Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/09/2019

Quốc phòng : Nga thách thức phương Tây, Saudi Arabia cô độc trước Iran

RFI tiếng Việt

Mạng lưới phòng thủ dầy đặc của Nga thách thức phương Tây (RFI, 19/09/2019)

Việc Moskva triển khai hệ thống phòng không tại Bắc Cực là động thái gần đây nhất cho thấy Nga đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở khắp mọi nơi. Điện Kremlin ngày càng mở rộng các vùng "Chống tiếp cận và chống xâm nhập – Anti Access/Area Denial" ở hải ngoại. Đây là một mối thách thức đối với phương Tây.

nga1

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất được triển khai tại thị trấn Gvardeysk, gần Kaliningrad, Nga, ngày 11/03/2019. Reuters/Vitaly Nevar

Đầu tuần bộQuốc Phòng Nga thông báo đã triển khai tên lửa S-400 tại quần đảo Novaya Zemlya, tăng cường khả năng phòng thủ cho căn cứ không quân tại Bắc Cực. Đây là một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và đang trở thành một tuyến hàng hải quan trọng nhờ hiện tượng trái đất bị hâm nóng làm tan băng. Cũng chính vì thế mà ông khổng lồ châu Á,Trung Quốc, đã đang tăng tốc tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Băng Dương.

Trước đây, trong vùng Bắc Cực, Moskva đã triển khai tên lửa tầm xa tại Mourmansk, Arkhangelsk ở phía tây bắc, sát với biên giới Phần Lan và Na Uy, cũng như là tại Sakha ở phía đông của nước Nga. Nhưng với việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại quần đảo Novaya Zemlya, Bộ Quốc phòng Nga giải thích : "Hệ thống phòng thủ S-400 sẽ cho phép tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát không phận tại Bắc Cực". Nói cách khách chính quyền Nga "củng cố thêm khu vực Chống tiếp cận và chống xâm nhập tại một vùng chiến lược".

Khái niệm "khu vực Chống tiếp cận và chống xâm nhập" đã có từ cuối những năm 1990. Ban đầu, đấy đơn giản là việc một quốc gia lập ra vùng trên biển, trên không, để bảo vệ lãnh thổ cũng như các quyền lợi chiến lược của mình. Nhưng điều khiến giới quân sự của phương Tây lo ngại, là Nga lập ra các khu vực Chống tiếp cận và chống xâm nhập ở những vùng hải ngoại. Cụ thể là Moskva đã tăng cường khả năng phòng thủ ở vùng biển Baltic, hay khá gần cửa ngõ của Liên Hiệp Châu Âu, rồi trang bị luôn cả S-400 cho chế độ Bachar Al Assad tại Syria. Còn Trung Quốc thì đã có những bước chuẩn bị để lập vùng nhận dạng phong không ở Biển Đông.

Trong cả trường hợp của Nga và Trung Quốc, các trang thiết bị quân sự ngày càng tối tân. Nga đã huy động từ tên lửa địa đối không, địa đối địa, tên lửa chống tàu ngầm... đến phía đông Địa Trung Hải hay eo biển Ormuz... Đô đốc Olivier Lebas, ghi nhận đây thực sự là một "thách thức" đối với quân đội Pháp. Bởi thứ nhất, "ngoài hệ thống tên lửa phòng không S-400 hay một số tên lửa chống tàu ngầm của Nga, của Trung Quốc, một số quốc gia như Iran, và thậm chí là ngay cả những lực lượng không phải là một quốc gia" cũng muốn lập những vùng Chống tiếp cận và chống xâm nhập. Nhà quân sự người Pháp này muốn nói tới trường hợp của phe nổi dậy Houthi ở Yemen.

Thách thức thứ nhì đặt ra cho các nước phương Tây, như đô đốc John Richardson của Hải Quân Hoa Kỳ từng ghi nhận năm 2016, là chiến lược quốc phòng đó không chỉ nhằm tự vệ, mà còn theo đuổi mục đích "xâm chiếm" những vùng đất, những vùng biển không thuộc về mình hay ngăn ngừa mọi chiến dịch quân sự nhằm giành lại những vùng bị xâm chiếm đó. Đô đốc Mỹ, John Richardson năm 2016 đã đưa ra thí dụ cụ thể là trường hợp của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Thách thức thứ ba đặt ra cho phương Tây, theo chuyên gia Corentin Brustlein, giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, là không dễ dàng tìm ra được kẽ hở để can thiệp tại những vùng Chống tiếp cận và chống xâm nhập của Nga hay Trung Quốc, bởi cả hai cùng là những cường quốc quân sự và cùng có vũ khí nguyên tử. Mọi chiến dịch can thiệp đều dẫn đến nguy cơ xung đột leo thang.

Cuối cùng, vẫn theo giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, Corentin Brustlein, các vùng Chống tiếp cận và chống xâm nhập đó đang thu hẹp khả năng hành động mà các nước phương Tây, trong khi đó là một lợi thế của khối này, từ thời Chiến tranh lạnh. Giờ đây với việc các vùng phòng thủ trở nên dầy đặc hơn, mọi can thiệp quân sự ngày càng đòi hỏi nhiều phương tiện hơn, tốn kém hơn, bắt buộc các bên phải huy động những loại vũ khí tối tân hơn.

Điểm son duy nhất, là các vùng Anti Access/Area Denial của Nga không phải là những thành trì bất khả xâm phạm. Bằng chứng là tháng 4/2018, chiến dịch Hamilton do Anh, Pháp và Mỹ khởi động đã thành công. Paris, Luân Đôn và Washington đã phá hủy được một số kho vũ khí hóa học của Syria với một vài chiến đấu cơ xuất phát từ Pháp, vài chiếc tàu tuần dương và khoảng một trăm tên lửa. Có điều vào lúc mà tên lửa của Nga hiện diện khắp mọi nơi, rủi ro thiệt hại về nhân mạng càng cao hơn, và điều đó càng đẩy phương Tây vào một cuộc chạy đua tìm kiếm những công nghệ mới để phục vụ các mục tiêu quân sự.

Thanh Hà

*****************

Đối đầu với Tehran, Saudi Arabia đơn độc (RFI, 18/09/2019)

Vụ trung tâm lọc dầu và khu mỏ dầu hỏa lớn nhất của Saudi Arabia bị oanh kích là một đòn đau cho quân đội hoàng gia và thái tử nối ngôi Mohammad bin Salman, người mang tham vọng lãnh đạo hệ phái Suni "giải phóng" Iran khỏi chế độ giáo quyền Shia bằng sức mạnh quân sự.

nga2

Thái tử Mohammad bin Salman tham dự một sự kiện tại Học viện Hàng không Vua Faisal, Riyadh, Saudi Arabia, ngày 23/12/2018 - Bandar Algaloud/Reuters

Với biệt danh "MBS", thái tử Mohammad bin Salman "nổi tiếng" trên thế giới sau vụ nhà báo đối lập Jamal Khashoggi bị ám sát và thủ tiêu thi thể trong toà lãnh sự của Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 10/2018.

Nhưng trước khi uy tín bị sụp đổ vì nghi án này, MBS được Tây phương kỳ vọng là một nhà lãnh đạo thuộc thế hệ mới, là đồng minh đáng tin cậy trong khu vực.

Một năm trước đó, 2017, MBS cho thực hiện một cuốn phim tuyên truyền về uy lực của quân đội hoàng gia. Cũng tương tự như Kim Jong-un biểu dương lực lượng trên màn ảnh nhỏ tấn công vào Washington và Nhà Trắng, đoạn phim video của Saudi Arabia bắt đầu bằng tuyên bố hùng dũng của thái tử nối ngôi : "Chúng ta không chờ chiến tranh lan tới Saudi Arabia, chúng ta sẽ đánh trên đất Iran". Hình ảnh tiếp theo là quân đội hoàng gia phản công, ngăn chận từng tên lửa của Vệ Binh Cách Mạng trên không, đánh tan từng hạm đội của Iran trên biển, ồ ạt đổ bộ phản công đến tận thủ đô Tehran, chế độ giáo quyền tháo chạy trong tiếng hò reo vui mừng của người dân Iran.

21 tháng sau, những gì xảy ra ở trung tâm lọc dầu Abqaiq và khu mỏ dầu Khourais gần đó là một cú đấm thôi sơn vào uy tín của quân đội Saudi Arabia. Hệ thống phòng không để lọt lưới hàng chục máy bay tự hành và tên lửa gây thiệt hại nặng 50% cho con gà đẻ trứng vàng của vương quốc số một tại vùng Vịnh. Một doanh nhân nước ngoài chia sẻ nhận xét như trên với báo Le Monde. Tuy phe Huthi nổi dậy ở Yemen do Iran hỗ trợ lên tiếng nhận chiến công, nhưng Washington cũng như Riyadh đoan chắc chính Iran là thủ phạm.

Đây là cơ hội bằng vàng để Riyadh phản công khai chiến với Tehran.

Thế nhưng, thái tử MBS tỏ ra kín đáo không chỉ đích danh Iran, cho dù trong triều đình không ai nghĩ khác.

MBS đơn thương độc mã

Trong bài "MBS bất lực", nhật báo độc lập của Pháp đưa ra một số lý do. Trước hết, theo một nhà báo Saudi Arabia xin được giấu tên, vương quốc của ông đã bị "Iran sỉ nhục một cách nặng nề", thế mà không có phản ứng : bởi vì thái tử Mohammad bin Salman lâm vào thế "đơn thương độc mã" đối diện với Iran.

Ngoài thái độ do dự của tổng thống Mỹ Donald Trump, Saudi Arabia cũng mất điểm tựa ở đồng minh thân cận nhất là Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates - UAE). Từ sau loạt tàu dầu bị tấn công ở vịnh Ba Tư, Abu Dhabi không tích cực ủng hộ chính sách "gây áp lực tối đa" của trục Washington-Riyadh.

Nước Pháp, đồng minh quan trọng khác của Saudi Arabia, đang đóng vai trò trung gian hòa giải Mỹ-Iran, cũng chọn thái độ thận trọng. Cho dù tổng thống Macron gọi điện ủng hộ vương triều, nhưng theo nhà phân tích Yasmine Farouk, viện nghiên cứu Carnegie, thì không một nước nào sẵn sàng khai chiến với Iran.

Trong bối cảnh này, một giải pháp quân sự, oanh kích ồ ạt Iran, được xem là "ít có xác suất" xảy ra. Riyadh vừa lúng túng về chiến lược vừa không được hậu thuẫn chính trị quốc tế.

Mặc khác, trả đũa bằng quân sự sẽ đưa cả khu vực vào một cuộc xung đột không lối thoát và thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự như năm 1979 vì cuộc cách mạng Iran và chiến tranh Iran-Iraq.

Phản ứng trả đũa tối đa là "phản công mạng, phong toả hệ thống vi tính của chính quyền Iran" hay là mua thêm tên lửa phòng không.

Không ít nhà phân tích còn suy đoán nhân cơ hội này, quốc vương Salman sẽ thay thế hay răn đe người con được trao quá nhiều quyền lực. MBS biết đâu sẽ là nạn nhân "bị vạ lây" trong vụ oanh kích 14/09.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 519 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)