Tương lai gập ghềnh của Dự luật trừng phạt Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông
Dự luật trừng phạt Trung Quốc
Trên mạng xã hộiTwitter, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ - ông Bob Menendez - thông báo rằng trong cuộc họp ngày 19/10, Ủy ban đã thông qua dự luật "Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông (S.1657)". Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ben Cardin, là hai người đồng chủ trì đề xuất dự luật này, đã ra thông cáo báo chí "hoan nghênh việc ủy ban thông qua luật nhắm vào các hành động gây hấn của Trung Quốc" ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tàu USS Wayne E. Meyer (DDG 108) của Hải quân Mỹ đi qua Biển Đông hôm 11/4/2017 - Reuters
Vì sao phải trừng phạt Trung Quốc ?
Thượng nghị sĩ Rubio nhấn mạnh :"Không có mối đe dọa nào đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở lớn hơn Đảng cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Rủi ro đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực là hiện hữu. Mỹ cần các công cụ bổ sung để đối đầu với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục nỗ lực xác lập quyền kiểm soát bất hợp pháp về chủ quyền đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông" (2). Về phần mình, Thượng nghị sĩ Ben Cardin khẳng định :"Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng rằng Mỹ sẽ bảo vệ tuyến thương mại tự do và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với lu ật pháp quốc tế" (3).
Hồi tháng tư năm nay, Thượng nghị sĩ Ben Cardin đã cho biết :"Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh tài chính và các mối liên hệ của mình để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Mỹ và trên toàn thế giới trong nhiều năm. Đã đến lúc chúng ta ngừng mở cửa cho những hành động gây hấn như vậy và vạch trần các hoạt động cưỡng chế, phản nhân quyền, chống thị trường tự do của họ. Hoa Kỳ có thể chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia của chúng ta bằng cách đề cao các giá trị của chúng ta, nhấn mạnh sự minh bạch và vạch trần tham nhũng" (4).
Hai Thượng nghị sĩ đồng chủ trì dự luật kêu gọi Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua luật để khẳng định mạnh mẽ cam kết của Mỹ bảo vệ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Liệu dự luật có sớm được thông qua ?
Quy trình của một dự luật trở thành một đạo luật chính thức theo luật pháp Mỹ thông thường sẽ gồm bảy giai đoạn. Dự luật này mới được thông qua tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện cho nên mới chỉ là hoàn tất giai đoạn thứ ba trong bảy giai đoạn đó (5). Cho nên có thể nói là dự luật mới đi được gần nửa đoạn đường. Theo quy trình, dự luật này sẽ được trình thông qua tại Thượng viện (Senate), sau đó sẽ trình thông qua tại Hạ viện (House of Representatives). Nếu được thông qua tại Lưỡng viện thì sẽ được trình tiếp để Tổng thống ký thông qua. Nếu Tổng thống ký thông qua thì dự luật sẽ trở thành đạo luật chính thức. Tuy nhiên Tổng thống có quyền phủ quyết (từ chối không ký) dự luật đó. Trong trường hợp Tổng thống phủ quyết thì Lưỡng viện có thể bỏ phiếu, nếu đạt tỉ lệ 2/3 đồng ý thì sẽ "bỏ qua" quyết định phủ quyết của Tổng thống.
Như vậy để dự luật này được thông qua và trở thành đạo luật chính thức thì cũng không phải là đơn giản.
Dự luật này không phải mới được đề xuất lần đầu. Dự luật này đã được đề xuất ba lần. Lần thứ nhất là vào ngày 6/12/2016(6) ; Lần thứ 2 là vào ngày 15/3/2017(7). Lần thứ ba đề xuất dự luật này bắt đầu từ ngày 17/5/2021 (8).
Với việc đã hai lần đề xuất và trình ra nhưng đã bị thất bại, điều đó cho thấy tương lai"gập ghềnh" của dự luật này trong con đường trở thành đạo luật chính thức.
Chưa kể đến bối cảnh cạnh tranh căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay, việc đưa ra các đạo luật trừng phạt như vậy sẽ tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào tình trạng đối đầu. Trong khi tác dụng của việc trừng phạt như vậy không nhiều. Mới đây, chính phủ của Tổng thống Biden cũng thể hiện quan điểm sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong quan hệ đối ngoại (9). Điều này cũng cho thấy khả năng Tổng thống Biden không dễ dàng chấp nhận một đạo luật như vậy để có thể dẫn tới sự đối đầu Mỹ - Trung.
Tàu nạo vét của Trung Quốc ở đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa hôm 21/5/2015. Reuters
Trong danh sách kèm theo của dự luật, có tên của 24 công ty Trung Quốc bị đề nghị trừng phạt. Theo dự luật nói trên, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với"các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào những hoạt động xây dựng đảo đá nhân tạo hoặc đe dọa sự ổn định của Biển Đông và Biển Hoa Đông". Theo đó, dự luật đề xuất Tổng thống Mỹ áp đặt các biện pháp"phong tỏa tài sản và từ chối cấp thị thực đối với những cá nhân và thực thể Trung Quốc có những đóng góp vào các dự án phát triển ở các khu vực của Biển Đông bị một quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á phản đối, hoặc tham gia các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình hoặc ổn định ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông hoặc trong khu vực Biển Hoa Đông do Nhậ t Bản hoặc Hàn Quốc quản lý". Dự luật cấm các thực thể Mỹ đầu tư hoặc cung cấp bảo hiểm cho các dự án liên quan đến những thực thể bị trừng phạt ở một trong hai vùng biển nói trên. Bộ Ngoại giao Mỹ "phải báo cáo định kỳ với Quốc hội, xác định các quốc gia công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Một số loại viện trợ nước ngoài có thể không được cung cấp cho các quốc gia đó".
Tác động của dự luật này
Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc về các hành vi của họ trên biển Đông đã được một số nhà khoa học đề xuất trước đây. Điển hình như Giáo sư Julian Ku đã đặt vấn đề dùng các biện pháp kinh tế để trừng phạt Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông từ năm 2016 (10).
Đến năm 2018, Giáo sư Ku nhắc lại một lần nữa ý tưởng này (11).
Chúng ta cũng còn nhớ, hồi tháng 8/2020, chính quyền Trump đã quyết định trừng phạt 24 công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo trên biển Đông (12).
Điều này đã khiến quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chưa có nghiên cứu nào đánh giá xem là việc trừng phạt này đã mang lại hiệu quả thực tế như thế nào.
Nếu được chấp thuận, dự luật này sẽ tiếp tục gây nên căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và tình hình an ninh khu vực. Một số chuyên gia cho rằng, dự luật này quá chậm trễ nếu được coi là trừng phạt Trung Quốc đối với các hành động xây đảo nhân tạo của họ. Bởi vì Trung Quốc hiện nay đã hoàn tất việc bồi lấp và quân dự hoá các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Không ai có thể khiến Trung Quốc thay đổi vấn đề này, ngoại trừ sử dụng biện pháp quân sự. Dự luật này chỉ có tác dụng ngay khi Trung Quốc mới bắt đầu quá trình bồi lấp hồi năm 2013. Chính vì vậy, nếu dự luật này được thông qua, việc hạn chế và trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc liên quan đến bồi lấp đảo nhân tạo không có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên, chắc chắn sẽ khiế n mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục trở nên tồi tệ.
Nếu dự luật này được thông qua, các nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam sẽ có thể rơi vào tình trạng khó xử khi sự căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung tiếp tục đe doạ an ninh tại khu vực này.
ASEAN ngày 28/10 cho biết khối này đã nhất trí cùng Trung Quốc nâng cấp quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, một ngày sau khi ASEAN đạt được thỏa thuận tương tự với Australia. Điều này thể hiện sự cân bằng quan hệ giữa các cường quốc của ASEAN. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến Trung Quốc nhân cơ hội này tiếp tục lấn sâu vào việc xâm phạm các vùng biển của các quốc gia biển Đông. Gần đây, các tàu Trung Quốc đã liên tục xâm phạm EEZ của các quốc gia Malaysia, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Malaysia và Philippines đã tỏ thái độ phản kháng khá mạnh mẽ, nhưng Indonesia và Việt Nam thì chọn cách im lặng.
Nguyễn Minh Tường
Nguồn : RFA, 29/10/2021
Đài Loan tập trận bắn đạn thật, mô phỏng cuộc phản công chống đổ bộ (RFI, 31/01/2018)
Quân đội Đài Loan vào hôm qua, 30/01/2018, đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật, mô phỏng một chiến dịch đối phó với một cuộc tấn công đổ bộ lên đảo. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc càng lúc càng gia tăng sức ép trên chính quyền Đài Bắc.
Chiến đấu cơ F-5 của Đài Loan xuất phát từ căn cư không quân tại Đài Đông (Taitung) tham gia tập trận ngày 30/01/2018. Reuters/Tyrone Siu
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, cuộc tập trận huy động cả ba binh chủng hải, lục, không quân, với máy bay dọ thám được cử theo dõi "tàu địch" đang tiến lại gần đảo, trong lúc xe tăng nã pháo vào lực lượng địch đổ bộ lên cảng Hoa Liên (Hualien), bờ biển phía đông Đài Loan, nhìn ra Thái Bình Dương.
Trực thăng chiến đấu cũng lâm trận, thả tín hiệu giả để đánh lừa đối phương, và chiến đấu cơ F-16 mô phỏng các thao tác oanh kích để hỗ trợ cho binh lính ở dưới đất đang chiến đấu với "quân thù" đội mũ đỏ để dễ phân biệt.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan không nói rõ là kịch bản thao diễn thường niên này là dàn dựng một cuộc xâm chiếm từ phía Trung Quốc, nhưng cho biết mục tiêu nhằm "chứng tỏ quyết tâm của Đài Loan bảo vệ an ninh đất nước và hòa bình ở eo biển Đài Loan".
Từ khi bà Thái Anh Văn lên nhậm chức tổng thống Đài Loan, quan hệ Bắc Kinh-Đài Bắc đã căng thẳng hẳn lên.
Tổng thống Đài Loan vào tháng qua đã lên tiếng cảnh báo về hành vi "bành trướng quân sự" của Trung Quốc, với liên tiếp nhiều vụ phô trương sức mạnh không quân và hải quân chung quanh đảo.
Đài Bắc còn phản đối việc Trung Quốc mở những hành lang hàng không mới bên trên eo biển, bị cho là "nguy hiểm" và có "ý đồ chính trị". Chính quyền Đài Loan đảo rất bực tức vì "không được tham khảo ý kiến trước".
Trọng Nghĩa
*********************
TQ bắt nạt doanh nghiệp in bản đồ không công nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh (VOA, 31/01/2018)
Chính quyền Trung Quốc gần đây đã gia tăng các hành vi bắt nạt các quốc gia đã in hoặc hiển thị bản đồ không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên các hòn đảo đang tranh chấp. Trung Quốc đã ra cảnh báo, thông báo và phạt tiền 8 công ty được cho là đã phổ biến các bản đồ không bao gồm các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ, chẳng hạn như Đài Loan, các hòn đảo trên Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư.
Đảo Senkaku/ Điếu Ngư
Trang Zee News nói chuỗi khách sạn Marriott của Hoa Kỳ, hãng hàng không Delta và thương hiệu thời trang Zara trong những tuần gần đây đã gặp phải những rắc rối tương tự.
Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý Quốc gia của Trung Quốc (NASMG) đã ra thông báo, cảnh báo và phạt tiền đối với 8 công ty, trong đó có nhà bán lẻ Muji của Nhật Bản và cổng thông tin Trung Quốc ifeng.com. Truyền thông Trung Quốc đề cập tới danh sách này như 'danh sách xấu hổ' ám chỉ các doanh nghiệp đã làm điều ‘sai trái, đáng xấu hổ’.
Trung Quốc phát hiện 8 trường hợp "bản đồ có vấn đề", tức là theo họ, đã "làm làm sai lệch nghiêm trọng thông tin chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của TQ". Các bản đồ này không nêu tên các đảo trong Biển Đông, Quần đảo Điếu Ngư, Đảo Chiwei hay Đài Loan.
Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền tại quần đảo mà người Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài.
Báo Japan Times trích lời một phát ngôn viên cao cấp của chính phủ Nhật hôm 31/1 nói Tokyo đã lên tiếng bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về việc ra lệnh hủy các ấn phẩm catalogue của nhà bán lẻ Muji có trụ sở ở Tokyo, vì trong đó có in những bản đồ không có quần đảo Điếu Ngư.
Bộ Trưởng Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo :
"Không có tranh chấp lãnh thổ nào để được giải quyết tại quần đảo Senkaku. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận biện pháp dựa trên tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc".
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga.
Bản đồ mà Trung Quốc phản đối được sử dụng trong catalogue phân phối tại một cửa hàng của Muji ở thành phố Trùng Khánh.
Tháng 10 năm ngoái, Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý Quốc gia của Trung Quốc cũng than phiền rằng công ty Ryohin Keikaku đã in bản đồ trên catalogue mà không bao gồm đảo Điếu Ngư, hay các đảo khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết Tokyo đã nêu những quan ngại của phía Nhật với Bắc Kinh vào đêm thứ Ba 30/1 qua các kênh ngoại giao, sau khi biết có lệnh hủy catalogue.
Chính phủ Trung Quốc gần đây tố cáo một số công ty nước ngoài vì đối xử với Đài Loan và Hồng Kông như các quốc gia độc lập. Điều đó phản ánh lập trường cứng rắn hơn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
**************
Biển Hoa Đông : Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn với Nhật Bản (RFI, 31/01/2018)
Tân Hoa Xã hôm qua 30/01/2018 bình luận, vào lúc quan hệ Trung-Nhật gần đây có nhiều tiến triển, Tokyo cần biến lời nói thành hành động nếu muốn cải thiện quan hệ. Thế nhưng về phía Bắc Kinh thì lời nói có gắn liền với hành động hay không ? Tác giả Ben Brimelow trên tờ Business Insider tố cáo "Quân đội Trung Quốc đang chuyển sang chiến thuật hung hăng hơn với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông".
Máy bay tiêm kích SU-27 của Trung Quốc trên không phận Biển Hoa Đông. Ảnh chụp ngày 24/05/2014 và được Bộ Quốc phòng Nhật công bố. Reuters
Theo tác giả, các hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông lâu nay thì đã quá rõ. Trung Quốc dùng đủ mọi biện pháp để tranh giành chủ quyền các hòn đảo tại đây với năm quốc gia khác, còn việc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông tương đối ít gay gắt hơn.
Thế nhưng tình hình bây giờ bắt đầu đổi khác. Bắc Kinh muốn thay đổi nguyên trạng, trực tiếp đe dọa Tokyo. Bên cạnh đó, Nga cũng muốn xây dựng hạm đội Thái Bình Dương trở thành lực lượng đáng kể trong khu vực.
Tờ báo dẫn lời chuyên gia Richard Weitz, giám đốc Trung tâm phân tích quân sự và chính trị thuộc Viện Hudson, nhận định Trung Quốc "muốn xác quyết yêu sách chủ quyền" qua việc buộc phi cơ các nước phải chấp nhận sự kiểm soát của Bắc Kinh trên không phận vùng biển tranh chấp. Còn Nga thì muốn "giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ" tại Nhật. Moskva xung đột với Tokyo về quần đảo Kuril, do quân Liên Xô chiếm của Nhật trong những ngày cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến.
Hiện Trung Quốc và Nga hành động riêng rẽ, nhưng hai cường quốc này có thể xích gần với nhau trong trường hợp Mỹ can thiệp.
Với một sức mạnh Nga tái sinh ở hướng bắc, một Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí nguyên tử ở hướng tây và một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn về quân sự ở hướng tây nam, Nhật Bản có thể bị kẹt trong vòng vây.
Trung Quốc muốn thay đổi nguyên trạng tại Biển Hoa Đông
Trước hết về phía Trung Quốc, đã khởi đầu năm 2018 bằng việc cho một khu trục hạm Type 054 và một tàu ngầm nguyên tử lớp Shang xâm nhập vào vùng biển tiếp giáp Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/1. Điểm khác biệt so với trước đây là việc công khai sử dụng tàu chiến thay vì tàu tuần duyên, và đây là lần đầu tiên một tàu ngầm tấn công được Bắc Kinh điều đến.
Các dữ liệu của chính phủ Nhật Bản được tiến sĩ Nori Katagiri dịch lại cho thấy các vụ xâm nhập của máy bay và tàu Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ kể từ 2012. Phi cơ Trung Quốc chiếm 51% tổng số vụ mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản phải xuất kích ngăn chặn, và càng ngày càng hung hăng hơn. Tháng 8/2017, Bắc Kinh lần đầu tiên cho oanh tạc cơ H-6K có thể mang theo vũ khí nguyên tử bay qua bán đảo Kii của Nhật, và khi Tokyo phản đối, thì được trả lời một cách ngang ngược là "phải tập làm quen" với việc này.
Nhà nghiên cứu Zack Cooper của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói với Business Insider là có hai điều ngăn trở Trung Quốc bớt tung hoành. Đó là quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật, và năng lực vượt trội của quân đội Nhật Bản. Nếu không có Hoa Kỳ, thì Trung Quốc đã ngược ngạo hơn.
Nhật tăng cường sức mạnh quân sự
Tuy nhiên cũng theo ông Cooper, thì "cả Mỹ và Nhật đều biết rằng với quy mô và nhịp độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc hiện nay, thì việc Bắc Kinh vượt qua Tokyo trong nhiều lãnh vực quân sự chỉ còn là vấn đề thời gian". Trong khi chờ đợi, Trung Quốc lấn dần từng bước, duy trì sức ép lên Nhật Bản.
Trước tình hình đó, Nhật phải tăng cường quân đội - chủ yếu là mua thêm nhiều thiết bị quân sự - và có thể sửa đổi Hiến Pháp. Thủ tướng Shinzo Abe vừa chấp nhận cho bố trí hai hệ thống chống hỏa tiễn Aegis Ashore từ đây đến năm 2023. Tháng 6/2017, Nhật Bản cũng sản xuất được chiến đấu cơ tàng hình F-35 đầu tiên. Đây là máy bay chiến đấu tối tân nhất, có thể được sử dụng với phiên bản cải tiến tàu chở trực thăng lớp Izumo, gần như mang lại sức mạnh của một hàng không mẫu hạm. Chính phủ Nhật cũng tăng ngân sách quốc phòng, chú trọng phòng vệ trước hỏa tiễn đạn đạo.
Tuy vậy theo tiến sĩ Katagiri, với Hiến Pháp chủ hòa hiện nay, Nhật Bản đứng trước nhiều trở ngại về luật pháp khi muốn sử dụng các loại vũ khí này.
Thụy My
Mỹ điều động máy bay do thám Bắc Triều Tiên, Trung Quốc (VOA, 26/05/2017)
Không lực Mỹ điều động máy bay do thám không người lái Global Hawk đến căn cứ không quân Yokota phía tây Tokyo để tăng cường do thám Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Hình máy bay do thám không người lái Global Hawk trên báo chí Đài Loan.
Trung tá Jeremy Fields, chỉ huy trưởng phi đoàn Global Hawk ngày 24/5 cho báo giới biết căn cứ nằm gần trung tâm Tokyo dễ dàng hơn cho việc đệ trình kế hoạch các chuyến bay cho Bộ Đất đai, Bộ Hạ tầng Cơ sở, Bộ Giao thông và Du lịch.
Ông không nói rõ các mục tiêu do thám, chỉ nói là không lực Mỹ có nhiều nhiệm vụ tại Thái Bình Dương, như là đối phó với khủng bố và hải tặc cũng như cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, rõ ràng là những máy bay này được dùng để hỗ trợ cho việc do thám trên không và trên biển hiện đang được thực hiện để chống lại Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã liên tiếp phóng phi đạn đạn đạo và cũng đang đẩy mạnh việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Máy bay không người lái Global Hawk đạt đến độ cao khoảng 15.000 mét và bay được khoảng 36 giờ không cần tiếp liệu.
Năm chiếc Global Hawk được điều động đến Căn cứ Không quân Yokota từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam.
Bốn trong năm chiếc đã đến Yokota và 110 nhân viên đã được chuyển từ Guam đến căn cứ này.
Việc triển khai đến Yokota chỉ có tính cách tạm thời, từ giữa tháng 5 cho đến cuối tháng 10 trong khi chờ đợi sửa chữa đường bay của Căn cứ Không quân Misawa ở Aomori nằm ở cực bắc đảo Honshu.
Kể từ năm 2014, một số máy bay Global Hawk đặt căn cứ tại Guam được chuyển sang Căn cứ Không quân Misawa trong mùa hè để tránh thời tiết xấu như các cơn bão có thể ảnh hưởng đến kế hoạch bay.
Tuy nhiên, việc sửa đường bay tại Misawa giữa tháng 5 và tháng 7 đã đưa đến quyết định điều động Global Hawk đến Yokota lần đầu tiên.
Lực lượng Tự vệ Nhật Bản có kế hoạch mua ba chiếc Global Hawk theo Chương trình Phòng vệ Trung hạn trong giai đoạn 2014-2018.
(Nguồn Asahi Shimbun/Jiji)
******************
Mỹ muốn Australia giúp trong vấn đề Biển Đông (VOA, 26/05/2017)
Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong kế hoạch về Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Trump để chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Điện Capitol ngày 25/4/2017.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Australian, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nói việc tăng cường lực lượng hải quân sẽ được Hoa Kỳ và Australia thực hiện nhằm mục tiêu "hòa bình bằng sức mạnh" tại Thái Bình Dương.
Thượng nghị sĩ John McCain, tuần tới sẽ đến Australia để gặp Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ông cho biết Australia sẽ đóng một vai trò lớn hơn theo chiến lược mới của Hoa Kỳ.
Ngân sách 2018 mà Tổng thống Trump đề nghị kêu gọi gia tăng chi tiêu quân sự lên thành 574 tỉ đô la, hơn năm ngoái 10%.
Thượng nghị sĩ McCain cũng hoan nghênh việc Thủ tướng Turnbull quyết định sử dụng 89 tỉ đô la để thay thế và tân trang hạm đội của Hải quân Hoàng gia Australia.
(Nguồn Daily Telegraph/The Australian)
*******************
Trung Quốc yêu cầu Nhật cẩn trọng về radar phòng thủ tên lửa (RFA, 25/05/2017)
Trung Quốc lên tiếng nói là Nhật Bản nên cẩn trọng trong kế hoạch sản xuất vũ khí của mình, sau khi có tin nói là Tokyo và Washington đang hợp tác để chế tạo một loại radar phòng thủ chống hỏa tiễn.
Mô hình hệ thống phỏng thủ THAAD Mỹ dự định dựng ở Nam Hàn - AFP photo
Nguồn tin trên nói với hãng Reuters rằng Nhật Bản đang bỏ tiền sản xuất loại radar theo kiểu trang bị của tàu chiến Aegis của Mỹ, nhưng sẽ được đặt trên đất liền. Và sở dĩ có kế hoạch này vì Nhật đang e ngại khả năng tấn công bằng hỏa tiễn của Bắc Hàn đang lên cao và có thể bắn bất cứ vị trí nào trên quần đảo Nhật Bản.
Nói với báo chí trong một cuộc họp báo hàng tháng, người phát ngôn bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng chuyện phòng thủ phải dựa trên lòng tin giữa các quốc gia, và sở dĩ Trung Quốc phải dè chừng những động thái quân sự của Nhật Bản vì quá khứ xâm lược của quốc gia này.
Cũng xin nhắc lại là Trung Quốc cũng cực lực phản đối việc lắp đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc vì cho rằng hệ thống này có thể dò thám sâu bên trong nội địa Trung Quốc.
********************
Trung Quốc : Không sử dụng Vành Đai-Con Đường cho quân sự (RFA, 25/05/2017)
Trung Quốc không có ý định sử dụng sáng kiến Vành đai - Con đường cho mục đích quân sự hay gây ảnh hưởng đến các vấn đề quốc tế. Đó là tuyên bố được người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra hôm 25 tháng 5.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón các lãnh đạo tham gia diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 14 Tháng 5 năm 2017. AFP photo
Nói tại buổi họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Trung Quốc không tìm cách để lèo lái những vấn đề quốc tế hay gây ảnh hưởng và sẽ không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước khác.
Sáng kiến Vành đai - Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng và được coi như là một chính sách quan trọng mở rộng kết nối giữa Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.
Tại thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai Con đường diễn ra vào hồi giữa tháng này, Trung Quốc cam kết đầu tư 124 tỷ đô la cho kế hoạch, hứa là sẽ thúc đẩy con đường hòa bình và tự do thương mại.
Tuy nhiên tham vọng của Trung Quốc đã khiến một số nước lo ngại, đặc biệt là Ấn Độ và một số nước Châu Âu. Những nước này nghi ngờ Trung Quốc đang sử dụng kế hoạch này để tạo ảnh hưởng, thiết lập các cơ sở quân sự tại nước ngoài bằng việc xây dựng các cảng biển ở Pakistan, Sri Lanka và Hy Lạp.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cáo buộc này là không có căn cứ.