Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Triều Tiên : Không tiếp xúc nếu Mỹ vẫn giữ "chính sách thù địch"

Thanh Phương, RFI, 18/03/2021

Bắc Triều Tiên sẽ không có bất cứ tiếp xúc nào với Hoa Kỳ chừng nào Washington chưa từ bỏ điều mà Bình Nhưỡng gọi là "chính sách thù địch" đối với nước này.

bactrieutien1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong hội thảo với các bí thư thành phố và quận của đảng Lao Động, ngày 04/03/2021 ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Ảnh minh họa do KCNA cung cấp.  AP

Theo hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên, được hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn, hôm nay, 18/03/2021, thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Bắc Triều Tiên, Choe Son Hui đã tuyên bố "Sẽ không có bất cứ tiếp xúc nào với Hoa Kỳ và sẽ không có đối thoại nào trước khi Hoa Kỳ chấm dứt chính sách thù địch đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Cho nên, trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục không quan tâm đến những nỗ lực nối lại liên lạc từ phía Mỹ".

Bình Nhưỡng đưa ra lời cảnh báo nói trên vào lúc hai bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại giao Anthony Blinken của Hoa Kỳ đang ở Seoul trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á để tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, cũng như với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Ngày 18/03, hai ông Austin và Blinken vừa kết thúc hội đàm với các đồng nhiệm Hàn Quốc trong khuôn khổ cuộc họp 2+2. Theo hãng tin Yonhap, trong cuộc họp này, lãnh đạo Quốc phòng và Ngoại giao của hai nước đã nhấn mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên vẫn là một ưu tiên, đồng thời cam kết sẽ giải quyết các vấn đề này với một chiến lược phối hợp.

Trong bản tuyên bố chung, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết bảo vệ Hàn Quốc với "toàn bộ khả năng của Mỹ", đồng thời kêu gọi hai nước duy trì "tư thế sẵn sàng" để đối phó với "mọi hiểm họa chung" thông qua "các cuộc thao dượt và huấn luyện chung".

Hãng tin AFP nhắc lại là kể từ khi tổng thống Joe Biden nhậm chức, chính quyền mới của Mỹ đã tìm cách nối lại tiếp xúc với chế độ Bình Nhưỡng, nhưng vẫn chưa được phía Bắc Triều Tiên hồi đáp. Trong tuyên bố ngày 18/03, thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Choe Son Hui thậm chí đã không nhắc đến tên ông Biden, mà chỉ gọi chung chung là "chế độ mới" ở Mỹ. Hôm thứ Ba 16/03, người em đầy thế lực của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bà Kim Yo Jong, đã nói là muốn đưa ra "một lời khuyên cho chính quyền mới của Mỹ đang tìm cách gieo rắc mùi thuốc súng lên đất nước chúng ta". Bà Kim Yo Jong tuyên bố như trên sau khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ vào tuần trước bắt đầu các cuộc thao dượt quân sự chung.

Ngày 18/03, tại Seoul, ngoại trưởng Mỹ Blinken đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng "ảnh hưởng rất lớn" của họ để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh rằng chiếu theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh có nghĩa vụ tuân thủ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên về các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Thanh Phương

*********************

Mỹ-Hàn đối thoại 2+2 tìm cách đối phó với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng

Anh Vũ, RFI, 17/03/2021

Sau Tokyo, hôm 17/03/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Seoul tiếp tục cuộc gặp 2+2 với các đồng nhiệm Hàn Quốc nhằm khẳng định lại những cam kết chung đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Tiều Tiên và tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

bactrieutien2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) nói chuyện với nhân viên sứ quán Mỹ ở Trung Tâm Hoa Kỳ Hàn Quốc, Seoul, ngày 17/03/2021  Reuters - POOL

Hàn Quốc là chặng thứ 2 trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của lãnh đạo Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ. Cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc là đồng minh then chốt của Hoa Kỳ mà chính quyền Joe Biden đặt trọng tâm cần phải thẳt chặt thêm quan hệ đối tác ở Châu Á trong chiến lược ngăn chặn gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trước khi rời Tokyo, ngoại trưởng Blinken đã tố cáo Bắc Kinh không ngừng trấn áp trong nước và hung hăng hơn ở bên ngoài, đặc biệt trong vùng Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông và với Đài Loan. Ông Blinken tuyên bố : "Điều quan trọng với chúng ta là phải cùng nhau khẳng định rõ là Trung quốc không thể cứ hy vọng hành động mà không bị trừng phạt".

Hồ sơ Bắc Triều Tiên cũng sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc họp 2+2 tại Hàn Quốc, nơi 28500 quân Mỹ bảo đảm an ninh cho đồng minh trước mối đe dọa thường trực từ Bắc Triều Tiên. Hợp tác quốc phòng chặt chẽ Mỹ- Hàn khiến Bình Nhưỡng bực tức và thường có những hành động khiêu khích quân sự mỗi khi hai nước đồng minh tiến hành các cuộc tập trận chung.

Từ khi lên nắm quyền, chính quyền Joe Biden đã cố gắng nối lại các cuộc đối thoại với chế độ Kim Jong-un nhưng dường như đến lúc này chưa thấy có dấu hiệu Bình nhưỡng đáp lại, ngoài một phát ngôn của Kim Yo Jong, em gái Kim Jong-un, một lãnh đạo có ảnh hưởng trong chế độ, nhân dịp quân đội Mỹ- Hàn tiến hành cuộc tập trận thường niên tuần trước : " Washington đừng nên làm gì để phải mất ngủ nếu các vị muốn được ngủ ngon trong 4 năm tới", ám chỉ đến nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden.

Ngày mai, các quan chức Mỹ sẽ gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, một người có nhiều nỗ lực với chính quyền Doanld Trump để làm giảm căng thẳng với Bắc Triều Tiên từ năm 2018.

Mặc dù đã có những dấu ấn biểu tượng, với các cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc với Kim Jong-un, nhưng từ 2018 đến nay hồ sơ Bắc Triều Tiên vẫn không hề có tiến bộ nào. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân quân sự và chịu những trừng phạt nghiêm ngặt của cộng đồng quốc tế và Mỹ.

Anh Vũ

Published in Châu Á

Tên lửa Bắc Triều Tiên : Bình Nhưỡng thông báo thử động cơ mới (RFI, 08/12/2019)

Trong bản tin Chủ Nhật 08/12/2019, Bình Nhưỡng khẳng định "một cuộc thử nghiệm quan trọng" tại căn cứ phóng vệ tinh Sohae đã thành công, có thể làm thay đổi "quy chế chiến lược" của Bắc Triều Tiên. Theo giới chuyên gia quân sự, rất có thể đây là động cơ mới trang bị tên lửa. Và cũng rất có thể đây "món quà Giáng Sinh" mà lãnh đạo Kim Jong-un hứa tặng cho tổng thống Donald Trump để gây áp lực.

tenlua1

Cơ sở thử nghiệm tên lửa Sohae tại miền tây Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp từ vệ tinh, ngày 03/03/2019. Reuters (Ảnh minh họa)

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias giải thích :

"Thử nghiệm được thực hiện vào trưa thứ Bảy với hệ quả là sẽ làm thay đổi "quy chế chiến lược" của Bắc Triều Tiên. Chế độ Kim Jong-un chỉ thông báo ngắn ngủi như vậy và không cho biết gì thêm. Tuy nhiên, từ nhiều ngày qua, dựa trên hình ảnh vệ tinh, giới phân tích dự đoán Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử nghiệm một động cơ mới, trên mặt đất.

Thử nghiệm này là tín hiệu Bắc Triều Tiên sắp phóng phi thuyền đủ khả năng đưa một vệ tinh lên quỹ đạo. Thế nhưng, hành động phóng vệ tinh bị Liên Hiệp Quốc ngăn cấm bởi vì Hội Đồng Bảo An xem đó là một hình thức thử tên lửa liên lục địa trá hình.

Năm vừa qua, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã cam kết dẹp bỏ cơ sở phóng tên lửa Sohae nhưng đến tháng Ba năm nay, khi đàm phán Mỹ-Triều bế tắc, vệ tinh quan sát phát hiện Bình Nhưỡng cho xây dựng lại căn cứ thử nghiệm này.

Tin thử động cơ được thông báo sáng hôm nay, Chủ Nhật, có thể xem là một hành động khiêu khích nhằm gây thêm áp lực với Mỹ. Bình Nhưỡng đòi hỏi Washington ký một hiệp định về hạt nhân và giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên trước cuối năm nay. Tuy nhiên, Washington cho thấy họ không hề có ý định nhượng bộ tối hậu thư của Bắc Triều Tiên".

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, bước kế tiếp của Bình Nhưỡng là phóng tên lửa liên lục địa nếu tổng thống Donald Trump vẫn làm ngơ. Được báo chí đặt câu hỏi vào lúc có tin Bắc Triều Tiên ráo riết chuẩn bị tại Sohae, chủ nhân Nhà Trắng nhắc khéo Kim Jong-un : "Anh ta biết tôi sắp tái tranh cử cho nên chắc là không can thiệp vào bầu cử Mỹ đâu".

Tú Anh

********************

Bắc Triều Tiên xúc tiến cuộc 'thử nghiệm rất quan trọng' (BBC, 08/12/2019)

Bắc Hàn cho biết đã thực hiện một "thử nghiệm rất quan trọng" tại một địa điểm phóng vệ tinh.

tenlua2

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un (giữa) cho đến nay vẫn kín tiếng về thử nghiệm mới nhất

Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết kết quả sẽ được sử dụng để nâng cấp vị thế chiến lược của đất nước, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Các nhà phân tích tin rằng đây có thể là một thử nghiệm trên mặt đất của động cơ dùng để cung cấp năng lượng cho bệ phóng vệ tinh hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Cuôc thử nghiệm xảy ra sau khi Bình Nhưỡng có vẻ khép các cánh cửa đàm phán tiếp theo với Mỹ.

"Chúng tôi không cần phải có các cuộc đàm phán kéo dài với Mỹ bây giờ và phi hạt nhân hóa đã ra khỏi bàn đàm phán", đặc phái viên của Bắc Hàn tại Liên Hiêp Quốc, Kim Song, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

Bắc Hàn đã đưa ra thời hạn cuối năm để Mỹ phải đưa ra một thỏa thuận phi hạt nhân hóa mới, có liên quan đến việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt quan trọng, và nói rằng nếu không Bình Nhưỡng sẽ đi theo một "con đường mới".

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận.

Ông Trump đã biến việc theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên thành một phần chính trong chính sách đối ngoại của mình năm 2018 nhưng đã không đưa ra những nhượng bộ đáng kể về phi hạt nhân hóa, mặc dù đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và thậm chí đặt chân tới Triều Tiên.

Cuộc thử nghiệm mới nhất diễn ra tại địa điểm phóng vệ tinh Sohae mà Mỹ từng nói ông Kim đã hứa sẽ đóng cửa.

"Kết quả của cuộc thử nghiệm quan trọng gần đây sẽ có tác động quan trọng trong việc thay đổi vị trí chiến lược của DPRK [Triều Tiên] một lần nữa trong tương lai gần", KCNA báo cáo.

Mặc dù phải đối mặt với một loạt các lệnh trừng phạt của Liên Hiêp Quốc và các lệnh trừng phạt khác đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, Triều Tiên đầu năm nay đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Và đầu tuần này, họ đã đổi mới các cuộc tấn công bằng lời với ông Trump lần đầu tiên sau hơn một năm, sau khi ông nói rằng Hoa Kỳ bảo lưu quyền sử dụng lực lượng quân sự chống lại đất nước.

Các nhà phân tích tin rằng Triều Tiên có thể phóng một vệ tinh không gian nếu không có được một sự nhượng bộ từ Mỹ.

Điều này sẽ cho phép Bắc Hàn thử nghiệm và phô trương khả năng tên lửa của mình theo cách ít khiêu khích hơn là phóng tên lửa đạn đạo tầm xa.

Published in Quốc tế

Phải chăng Washington bị động trước các cuộc tấn công ngoại giao của Bình Nhưỡng ? Bởi vì, giới chuyên gia hầu như đều có cùng một nhận định : "Minh tinh" của lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang chính là Bắc Triều Tiên. Mọi cặp mắt đều hướng về phái đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên và hơn 200 cô hoạt náo viên xinh đẹp.

pyong1

Em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, cô Kim Yo-jong đến sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc hôm 09/02/2018. Reuters

Nhưng có lẽ tâm điểm của sự kiện chính là sự hiện diện của Kim Yo-jong, em gái út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, làm lu mờ hình ảnh của phó tổng thống Mỹ Mike Pence trên khán đài ngồi cách nhân vật này chỉ có vài mét.

Đồng thời, giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế còn quan tâm đến mọi cuộc đón tiếp cả hai nhân vật cao cấp Kim Yo-jong và chủ tịch Quốc Hội Kim Yong-nam, trên nguyên tắc là bị xem vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc. Bởi vì cả Kim Yo-jong và Kim Yong-nam đều có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Không biết quyết định gởi hai nhân vật này đến Seoul có nhằm để trêu tức Hoa Kỳ hay không, nhưng để cho đại diện Bình Nhưỡng được tham dự lễ khai mạc, chính quyền Hàn Quốc buộc phải xin ý kiến của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ.

Hình ảnh lần đầu tiên một thành viên của gia đình lãnh đạo họ Kim bước qua vĩ tuyến 38 và được tiếp đón trọng thị tại Nhà Xanh, phủ tổng thống Hàn Quốc thật sự là một thành công ngoại giao của Bình Nhưỡng, theo như nhận xét của thông tín viên đài RFI, Frédéric Ojadias tại Seoul trong bài tường trình ngày 11/02/2018 :

"Truyền thông và công chúng Hàn Quốc đã bị Kim Yo-jong quyến rũ. Nụ cười khó hiểu luôn nở trên môi, cách ăn mặc giản dị đã bị soi kỹ mỗi lần cô xuất hiện như khi đến dùng bữa với tổng thống Hàn Quốc hay dự trận đấu khúc côn cầu trên băng của đội nữ chung hai miền.

Bị Hoa Kỳ trừng phạt vì vai trò của cô trong việc vi phạm nhân quyền ở miền Bắc, người phụ nữ trẻ đã được đón tiếp trọng thị ở phía Nam. Cô đã kết thúc chuyến thăm bằng bữa cơm trưa với thủ tướng và dự một buổi trình diễn của dàn nhạc Bắc Triều Tiên.

Đối mặt với cô, Hoa Kỳ đã bị thua trong trận chiến truyền thông. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence – đang viếng thăm Hàn Quốc – gượng gạo nhắc lại các vụ hành quyết của chế độ. Nhưng hành động khăng khăng từ chối gặp đại diện Bắc Triều Tiên bị một số chuyên gia đánh giá là phản tác dụng".

Hoa Kỳ gần đây còn chua chát thừa nhận là Bắc Triều Tiên đã hủy vào giờ chót một cuộc gặp bí mật giữa Mike Pence và đại diện Bắc Triều Tiên bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông. Và dường như Bắc Triều Tiên vẫn còn đang muốn thử sức "chịu đựng" của Hoa Kỳ, nên thứ Năm 22/02 thông báo tiếp cử tướng Kim Yong-chol, phụ trách quan hệ liên Triều của đảng Lao Động, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Bắc Triều Tiên dự lễ bế mạc Thế vận hội Pyeongchang vào Chủ nhật 25/02.

Đây có lẽ là một cơn ác mộng cho chính quyền Seoul. Bởi vì Kim Yong-chol, phó chủ tịch Ban thường vụ trung ương Đảng cũng nằm trong danh sách bị cấm vận do bị cáo buộc đã tổ chức vụ bắn chìm chiếc tuần dương hạm Cheonan năm 2010, làm thiệt mạng 46 binh sĩ Hàn Quốc. Một lần nữa chính quyền Seoul đành phải tạm thời dỡ bỏ cấm vận để cho phép phái đoàn đến tham gia lễ bế mạc.

Phe đối lập tại Hàn Quốc giận dữ trước việc tổng thống Moon Jae-in đã chấp nhận chuyến viếng thăm này. Phát ngôn viên đảng Tự Do Triều Tiên xem đấy như là một "sự sỉ nhục" quốc thể.

Theo nhận định của thông tín viên Frédéric Ojardias, quyết định "trêu tức" này của Bình Nhưỡng chỉ có thể được giải thích qua ba lý do : Thứ nhất là nhằm thăm dò mức độ thiện chí cải thiện quan hệ của Seoul. Thứ hai là tiếp tục gây chia rẽ người dân Hàn Quốc và cuối cùng là tạo áp lực do việc Hàn Quốc vừa thông báo tiếp tục tập trận chung Mỹ - Hàn khi Thế Vận Hội kết thúc.

Bản ghi nhớ FBI : Donald Trump "cao tay ấn" hơn Nixon

Tháng Hai này còn được mở đầu bằng việc tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 03/02/2018 đã cho phép công bố bản ghi nhớ của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mỹ, chỉ trích FBI đã "lạm quyền" trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo nhận định của sử gia Corentin Sellin, chuyên gia về Hoa Kỳ trên đài RFI, việc cho công bố bản ghi nhớ này là một "chiến dịch chính trị nhằm đánh lạc hướng công luận" của ông Donald Trump :

"Điểm đối chiếu duy nhất ở đây đương nhiên là Nixon, tổng thống Nixon, người cũng từng gặp khó khăn với tư pháp và FBI vào thời điểm xảy ra vụ Watergate, và ông cũng đã có cùng phương pháp tìm cách cản trở cơ quan tư pháp và cơ quan điều tra mà FBI là đại diện. Nhưng ông ấy đã thất bại.

Do đó, ông Trump muốn đạt được điều mà ông Nixon đã không làm được, và nhất là muốn ngăn chặn hay chí ít cũng là ngầm phá hỏng cuộc điều tra hiện do FBI và công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành trong nghi án thông đồng giữa nhóm cộng sự thân cận của Donald Trump và Nga.

Ông Trump chưa bao giờ chịu đựng được cuộc điều tra này. Và bản ghi nhớ đó – chúng ta gần như có thể nói là được Nunes (bên đảng Cộng Hòa) soạn thảo theo yêu cầu của Trump đã cho phép ông có thể buộc tội FBI, có thể hạ uy tín của tư pháp và đương nhiên theo đó là ngưng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller.

Dù rằng một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa có thể cảm thấy bức xúc về hành động này, nhưng người ta cũng khó đoán được điều gì có thể ngăn cản ông Trump thực hiện. Vì thế mà họ rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có và khó có thể dự đoán".

Có điều khi lên án FBI "thiên vị" trong điều tra nhưng phải chăng bản thân ông Donald Trump cũng đang làm điều tương tự ? Bởi vì, vào ngày 09/02/2018, tổng thống Mỹ đã không chấp nhận cho công bố báo cáo của phe Dân Chủ viện dẫn lý do bản ghi nhớ "chứa nhiều thông tin mật, đặc biệt nhạy cảm" cho an ninh quốc gia Mỹ.

Washington đổi chiến thuật vũ khí hạt nhân

Một sự kiện khác đáng chú ý tại Mỹ là Bộ quốc phòng nước này ngày 02/02 ra một báo cáo cho biết ý định trang bị các loại vũ khí hạt nhân loại nhỏ, có sức công phá thấp. Chiến lược mới này của Mỹ được dựa trên những đánh giá xem sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc, nhất là từ Bắc Triều Tiên là những hiểm họa tiềm tàng. Báo cáo này đã khiến Moskva và Bắc Kinh giận dữ chỉ trích.

Theo giải thích của chuyên gia Corentin Brustlein, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu an ninh, Viện Quan hệ quốc tế Pháp trên đài RFI, trong bối cảnh này, Hoa Kỳ không thể tiếp tục giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược của mình và phải có những thay đổi linh hoạt trong cách sử dụng vũ khí này.

"Người ta đề cao khả năng mới của vũ khí nguyên tử. Không phải là loại vũ khí mới theo cách hiểu thông thường, ví dụ hình dạng, chủng loại. Đó chẳng qua chỉ là một cách sử dụng mới những khả năng hạt nhân sẵn có. Những gì ta thấy, quả thật là người ta đặt trọng tâm vào loại vũ khí được gọi là phi chiến lược.

Tức là khả năng sử dụng loại vũ khí nguyên tử có tầm bắn ngắn và sức công phá hạn chế, so với vũ khí chiến lược. Trong hệ thống vũ khí chiến lược của Mỹ, người ta đã có khả năng linh hoạt khá lớn trong các giải pháp tấn công có giới hạn.

Nhưng chính quyền Mỹ cho rằng mức độ linh hoạt này chưa đủ. Bởi vì vũ khí chiến lược phụ thuộc quá nhiều vào oanh tạc cơ chiến lược hay không quân nói chung. Hệ thống này đặt ra nhiều vấn đề về khả năng ứng phó, đáp trả nhanh, kín đáo và dễ bị tấn công. Do vậy, chiến lược hạt nhân mới đã đặt trọng tâm vào những loại vũ khí nguyên tử có thể trang bị cho tầu ngầm".

Syria : "Hỏa Diệm Sơn" thật sự của thế giới ?

Nhưng có lẽ không đâu nóng bỏng bằng tình hình Syria. Từ Nam, Trung, Bắc đều bừng bừng khói lửa không khác gì một "Hỏa Diệm Sơn". Tuy nhiên tình tiết gây bất ngờ nhất cho giới quan sát là căng thẳng giữa Israel và Iran bất ngờ bùng lên.

Sau khi phát hiện một chiếc máy bay không người lái thâm nhập lãnh thổ mà theo Tel Aviv là của Iran và được phóng đi từ Syria, quân đội Israel đã oanh kích dữ dội vào các vị trí quân sự của cả Syria lẫn Iran trên lãnh thổ Syria. Phòng không Syria đã đáp trả và hệ quả là lần đầu tiên không quân Israel bị mất một chiếc F-16.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đều cho rằng khó có khả năng leo thang quân sự giữa Iran và Israel dù cả hai nước luôn luôn trong trạng thái thù nghịch từ nhiều năm qua. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý là chiếc máy bay không người lái của Iran được thiết kế lại là từ chiếc máy bay của Mỹ mà quân đội Iran chiếm được vào năm 2011.

Giới quan sát nghĩ rằng vụ thâm nhập lãnh thổ Israel lần rồi là dịp để Tehran thử nghiệm chiếc máy bay không người lái trên, vốn dĩ có những chức năng vận hành giống như chiếc drone của Hoa Kỳ.

Đây chính là điểm mới nhất lý giải vì sao Israel có phản ứng dữ dội theo như nhận xét của bà Mada Sabeh, tiến sĩ về triết học chính trị, trường Đại học Paris Descartes trên đài France 24.

"Có rất nhiều vụ xâm nhập lãnh thổ Israel, nhưng thường là từ phía Syria hay từ phe Hezbollah của Lebanon. Điểm mới nhất, theo như phía Israel là lần này do Iran thực hiện, bằng một chiếc máy bay không người lái của Iran. Hệ quả là một cuộc xung đột trực tiếp diễn ra giữa Iran và Israel. Đấy mới chính là điểm mới lớn. Vì vậy mà Israel muốn đáp trả bằng vũ lực, để cho thấy là Iran không thể xâm nhập lãnh thổ nước này".

Bên cạnh nguy cơ xung đột Iran – Israel tại vùng biên giới phía nam Syria, thế giới lại hồi hộp trước nguy cơ đối đầu giữa Ankara và Damascus tại vùng Afrin, phía Bắc Syria. Từ hơn một tháng nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch "Cành ô liu" nhắm vào người Kurdistan mà Ankara xem là "khủng bố".

Tuy nhiên, hôm 20/02, Damascus thông báo gởi lực lượng dân quân thân chính phủ đến vùng này theo lời mời của các lãnh đạo người Kurdistan tại vùng tự trị Afrin. Theo quan điểm của ông Igor Delanoe, trợ lý giám đốc Đài Quan sát Nga – Pháp tại Moskva và chuyên gia về Trung Đông, diễn tiến mới này dường như có lợi cho cả Nga và Syria.

"Công thức dường như được đưa lên hàng đầu là các lực lượng dân quân thân chính quyền Damascus sẽ được triển khai tại Afrin. Nếu cách thức này hoạt động tốt và được phía Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận, thì có lẽ đó là một tin tốt đẹp đối với Nga bởi vì điều này cho phép chính quyền Syria chiếm lại được một phần lớn khu vực Afrin mà Damascus đã bị mất chủ quyền trên thực tế mà không cần lao vào cuộc chiến.

Syria đã đáp lại lời kêu gọi của lực lượng Kurdistan bảo vệ họ, bằng cách can thiệp đứng giữa lực lượng Kurdistan và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Do vậy, tôi cho rằng đây là một tin tốt đẹp đối với chế độ Damascus và cả Nga. Mặt khác, cũng có thể coi đây là một tin lành vì điều này tạo tiền lệ và sẽ được áp dụng ở những khu vực phía bắc Syria, góp phần hạn chế căng thẳng".

Và cuối cùng là "lò lửa" Đông Ghouta. Những ngày qua quân đội Syria dưới sự yểm trợ của không quân Nga đã dồn dập oanh kích vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Hàng trăm người thiệt mạng mà phần đông là trẻ em. Thế giới phẫn nộ lên tiếng kêu gọi chế độ Damascus chấm dứt thảm sát thường dân. Hình ảnh cảnh đổ nát, cảnh chết chóc tang thương cho thấy "phương Tây đang bất lực trước thảm kịch Syria" như hàng tít lớn trên trang nhất báo Le Figaro ngày 22/02/2018.

Minh Anh

Published in Châu Á