Cờ Đài Loan xuất hiện ở buổi lễ của Tổng thống Trump và quân đội Mỹ (BBC, 11/06/2019)
Có tài liệu của Hoa Kỳ nay công khai gọi Đài Loan là 'quốc gia'' và cờ Đài Loan xuất hiện cả ở buổi lễ có mặt Tổng thống Donald Trump.
Cờ sao trắng trên nền xanh dương của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) trong buổi lễ tốt nghiệp khóa 2019 của học viên Học viện Không quân Hoa Kỳ 30/05 ở Colorado với sự có mặt của Tổng thống Trump
Hôm 01/06/2019, cộng đồng mạng tiếng Trung và báo chí Đài Loan "phát hiện" ra rằng Đài Loan được đặt trong danh sách "các quốc gia" (countries) trên trang của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Nội dung trang web đó viết về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Trước đó, Tòa Bạch Ốc đăng trên Instagram hình Tổng thống Donald Trump chúc mừng các học viên tốt nghiệp Học viện Không quân Hoa Kỳ (US Air Force Academy) hôm 30/05, với lá cờ sao trắng của Đài Loan cùng nhiều cờ các nước phía sau.
Có vẻ đây không phải là những việc làm tình cờ và cho thấy quan hệ Washington - Đài Bắc đang "bình thường hóa", bất chấp phản đối từ Bắc Kinh.
Mới nhất, theo trang South China Morning Post (10/06/2019), Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đăng ảnh Trung tướng H. Stacy Clardy III bắt tay, trao đổi quà với Thiếu tướng Đài Loan, Lưu Nhĩ Vinh (Liu Erh-jung) tại một hội thảo ở Honolulu tuần trước.
Cờ Đài Loan được dùng thoải mái trên hòn đảo này nhưng bị Trung Quốc cấm dùng ở nhiều nước khác
Vẫy cờ Đài Loan ở Mỹ
Từ nhiều năm qua Trung Quốc gây sức ép lên mọi quốc gia để không ở đâu có xuất hiện lá cờ Đài Loan.
Khi thi đấu ở các giải quốc tế, vận động viên Đài Loan phải dùng một lá cờ khác, có hình bông hoa màu trắng và dòng chữ Chinese Taipei - Trung Hoa Đài Bắc.
Sinh viên Trung Quốc du học ở Phương Tây cũng từng tẩy chay, thậm chí đe dọa người Đài Loan nếu họ đem cờ nước họ ra trước công chúng.
Nhưng nay có vẻ 'lệnh cấm' của Trung Quốc bị vứt bỏ ở Hoa Kỳ.
Theo trang Taipei Times, một học viên tốt nghiệp Học viện Không quân Hoa Kỳ ở bang Colorado đã vẫy cờ Đài Loan trong buổi lễ có mặt tổng thống Trump.
Người này là một trong số học viên từ Kazakhstan, Hàn Quốc, Romania, Rwanda, Sri Lanka, Thái Lan, Philippines, Singapore và Tunisia cùng tốt nghiệp với các học viên Hoa Kỳ.
Sau đó, một cờ Đài Loan khác được thấy rõ trong hình mà chính Tòa Bạch Ốc đăng trên mạng xã hội.
Không lực Đài Loan có nhiều sĩ quan là nữ
Vẫn theo tờ Taipei Times, hiện Bộ Quốc phòng Đài Loan không công bố con số quân nhân họ gửi đi học tại các học viện quân sự của Hoa Kỳ.
Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc nhưng vẫn trợ giúp huấn luyện quân sự.
Hồi tháng 4, Hoa Kỳ tiết lộ về kế hoạch huấn luyện phi công cho Đài Loan, một phần của chương trình 500 triệu USD giúp Đài Loan bảo trì và có nhân sự cho các phi cơ F-16.
Được biết phi công Đài Loan học bay F-16 ở căn cứ Luke Air Force, Arizona.
***************
Trump "sẵn sàng" áp thêm thuế lên hàng Trung Quốc nếu đàm phán đổ vỡ (VOA, 11/06/2019)
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai 10/06 cho biết ông sẵn sàng áp thêm thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới không có kết quả.
Tư liệu : Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay sau tuyên bố chung tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh.
Kể từ khi cuộc đàm phán thương mại hồi tháng trước kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, Tổng thống Trump đã liên tục
Hồi tuần trước, Tổng thống Trump nói ông sẽ chờ đến sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, rồi mới quyết định có tiếp tục áp thuế lên số lượng hàng hoá trị giá 300 tỉ đô la của Trung Quốc hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC hôm 10/06, Tổng thống Trump cho biết ông nghĩ rằng Chủ tịch Tập cũng sẽ tham dự cuộc gặp thượng đỉnh này.
"Nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận, bạn sẽ thấy thuế nhập khẩu sẽ tăng lên", Tổng thống Trump nói với CNBC. Ông nhấn mạnh thêm rằng ông có một "mối quan hệ tuyệt vời" với chủ tịch Tập, và Bắc Kinh muốn thỏa hiệp với Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/06 cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục thảo luận với Washington, nhưng chưa có thông tin gì về một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đột ngột leo thang hồi tháng Năm, sau khi chính quyền của Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc rút lại những lời hứa hẹn mà nước này đưa ra trong quá trình thương thảo.
Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc tiến hành những thay đổi toàn diện, bao gồm chấm dứt cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp bí mật thương mại của Mỹ. Washington cũng muốn Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp cho các tập đoàn nhà nước đồng thời mở cửa thị trường hơn nữa cho các công ty của Mỹ.
Vào ngày 10/05 vừa qua, Tổng thống Trump đã áp thuế 25% lên lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỉ đô la từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã ngay lập tức trả đũa bằng cách tăng thuế lên 60 tỉ đô la hàng hoá Mỹ.
Chính quyền Hoa Kỳ còn khiến Trung Quốc tức giận bằng cách đưa công ty Huawei vào sổ đen, cấm các tập đoàn của Mỹ làm ăn với gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc.
Các nhà đầu tư lo ngại Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách liệt các công ty Mỹ vào danh sách đen, hoặc ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Hoa Kỳ. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất bộ nhớ, pin sạc và điện thoại di động.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Tổng thống Trump cho biết việc đưa Huawei vào sổ đen cũng có thể coi là một phần của thương chiến với Trung Quốc.
******************
Trung Quốc chưa xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ ở G20 (VOA, 10/06/2019)
Hôm 10/6, Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ thông tin về cuộc gặp có thể diễn ra giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ bên lề thượng đỉnh G20 vào tháng này, nhưng nói rằng Bắc Kinh vẫn "để ngỏ" đối thoại vấn đề thương mại với Washington, theo Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau vào ngày 9/11/2017 tại Bắc Kinh.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhiều lần nói rằng ông sẵn sàng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật, vào cuối tháng 6, nhưng phía Trung Quốc chưa xác nhận.
Hôm 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết, cuộc họp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có một số điểm tương đồng với hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào tháng 12 năm ngoái, mà Washington đã hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong khi hai bên nối lại đàm phán.
Phát biểu tại Bắc Kinh trong cuộc họp báo hàng ngày hôm 10/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng một lần nữa không xác nhận sẽ diễn ra cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Trung tại Osaka.
Nhưng ông Cảng cho biết, Trung Quốc đã nhận thấy rằng gần đây, phía Hoa Kỳ đã nhiều lần nói rằng họ hy vọng sẽ sắp xếp một cuộc họp.
"Nếu có tin tức cụ thể về vấn đề này, Trung Quốc sẽ thông báo kịp thời", ông Cảnh nói thêm.
Về tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, ông Cảnh nói thêm rằng quan điểm của Bắc Kinh rất rõ ràng :
"Trung Quốc không muốn tham chiến trong cuộc chiến thương mại, nhưng không sợ một cuộc chiến như vậy. Nếu phía Hoa Kỳ sẵn sàng có các cuộc tham vấn bình đẳng thì cánh cửa của chúng tôi sẽ mở rộng. Còn nếu phía Hoa Kỳ khăng khăng leo thang xích mích thương mại, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả và chiến đấu đến cùng".
*********************
Mỹ điều tàu tuần duyên đến Biển Đông đối phó với lực lượng dân quân biển Trung Quốc (RFA, 11/06/2019)
Tuần duyên Hoa Kỳ đã điều hai tàu là USCGC Bertholf và USCGC Stratton tham gia cùng Hạm đội 7 đóng ở Yokosuka, Nhật Bản, đến hoạt động ở khu vực Biển Đông với mục đích giúp các nước trong khu vực thực thi pháp luật, xây dựng năng lực trong hoạt động nghề cá.
Tàu tuần duyên Mỹ USCGC Bertholf - Courtesy of Wikiemedia Commons
Phát biểu trong một họp báo qua điện thoại với báo giới vào ngày 11/6, bà Linda Fagan, Phó đô đốc, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Mỹ cũng cho biết Tuần duyên Mỹ đang theo dõi hoạt động xâm lấn của lực lượng dân quân biển Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Hoạt động của Tuần duyên Mỹ tại khu vực Biển Đông diễn ra vào giữa lúc Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực đòi chủ quyền ở khu vực biển Đông và Hoa Đông. Mới đây Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên một vùng rộng thuộc Biển Đông. Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm này.
Trung Quốc cũng là nước có khoảng 200 tàu tuần duyên trong đó có những tàu lớn, đồng thời cho phép các tàu dân sự được tham gia hoạt động giúp các tàu tuần duyên nước này.
Hồi tháng trước tàu USCGC Bertholf đã có một cuộc diễn tập chung với tàu Philippines ở gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Vào tháng 3 vừa qua, tàu Bertholf đã đi qua eo biển Đài Loan, thách thức Trung Quốc.
Chuyến đi của tàu Tuần duyên Mỹ tới khu vực được cho biết là lần đầu tiên sau 7 năm qua. Bà Fagan cho biết, sự trở lại của Tuần duyên Mỹ hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế vốn cho phép các tàu được đi qua các vùng nước quốc tế.