần phải đầu tư ra bên ngoài Việt Nam, đi tìm các vùng có giá đất rẻ hơn.

Không dễ khắc phục

Ngoài hạ tầng cơ sở yếu, hải cảng kém, giá đất cao và mức chuyên môn của công nhân còn thấp, chuỗi cung ứng của Việt Nam cho việc sản xuất cũng chưa đạt được kỳ vọng của nhiều công ty.

Trả lời phỏng vấn của The Wall Street Journal, bà Wing Xu, giám đốc nghiệp vụ của Omnidex Group, chuyên sản xuất máy bơm lớn cho nhà sản xuất thiết bị công nghiệp có trụ sở tại Pennsylvania, McLanahan Corp, nói :

"Bạn không thể cứ chuyển cơ sở của mình qua Việt Nam và dự trù là mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng".

Bà Xu giải cho biết Omnidex đã chuyển một số sản xuất sang Việt Nam, nhưng trong số hơn 80 bộ phận của máy bơm, các nhà máy ở đây chỉ mới có thể bắt đầu làm việc với 20 bộ phận, vì khuôn phải được tạo ra từ đầu.

Cho đến giờ, nhu cầu rời khỏi Trung Quốc của các hãng xưởng vẫn đang tăng, và Việt Nam, vì nằm ngay sát cạnh nước này, vẫn còn đang nằm trong tầm nhắm của các công ty.

Chính phủ Việt Nam ước tính sẽ phải tốn thêm khoảng từ 3 đến 4 tỷ đôla để phát triển các cảng. Những dự án xây cảng mới hay trùng tu các cảng cũ hiện vẫn chưa mang lại kết quả.

Tuy nhiên với tất cả những thử thách xem ra không thể nhanh chóng khắc phục này, có lẽ Việt Nam sẽ khó tận dụng hết những cơ hội mà cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Mỹ đang mở ra.

Nguồn : BBC, 20/09/2019

Published in Diễn đàn

Mỹ lại dọa tăng thuế gấp đôi đánh vào hàng hóa Trung Quốc (RFI, 20/09/2019)

Vào lúc vòng thương thuyết Mỹ -Trung thứ 13 để tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại sắp mở ra, Washington bắn tin có thể tăng thuế đến 100% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không khẩn trương đi đến một thỏa thuận.

mytrung1

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không có hồi kết ? Reuters

Tung ra đe dọa nói trên là ông Michael Pillsbury, cố vấn về Trung Quốc, người được coi là có ảnh hưởng hàng đầu đối với tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Hồng Kông South China Morning Post, đăng tải hôm qua, 19/09/2019, cố vấn Michael Pillsbury khẳng định : Tổng thống Donald Trump có nhiều biện pháp trong tay để gây áp lực với Bắc Kinh, trong đó có việc tăng thuế lên rất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đến mức 50%, và thậm chí là 100%. Washington cũng sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc.

Đích nhắm của cố vấn Mỹ là "thế lực cứng rắn" trong nội bộ chính quyền Trung Quốc. Theo ông Michael Pillsbury, Washington và Bắc Kinh tưởng như đã gần đạt được một thỏa thuận hồi tháng 05/2019. Phe cứng rắn trong chính quyền Trung Quốc chỉ được biết đến văn bản dự thảo thỏa thuận 150 trang vào tháng 4/2019, và họ đã can thiệp. Kết quả là phía Trung Quốc bất ngờ bác bỏ dự thảo thỏa thuận.

Viên cố vấn của tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, nếu chính quyền Tập Cận Bình trở lại với bản dự thảo 150 trang này, thì hai bên "sẽ có thể thực sự đạt được những kết quả quan trọng". Cố vấn Michael Pillsbury ca ngợi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên đã trao đổi qua điện thoại gần 30 lần, mỗi lần ít nhất một tiếng đồng hồ, để cố gắng tìm kiếm các thỏa hiệp.

Michael Pillsbury - tác giả cuốn The Hundred-Year Marathon (Cuộc đua marathon thế kỷ) - chủ trương một đường lối cứng rắn với Bắc Kinh. "The Hundred-Year Marathon" tố cáo tham vọng của Trung Quốc vươn lên soán ngôi siêu cường số một thế giới của Mỹ, đặc biệt thông qua việc đánh cắp công nghệ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn South China Morning Post, Michael Pillsbury cũng quy trách nhiệm cho Bắc Kinh : Việc không đạt được thỏa thuận sẽ khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ("cold war 2.0").

Trọng Thành

****************

Tây Tạng : Đòn mới của Mỹ nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (RFI, 20/09/2019)

Chiến lược gây áp lực toàn diện phải chăng đang được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng để tấn công Trung Quốc ? Sau các sức ép liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Tân Cương, mới đây, Washington đã bất ngờ chĩa mũi dùi công kích Bắc Kinh trên vấn đề Tây Tạng, cụ thể là cảnh cáo Trung Quốc là không nên áp đặt người thay thế đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.

mytrung22

Các nhà sư Tây Tạng tụng kinh trong chùa Jokhang, tại Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, ngày 28/01/2019.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, mũi tấn công của Mỹ xuất phát từ cả hành pháp lẫn lập pháp, với lời cảnh báo của một quan chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Mỹ và một dự luật đang được thảo luận ở Quốc Hội Hoa Kỳ, nhằm lưu ý Bắc Kinh rằng họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối quốc tế nếu tìm cách áp đặt "tiến trình tái sinh" của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ngày 18/09/2019 vừa qua, phát biểu trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ, ông David Stilwell, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách Đông Á, đã cam kết là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để cho người dân Tây Tạng được hưởng một "quyền tự trị có ý nghĩa".

Về vấn đề kế nhiệm đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, mà theo đức tin Tây Tạng, sẽ tái sinh trong cơ thể người thay thế, ông Stilwell đã không ngần ngại chế nhạo việc Đảng cộng sản Trung Quốc muốn can thiệp vào tiến trình tái sinh này.

Quan chức Mỹ đã tuyên bố nguyên văn như sau : "Thật đáng băn khoăn vì mỉa mai thay, đảng (tức là Đảng cộng sản Trung Quốc) tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong tiến trình tái sinh của đức Đạt Lai Lạt Ma, ngay cả khi chủ tịch Tập (tức là ông Tập Cận Bình) luôn thúc giục các đảng viên duy trì "lòng kiên định của những người Mác Xít vô thần"".

Theo ông Stilwell : "Người Tây Tạng, cũng như tất cả các cộng đồng có đức tin khác, phải có quyền tự do thực hành đức tin của mình, và tự do lựa chọn lãnh đạo của mình mà không bị bên ngoài can thiệp vào".

Hành pháp Mỹ đã lên tiếng sau khi một nhóm dân biểu tại Hạ Viện Mỹ đệ trình một dự luật quy định việc trừng phạt bất kỳ quan chức lãnh đạo Trung Quốc nào can dự vào các hoạt động nhằm chọn người kế vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.

Bên cạnh đó, dự luật còn cấm Trung Quốc mở thêm lãnh sự quán tại Hoa Kỳ, ngày nào mà Mỹ không có cơ sở ngoại giao của chính mình tại Lhassa, thủ phủ vùng Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm đã 84 tuổi, vấn đề chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp càng lúc càng gay gắt. Theo truyền thống, các tu sĩ Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma thông qua một nghi thức có thể kéo dài nhiều năm, với một ủy ban lưu động có trách nhiệm đi khắp nơi tìm kiếm một đứa trẻ có thể là hóa thân tái sinh của nhà lãnh đạo tinh thần đương nhiệm.

Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đang ngày càng cho thấy rõ ý muốn tự mình chọn người kế vị đức Đạt Lai Lạt Ma, với hy vọng bổ nhiệm được một lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thân Bắc Kinh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời, đang sống lưu vong ở Ấn Độ sau khi chạy trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959, đã nghĩ đến việc chống lại ý đồ của Trung Quốc bằng cách đề ra những khả năng phi truyền thống để tìm người kế nhiệm, chẳng hạn như chọn ngay người kế nhiệm khi ông đang còn sống, thậm chí chọn một cô gái. Một khả năng nữa là tuyên bố rằng ông là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng.

Đối với giới bảo vệ dân tộc Tây Tạng, sự can thiệp của Mỹ có thể sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi ý kiến, nhưng sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lợi hại trước khi hành động.

Dẫu sao thì với hồ sơ Tây Tạng, kể như là Mỹ đã tung đòn gây sức ép trên toàn bộ các vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi của họ. Bên cạnh ba điểm truyền thống là Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, còn có Biển Đông mới được Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi trong một vài năm qua. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã phải đối phó với áp lực của Washington trên toàn bộ 4 hồ sơ này.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Thương chiến Mỹ-Trung : Trump không loại trừ một thỏa ước tạm thời (RFI, 13/09/2019)

Washington có tính đến giải pháp ký kết với Bắc Kinh một thỏa thuận thương mại tạm thời theo nghĩa bắt đầu bằng những điểm dễ đồng thuận trước.

mytrung4

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, ngày 29/06/2019 - Reuters/Kevin Lamarque

Tổng thống Mỹ Donald Trump với báo chí như vậy tại Nhà Trắng ngày 12/09/2019, vào lúc cả Mỹ lẫn Trung Quốc thông báo "hưu chiến". Liệu đây là chiến thuật mặc cả hay chuẩn bị xuống thang ?

Theo ông Donald Trump, xung khắc thương mại hiện nay với Trung Quốc chỉ có thể kết thúc với một hiệp định toàn diện, tái lập cân bằng trong quan hệ mậu dịch. Tuy nhiên, lần đầu tiên Donald Trump không loại trừ khả năng giải quyết "từng cụm" dễ trước khó sau.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh chuẩn bị đợt đàm phán mới tại Bắc Kinh vào đầu tháng 10. Để tỏ thiện chí, thứ Tư vừa qua, Donald Trump thông báo dời lại đến 15/10, ngày thi hành quyết định tăng thêm 5% thuế nhập khẩu đánh lên 250 tỷ đôla hàng Trung Quốc. Vài giờ sau, Bắc Kinh cũng loan báo tạm ngưng thi hành biện pháp trả đũa đánh lên 16 mặt hàng Hoa Kỳ.

Giới phân tích cũng như các sàn giao dịch quốc tế cho đây là tín hiệu hai bên có nhu cầu phải xuống thang tranh chấp.

Theo hãng tin Bloomberg, một cách cụ thể, Washington dự kiến đề nghị một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh. Bộ Thương Mại Trung Quốc cũng thông báo điều nghiên gia tăng nhập khẩu nông phẩm Hoa Kỳ, nhất là thịt heo và đậu nành, đang bị Bắc Kinh trả đũa.

Bổ sung tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng, bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin cho biết là tổng thống Donald Trump sẵn sàng "hủy bỏ hay tăng thêm" mức thuế đánh lên hàng Trung Quốc, tùy theo kết quả đợt thương lượng đầu tháng 10. Nói cách khác, Hoa Kỳ chờ đợi phía Trung Quốc phải có những nhượng bộ "quan trọng", để tái lập quân bình trong cán cân thương mại song phương, theo tuyên bố của bộ trưởng Steven Mnuchin trên đài CNBC ngày 12/09.

Tú Anh

****************

Thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh hòa hoãn hay cho Donald Trump uống nước đường ? (RFI, 12/09/2019)

Sau nhiều tháng căng thẳng, đối thoại bị đóng băng, Mỹ và Trung Quốc cùng tỏ thiện chí trước ngày trưởng đoàn đàm phán song phương nối lại đàm phán thương mại vào tháng 10 sắp tới. Bắc Kinh đi một bước trước, chìa bàn tay thân thiện vì đã thấm mệt do xung đột thương mại kéo hay đã tìm cách chiều lòng Donald Trump để tiếp tục mặc cả ?

mytrung1

Đô la Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc và quốc kỳ hai nước (Ảnh minh họa chụp ngày 20/05/2019) Reuters/Jason Lee/Illustration/File Photo

Ngày 11/09/2019 liệu có là một cột mốc quan trọng trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung ? Hôm 11/09/2019, Bắc Kinh công bố danh sách 16 mặt hàng của Mỹ bán sang trị trường đông dân nhất hành tinh được miễn tăng thuế nhập khẩu trong vòng một năm. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 17/09/2019.

Lập tức tại Washington tổng thống Donald Trump hoan nghênh một "thay đổi lớn" trong chính sách thương mại của Trung Quốc và đáp lại, nguyên thủ Hoa Kỳ thông báo dời ngày tăng thuế đánh vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Các sàn chứng khoán từ Âu sang Á thực sự phấn khởi trước viễn cảnh căng thẳng thương mại giữa hai ông khổng lồ kinh tế thế giới "xuống thang".

Từ mùa xuân năm 2018 khi chính quyền Trump mở ra cuộc chiến thương mại, dùng thuế nhập khẩu như một công cụ lợi hại nhất để thu hẹp thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp của Mỹ và ngừng rút ruột các công nghệ cao của Hoa Kỳ.

Trong 18 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần thông báo đình chiến, chính tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố đôi bên đang "cận kề" một giải pháp để khai thông bế tắc trên hồ sơ thương mại. Để rồi Washington và Bắc Kinh vẫn dùng những đòn ăn miếng trả miếng và tiếp tục lao vào một cuộc đọ sức bất chấp những cảnh báo chiến tranh thương mại đe dọa đến tăng trưởng của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc và của toàn thế giới.

Vì vậy, lần này giới phân tích chỉ nói tới một "cử chỉ hòa hoãn" mang tính "tạm thời" của cả đôi bên. Chuyên gia kinh tế Iris Pang, thuộc ngân hàng ING nhận định : Bắc Kinh chứng tỏ "sự thành tâm" trước ngày nối lại đàm phán với Hoa Kỳ vào tháng tới, nhưng cũng có khả năng hành động này là một kế hoãn binh vào dịp mà người dân Trung Quốc được nghỉ phép và thường đi mua sắm.

Vẫn theo bà Iris Pang, 16 mặt hàng Mỹ tạm tha chỉ là một giọt nước trong lúc mà hiện nay có tới trên dưới 5.000 sản phẩm Mỹ trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Đậu tương, đậu nành không nằm trong danh sách 16 sản phẩm được Trung Quốc tạm ngưng tăng thuế.

Trong khi đó, ai cũng biết tổng thống Trump vừa khởi động chương trình vận động tái tranh cử và cần trấn an giới nông gia từng bỏ phiếu cho ông. Dù vậy có thể nói, đòn đấu dịu của Bắc Kinh đã đem lại kết quả cụ thể đó là việc Nhà Trắng dời lại hai tuần lễ lệnh tăng thêm 5 % thuế đánh vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc.

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNBC, chuyên gia James McCormack thuộc cơ quan thẩm định tài chính Fitch ghi nhận thiện chí của cả phía Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc nhằm "hạ nhiệt" tình hình, nhưng ông cho rằng còn quá sớm để "mở rượu ăn mừng kết thúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung". Trước mắt James McCormack vẫn chưa trông thấy những "giải pháp thực sự" cho phép đóng lại tranh chấp về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu của thế giới này.

Daniel Gerard thuộc cơ quan tư vấn tài chính State Street Global Exchange đặc trách về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đánh giá không ai biết trước được cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kết thúc như thế nào, do vậy các nhà đầu tư vẫn hết sức thận trọng với những tuyên bố của cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Về câu hỏi đâu là những động lực thúc đẩy Trung Quốc và Hoa Kỳ đấu dịu, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng, đôi bên cùng thấm mệt. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đã di dời cơ sở sang những nước láng giềng trong khu vực, trong đó Việt Nam và Đài Loan là những điểm đến được nhiều doanh nhân Mỹ đánh giá cao.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố hôm 11/09/2019, có tới 26,5 % trong số 333 doanh nghiệp được hỏi cho biết đã "chuyển hướng" các dự án đầu tư mà nhẽ ra là được thực hiện tại Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Thống kê vừa được Bắc Kinh công bố hôm 07/09/2019 cho thấy chỉ số xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc, trong tháng 8/2019 giảm 1% so với cùng kỳ năm 2018. Điều khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lo ngại hơn cả là nếu không nhanh chóng tìm được chìa khóa đối thoại với Donald Trump, thì với đà này từ nay đến cuối năm toàn bộ các sản phẩm của Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ đều có khả năng bị tăng thuế nhập khẩu. Trong khi đó thì khả năng đáp trả của Trung Quốc bắt đầu gặp giới hạn.

Dù vậy lịch bầu cử tổng thống Mỹ và nhất là các chỉ số tăng trưởng của Hoa Kỳ buộc chủ nhân Nhà Trắng phải tìm một ngõ thoát trong cuộc đọ sức với Trung Quốc hiện nay. Sau cùng, cho dù là Washington và Bắc Kinh có san bằng phần nào những bất đồng về mậu dịch, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chỉ đi từ thỏa thuận "ngừng bắn" này đến một thỏa thuận "hưu chiến" khác, hơn nữa ngay từ tháng 3/2018 các nhà quan sát đã ý thức được rằng, thương mại chỉ là cái cớ trong cuộc đọ sức dài hơi giữa hai siêu cường của thế kỷ 21.

Thanh Hà

***************

Thương mại Mỹ-Trung : Trump hoãn tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc (RFI, 12/09/2019)

Tổng thống Donald Trump ngày 11/09/2019 thông báo hoãn lại 2 tuần lễ lệnh tăng thêm 5% thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Quốc.

mytrung2

Tổng thống Mỹ, Donald Trump tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, Washington, ngày 11/09/2019. NICHOLAS KAMM / AFP

Như vậy, mức thuế 30% nhắm vào 250 tỷ đô la hàng Trung Quốc sẽ được áp dụng kể từ ngày 15/10/2019 thay vì từ ngày 01/10/2019. Vài giờ trước đó, Bắc Kinh công bố danh sách 16 mặt hàng của Mỹ được tạm miễn tăng thuế trong vòng một năm.

Các cử chỉ hòa hoãn của cả hai phía được đưa ra trong bối cảnh, sau nhiều tháng bị đóng băng, đối thoại Mỹ - Trung dự trù được mở ra vào đầu tháng 10 sắp tới. Vào dịp Tết Trung Thu và trước ngày Quốc Khánh, Bắc Kinh hài lòng với quyết định tạm hoãn tăng thuế nhập khẩu của chính quyền Trump.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde giải thích :

"Nhà Trắng đưa ra cử chỉ này một hôm trước kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày vào dịp Tết Trung Thu. Ngày mai (13/09/2019), đúng vào Rằm tháng 8 mọi người được nghỉ phép và có nhiều khả năng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là đề tài được mọi nhà nhắc đến khi quây quần bên chiếc bánh trung thu.

Trên Twitter, tổng thống Donald Trump giải thích quyết định hoãn tăng thuế nhằm tôn trọng Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đồng thời nhằm thỏa mãn yêu cầu của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tránh gây thêm căng thẳng đúng vào ngành Quốc Khánh.

Tuy nhiên Mỹ đồng ý hoãn tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đã tỏ thiện chí, thông báo tạm thời miễn áp thêm thuế nhắm vào 16 mặt hàng của Hoa Kỳ. Trong đó có những sản phẩm dầu nhờn không chế biến từ dầu lửa, và một số dược phẩm, thực phẩm nuôi cá ...

Hoàn Cầu Thời Báo trong bài xã luận sáng nay hoan nghênh cử chỉ của Hoa Kỳ và xem đây là một dấu hiệu tích cực cho các vòng đàm phán song phương sắp tới. Nhiều người đang kỳ vọng vào đối thoại Mỹ-Trung dự trù mở lại trước ngày 15/10/2019. Đây là thời hạn chót trong quyết định tạm hoãn tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc do tổng thống Mỹ ấn định".

Thanh Hà

***************

Bắc Kinh miễn tăng thuế với 16 mặt hàng nhập khẩu Mỹ, để tỏ thiện chí (RFI, 11/09/2019)

Theo Reuters, chính quyền Trung Quốc hôm nay, 11/09/2019, loan báo 16 mặt hàng nhập khẩu Mỹ sẽ được miễn tăng thuế, vốn dự kiến sắp được áp dụng để trả đũa Washington. Thông báo nói trên được đưa ra ít ngày trước một cuộc họp mới giữa các đoàn đàm phán hai bên, để tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

mytrung3

Ảnh tư liệu : Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) chụp ảnh chung với bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) và đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, tại Bắc Kinh, ngày 28/03/2019 Reuters

Bộ Tài Chính Trung Quốc cho biết cụ thể là trong số các mặt hàng được miễn tăng thuế có thuốc điều trị ung thư, dầu bôi trơn, thực phẩm cho chăn nuôi. Việc miễn tăng thuế sẽ có hiệu lực trong một năm, kể từ ngày 17/09/2019.

Theo kinh tế gia Iris Pang, tập đoàn tài chính ING, quyết định miễn tăng thuế nói trên là "một cử chỉ thiện chí" của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ, trước vòng đàm phán mới, tuy nhiên việc miễn tăng thuế này có ý nghĩa nhiều hơn đối với bản thân chính nền kinh tế Trung Quốc, có dấu hiệu đang gặp khó khăn ngày càng nhiều, sau hơn một năm xung đột thương mại với Mỹ.

Vẫn theo kinh tế gia của ING, thì trên thực tế, 16 mặt hàng trên chỉ chiếm một tỉ lệ hết sức nhỏ trong tổng số khoảng 5.000 mặt hàng Mỹ đã bị tăng thuế. Hồi tháng 7/2019, Trung Quốc cũng miễn tăng thuế 110 mặt hàng Mỹ.

Một phái đoàn Trung Quốc sẽ tới Washington trong ít ngày tới, để chuẩn bị cho vòng thương thuyết cấp bộ mới đầu tháng 10 tại thủ đô Hoa Kỳ. Dự kiến tham gia vòng đàm phán này có phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), bộ trưởng Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Chiến tranh thương mại giữa 2 nước Hoa Kỳ - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khốc liệt sau khi Trung Quốc vào ngày thứ sáu 23/08/2019 tuyên bố áp đặt mức thuế mới từ 5-10% lên các mặt hàng nông sản của Mỹ như bơ đậu phụng, đậu nành, tôm hùm... cùng nhiều loại hàng hóa khác, kể cả xe ô tô và các phụ tùng từ ngày 01/09/2019. Riêng thuế cho xe ô tô và phụ tùng sẽ chịu mức thuế 25% bắt đầu từ ngày 15/12/2019.

taiff0

Tổng cộng mức thuế này (nghe nói) sẽ đem về cho ngân sách của chính phủ Tập Cận Bình khoảng 75 tỉ USD. Tương tự như thế, những chính sách thuế quan (tariff) mới của ông Donald Trump đánh vào hàng hóa của Trung Quốc, theo lời ông Trump, dự trù (cũng) sẽ mang thêm về 300 tỉ USD cho nước Mỹ.

Có một vấn đề không ít người lầm lẫn, cho rằng khi Trump đánh thuế hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ là chính quyền của Tầu phải móc tiền từ ngân sách ra để trả số tiền đó như Trump thường tuyên bố láo lếu để lừa bịp người dân Mỹ (bao gồm Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ vàng, Mỹ đỏ, Mỹ nhuôm nhuôm…) ít học hoặc có học nhưng kém hiểu biết.

Trên thực tế, thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu hoàn toàn do người tiêu thụ gánh chịu chứ không phải nhà sản xuất hay giới kinh doanh. Lấy một thí dụ sau đây cho dễ hiểu :

- Nhà sản xuất làm ra lò vi sóng (microwave) 1.000 Watt với giá thành 60 USD/cái. Nhà sản xuất muốn có lời 10 USD/cái thì phải bán 70 USD/cái.

Khi lò vi sóng này được xuất cảng qua Mỹ, Mỹ đánh thuế 10% trên trị giá món hàng khai tại cửa khẩu hải quan là 70 USD, giá sẽ tăng lên thành 77 USD/cái. Không tính chi phí vận chuyển - tùy theo hợp đồng thương mại là ai sẽ phải chịu - nhà sản xuất muốn giữ vững lợi nhuận 10% tất nhiên phải giao cho các công ty, nhà buôn sỉ (big trader) hoặc các siêu thị bán lẻ như Costco, Walmart, Target... mua hàng của mình với giá 77 USD.

Khi Donald Trump tăng tariff từ 10% lên 15% thì thuế nhập khẩu đánh lên lò vi sóng này sẽ là 10,5 USD, Nhà sản xuất vẫn muốn giữ mức lợi nhuận là 10% thì phải bán cho Costco, Walmart, Target, Fry's Electronics... giá 80,5 USD. Khi đến tay người tiêu thụ (consumer) cộng thêm thuế trị giá gia tăng (VAT), lợi nhuận cho Costco, Walmart, Target... trị giá lò vi sóng có thể lên tới 100 USD hoặc hơn.

Nên nhớ rằng thuế quan 10-15% áp lên hàng hóa không chỉ đơn thuần là 10-15% mà còn tiếp tục tăng (progressive) vì phải cộng thêm thuế trị giá gia tăng của 10-15% này từ công ty nhập khẩu qua nhà buôn sỉ, đại lý đến cửa hàng bán lẻ. (Ngoài lề. "Chẳng ai được biết vụ tăng tariff này có áp dụng cho hàng trăm mặt hàng của cha con Donald, Ivanka Trump sản xuất ở Trung Quốc đem về Mỹ bán không ?").

Tăng thuế quan như vậy sẽ gây ra tác động trực tiếp làm tăng giá món hàng nếu nhà sản xuất, công ty, cửa hàng... tất cả các đơn vị, cá nhân tham gia vào việc kinh doanh vẫn muốn giữ nguyên lợi nhuận.

Hậu quả là sức cạnh tranh của món hàng nhập cảng bị yếu đi vì giá cao so với hàng nội địa (nếu có) dẫn tới việc tiêu thụ ế ẩm, sản xuất sút giảm, đình trệ. Từ đó có thể phải sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy... làm tăng tình trạng thất nghiệp, tạo gánh nặng cho xã hội. Nhìn xa hơn, trên bình diện rộng lớn, việc bị áp thuế có thể gây ra khủng hoảng kinh tế - điều mà không một chính quyền nào muốn.

Khi tăng mức thuế quan, khởi động cuộc chiến thương mại, mục đích của Trump là muốn kềm hãm sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giảm bớt thâm thủng mậu dịch với họ, đồng thời ngăn chận việc ăn cáp sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên việc làm này đòi hỏi phải có một kế hoạch lâu dài, phải được chuẩn gị kỹ lưỡng, chi tiết, thực hiện từng bước và cần có đồng minh chứ không thể hứng lên là làm, không tìm hiểu, tính toán, bất chấp hậu quả, khi Trump gây thương chiến chẳng những với Trung Quốc mà còn với 28 nước trong Liên Âu, Mexico, Canada nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Hơn 30 năm trước, khi Trung Quốc mở rộng cửa giao dịch, buôn bán với thế giới. Các công ty, đại tổ hợp của Mỹ, Âu Châu ào ạt tiến vào China, mở chi nhánh, nhà máy, công xưởng sản xuất đủ mọi thứ hàng hóa. Trung Quốc được hưởng tiêu chuẩn Tối Huệ Quốc (Most Favored Nation Clause) khi gia nhập WTO (World Trade Organisation) để xây dựng, phát triển kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc phát triển liên tục nhiều năm với 2 số, hàng hóa Made in China với giá thật bèo bắt đầu tràn ngập các siêu thị Mỹ - nhờ chính sách Tối Huệ Quốc, không bị đánh thuế, tariff 0% trong nhiều năm cộng với nhân công rẻ mạt - đã tạo thói quen tiêu dùng thả cửa cho người dân Mỹ kéo dài đến ngày hôm nay.

Trump muốn ngăn chặn, làm giảm bớt sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhưng việc vội vã áp đặt tariff 25% lên nhôm và thép sản xuất từ Trung Quốc của Trump tác động trực tiếp lên ngành sản xuất ô tô và công nghiệp luyện kim của Mỹ. Giá thành xe hơi, xe gắn máy sản xuất ở Mỹ như Ford, GM... tăng vọt, vất vả cạnh tranh với các loại xe Toyota, Lexus của Nhật, BMW, Mercedes, Voklswagen của Đức, Hyundai của Nam Hàn...

Ford và GM cho biết sẽ đóng cửa một số nhà máy sản xuất ở Mỹ, sa thải hàng chục ngàn người trong hai năm 2019-2020. Hãng sản xuất xe mô tô Harley Davidson đã phải đem cơ sở rời khỏi Mỹ cũng là hậu quả cuộc thương chiến mà Donald Trump gây ra.

Trở lại vấn đề. Khi thuế nhập khẩu tăng thì nhà sản xuất phải có một trong hai quyết định là giảm lợi nhuận, giữ nguyên giá bán và mức sản xuất hay tăng giá bán, giữ nguyên lợi nhuận, chấp nhận sản xuất ít đi để điều chỉnh mức cung và cầu.

Không có thống kê chính xác nhưng từ những quan sát, tìm hiểu và phỏng đoán trong các chuỗi siêu thị như Walmart, Costco, Whole Sales, Home Depot, Orchard, Best Buy... có từ 50-70% là sản phẩm Made in China thì thấy rõ việc giữ nguyên lợi nhuận, tăng giá bán để trả cho thuế quan đang được thực hiện. Trong trường hợp này, việc tăng tariff thuế nhập khẩu khiến người tiêu thụ lãnh đủ.

Chỉ trong trường hợp tariff tăng, Nhà sản xuất chịu từ bỏ một phần lợi nhuận khi nhập hàng vào nước khác thì cuộc chiến thương mại của Trump về một khía cạnh nào đó mới có chút ý nghĩa. Nhưng không ! Thâm thủng mậu dịch của Mỹ so với Tầu năm 2017 là 375 tỉ USD tăng lên 419 tỉ USD năm 2018 . Chỉ trong năm 2019 vì cuộc thương chiến, nhập và xuất cảng giữa 2 nước đều giảm đáng kể nhưng mức độ thâm hụt giữa nhập và xuất siêu của Mỹ trong 6 tháng đầu năm vẫn vào khoảng gần 50% của năm 2017 là 167 tỉ USD.

Phía Trung Quốc không có thống kê về thiệt hại do cuộc thương chiến gây ra nhưng về phía Mỹ thì ai cũng thấy nông dân ở các tiểu bang miền trung tây nước Mỹ như Ohio, North Dakota, Wisconsin, Nebraska, Missouri, Mississippi... đang bị te tua vì nông sản ứ đọng không có nơi tiêu thụ.

Trong khi Trump tự sướng, mải mê thủ dâm chính trị, gửi Tweet liên tục, sáng đe nẹt, hăm dọa tiếp tục tăng Tariff, chiều lại khen ngợi, vuốt ve, nịnh bợ Tập Cận Bình là lãnh đạo vĩ đại, thông minh, khôn ngoan, hiểu biết... và khoe có tình bạn tốt với Tập, hi vọng sẽ có thỏa thuận ngưng chiến trong tháng 9... thì nhiều nông trại ở các tiểu bang miền trung tây nước Mỹ kể trên đang tiếp tục khai phá sản.

Năm 2018 chính quyền Trump phải chi 13 tỉ tiền thuế của dân để trợ giúp cho nông dân các tiểu bang này, năm nay số tiền trợ giúp cho họ cũng ngang ngửa năm 2018. Cuộc thương chiến mà Trump khoe khoang là tốt và dễ thắng đã khiến Donald Trump ngày càng lún sâu vào vũng bùn chưa có lối thoát.

Thế thì bao giờ Trung Quốc mới sụp đổ cho chế độ cộng sản Việt Nam chết theo ? Chẳng ai biết, chỉ thấy hàng hóa Made in China vẫn tăng giá và sống mạnh, sống hùng trong các siêu thị Walmart, Costco, Whole Sales, Home Depot, Orchard, Best Buy, Fry´s Electronics... cũng như người dân Mỹ vẫn tiếp tục mua sắm tưng bừng, không thấy ai bỏ thời gian cặm cụi đi tìm những món hàng không phải Made in China.

Thương chiến là cuộc chiến đấu bằng nội lực, sức chịu đựng của người dân. Một điều chắc chắn là sức chịu đựng của người dân Mỹ chẳng thể sánh với dân Tầu đại lục, kéo dài cuộc thương chiến, kẻ bỏ cuộc, gục ngã trước chắc chắn là Mỹ, không phải Trung Quốc. Theo một đánh giá và tiên đoán của nhà băng JP Morgan chuyên về đầu tư chứng khoán thương chiến Mỹ-Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho mỗi gia đình người dân Mỹ khoảng 1.000 USD.

Hiện tại đã có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái, các tài xế xe Truck than vãn vì không có việc. Vận chuyển hàng hóa bằng xe truck chiếm 70% lượng hàng hóa được chuyên chở trên toàn nước Mỹ, khi họ than phiền không có việc có nghĩa là kinh tế bắt đầu chậm lại.

Phải chăng đó là lý do mà Donald Trump bắt đầu thấy lạnh cẳng, rụt rè gửi Tweet cách đây vài ngày : "Chúng tôi sắp sửa nói chuyện nghiêm chỉnh trở lại" nguyên văn : We will talk again soon" . Ủa ? Thế thì từ trước tới giờ Trump và Tập toàn nói chuyện tào lao thôi sao ?

Hơn nữa, nếu đã muốn quất sụm kinh tế Trung Quốc, tại sao Trump không áp thuế luôn một lần 200-300% vào tất cả hàng hóa sản xuất ở Tầu nhập vào Mỹ cho Tập Cận Bình chết nhanh hơn mà cứ xìu xìu, ển ển vừa đún vừa reo thế thì bao giờ Trung Quốc mới chết cho các bác Beo Hâu Đờ (Bell Holder) ăn mừng chiến thắng ?

Thế giới chẳng còn mấy ai tin vào tính khí bất thường "sáng đánh, chiều đàm, mai lại đánh" của Trump. Có chăng những người cuồng tín, sẵn sàng bênh vực mọi hành động, lời nói, việc làm của Trump bằng mọi giá, bất kể liêm sỉ, tự trọng, giống như đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam bênh vực, bào chữa cho "bác" Hồ.

Thạch Đạt Lang

(01/09/2019)

Published in Diễn đàn

Thương chiến Mỹ-Trung : G20, nạn nhân đầu tiên

Thời sự chính trị Anh, Ý, ngày nhập học tại Pháp vẫn là những chủ đề mà báo Pháp ngày 30/08/2019 lưu tâm. Bên cạnh đó, dựa trên số liệu của OCDE, Les Echos khá bi quan cho tình hình kinh tế thế giới, hệ quả của thương chiến Mỹ-Trung.

g200

 Đô la Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh minh họa. Reuters/Thomas White

Le Figaro đưa độc giả trở lại hiệu ứng Domino ở Đông Âu năm 1989 và bài học Hồng Kông 2019. Libération với một luật sư Trung Quốc tố cáo chế độ khống chế dân chúng hiệu quả hơn các phiên tòa dàn dựng : chính sách bắt cóc, giam giữ, tra tấn nơi bí mật, bị xem là tội ác chống nhân loại.

La Croix với "Mặt trận Cộng hòa" tại Ý chống cực hữu, Le Monde đưa tựa đậm trên trang nhất : "Brexit : Cuộc đảo chính của Boris Johnson", Le Figaro đăng bức ảnh "biểu tình chống mưu toan Brexit không thỏa thuận với Liên Âu".

Về thời sự Pháp, nhật báo thiên hữu lưu ý "sắp đến ngày khai trường mà nhiều giáo chức vẫn chống chương trình cải cách của bộ trưởng Blanquer". Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết "Kinh tế Pháp đứng vững" nhưng điều đáng lo là "Thương mại thế giới hụt hơi" vì thương chiến.

Thương chiến giết thương mại

Với nhận định "cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp diễn sôi động" và với thống kê vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố ngày 29/08 ghi nhận trao đổi thương mại trong nhóm G20 bị sụt giảm trong quý hai 2019 gần 2% tính theo trị giá đôla. Trung Quốc bị trúng đòn nặng nhất trong cuộc chiến quan thuế với Mỹ.

Nhưng không phải chỉ có các nước có nền kinh tế đang phát triển và Trung Quốc bị thiệt hại. Trừ phi Donald Trump đổi ý vào giờ chót, Chủ Nhật 01/09, Washington sẽ tung ra một chiêu tấn công mới, từ 10% lên 15% trên 110 tỷ đô la hàng Trung Quốc nhập sang Mỹ. Lần này, chính người tiêu dùng sẽ là nạn nhân trực tiếp.

Cho đến nay, Trung Quốc đã trả giá nặng : xuất khẩu giảm hơn 5% trong quý hai, mức thấp nhất kể từ 2017. Xuất khẩu của Mỹ cũng bị thụt lùi hơn 1% trong cùng thời kỳ.

Theo OCDE, cho dù giới doanh nghiệp hai bên chạy đua với thời gian, tăng tốc mua bán trước khi các lệnh áp thuế được thi hành nhưng trong hai quý đầu năm 2019, trao đổi thương mại Mỹ-Trung vẫn rất thấp so với kết quả của 2018.

Nhưng không phải chỉ có Mỹ và Trung Quốc là nạn nhân. Xuất khẩu và nhập khẩu của Liên Hiệp Châu Âu cũng bị giảm theo thứ tự 1,7% và 2,3%. Đức bị thiệt hại nặng nhất theo thứ tự 3,7% và 1,7%. Trong hai nước đầu tầu, Pháp đề kháng tương đối tốt hơn Đức : xuất khẩu lùi 0,3%, nhập khẩu lùi 0,7%. Trong các nước Châu Âu, Anh Quốc với viễn ảnh Brexit trả giá nặng nhất : xuất khẩu giảm 7,1%, nhập khẩu giảm 12,6%. Trong G20, chỉ có Úc, Canada và Nhật Bản tiếp tục thấy xuất khẩu gia tăng.

Do vậy, tương lai không có gì khích lệ. Các chỉ số khác, từ ngành vận chuyển hàng không, buôn bán linh kiện điện tử, xe hơi, phụ tùng xe hơi đều bật đèn đỏ.

Trong không khí ảm đạm này, theo Les Echos, ánh sáng le lói duy nhất là sự kiện Trung Quốc vừa gián tiếp cho biết sẽ không trả đũa biện pháp áp thuế 110 tỷ đô la của Donald Trump, để tạo cơ may cho đàm phán.

Chính sách khủng bố người dân tại Hoa lục và nỗi sợ của chế độ

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhân dịp 30/08, ngày được Liên Hiệp Quốc lấy làm ngày "Các nạn nhân bị (chính quyền) bắt mất tích", nhật báo thiên tả Libération, đăng một bài phân tích của giáo sư luật Đằng Bưu về chính sách khủng bố người dân tại Hoa lục và nổi sợ của chế độ.

Bài tố cáo khá dài nhưng chỉ xin trích các điểm chính : luật sư Đằng Bưu, trước khi bị bắt chẹt phải chọn con đường lưu vong đã được nếm mùi mà thuật ngữ của Liên Hiệp Quốc gọi là "bị cưỡng chế mất tích".

Nạn nhân đầu tiên là luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, người tố cáo chính quyền trấn áp Pháp Luân Công bị bắt cóc vào tháng 08/2006. Đang đi ngoài đường, đột nhiên bị đập một gậy vào đầu, bị trùm đầu lẫn mặt kéo lên xe và bị bốn người đàn ông đánh tới tấp không kịp thở. Trong 13 năm tiếp theo, Cao Trí Thịnh không một ngày được tự do kể cả khi được thả : lúc bị theo dõi, lúc lại "mất tích".

Danh sách do luật sư Đằng Bưu thiết lập cuối cùng có cả tên của chính tác giả. Những bài tố giác của ông khiến ông bị trả thù, bị bắt cóc giam giữ nơi bí mật gần ba tháng vào năm 2014. Bắt cóc là một chính sách của nhà nước Trung Quốc, được "luật hóa" qua các điều tu chính trong luật hình sự. Bắc Kinh cũng không ký vào công ước của Liên Hiệp Quốc về "cưỡng chế mất tích" được xếp vào danh sách "tội ác chống nhân loại".

Từ Ban Thiền Lạt Ma mới 6 tuổi, ngôi sao màn bạc Phạm Băng Băng cho đến Mạnh Hoành Vĩ, thứ trưởng công an, đang làm chủ tịch Cảnh sát quốc tế Interpol mà cũng bị bắt cóc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không ngần ngại qua biên giới bắt công dân nước ngoài như vụ nhà văn Quế Dân Hải, chủ hiệu sách Hồng Kông "mất tích" năm 2015.

Theo luật sư Đằng Bưu, chính quyền độc tài Trung Quốc sợ dân đến mức phải dùng biện pháp khủng bố tinh thần này để tồn tại vì theo họ, biện pháp này hiệu quả hơn nhiều so với các phiên tòa dàn dựng.

Nhìn Hồng Kông, nhớ lại bức màn sắt

Ba mươi năm sau ngày bức màn sắt sụp đổ, Le Figaro trở lại năm 1989, tìm hiểu vì sao ván cờ domino khởi đi từ Ba Lan. Tác giả, Thierry Wolton, tác giả của ba bộ sách về chủ nghĩa cộng sản nhìn thấy tia hy vọng cho Hồng Kông và trách thái độ thụ động của Tây phương.

Những chế độ độc tài ở Đông Âu không thể kéo nhau sụp đổ nếu người dân ở các nước này không có "lòng can đảm", đó là ý chính của bài phân tích. Domino đầu tiên là Ba Lan, đất nước của người Công giáo đi tiên phong đề kháng chống Liên Bang Xô Viết từ ngày đầu. Trước khi công đoàn Đoàn Kết được thành lập vào năm 1989, vào năm 1980 đã có một phong trào tranh đấu bằng đình công, bằng bất phục tùng dân sự. Một mặt trận công nhân-trí thức, với điểm tựa tinh thần là Giáo hội Công giáo và Giáo hoàng Gioan John Paul II làm cho chế độ đảng trị phải bị soi mòn.

Tại Hungary, người dân đã nổi dậy chống Liên Xô với cuộc cách mạng 1956 bị đàn áp đẫm máu. Đến thời điểm 1989, một công đoàn độc lập theo mô hình công đoàn Đoàn kết ra đời đẩy đảng cộng sản Hungary vào thế phải lấy hai quyết định "bi đát" cho cả khối xã hội chủ nghĩa : một là hủy bỏ hàng rào điện ở biên giới Hung-Áo và sau đó là mở cửa biên giới Áo-Hung cho dân chúng, kể cả dân Đông Đức, đi lại tự do.

Tại Tiệp Khắc, 20 năm sau Mùa Xuân Praha, 20 năm sau khi bị lực lượng khối Vác-xa-va xâm lược, một chục ngàn người xuống đường tưởng niệm sinh viên Jan Palach, tự thiêu vào năm 1968 chống Moskva can thiệp. Tình hình biến đổi bất ngờ : Ngày 17/11/1989, biểu tình bị cảnh sát đàn áp mạnh, hôm sau, 200.000 người, đông hơn ngày hôm trước 20 lần, tuần hành khắp thủ đô. Chế độ tan rã nhanh chóng : tháng 12, tù nhân chính trị Vaclav Havel lên thay chủ tịch Tiệp Khắc.

Theo nhà sử học Thierry Wolton, bức màn sắt sụp đổ trong bối cảnh tại Moskva, chủ tịch Mikhail Gorbatchev mãi lo cứu nguy kinh tế. Ông muốn mở cửa Đông Âu để thu hút đầu tư Tây phương nhưng không thành công. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng không muốn cứu chế độ Xô viết và với khát khao giải phóng không gì ngăn cản được, Đông Âu, trừ Roumania của Ceaucescu bám trụ và chết thê thảm, tự mình vùng dậy thoát khỏi bàn tay Liên Xô vào cuối năm 1989.

Chiến thắng này theo tác giả, là do nỗ lực chính của người Đông Âu. Các chế độ dân chủ Tây phương im lặng suốt giai đoạn lửa bỏng này một phần vì bị Gorbatchev mê hoặc, một phần vì "chính trị thực dụng", ngại tương lai bất định, không dám hỗ trợ cho phong trào dân chủ Đông Âu.

Kỷ niệm 30 năm bức màn sắt sụp đổ trong bối cảnh tình hình Hồng Kông nóng bỏng cho phép tác giả kết luận : Đến lượt dân Hồng Kông trải nghiệm bài học Đông Âu với chế độ Trung Quốc của Tập Cận Bình mà không ai dám làm phật ý cũng như trước đây với chế độ Xô Viết của Gorbatchev.

River of Time : Ký ức chiến tranh Việt Nam và Cam Bốt

Kết thúc điểm báo với mục điểm sách trên Le MondeRiver of Time của Jon Swain, phóng viên người Anh ở chiến trường Việt Nam, Cam Bốt. Bản dịch tiếng Pháp giữ nguyên tựa gốc tiếng Anh River of TimeDòng sông của thời gian kể lại "một thời tuổi trẻ" trong khói lửa chiến trường đã qua. Jon Swain kể lại những ngày ở chiến trường lúc 22 tuổi, tình yêu ở tuổi vừa mới lớn trong bối cảnh chiến tranh sắp tàn.

Jon Swain không tự cao : "phóng viên là một đặc quyền, lại được màu da trắng bảo vệ" ở Phnom Penh, cho phép ông bình an "đi qua địa ngục Việt Nam". Theo tác giả, cuộc can thiệp quân sự của Mỹ đã gieo bao tang tóc. Nhưng với ngày 30/04/1975 Sài Gòn, và trước đó là Phnom Penh thất thủ, đã mở cánh cửa cho những bi kịch khác. Đau đớn nhất là "mặc cảm phạm tội" trước lòng "can đảm của những người ở lại", trong đó có người yêu mang hai dòng máu Pháp-Việt, mất tích, tìm lại được, để rồi mất tích vĩnh viễn. Cuối cùng chỉ còn trong ký ức là "dòng sông của thời tuổi trẻ" của Jon Swain.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Thương chiến Mỹ-Trung, Châu Á hưởng lợi

Chiến tranh thương mại bắt đầu tác động đến kinh tế thế giới. Boris Johnson, thuyền trưởng mới của con tàu Brexit. Thái độ ngây thơ của Donald Trump và của Châu Âu đối với Iran. Greta Thunberg hành động không đợi tuổi. Đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay.

trade1

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (giữa) cùng với bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) và Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer (trái) tại Bắc Kinh ngày 28/03/2019. Reuters

Thương chiến Mỹ-Trung : Việt Nam nhất thời đắc lợi

Chiến tranh thương mại đang hãm phanh sinh hoạt kinh tế toàn cầu. IMF bi quan cho năm 2019. Trung Quốc bị Mỹ áp thuế trừng phạt là quà thưởng cho một số nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, nhưng coi chừng lợi bất cập hại.

Với tựa "Những nước Châu Á hưởng lợi trong cuộc thương chiến", Le Monde điểm qua hai nhóm : Nhóm bị thiệt hại có Indonesia và nhất là Singapore. Thương chiến Mỹ-Trung làm cho thương mại trong vùng chậm lại. Xuất khẩu của Indonesia, đầu tàu kinh tế Đông Nam Á giảm 8,9% trong tháng Sáu, của Hàn Quốc giảm 10% trong tháng Năm. Singapore, đầu tầu kinh tế thứ hai của Đông Nam Á thông báo hoạt động kinh tế bị giảm 3,4% trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, từ sáu tháng qua, Việt Nam được xem là nằm trong nhóm ngư ông đắc lợi : xuất khẩu tính chung tăng 6,7%, xuất sang Mỹ tăng 28%. Tỉ lệ nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc giảm bao nhiêu thì nhập siêu đối với Việt Nam tăng bấy nhiêu, theo nhận định của chuyên gia Pháp François Nicolas. Cái rủi cho Trung Quốc là cái may của Việt Nam. Nhưng đây chính là cội nguồn bất trắc : Donald Trump thấy rõ điều này nên đã cáo buộc Hà Nội "lợi dụng nước Mỹ hơn cả Bắc Kinh".

Theo Le Monde, thật ra thì tình trạng "lợi dụng" này có giới hạn. Hoa Kỳ bị nhập siêu vì dân Mỹ tiêu phí. Hiện thời, chỉ có các mặt hàng của Trung Quốc dễ làm, như quần áo, mới bị Đông Nam Á giành lấy. Bangladesh sẽ phục hồi thị trường hàng may mặc tại Mỹ, 5 năm sau vụ tai nạn thảm khốc ở Dhaka làm chết 1.300 công nhân. Trái lại, những hãng chế tạo sản phẩm tinh vi như linh kiện điện tử của Hàn Quốc và Đài Loan đều "di tản" cơ sở về nước.

Thương chiến kéo dài thì mới hy vọng các dự án dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc qua một nước khác được thực hiện. HP và Dell Technologies dự kiến dời 30% sản xuất điện thoại di động sang Đông Nam Á. Nhiều công ty Trung Quốc cũng tính dời hãng sang Việt Nam. Trong vòng 5 tháng đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng 29%. Tuy nhiên, bỏ Trung Quốc không phải là chuyện đơn giản, bởi ít nhất hai lý do : mất các đối tác gia công quen thuộc tại nơi làm ăn cũ, và bị Trung Quốc trả đũa không cho ký các hợp đồng với xí nghiệp quốc doanh Hoa lục.

Vì sao tình hình chung ở Châu Á đáng lo âu ?

Thương chiến Mỹ-Trung mang lại lợi ích nhất thời cho một số nước Châu Á, nhưng tác hại cho toàn cầu lớn hơn nhiều. Một lần nữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019 chỉ đạt 3,2%, trao đổi thương mại chỉ tăng có 2,5% thấp hơn dự kiến ban đầu đến một điểm (3,4%).

Theo Les Echos, Quỹ Tiền tệ Quốc tế có một lý do để lạc quan và hai lý do để bi quan. Lạc quan vì kinh tế Trung Quốc tìm được thế quân bình giữa cung và cầu, mà thực ra là do tình thế bắt buộc. Bên ngoài là áp lực của Donald Trump, bên trong là chính sách duy ý chí của Bắc Kinh.

Thế nhưng, Trung Quốc, đối tác số một của Singapore, bị giảm tăng trưởng kinh tế làm cho quốc gia- thành phố cảng đứng hạng nhì thế giới chao đảo từ sáu tháng qua. Sức khỏe kinh tế của Singapore tốt hay xấu là triệu chứng dự báo cho cả khu vực. Les Echos cũng kể ra một loạt số liệu bi quan, xuất khẩu giảm từ 9% cho đến 10% ở toàn Châu lục từ Ấn Độ, Đông Nam Á cho đến Hàn Quốc ở Bắc Á.

Singapore chưa hấp hối, nhưng tình trạng huyết áp sụt bất ngờ là tiếng chuông cảnh báo toàn khu vực.

Brexit : Boris Johnson, chủ thầu mới

Được phe bảo thủ ủng hộ tại Luân Đôn, tân thủ tướng Anh Boris Johnson đối đầu với một loạt thử thách : Brexit, Iran và Donald Trump.

Tất cả báo Pháp đều có cùng xu hướng : chúc mừng tân thủ tướng Anh và nêu lên một loạt chướng ngại vật đang chờ. Le Figaro loan báo "Brexit có chủ thi công mới". Les Echos, bên cạnh một bài dài về "con người hai mặt" nói dốimột cách "phớt tỉnh ăng-lê", cảnh báo : Boris Johnson đứng trước ba thách thức : giải quyết cho xong hồ sơ Brexit, tìm một chính sách ngoại giao theo hướng không gây xung khắc với nước Mỹ của Donald Trump, và đưa kinh tế quốc gia ra khỏi tình trạng thắt lưng buộc bụng.

Nhật báo công giáo La Croix nêu thêm thử thách thứ tư là Iran : khủng hoảng vùng Vịnh là trắc nghiệm đầu tiên của Boris Johnson.

Hạt nhân Iran : Đừng nhầm người dân với giáo quyền

Liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, LibérationLe Figaro giới thiệu hai bài phân tích chứng minh Liên Hiệp Châu Âu và Donald Trump không biết phân biệt bạn thù.

Chuyên gia Mỹ Narges Bajogli, đại học Johns-Hopkins (Washington), qua hai trang phỏng vấn trên nhật báo thiên tả phân tích vì sao Donald Trump là một món quà tặng cho chế độ Hồi giáo Iran. Áp lực tối đa của chủ nhân Nhà Trắng vô tình phục vụ cho Vệ binh Cách mạng, củng cố hình ảnh một lực lượng vì dân vì nước để tuyên truyền chiêu dụ giới trẻ Iran và để bảo vệ chế độ đặc quyền đặc lợi.

Năm 2015, lực lượng võ trang Vệ binh Cách mạng, kiểm soát mọi lãnh vực kinh tế quốc gia, tình cờ phát hiện ra là nếu họ tập trung ca tụng chế độ Hồi giáo, thì không thu phục được những người ôn hòa, nhưng khai thác tinh thần yêu nước thì sẽ được hoan nghênh. Nhân vụ tìm ra xác tàu đổ bộ cùng với thi hài của 175 biệt kích Hồi giáo bị Iraq đánh chìm, Vệ binh tổ chức truy điệu.

Lẽ ra, các loại lễ nghi này không được công chúng quan tâm. Nhưng lần này, bộ máy tuyên truyền đánh động lòng yêu nước xả thân chống xâm lăng. Thế là dân chúng tham gia đông đảo. Từ đó, khi cần biện minh cho vai trò bảo vệ chế độ Hồi giáo thì Vệ binh Cách mạng đưa ra chiêu bài tôn giáo, nhưng trước các đối tượng không quan tâm đến hệ phái Shia thì họ nhấn mạnh đến an ninh quốc gia.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dành cho một luật sư Iran đưa quan điểm được cho là "thiểu số" nhưng đáng quan tâm, vì phát xuất từ trái tim của tác giả. Trong cuộc đọ sức giữa Donald Trump và giáo chủ Khamenei, chính giới Châu Âu và báo chí Châu Âu, với tinh thần tự cao và tiềm thức chống lại những gì của Tây phương, đã chọn thái độ nghiêm khắc đối với Mỹ, trong khi hoàn toàn thiếu vắng tinh thần phê phán chế độ Hồi giáo Iran.

Châu Âu đã lầm lẫn giữa dân tộc Ba Tư văn hóa tuyệt vời với thành phần giáo sĩ độc tài. Chế độ giáo quyền Iran là một chế độ đàn áp chống phụ nữ lẫn những thành phần thiểu số trong xã hội. Tác giả cũng lưu ý là khi Barack Obama muốn ký hiệp định hạt nhân với Iran thì nước Pháp lúc đó rất dè dặt.

Toàn bộ bài viết đưa ra những lập luận có dẫn chứng về thái độ thiếu khách quan của những người mà tác giả goi là "quá bao dung với giáo quyền" bất chấp những báo cáo của các tổ chức nhân quyền và những nhân chứng sống.

Thảm cảnh Venezuela và Syria

Báo Pháp không quên số phận hẩm hiu của nạn nhân bạo lực đó đây trên thế giới : Le Monde với trẻ con Venezuela ngày càng đông trên con đường vượt biên, trong khi Libération tìm hiểu vì sao không quân Nga gia tăng oanh kích chợ búa và bệnh viện ở Idlib, miền bắc Syria.

Hàng loạt gia đình Venezuela bồng bế con cái chạy sang Colombia. Nước láng giềng tràn ngập người tị nạn dẫn đến hiện tượng tình nhân đạo bị bão hòa - Le Monde báo động. La Croix Libération xót xa cho người Syria dưới bom Nga. "Thêm một loạt oanh kích đẫm máu ở Idlib", tựa của nhật báo công giáo.

Libération tìm hiểu và đưa ra giải thích : Oanh kích leo thang vì gần đến hòa đàm Astana lần thứ 13 do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ. Thế nhưng, lực lượng chống Damascus vẫn kiên cường không nhượng bộ đổi lấy ngưng bắn. Trên chiến trường, cuộc tổng phản công của quân đội Syria do Nga và Iran yểm trợ, sau một vài thành công lúc đầu, nay bị giậm chân tại chỗ. Thứ ba là phản ứng quốc tế quá yếu ớt, cho phép Putin mạnh tay trên chiến trường. Chỉ trong ngày thứ hai, các trận bom đổ xuống bệnh viện và chợ đã làm cho 70 người chết.

Greta Thunberg gây tranh cãi trong chính giới Pháp

Tại Pháp, sự kiện Greta Thunberg, cô nữ sinh Thụy Điển 16 tuổi, biểu tượng của phong trào chống biến đổi khí hậu được mời phát biểu tại Quốc hội Pháp, là đề tài tốn nhiều giấy mực.

Libération tóm được ý chính qua bức hí họa gồm hai người lớn và một đứa bé con mặc quần đùi : Người lớn : "Đi ngủ đi, coi chừng ăn đòn". Con bé đáp lại : "Trễ rồi ông ạ. Các ông nằm mơ đấy".

Bản tin của Le Figaro trích lại vài tuyên bố tiêu biểu của Greta Thunberg : "Thay vì cám ơn tôi, quý dân biểu Pháp hãy hành động. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp là đúng, nhưng hành động sẽ tốt hơn".

Trong bài xã luận, Le Monde chê trách những dân biểu tẩy chay cô bé 16 tuổi như sau : chỉ cần xét quan hệ nhân quả giữa nhu cầu khẩn cấp chống biến đổi khí hậu với lá phiếu cử tri cũng đủ thấy là không nên khinh khi Greta Thunberg. Chống hiện tượng trái đất tăng nhiệt đã trở thành khẩn cấp. Công luận nói chung và giới trẻ động viên bảo vệ hành tinh là điều thực tế

Phong trào Xanh, bảo vệ môi trường, trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, lên điểm đặc biệt trong giới trẻ. Đừng xem thường hệ quả kinh tế và chính trị đối với các tầng lớp dân chúng. Khủng hoảng "Gilets Jaunes" là một bài học mà các vị dân biểu cần suy gẫm.

Tôn vinh Albert Eistein, nhưng mấy ai biết Mileva

Không có nhà nữ toán học thiên tài Mileva Einstein để bổ sung những thiếu sót của ông chồng thường phân tâm vì mơ mộng, chưa chắc Albert đã trở thành Einstein. Trang chân dung phụ nữ mùa hè của Libération hôm nay dành cho phu nhân của cha đẻ Thuyết tương đối, kể lại những đức tính, tài ba của Mielva và cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng bác học cho đến khi chia tay.

Công lao rất lớn, nhưng lịch sử không có chỗ đứng cho hai người. Albert Einstein, sau khi nhận giải thưởng Nobel, đã trao hết phần hiện kim cho Mileva. Phải chăng là để công nhận công lao nghiên cứu vật lý lý thuyết của người vợ cũ. Hay để chuộc lỗi phụ tình theo người đàn bà khác ?

Tú Anh

Published in Châu Á

Không khống chế được dịch tả lợn Châu Phi dẫn đến nhiều hệ lụy (RFA, 21/06/2019)

Quản lý yếu và khó khăn

Báo cáo của Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO) hôm 30/5 cho thấy, Trung Quốc chỉ có hai điểm bùng phát dịch mới trong khi đó Việt Nam đến nay vẫn còn hàng chục điểm dịch mới và một số tái phát. Tính đến ngày 20 tháng 6 Việt Nam có tổng cộng 58/63 tỉnh thành có dịch. Tổng số lợn bị tiêu hủy là ít nhất 2 triệu 600 ngàn con. Mức này chiếm chừng 7% tổng đàn lợn trên cả nước.

dich1

Dịch tả lợn Châu Phi dẫn đến nhiều hệ lụy - Ảnh minh họa. AFP

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam yêu cầu chính quyền địa phương các tỉnh thành, biên giới giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, cảng biển…để ngăn chặn vận chuyển lợn và thịt lợn trái phép vào Việt Nam. Các địa phương cần thường xuyên tổ chức phun thuốc, khử trùng, vệ sinh môi trường ở những cơ sở chăn nuôi và sản xuất thịt heo. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.

Một số yếu kém trong công tác kiểm soát dịch được nêu ra : thứ nhất do tốc độ phản ứng của chính quyền còn chậm trễ, thứ hai là do manh mún phân quyền cho địa phương quá nhiều trong khi thiếu chuyên môn, thứ ba chính sách đền bù chưa hợp lý khiến người chăn nuôi bán tháo bán chui heo bệnh và thậm chí trục lợi từ chính sách, thứ tư không có hệ thống thông tin quốc gia về quản lý dịch và điều cuối cùng là niềm tin và sự hợp tác giữa người dân và cơ quan chức năng còn thấp.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Nhật An, nguyên trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Trung ương nói với chúng tôi rằng, dịch này có mặt ở nhiều nước và vấn đề phòng chống là một điều không hề đơn giản và đặc biệt là tại Việt Nam còn khó khăn hơn.

Tiến sĩ giải thích : "Là do việc giết mổ lợn ngoài những cơ sở có quy trình về mặt kỹ thuật, bảo đảm phòng dịch, đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn thì có nhiều cơ sở giết mổ mang tính cá lẻ tư nhân thì mình không kiểm soát hết được. Vì vậy đó là một trong những lý do nó dễ lây lan. Khi heo chết còn có hiện tượng lén mang heo đi vứt ngoài sông ngoài suối nên việc phòng chống này ngoài phía nhà nước thì cần những người liên quan đến chăn nuôi nữa".

Một chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực quản lý thú y không muốn nêu tên cho chúng tôi hay, dịch bệnh đã được biết trước và cũng có biện pháp ngăn chặn từ đầu nhưng vì phương thức chăn nuôi tại Việt Nam khiến khó khăn trong việc quản lý.

"Chăn nuôi tại Việt Nam manh mún, nằm rãi rác phân tán nên việc khống chế dịch bệnh phải nói là quá khó, các hộ chăn nuôi Việt Nam họ cứ se lẻ một vài con thì không ai có thể kiểm soát được hết cả, có heo chết thì người ta giết mổ thịt người ta bán nên kiểm soát không được. Nó không phải là chăn nuôi công nghiệp mà đó là kiểu chăn nuôi hộ gia đình, nuôi đủ các loại khác nhau nay thịt này mai thịt nọ, con nọ con kia nên không khống chế được, cơ quan quản lý họ cũng cố hết sức làm để khống chế nhưng không thể được. Mấy hộ nhỏ lẻ họ không quan tâm kiểm soát phòng dịch gì đâu".

Do đó, vị chuyên gia cho rằng không thể đổ lỗi tất cả do tình trạng quản lý không bám sát.

Chính phủ Việt Nam từng tiến hành một số cuộc họp tập trung chủ yếu vào công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Cơ quan chức năng còn cho biết huy động lực lượng quân đội tham gia phòng chống dịch này.

Tiêu dùng giảm

Chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân thực tế và đa số người dân và người buôn bán đều thừa nhận do dịch nên lượng tiêu thụ giảm đi.

"Từ khi có dịch bán chậm hơn anh ạ, nhiều khách mua cũng hỏi heo này nọ nhiều nhưng mình lấy heo có nguồn gốc rõ ràng nên khách quen họ mua cũng yên tâm".

dich2

Người dân vẫn tiêu thụ thịt heo. RFA

"Thụt nhiều doanh số lắm bởi vì người ta đưa lên mạng nhiều thông tin bậy bạ nên dân người ta sợ người ta không dám ăn đâu, đưa tin không đúng sự thật thì dân bị ảnh hưởng là nhiều, bình thường mỗi ngày chị bán 1 tạ rưỡi còn bây giờ bán cả ngày khoảng 50-70 kg thôi".

"Từ hôm dịch đến giờ mình bán ở đây có hàng ngàn người vẫn ăn chưa ai ra phàn nàn một tiếng nào hết chỉ có điều là bán chậm đi thôi, giảm đi khoảng 40% ví dụ bình thường ăn nữa kg giờ còn khoảng 2-3 lạng thôi".

Ngoài ra, những người dân buôn bán kinh doanh thịt heo đều khẳng định rằng, thịt heo họ lấy tại khu vực chợ đầu mối và có kiểm dịch thú y đàng hoàng mới dám mang về bán.

"Có chứ phải được kiểm dịch đàng hoàng chứ không kiểm dịch thú y đi kiểm tra là chết đó, ngày nào họ cũng đi kiểm tra. Mình lấy heo ở chợ đầu mối, đó là trung tâm cung cấp heo cho cả thành phố này chứ đâu dám đi lấy bậy bạ được. Nó có dấu kiểm dịch được in lên da heo vậy này và phải có dây đai kiểm dịch cục thú y như vậy nè".

"Chẳng hạn như khi lái heo họ đưa vô lò mổ, khi mổ ra là thú y đã kiểm dịch rồi, chở ra chợ đầu mối thì thú y kiểm dịch lần nữa ngay cửa chợ rồi mới đưa vô chợ đầu mối".

Tác động bất lợi đến chăn nuôi

Hôm 20/6, mạng báo Tuổi Trẻ loan tin về việc sáu tháng đầu năm, lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị lên tới hơn 23 triệu USD tăng đến 7 lần so với năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nói với tuổi trẻ rằng, việc mở cửa cho thịt lợn nhập khẩu tràn vào thị trường sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành chăn nuôi vốn đã bị nhiều thiệt hại do dịch bệnh và khó phục hồi phục khi thịt nhập chiếm lĩnh thị trường.

Trong khi đó các công ty kinh doanh thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh nói với báo giới rằng, phần lớn thịt heo nhập về để bán cho các công ty đưa vào chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp, ít bán lẻ ra thị trường và nếu có thì cũng là thịt đặc sản hay thịt heo cao cấp.

AP dẫn dự báo của Rabobank là trong năm nay ngành sản xuất thịt lợn của Việt Nam sẽ giảm 10% so với năm ngoái.

Một chuyên gia điều phối tại Trung Tâm Ứng Cứu Khẩn Cấp Về Dịch Bệnh Động Vật Xuyên Biên Giới của FAO được AP dẫn lời rằng nhiều người chăn nuôi Việt Nam sẽ rơi sâu vào cảnh nghèo vì đợt dịch tả lợn Châu Phi lớn nhất lịch sử hiện nay.

******************

Việt Nam lên tiếng vụ hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt Nam để né thuế quan Mỹ (VOA, 21/06/2019)

Ngày 20/6, trả li câu hi ca phóng viên nước ngoài v bin pháp ca Vit Nam trước thông tin cho rng thi gian qua xut hin tình trng hàng Trung Quc gn nhãn "Made in Vietnam" đ xut sang M, người phát ngôn B Ngoi giao Vit Nam Lê Th Thu Hng nói Việt Nam kiên quyết ngăn chn, x lý nghiêm vic ly danh nghĩa hàng Vit Nam.

hang1

Kết quả kiểm tra hàng tơ lụa Trung Quốc án nhãn hàng Việt Nam : không có thành phần silk (lụa).

Báo Người Lao đng trích li bà Hng nói : "Chính ph Vit Nam kiên quyết ngăn chn và s x lý nghiêm các hành vi gian ln thương mi, hàng hóa nước ngoài ly danh nghĩa hàng Việt Nam xut khu sang th trường khác".

"Như báo chí đã đưa tin, Tng cc Hi quan Vit Nam đang có nhng bước đi c th đ ngăn chn hành vi này, bo v sn xut trong nước", bà Hng nói thêm.

Vào đầu tháng này, các quan chc Vit Nam nói Trung Quc c tình dán mác "Made in Vietnam" lên hàng hóa của h đ tránh b áp thuế quan ca M, và yêu cu các cơ quan kim tra gt gao hơn vic chng nhn ngun gc xut x hàng hóa.

Hôm 21/6, báo Tuổi Tr loan tin rng Hi Doanh nghip hàng Vit Nam cht lượng cao cho biết đã lp tc tước quyn s dng nhãn hiu chng nhHàng Việt Nam cht lượng cao đối vi doanh nghip ASANZO sau bài báo điu tra ca Tui Tr v các mt hàng đin t gia dng thuc Tp đoàn Asanzo là hàng Trung Quc "đi lt" hàng Vit.

Trong một thông tin liên quan, trả li câu hi ca phóng viên v vic có tin công ty Apple ca M đang d đnh chuyn mt s b phn dây chuyn sn xut t Trung Quc sang mt s quc gia Đông Nam Á, trong đó có Vit Nam, bà Lê Th Thu Hng cho hay, hin chưa có thông tin nào về vic Apple có tha thun đi vi phía Vit Nam", theo Trang Công Thương.

Bà Hằng nhn mnh : "Phía Vit Nam hoan nghênh đu tư cũng như kinh doanh nước ngoài ti Vit Nam trên cơ s tôn trng đy đ quy đnh ca Vit Nam cũng như lut pháp quc tế".

***********************

Chuyên gia : ‘Việt Nam lèo lái giỏi trong thương chiến Trung – Mỹ’ (VOA, 20/06/2019)

Các chuyên gia quốc tế khen ngi Vit Nam biết tn dng ni lc, tiếp tc thu hút đu tư nước ngoài, và tranh thủ tham gia các hip đnh thương mi quc tế nên ít b nh hưởng trong cuc chiến thương mi M - Trung.

hang2

Từ trái sang : ông Xinquan Tu, ông Yasuyuki Todo, bà Deborah Elms, và ông Matthew Goodman ti cuc hi tho CSIS hôm 19/6/2019.

Hôm 19/6, tại mt cuc hi tho th đô Washington do Trung tâm Nghiên cu Chiến lược và Quc tế (CSIS) và T chc Xúc tiến Thương mi Nht Bn (JETRO) tổ chc, bà Deborah Elms, nhà sáng lp và là giám đc điu hành công ty nghiên cu Asian Trade Centre có tr s Singapore, phát biu rng cuc chiến thương mi gia Hoa Kỳ và Trung Quc đang nh hưởng c tiêu cc và tích cc đến các nước trong khu vực.

Bà nhận đnh rng Vit Nam là mt trong nhng nước Đông Nam Á biết lèo lái gii nht bng chính ni lc ca mình trong khi môi trường kinh doanh quc tế đang hn lon do tác đng ca cuc chiến.

"Tôi nghĩ Việt Nam đang lèo lái tt nht. Là vì h còn thu hút được nhiu đu tư t bên ngoài, mt lý do na là h thc hin các bước khá tt trong vic gia tăng n lc trong nước trước khi thương chiến xy ra".

Bà nói thêm rằng Vit Nam biết nhn thc vic phi vượt lên trên trong nhóm các nước trong Hip hi các quc gia Đông Nam Á (ASEAN) đ nm bt cơ hi thay vì dưới đáy các nước này.

"Bằng chng là Vit Nam đã ký kết Hip đnh Đi tác Toàn din và Tiến b xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang tiến ti ký kết Hip đnh thương mi T do vi EU (EVFTA) song song vi vic cng c nhng áp lc trong nước và thu hút đu tư t nước ngoài", bà Elms nói.

Đặc bit trong lĩnh vc năng lượng, Vit Nam đang hp tác cht ch vi Hoa Kỳ đ gii quyết vic thiếu ht ngun năng lượng cho phát trin kinh tế.

Ông Marc Knapper, Phó Trợ lý Ngoi trưởng Hoa Kỳ, nói ti cuc tho hi tho hôm 19/6.

"Tại Vit Nam, B Ngoi giao Hoa Kỳ và Cơ quan Phát trin Thương mi Quc tế ca Hoa Kỳ (USTDA) đang phi hp vi chính ph Vit Nam đ thc hin kế hoch phát trin năng lượng nhm thu hút đu tư tư nhân vào nước này".

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rng hai bên đang hp tác trong lĩnh vc năng lượng tái to thông qua thu hút đu tư tư nhân và đáp ng nhu cu ca nhiu doanh nghip hàng đu ca Hoa Kỳ đang mun m rng hot đng kinh doanh ti Vit Nam.

Ông Knapper cũng đề cp đến khon vin tr không hoàn lại ca USTDA trong vic h tr v mt pháp lý, k thut cho Tp đoàn Đin lc Vit Nam (EVN) s dng khí ga t nhiên hóa lng (LNG) đ đáp ng nhu cu năng lượng ca Vit Nam.

Ông Knapper xem việc hp tác trong lĩnh vc năng lượng vi Vit Nam, và cả Philippines, là mt ví d đin hình v cam kết lâu dài ca chính ph Hoa Kỳ đi vi khu vc Châu Á, cũng như tái khng đnh các chính sách ca Tng thng Donald Trump xem đây là khu vc có tm quan trng ln nht ca M, đng thi bác b nhng nhn định cho rng Hoa Kỳ đang thc hin chính sách "phân ly" khi nn kinh tế Châu Á.

Tại cuc hi tho xoay quanh ch đ : "Liu Hoa Kỳ có đang phân ly khi nn kinh tế Châu Á ?", dân biu gc Vit Stephanie Murphy, thành viên ca U ban Thương mi, Tài chính và Thuế v ca H vin Hoa Kỳ, đã lên tiếng lo ngi v các chính sách thương mi, kinh tế, đc bit là vic đánh thuế cao đi hàng hóa Trung Quc ca chính quyn Tng thng Donald Trump.

Bà Murphy nói :

"Tôi lo ngại rng các chính sách v TPP và thuế quan ca chính quyn Tng thng Trump đang làm suy yếu tính hiệu qu ca chính sách rng ln hơn đi vi Trung Quc, chúng ta phi đm bo c v an ninh và kinh tế".

hang3

Dân biểu Stephanie Murphy phát biu ti Trung tâm CSIS hôm 19/6/2019.

Bà Murphy, nữ dân biu ca bang Florida, người phn đi vic Tng thng Trump rút Hoa Kỳ ra khi Hip đnh Đi tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đ xut rng Quc hi Hoa Kỳ cn tăng cường giám sát vic thc thi các chính sách thương mi, thuế quan ca Tng thng Trump.

Giáo sư Xinquan Tu thuc trường đi hc Kinh tế Thương mi Quc tế Bc Kinh, nhn đnh v cuc chiến thương mi M-Trung :

"Cuộc chiến thương mi này không đơn thun là vn đ thương mi, mà đó là mt chiến lược rng ln hơn nhm kìm ta Trung Quốc".

Giáo sư Tu nói thêm rng chưa biết bên nào thng cuc trong cuc chiến thương mi này nhưng mt kết qu khi đu cho thy các nước ASEAN, trong đó có Vit Nam, đang thay thế M, tr thành đi tác thương mi ln th hai ca Trung Quc trong 5 tháng đu năm 2019.

Published in Việt Nam

Huawei : 'Chúng tôi trần trụi trước thế giới' (BBC, 11/06/2019)

Giám đốc an ninh mạng của Huawei John Suffolk nói với các nghị sĩ Anh hôm 9/6 rằng Huawei chưa bao giờ bị Trung Quốc hoặc bất kỳ chính phủ nào yêu cầu "làm bất cứ điều gì không mong muốn".

hoavi1

Giám đốc an ninh mạng của Huawei, ông John Suffolk nói Huawei không có quyền truy cập vào các mạng di động

Ông Suffolk cho biết Huawei hoan nghênh người ngoài phân tích các sản phẩm của mình và phát hiện các lỗ hổng kỹ thuật hoặc mã hóa.

"Chúng tôi trần trụi trước thế giới, nhưng chúng tôi muốn làm điều đó, bởi vì nó cho phép chúng tôi cải thiện sản phẩm của mình".

Ông nói thêm : "Chúng tôi muốn mọi người tìm thấy điều gì đó, cho dù họ tìm thấy một hay một nghìn, chúng tôi không quan tâm. Chúng tôi không xấu hổ với những gì mọi người tìm thấy".

Huawei đã được mời đến Ủy ban Lựa chọn Khoa học và Công nghệ để trả lời các câu hỏi của các nghị sĩ về tính bảo mật của thiết bị và các liên kết với chính phủ Trung Quốc.

Mỹ đã khuyến khích các đồng minh chặn Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - khỏi mạng 5G của họ, cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các sản phẩm của mình để giám sát.

"Chúng tôi chưa bao giờ có yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc để làm bất cứ điều gì không mong muốn", ông Suffolk nói.

"Chúng tôi chưa bao giờ bị chính phủ Trung Quốc hoặc bất kỳ chính phủ nào yêu cầu, tôi có thể nói thêm, làm bất cứ điều gì làm suy yếu tính bảo mật của sản phẩm".

Các nghị sĩ bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, như các báo cáo cho thấy có tới một triệu người Hồi giáo đang ở trong các nhà tù ở tỉnh Tân Cương.

Họ hỏi liệu Huawei có bắt buộc phải cung cấp thiết bị cho tỉnh Tân Cương, đặc biệt là theo luật tình báo Trung Quốc năm 2017, yêu cầu các cá nhân và hiệp hội tuân thủ các cơ quan tình báo của Trung Quốc.

Ông Suffolk nói : "Chúng tôi đã phải trải qua giai đoạn làm minh bạch với chính phủ Trung Quốc, điều đó đã sáng tỏ và khá rõ rằng đó không phải là yêu cầu của bất kỳ công ty nào.

"Chúng tôi đã chứng thực điều này thông qua luật sư và được xác nhận lại bởi Clifford Chance ... theo lời khuyên pháp lý của chúng tôi, rằng Huawei không bị yêu cầu thực hiện bất cứ điều gì làm suy yếu vị thế của Huawei về mặt bảo mật".

Truy cập từ xa

Các nghị sĩ hỏi liệu Huawei có thể truy cập từ xa vào mạng di động 5G của Anh thông qua thiết bị của họ hay không.

hoavi2

Huawei phủ nhận rằng họ có bất kỳ liên kết nào với chính phủ Trung Quốc.

Trả lời, ông Suffolk nhấn mạnh rằng Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông cho các nhà khai thác mạng di động.

"Chúng tôi không chạy mạng và vì thế, chúng tôi không có quyền truy cập vào bất kỳ dữ liệu nào đang chạy trên mạng đó", ông nói.

Ông cũng giải thích rằng Huawei chỉ là một trong số khoảng 200 nhà cung cấp sẽ cung cấp nhiều loại thiết bị khác nhau cuối cùng sẽ tạo nên mạng 5G ở Anh.

Tuy nhiên, nếu một nhà điều hành gặp sự cố với thiết bị Huawei, một trung tâm hỗ trợ có trụ sở tại Romania sẽ có thể truy cập từ xa vào thiết bị để khắc phục sự cố.

Các nghị sĩ muốn biết liệu mạng 5G có thể được sử dụng để theo dõi từng người dùng hay không.

Đáp lại, ông Suffolk giải thích rằng công nghệ điện thoại di động đòi hỏi nhà điều hành di động phải liên tục theo dõi điện thoại của người dùng, để có thể kết nối chúng với mạng di động.

Theo logic đó, nhà điều hành liên tục theo dõi tất cả các khách hàng của mình, mọi lúc.

Ông cũng nói với các nghị sĩ rằng chỉ có khoảng 30% linh kiện trong các sản phẩm của Huawei thực sự do công ty này sản xuất - phần còn lại được lấy từ chuỗi cung ứng toàn cầu mà Huawei giám sát chặt chẽ để ngăn chặn cá vi phạm về bảo mật.

Mary-Ann Russon

*****************

Một số đại công ty công nghệ Mỹ hạn chế nhân viên trao đổi với Huawei (VOA, 11/06/2019)

Một s công ty công ngh ln nht thế gii đã ra lnh cho nhân viên không trao đi v các tiêu chun công ngh và k thut vi các đi tác ti công ty Huawei, công ty công nghệ ca Trung Quc b Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen gn đây, Reuters dn ngun t nhng người thông tho vn đ cho biết.

hoavi3

Logo công ty Huawei tại mt trung tâm thương mi Thượng Hi, Trung Quc.

Các nhà sản xut chip như công ty Intel và Qualcomm, công ty nghiên cu di đng InterDigital Wireless và nhà mng Hàn Quc LG Uplus đã hn chế nhân viên trò chuyn không chính thc vi Huawei, nhà sn xut thiết b vin thông ln nht thế gii, các ngun tin cho Reuters biết.

Các cuộc tho lun này là mt phn thông l trong các cuc hp quc tế, nơi các k sư tp hp li đ thiết lp tiêu chun k thut cho các công ngh truyn thông, bao gm c thế h mng di đng tiếp theo là 5G.

Bộ Thương mi M đã không cấm vic liên lc gia các công ty vi Huawei.

Vào ngày 16/5, cơ quan này đã đưa Huawei vào danh sách đen, cm h kinh doanh vi các công ty M mà không có s chp thun ca chính ph M. Sau đó vài ngày, B này cho phép các công ty M tương tác vi Huawei trong các cơ quan tiêu chun cho đến hết tháng 8 vì "cn thiết cho s phát trin các tiêu chun 5G".

Bộ Thương mi đã lp li quan đim này vào th Sáu đ tr li câu hi ca Reuters.

Tuy nhiên, nhiều công ty công ngh ln ca Hoa Kỳ và nước ngoài đang ra lệnh cho nhân viên hn chế mt s hình thc tương tác trc tiếp, theo ngun tin ca Reuters, trong khi h c gng tránh có bt kỳ rc ri tim tàng nào vi chính ph Hoa Kỳ.

Intel và Qualcomm cho biết h đã cung cp hướng dn thc hin cho nhân viên, nhưng t chi bình lun thêm vi Reuters.

Người phát ngôn ca InterDigital cho biết h đã cung cp hướng dn cho các k sư đ đm bo công ty tuân th các quy đnh ca Hoa Kỳ.

Một quan chc ca LG Uplus cho biết công ty "đang t nguyn kim chế không tương tác với nhân viên Huawei, ngoài các cuc hp v vic lp đt hoc bo trì thiết b mng".

LG Uplus đã đưa ra mt tuyên b vi Reuters rng công ty không có chính sách chính thc v vic hn chế các cuc trao đi vi Huawei.

Huawei không đưa ra bình lun nào với Reuters.

Published in Quốc tế
Trang 1 đến 2