Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/09/2019

Thương chiến Mỹ-Trung : Mỹ duy trì áp lực và tung đòn "dân tộc"

RFI tiếng Việt

Mỹ lại dọa tăng thuế gấp đôi đánh vào hàng hóa Trung Quốc (RFI, 20/09/2019)

Vào lúc vòng thương thuyết Mỹ -Trung thứ 13 để tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại sắp mở ra, Washington bắn tin có thể tăng thuế đến 100% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không khẩn trương đi đến một thỏa thuận.

mytrung1

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không có hồi kết ? Reuters

Tung ra đe dọa nói trên là ông Michael Pillsbury, cố vấn về Trung Quốc, người được coi là có ảnh hưởng hàng đầu đối với tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Hồng Kông South China Morning Post, đăng tải hôm qua, 19/09/2019, cố vấn Michael Pillsbury khẳng định : Tổng thống Donald Trump có nhiều biện pháp trong tay để gây áp lực với Bắc Kinh, trong đó có việc tăng thuế lên rất cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đến mức 50%, và thậm chí là 100%. Washington cũng sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc.

Đích nhắm của cố vấn Mỹ là "thế lực cứng rắn" trong nội bộ chính quyền Trung Quốc. Theo ông Michael Pillsbury, Washington và Bắc Kinh tưởng như đã gần đạt được một thỏa thuận hồi tháng 05/2019. Phe cứng rắn trong chính quyền Trung Quốc chỉ được biết đến văn bản dự thảo thỏa thuận 150 trang vào tháng 4/2019, và họ đã can thiệp. Kết quả là phía Trung Quốc bất ngờ bác bỏ dự thảo thỏa thuận.

Viên cố vấn của tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, nếu chính quyền Tập Cận Bình trở lại với bản dự thảo 150 trang này, thì hai bên "sẽ có thể thực sự đạt được những kết quả quan trọng". Cố vấn Michael Pillsbury ca ngợi mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên đã trao đổi qua điện thoại gần 30 lần, mỗi lần ít nhất một tiếng đồng hồ, để cố gắng tìm kiếm các thỏa hiệp.

Michael Pillsbury - tác giả cuốn The Hundred-Year Marathon (Cuộc đua marathon thế kỷ) - chủ trương một đường lối cứng rắn với Bắc Kinh. "The Hundred-Year Marathon" tố cáo tham vọng của Trung Quốc vươn lên soán ngôi siêu cường số một thế giới của Mỹ, đặc biệt thông qua việc đánh cắp công nghệ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn South China Morning Post, Michael Pillsbury cũng quy trách nhiệm cho Bắc Kinh : Việc không đạt được thỏa thuận sẽ khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ("cold war 2.0").

Trọng Thành

****************

Tây Tạng : Đòn mới của Mỹ nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (RFI, 20/09/2019)

Chiến lược gây áp lực toàn diện phải chăng đang được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng để tấn công Trung Quốc ? Sau các sức ép liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Tân Cương, mới đây, Washington đã bất ngờ chĩa mũi dùi công kích Bắc Kinh trên vấn đề Tây Tạng, cụ thể là cảnh cáo Trung Quốc là không nên áp đặt người thay thế đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.

mytrung22

Các nhà sư Tây Tạng tụng kinh trong chùa Jokhang, tại Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, ngày 28/01/2019.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, mũi tấn công của Mỹ xuất phát từ cả hành pháp lẫn lập pháp, với lời cảnh báo của một quan chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao Mỹ và một dự luật đang được thảo luận ở Quốc Hội Hoa Kỳ, nhằm lưu ý Bắc Kinh rằng họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối quốc tế nếu tìm cách áp đặt "tiến trình tái sinh" của đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ngày 18/09/2019 vừa qua, phát biểu trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ, ông David Stilwell, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ đặc trách Đông Á, đã cam kết là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để cho người dân Tây Tạng được hưởng một "quyền tự trị có ý nghĩa".

Về vấn đề kế nhiệm đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, mà theo đức tin Tây Tạng, sẽ tái sinh trong cơ thể người thay thế, ông Stilwell đã không ngần ngại chế nhạo việc Đảng cộng sản Trung Quốc muốn can thiệp vào tiến trình tái sinh này.

Quan chức Mỹ đã tuyên bố nguyên văn như sau : "Thật đáng băn khoăn vì mỉa mai thay, đảng (tức là Đảng cộng sản Trung Quốc) tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong tiến trình tái sinh của đức Đạt Lai Lạt Ma, ngay cả khi chủ tịch Tập (tức là ông Tập Cận Bình) luôn thúc giục các đảng viên duy trì "lòng kiên định của những người Mác Xít vô thần"".

Theo ông Stilwell : "Người Tây Tạng, cũng như tất cả các cộng đồng có đức tin khác, phải có quyền tự do thực hành đức tin của mình, và tự do lựa chọn lãnh đạo của mình mà không bị bên ngoài can thiệp vào".

Hành pháp Mỹ đã lên tiếng sau khi một nhóm dân biểu tại Hạ Viện Mỹ đệ trình một dự luật quy định việc trừng phạt bất kỳ quan chức lãnh đạo Trung Quốc nào can dự vào các hoạt động nhằm chọn người kế vị lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng.

Bên cạnh đó, dự luật còn cấm Trung Quốc mở thêm lãnh sự quán tại Hoa Kỳ, ngày nào mà Mỹ không có cơ sở ngoại giao của chính mình tại Lhassa, thủ phủ vùng Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm đã 84 tuổi, vấn đề chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp càng lúc càng gay gắt. Theo truyền thống, các tu sĩ Tây Tạng chọn Đạt Lai Lạt Ma thông qua một nghi thức có thể kéo dài nhiều năm, với một ủy ban lưu động có trách nhiệm đi khắp nơi tìm kiếm một đứa trẻ có thể là hóa thân tái sinh của nhà lãnh đạo tinh thần đương nhiệm.

Trong thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đang ngày càng cho thấy rõ ý muốn tự mình chọn người kế vị đức Đạt Lai Lạt Ma, với hy vọng bổ nhiệm được một lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thân Bắc Kinh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện thời, đang sống lưu vong ở Ấn Độ sau khi chạy trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959, đã nghĩ đến việc chống lại ý đồ của Trung Quốc bằng cách đề ra những khả năng phi truyền thống để tìm người kế nhiệm, chẳng hạn như chọn ngay người kế nhiệm khi ông đang còn sống, thậm chí chọn một cô gái. Một khả năng nữa là tuyên bố rằng ông là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng.

Đối với giới bảo vệ dân tộc Tây Tạng, sự can thiệp của Mỹ có thể sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi ý kiến, nhưng sẽ buộc Bắc Kinh phải cân nhắc lợi hại trước khi hành động.

Dẫu sao thì với hồ sơ Tây Tạng, kể như là Mỹ đã tung đòn gây sức ép trên toàn bộ các vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi của họ. Bên cạnh ba điểm truyền thống là Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, còn có Biển Đông mới được Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi trong một vài năm qua. Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã phải đối phó với áp lực của Washington trên toàn bộ 4 hồ sơ này.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)