Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/09/2019

Điểm báo Pháp - Hồng Kông : ngân hàng BNP Paribas Pháp

RFI tiếng Việt

Hồng Kông : Giới thân Bắc Kinh đòi tẩy chay ngân hàng Pháp BNP Paribas

Các động thái của Bắc Kinh nhằm trấn áp phong trào phản kháng tại Hồng Kông tiếp tục thu hút báo giới Pháp.

bnp1

Trung tâm IFC Hồng Kông ngày 13/02/2018 Andrew CABALLERO-REYNOLDS / AFP

Hai tờ báo lớn ở Pháp là Le FigaroLe Monde số ra hôm nay, 18/09/2019, đã đặc biệt chú ý đến vụ ngân hàng Pháp BNP Paribas bị "đánh" vì một cán bộ người Hồng Kông ở chi nhánh BNP tại đặc khu này ủng hộ phong trào dân chủ.

Trong bài viết mang tựa "BNP Paribas bị vướng vào các rối loạn tại Hồng Kông", thông tín viên Le Figaro đã tóm lược rắc rối mà ngân hàng lớn nhất của Pháp vừa gặp phải.

"Đuổi cổ kẻ ly khai ! Nếu không thì cút khỏi Trung Quốc". Lời cảnh báo sỗ sàng này là nhắm vào ngân hàng Pháp BNP Paribas của một cư dân mạng bảo vệ danh dự của Trung Quốc ở Hồng Kông. Đám đông hàng trăm "hồng vệ binh trên mạng", danh tánh bất minh, đã tố cáo một nhân viên của ngân hàng Pháp tại Hồng Kông là đã thóa mạ người biểu tình ủng hộ Trung Quốc trong một bài đăng trên Facebook.

Tờ báo dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc là Hoàn Cầu Thời Báo đã tố cáo rằng một người tên Jason Y. Ng nào đó đã gọi một nhóm hát quốc ca Trung Quốc, hôm thứ Năm tuần trước, trong một trung tâm thương mại Hồng Kông, là một bầy "khỉ".

Ngân hàng BNP Paribas đã phải "xin lỗi sâu sắc" trong một thông cáo đưa lên trang web vào hôm thứ Sáu. Và nói thêm là "quan điểm của nhân viên đó không phải là quan điểm của ngân hàng và cũng đã yêu cầu người nhân viên rút bỏ bài đăng. Ngân hàng cũng đã có biện pháp ngay".

Kẹt giữa nhân viên chuộng dân chủ và lợi ích tại Hoa Lục

BNP Paribas, theo Le Figaro, đã hiện diện ở Trung Quốc từ năm 1980, đã phải khom lưng, với hy vọng là chuyện sẽ "xẹp xuống" dù rằng một số người trên mạng vẫn cho là những lời xin lỗi đó chưa đủ, và kêu gọi tẩy chay.

Ayesha De Kretser, đặc trách giao tiếp của ngân hàng BNP ở Hồng Kông, giải thích với Le Figaro là ở thời điểm này, ngân hàng không muốn thông báo gì thêm.

Đối với Le Figaro, trường hợp của BNP Paribas minh họa cho tình thế khó xử của các công ty (nước ngoài) ở Hồng Kông, bị kẹt giữa một bên là tinh thần chuộng dân chủ của số không ít nhân viên của họ, và một bên kia là quyền lợi thương mại gắn chặt với Hoa Lục.

Bình luận gây sốc : "Monkey see, Monkey do"

Dưới hàng tựa : "Tại Hồng Kông, cư dân mạng thân Trung Quốc kêu gọi tẩy chay BNP Paribas", tờ Le Monde cũng nhắc lại nguyên do khiến ngân hàng Pháp bị kêu gọi tẩy chay : "Trên trang Facebook của mình, một cán bộ của ngân hàng đã sử dụng một từ ngữ bị cư dân mạng Trung Quốc cho là mang tính chất nhục mạ". Thông tín viên của Le Monde tại Hồng Kông đã kể lại chi tiết vụ việc.

Sự cố diễn ra vào ngày 12/09 trong một cảnh mặt đối mặt siêu thực vào giờ nghỉ ăn trưa trong khu vực buôn bán của IFC, một trong những trung tâm thương mại nổi tiếng của Hồng Kông, nơi mà hàng ngàn nhân viên ngân hàng và ở các cao ốc chung quanh đến mua thức ăn trưa. BNP Paribas, một trong những ngân hàng quốc tế hiện diện lâu đời nhất ở Hồng Kông, đã thuê nhiều tầng ở trung tâm này, vốn là một trong những cao ốc biểu tượng của thị trường tài chính Hồng Kông.

Đột nhiên, hàng trăm, có lẽ hơn một ngàn người, cả đàn ông lẫn phụ nữ ủng hộ Trung Quốc, phất cờ Trung Quốc từ những ban công bên trên một trong những "sân trong" (atrium) của trung tâm. Rồi họ hát quốc ca Trung Quốc, hô to những khẩu hiệu như "Hồng Kông là Trung Quốc" và "Hãy ủng hộ cảnh sát Hồng Kông !" trong một cử chỉ thách thức người biểu tình chống chính quyền.

Nhưng không lâu thì những người phản kháng đã huy động thành phần ủng hộ mình, với số lượng nhanh chóng vượt qua số người ủng hộ Trung Quốc và họ cũng ca hát và hô khẩu hiệu to hơn. Sau khoảng một tiếng đồng hồ náo nhiệt đua nhau la hét khẩu hiệu, rồi đến sự can thiệp của cảnh sát, hai bên rã đám, nhưng không quên vài cú đấm, vài cú đánh bằng dù, bằng xách tay, túm tóc nhau…

Sau sự cố hài hước này và được bình luận rộng rãi ở Hồng Kông, Jason Ng. lãnh đạo một bang pháp lý của BNP Paribas, đã sử dụng thành ngữ Mỹ "Monkey see, monkey do" - nói cách khác "khỉ nhìn, khỉ bắt chước", để mỉa mai việc cánh ủng hộ Trung Quốc không tìm được cái gì khác hơn là bắt chước hành động của cánh đòi dân chủ.

Và như thế là các người tuyên truyền cho Trung Quốc trên mạng phẫn nộ, tố cáo Jason Ng. là xem người Trung Quốc là "khỉé.

Phải nói là ngoài công việc ở ngân hàng, Jason Ng là một nhà hoạt động rất được biết đến và tôn trọng về những bài nhận định và sự dấn thân của ông cho dân chủ. Cho dù bị xóa đi, nhưng bài đăng của ông đã được sao chép lại trên nhiều tài khoản Vi Bác.

Trung Quốc phải coi chừng bị "già néo đứt dây"

Đối với Le Monde, cho dù hiện nay các tập đoàn quốc tế có vẻ đã nhún nhường trước các động thái đe dọa từ phía Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc phải cẩn thận kẻo "già néo đứt dây" :

"Nếu sức ép đối với quyền tự do ngôn luận gia tăng, một số công ty sẽ đặt vấn đề dời một phần người tài giỏi của họ, và Hồng Kông sẽ bị thua thiệt", theo nhận định của Alicia Garcia-Ferrero, kinh tế trưởng phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis.

Lo ngại không kém các ngân hàng là các đại tập đoàn hàng sang trọng, bị ám ảnh trước nguy cơ trở thành mục tiêu các cư dân mạng và blogger Trung Quốc mà ai cũng sợ "sức phá hoại không thể kiểm soát được".

Nhưng một lãnh đạo ngân hàng khác nhắc lại "Trung Quốc cũng phải sử dụng biện pháp khủng bố trắng một cách có chừng mực, vì quyền lợi của Trung Quốc không phải là khiến cho tất cả các ngân hàng quốc tế lớn bỏ chạy khỏi Hồng Kông".

Vụ Solomon về với Trung Quốc : Mỹ, Úc và New Zealand phải cẩn thận

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trong vấn đề Đài Loan, các báo đều đã nêu bật vụ Bắc Kinh vừa thành công trong việc tung tiền mua chuộc được đảo quốc Solomon ở miền Nam Thái Bình Dương, bỏ Đài Loan để quay sang bang giao với Bắc Kinh.

Trong bài viết "Trung Quốc chiếm đoạt quần đảo Solomon từ tay Đài Loan", Le Monde cho rằng có lẽ vụ thu phục được quốc gia mới này sẽ được Bắc Kinh phô trương như một thành tích ngoại giao nhân lễ mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào đầu tháng 10 sắp tới.

Đối với Le Monde, việc này tuy nhiên không đơn thuần là đối sách chống Đài Loan, mà còn nhằm tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương.

Tờ báo Pháp đã trích dẫn ông Jun Teufel Dreyer, giáo sư tại Đại học Miami (bang Florida Hoa Kỳ) nhận định : "Không chỉ nước Mỹ là mục tiêu của Trung Quốc, mà cả Úc và New Zealand, vốn xem các đảo Thái Bình Dương nằm trong vùng ảnh hưởng của mình… Canberra, Wellington và Đài Bắc phải tự hỏi là đảo quốc nào sẽ là quân cờ domino tiếp theo bị sụp đổ".

Tổng thống Pháp nêu rõ quan điểm về nhập cư

Nhập cư quả là một vấn đề rất được người Pháp quan tâm, nhất là khi chính tổng thống nước Pháp cho biết quan điểm. Ba tờ báo lớn tại Pháp hôm nay, 18/09/2019 đều dành tựa lớn cho hồ sơ nhập cư và quyền tị nạn, vừa được ông Emmanuel Macron gợi lên cách nay hai hôm.

Le Monde chạy tựa "Macron giành lấy hồ sơ nhập cư trước mặt Le Pen", trong lúc Le Figaro khẳng định : "Macron muốn đoạn tuyệt với thái độ phủ nhận thực tế". Báo La Croix thì mở rộng vấn đề qua lãnh vực quyền tị nạn, tự hỏi là "Phải chăng nước Pháp quá rộng lượng ?".

Về phần Les Echos, nhật báo kinh tế này cũng đề cập đến vấn đề nhập cư, nhưng trong hai bài ở trang nước Pháp, còn tựa chính trang nhất thì được dành cho sự kiện "Điện Elysée huy động 5 tỷ euros từ các định chế tài chính để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp start-up".

Riêng Libération thì bỏ qua hoàn toàn hồ sơ nhập cư (vì đã nói đến trong số báo hôm qua), mà dành trang nhất và hồ sơ chính cho một quyết định của Tư Pháp nước Pháp có liên quan đến môi trường qua hàng tựa lớn "Khi khí hậu là luật pháp". Tờ báo đã phân tích phán quyết của tòa tiểu hình Lyon hôm thứ Hai 16/09 vừa qua, tha bổng hai nhà đấu tranh cho môi trường bị đưa ra tòa về tội gỡ ảnh của tổng thống Macron treo tại các tòa thị chính rồi đem đi bêu xấu trong cuộc biểu tình chống thượng đỉnh G7 mới đây.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 444 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)